BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thành ngữ điển tích. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thành ngữ điển tích. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

LỖI SAI CỦA CHƯƠNG TRÌNH “VUA TIẾNG VIỆT” TRÊN VTV VỀ THÀNH NGỮ: “LIỆU CƠM GẮP MẮM” – Hoàng Tuấn Công



Trong chương trình Vua Tiếng Việt (1/11/2024), cố vấn chương trình, Nhà thơ Hữu Việt giảng:
“Người ta nói là liệu cơm gắp mắm, ngoài cái việc tức là nếu mình mà gắp nhiều quá thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi, nhưng mà nó còn ý nghĩa sâu sắc hơn, tức là chúng ta phải liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí,…”
Cách giảng trên đây là một kiểu “Dĩ hư truyền hư”, làm hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông (*).

 1-   GIẢNG SAI NGHĨA ĐEN

Xưa kia, nhà nông thiếu thốn đến từng hạt muối trắng. Với thức ăn thì càng thiếu thốn, khan hiếm. Tương cà, mắm mặn phải chia ra ăn dần ăn dè trong cả năm (Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản – Tục ngữ).  Câu tục ngữ “Có cà thì thôi gắp mắm”, “Có dưa thì chừa rau”, “Liệu cơm gắp mắm”, khuyên người ta phải tằn tiện, vén khéo, có cái này ăn thì cái kia phải để dành; phải tính toán, chi dùng sao cho tiết kiệm, vừa đủ, tránh lãng phí. Thế nên ông Lê Văn Bài (Thanh Hoá) mới có đôi câu đối:

-Tích cốc phòng cơ, chớ xa hoa, hãy nhớ thiên tai còn khắc nghiệt,
-Liệu cơm gắp mắm, không lãng phí, đừng quên đất nước vẫn chưa giàu.

Và ông quan triều Lê Nguyễn Minh Triết (1578 – 1673) thuở hàn vi từng có bài thơ “Hà tiện”, trong đó “Dặn vợ có cà đừng gắp mắm”:

“…Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,
Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai.
Thế gian mặc kẻ cười hà tiện,
Ta chẳng phiền ai chẳng luỵ ai.”
                                    (Hà tiện)

Riêng với mắm, mỗi bữa ăn người ta phải trù liệu để “gắp ra” sao cho vừa đủ dùng cho cả nhà. Nếu gắp quá nhiều, mắm thừa (đã đụng đũa vào) thì không thể bỏ lại vào chĩnh/vại nữa (bỏ mắm đã ăn dở vào dễ hỏng cả chĩnh mắm), mà để lại ăn bữa sau thì không bảo quản được.
Mắm ăn thừa để lại mất ngon, úp đầu chạn cuối chạn, cuối cùng bỏ đi, rất phí phạm. Thế nên dân gian mới có câu ca:

Liệu cơm mà gắp mắm ra,
Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi
Nữa mai quá lứa nhỡ thì
Cao thì chẳng tới thấp thì chẳng thông.                                                                                               (Ca dao)



Hãy lưu ý các cụm từ “liệu cơm”“gắp mắm ra” của dân gian.
“Cơm” ở đây bao gồm tất