Học giả Cao Huy Thuần
NỖI
ĐAU
Cao Huy Thuần
Anh Chu
Hảo vừa bị "kỷ luật" của đảng mà anh là đảng viên. "Kỷ luật"
ấy là việc nội bộ chăng? Dư luận đã trả lời: thực chất, đó là một bản án, không
phải riêng gì đối với anh Chu Hảo mà đối với tất cả trí thức. Bởi vậy, ai tự thấy
mình là trí thức đều cảm thấy có liên quan. Đã có những thư chung. Đã có những
"kiến nghị" viết rất sắc sảo và trí thức. Tôi có thể nói thêm ở đây một
nỗi đau tuy rằng ai cũng biết, cũng nói, cũng lo: nỗi đau lạc hậu về văn hóa.
Con người
không thể có tư tưởng nếu không biết so sánh những cái khác nhau, nghĩa là
không biết tranh luận. Mà tranh luận trước hết là tranh luận với chính mình.
Trí thức là người luôn luôn "tự" tranh luận với chính mình, luôn luôn
trăn trở. Trăn trở là để lớn lên, như trẻ con biết lật. Bởi vậy, một cái đầu
khai sáng là một cái đầu đã từ giã tình trạng vị thành niên, tự mình bước đi,
không vịn vào ai để dẫn đi. Thế kỷ 18 của Âu châu đã bước vào Khai Sáng như vậy.
Chẳng lẽ anh Chu Hảo phải trở lại tình trạng vị thành niên để bám vào những thế
lực của thế kỷ 17, 16, trung cổ mà bước? Đâu phải anh, cũng như chúng ta, cũng
như bao nhiêu thế hệ đã từng đọc những sách mà anh xuất bản, xem những sách ấy
là thánh hiền phải vịn vào mới bước được? Ấy chỉ là tri thức, thế giới đều biết,
và ai cũng biết: không có tri thức thì không có tư tưởng. Ai cũng biết: một đất
nước suy vong về văn hóa, hạn hán trong tư tưởng, thui chột những cái đầu biết
suy nghĩ, phê phán, là một đất nước thiếu văn minh. Không có tư tưởng thì làm
nô lệ mà không biết mình là nô lệ.
Nỗi lo
lạc hậu không mới mẻ gì, nhưng nỗi đau đến từ một biện pháp mà ai cũng xem như
một bước thụt lùi đáng sợ trong chính sách đối với trí thức khiến ai cũng muốn
bật lên thành tiếng, không phải tiếng khóc hay tiếng than, mà là tiếng bất
bình. Không ai muốn tương lai nặng trĩu những bất bình như thế.
Cao Huy Thuần
30-10-2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét