BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sông Thạch Hãn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sông Thạch Hãn. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

THẠCH HÃN GIANG – Thơ Nguyễn Khuyến

Chép lại bài anh Tam Ngng đăng trên trang facebook Đồng Môn NguyễnHoàng.

Mời mọi người đọc một bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến viết về dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị.
 
Sông Thạch Hãn (Ảnh trên internet)
 

THẠCH HÃN GIANG
石澣江
 
石澣江流一棹橫,
夕霞晻曖遠山明。
西風何處吹塵起,
不以年前徹底清。
阮勸
 
Âm Hán Việt:
 
THẠCH HÃN GIANG
 
Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành,
Tịch hà yểm ái viễn sơn minh.
Tây phong hà xứ xuy trần khởi,
Bất dĩ niên tiền triệt để thanh.
                    Nguyễn Khuyến.
 
NGHĨA:
 
SÔNG THẠCH HÃN
 
Trên dòng Thạch Hãn một chiếc đò đang sang ngang,
Ráng chiều lấp lóa làm sáng dãy núi xa.
Gió tây từ đâu thổi tới làm bụi bay lên,
Không còn nữa [dòng nước] trong tới đáy như lúc trước nữa.
 
Nguyễn Khuyến đỗ tam nguyên năm 1871, lúc 36 tuổi, khi Pháp đã chiếm xong 6 tỉnh miền tây, chuẩn bị thôn tính Bắc Hà. Năm 1882 Hà thành thất thủ, năm 1883 Nam Định tiếp tục rơi vào tay Pháp. Năm 1884, Nguyễn Khuyến cáo lão từ quan về sống ẩn dật nơi quê nhà. Bấy giờ ông mới 49 tuổi.
Bài thơ hẳn được viết lúc ông còn làm quan, nhân một lần trên đường từ kinh về quê qua đò ngang trên sông Thạch Hãn. Bài thơ nặng trĩu tâm sự của ông đối với thời cuộc.

TẠM DỊCH:
 
Một chuyến đò ngang Thạch Hãn giang,
Non xa lấp lóa ráng chiều vàng.
Bỗng đâu ngọn gió tây mù bụi,
Hết một dòng sông tận đáy trong.
 
Ghi chú:
 
- 石澣: tên con sông ở Quảng Trị. Trong nhiều tài liệu chữ Hán xưa, tên sông thường được ghi là 石捍Thạch Hãn. Dân gian thì thường hiểu thạch hãn = mồ hôi đá, tức “hãn” là chữ hãn này . Chữ trong nhan đề đúng ra đọc là cán/hoán/hoãn (胡玩切). Bản chữ Hán chép lại từ trang thivien.net, ở đó có ghi chú:

Nguồn: Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến, Trần Văn Nhĩ, NXB Văn nghệ, 2005

- 一棹 nhất trạo: một mái chèo, một chuyến đò. Trạo (như trạo ) = mái chèo, cũng mượn chỉ chuyến đò. còn đọc là "trác" = cái bàn nhỏ (như chữ trác ).
- 晻曖 yểm ải: nhiều, mù mịt; lúc bị che lúc lộ ra.
- 西風 tây phong: gió tây, tức gió tây nam, gió Lào.
- 年前 niên tiền: năm trước, thời gian trước.
- 徹底 triệt để: [nước trong] đến tận đáy.
 

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

SÔNG THẠCH HÃN, NGUỒN GỐC ĐỊA DANH / Yến Thọ - Trương Thị Thúy Kiều

Nguồn:
https://tapchicuaviet.com.vn/nguoi-dat-que-huong/song-thach-han-nguon-goc-dia-danh-8202.html


Sông Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, có chiều dài tới 155km, có lưu lượng dòng chảy trung bình năm khoảng 130m/s, có nhiều phụ lưu (37 phụ lưu) với lưu vực rộng lớn tới 2.600km2, chiếm tới hơn 50% diện tích của tỉnh 1.
 
Xét trên hình thế địa cuộc của tiểu vùng phía nam (thuộc huyện Triệu Phong - xưa là huyện Lợi Điều/Đăng Xương/Võ Xương/Thuận Xương và huyện Hải Lăng - xưa là huyện An Nhân) nói riêng và toàn địa hạt nói chung, sông Thạch Hãn được coi là long mạch chủ đi kèm với Non Mai/Mai Lĩnh sơn/núi Mai Lĩnh để trở thành cặp đôi sông núi biểu trưng văn hoá Quảng Trị: Non Mai - Sông Hãn.
 
Sông Thạch Hãn trên bản đồ

Sách “Đại Nam nhất thống chí” của triều Nguyễn mô tả: Sông Thạch Hãn “ở hai huyện Ðăng Xương và Hải Lăng, phát nguyên từ trong sách Man, chảy về tây bắc hơn 40 dặm đến bãi Ái Tử, lại chảy chừng 33 dặm, thì có nước nguồn Viên Kiệu chảy vào, rồi chảy sang phía đông nam chừng 10 dặm, qua cửa Ngưu Cước, tục gọi là nguồn Trang, lại 17 dặm qua bến Lương Mai, lại 14 dặm qua bến Trinh Thạch, lại 2 dặm thì có dòng khe phía nam qua phường Trà Trì mà chảy vào, lại chảy 17 dặm qua khe Trái, lại chảy 15 dặm qua phía đông chợ Như Lệ, lại chảy 16 dặm qua xã Thạch Hãn, ở đây có một thân đá nhô lên mặt nước, nằm ngang từ tả sang hữu, cốt đá chập chùng, lại chảy 10 dặm qua bến đường quan ở phía tây thành đạo Quảng Trị, lại ba dặm qua ngã ba Cổ Thành, đến địa phận 2 xã An Tiêm và Xuân An thì chia làm 2 nhánh: một nhánh chảy về phía đông nam vào sông Vĩnh Ðịnh; một nhánh chảy về phía đông bắc 11 dặm qua ngã ba Vĩnh Phúc tục gọi bến Quyết, lại chảy 9 dặm qua ngã ba Ðại Ðộ, tục gọi ngã ba sông Tương, lại 7 dặm qua ngã ba Giáo Liêm, lại 10 dặm mà ra cửa biển Việt Yên” 2.
 
Sông Thạch Hãn vốn có tên dân gian là Nguồn Hàn. Sách “Phủ biên tạp lục” gọi nguồn này là nguồn Viên Kiều (hay Viên Kiệu), nguồn sông Hiếu là nguồn Cảo Cảo. Sông Thạch Hãn được hợp lưu bởi hai nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo: “Huyện Võ Xương có Cửa Việt, sông từ hai nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo đổ về” 3. Đầu nguồn Viên Kiều thuộc huyện Hải Lăng, nằm trong các trang, sách của châu Thuận Bình. Đầu nguồn Cảo Cảo thuộc huyện Võ Xương, nằm trong các trang, sách của châu Sa Bôi. Hai châu này ngày nay thuộc huỵện Đakrông, Hướng Hoá.