BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô Đình Miên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ngô Đình Miên. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

TỪ HOA HOÀNG HẬU TỚI CHUYỆN TIẾNG VIỆT – Ngô Đình Miên


Cây móng bò tím (tên gọi khác: Lan Hoàng hậu)
 
Tôi trồng hai cây hoàng hậu (hay còn có tên là móng bò) trước sân vườn nhà. Khi trồng, cây đã lớn, cao trên 2 mét.
Tôi thích hoa hoàng hậu từ khi còn nhỏ. Tôi mê cái màu tím rất tươi sáng của hoa hoàng hậu, vẫn bừng nở rực rỡ sắc màu trong nắng gió Bình Thuận mùa giáp Tết...

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

VỀ ĐÂU – Thơ Ngô Đình Miên




"Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ"
                  (Nguyễn Bắc Sơn)
 
Nhớ một buổi chiều, tại Ma Lâm (huyện lỵ Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), ngày cuối năm 1991, khi hết giờ làm việc, dọn bàn ghế ra khoảnh sân rộng phía trước của cơ quan, có trồng những cây sầu chiều (ngủ chiều, me tây), tôi cùng một vài anh em bày nhậu. Lúc đó, chỉ có rượu gạo nấu thôi, nhưng mà nghĩa tình...
 
Tối đó, tôi viết 4 câu thơ 5 chữ mở đầu cho bài thơ VỀ ĐÂU (*). Vậy mà cho miết tới năm 2021, tức 30 năm sau, tôi mới có đủ trải nghiệm và cảm xúc để hoàn thành bài thơ này. Nay đăng lại đây để nhớ...
 
 
VỀ ĐÂU
 
Đi về đâu về đâu
Ai người quen kẻ lạ
Cây sầu chiều khép lá
Hoàng hôn phiá trời xa...
 
Chân bước trên đường vắng
Dấu chân người xưa đâu
Cỏ cứ xanh thầm lặng
Lạnh lùng in bóng câu
 
Mây xa mờ núi gọi
Cuộc đời thức chiêm bao
Sóng cuộn trào biển nói
Tồn tại biết được sao
 
Đêm phủ đầy gió lạnh
Người trên xe trần gian
Có thể ngôi nhà ấm
Hay mùa đông lang thang
 
Túa máu đau trượt ngã
Sụp hầm chông tư duy
Mới nhận ra khác mã
Dị biệt gien nghĩ suy
 
Bóng tối và ánh sáng
Chợt hiện lòng người thôi
Chung chiều, trời bảng lảng
Bình minh không đợi nhau
 
Bất tri là vô tận
Dài đêm hun hút sâu
Dù ta nhìn lơ đãng
Vẫn biết em về đâu...
 
             Ngô Đình Miên
 
..............................
 
(*) Thầy Nguyễn Quang Tân có phổ nhạc đoạn 4 câu này thành ca khúc ngắn, thường được hát với guitar thùng trong những bữa rượu anh em ngành giáo dục ở huyện.
 

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

VĂN CHƯƠNG KHÔNG BẰNG XƯƠNG CÁ MÒI - Ngô Đình Miên


Tác giả Ngô Đình Miên


Tối hôm qua, cháu ngoại ôm cổ tôi thỏ thẻ:
- Ông ngoại chỉ giùm con đi, cô giáo dạy văn ra đề khó quá hà!
Cái “khó quá hà” của cháu tôi, té ra là một cái đề luận văn phân tích bình luận câu nói dân gian: “Văn chương không bằng xương cá mòi”.

Thứ Hai, 10 tháng 1, 2022

NHỚ THI SĨ ĐẠI CA NGUYỄN BẮC SƠN – Ngô Đình Miên

Hôm nay là sinh nhật anh Nguyễn Bắc Sơn thân thương.
Nhớ anh, xin được đăng lại bài viết cho số kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận nhiều năm trước.



Thời những năm 70 – 75, lũ học sinh, sinh viên chúng tôi ở “trong này”, nhất là con trai, không hiểu sao lại thuộc lòng, nhiều thì cả bài, ít thì vài câu thơ của những nhà thơ ở “ngoài kia” lúc bấy giờ như: Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Tây Tiến”, Phùng Quán với “Lời mẹ dặn”, Yên Thao với “Nhà tôi”, Hoàng Cầm với “Bên kia sông Đuống”.v.v… Bên cạnh đó, đặc biệt hơn là những câu thơ nghênh ngang “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng lại hào sảng và hồn nhiên hết mực của nhà thơ “trong này” quê Bình Thuận - thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, thì hầu như trong chúng tôi khá nhiều người biết và thuộc lòng cho tới tận bây giờ vẫn còn nhớ:
 
“Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui…
 
Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay”
         (Mật khu Lê Hồng Phong)
 

Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2022

HÒA HỢP – Thơ Ngô Đình Miên


   
                         Nhà thơ Ngô Đình Miên


HÒA HỢP
 
Những gã giang hồ tự phong
Không đeo kiếm chỉ mang lòng huynh đệ
Hận thù chi kẻ chiến binh ngày trước
Cũng biến thành bầu rượu ấm tình thân
Nhớ năm xưa trên đồi Nora
Mày canh 105 ly bắn tao chết dí
Phải núp lại hầm trong ấp Bình Lâm
Nhờ vậy mà tao có một mối tình bí mật...
Ngày tao dẫn quân về đánh đoàn công voa dưới chân núi Tà Dôn
Một chuẩn úy nhà văn tử trận (¹)
Mày cũng suýt nữa là đi tong
Có những đêm mày rọi đèn pha
Sáng cả núi Xả Thô, thấy cả núi Bà
Mày nói xạo rằng thấy bóng tao đang xuống núi
Tao vội trốn chui vào lùm bụi
Mày không cho canon khai hỏa
Vì biết đâu có thể là anh em ruột của mình...
 
Hai thằng ngồi nhậu nhớ chuyện xưa
Những địa danh hằn sâu trong kí ức
Tam Giác, Nora, Tà Dôn, Thiện Giáo,
Ma Lâm, Sông Quao, Cây Táo, Khu Lê... (²)
Xác những đồng đội của tao và mày
Giờ đã hoàn toàn trả về cát bụi
Tao với mày còn may mắn ngồi đây
Tay không súng chỉ cầm ly rượu
Tao sẽ chiến đấu với mày tới cùng
Nếu có lỡ "hy sinh" cũng không để lại
Lịch sử chính trị đen cho cháu con tao
Đến nhiều đời sau làm người thua thiệt ...
Tao với mày chơi theo luật giang hồ
Cưa đều chia đôi cho hai bên chiến tuyến
Không có hàng rào kẽm gai gắn mìn
Chỉ có mấy con mực khô phơi mình ở giữa
Và chai đế 45 độ cồn như mồi lửa chiến tranh
Tao nhìn thấy mày bắt đầu nghiêng ngã
Mày vịn tao rồi hai đứa lăn quay
Cuộc hòa hợp dân tộc đã thành công mỹ mãn... (³)
 
                                               Ngô Đình Miên
 

   
                           Hình mang tính cách minh họa

*

Chú thích:
 
(¹): Nhà văn Y Uyên tên thật là Nguyễn Văn Uy, sinh 1940 (khai sanh 1943). Quê quán: huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc Hà Nội). Gia đình di cư vào Nam. Ông học trường Sư phạm Sài Gòn, ra trường được phân về dạy tại Tuy Hòa.
Sau đó bị động viên, học sĩ quan Thủ Đức. Đơn vị ông đóng tại đồi Nora (nay thuộc xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Nhà văn Y Uyên tử trận trong trận đánh dưới chân núi Tà Dôn (cách đồi Nora chừng 8 km) năm 1969.
Ông là nhà văn miền Nam chuyên viết truyện ngắn, đã để lại nhiều tác phẩm khá nổi tiếng trên văn đàn miền Nam VN trước 1975.

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10391&rb=06
https://vietmessenger.com/idevice/?title=coloaichimla

(²): Những địa danh nổi tiếng ác liệt ở Bình Thuận trong chiến tranh, trước 1975.

(³): "mày" và "tao" trong bài thơ là 2 người bạn của tác giả. Trước 1975, 2 người ở 2 bên chiến tuyến, đã không ít lần chạm súng nhau. Sau 1975, tình cờ gặp nhau, hiểu nhau, nhậu với nhau thường xuyên nên trở nên thân thiết. Cả 2 người đã mất. Anh sĩ quan pháo binh 105 ly mất trước anh bộ đội 4 năm.
 

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

“NHẬU” VỚI NGHĨA CỦA TỪ - Ngô Đình Miên

Đầu năm nói chuyện nhậu...
 

“Nhậu” là một từ đơn, thuần Việt, nó sống động trong vốn từ của người Phương Nam. Cho tới bây giờ, tôi không biết có từ nào hay hơn, đủ nghĩa hơn có thể thay thế được từ “nhậu” “hoành tráng” này.
 
“Mời anh uống rượu”, lời người phương Bắc nói. Cụm từ “uống rượu” khá nghèo nàn về ngữ nghĩa, chỉ nói được một nghĩa đơn thuần là uống một thứ chất lỏng được gọi là rượu. Trong đó, từ “uống” chỉ đơn giản biểu đạt động tác uống, như uống nước, vậy thôi ! Trong khi đó từ “nhậu” chỉ rõ cho ta biết một lúc nhiều điều (nghĩa). Thứ nhứt, muốn có sự “nhậu”, trước hết phải có rượu (hoặc bia). Thứ hai, nhậu dứt khoát phải có mồi nhậu (thức nhắm, đồ nhắm của người phương Bắc), vì nếu chỉ uống rượu suông (như uống rượu nghiện) thì không ai gọi là nhậu. “Uống rượu” của người Bắc không nhất thiết phải có mồi (thức ăn), giống như ngồi trước quầy bar gọi một ly wisky để uống không. Thứ ba, nhậu không thể chỉ có mình êng mà nhậu được, vì vây phải có nhiều người (ít nhất là hai) mới gầy cuộc nhậu được. Thứ tư, nhậu đậm chất vui chơi hơn mang tính ngoại giao. Trong quan hệ ngoại giao, người ta có thể chạm ly (cốc) và uống rượu trong một tiệc đứng, nhưng dứt khoát không thể gọi đây là tiệc nhậu được. Thứ năm, khi nhậu phải có một vị trí cố định phù hợp để bày cuộc nhậu, không thể là vừa đi vừa "nhậu" như Chí Phèo nốc rượu. Thứ sáu, mục đich của nhậu là để vui, không phải để buồn, nên ở phương Nam, trong đám tang thường bày nhậu để lấy vui làm vơi bớt nỗi buồn. Trong khi “uống rượu” có thể là để “dục phá thành sầu...” Cuối cùng, người phương Nam chỉ dùng từ một âm tiết để biểu đạt cái sự “nhậu”, trong khi người phương Bắc phải dùng tới 2 từ gồm động từ “uống” và danh từ “rượu” để tạo thành cụm từ cố định, mà vẫn chưa phong phú nghĩa như từ “nhậu” đơn âm tiết mà đa nghĩa.
 
Với sự tổng hợp 7 ý nghĩa sống động trên đây, đã làm cho từ “nhậu” của phương Nam, từ sau 1975 liền hội nhập rất êm với dân nhậu toàn quốc. Lúc này, nếu ai ra Hà Nội sẽ nghe được tiếng “nhậu” quen thuộc khi các bạn bè ngoài đó hẹn gặp nhau ở quán nhậu. À, mà cũng có không ít tiệm nhậu bình dân, vỉa hè có bảng tên ghi “Quán nhậu...”.
 
                                                                                Ngô Đình Miên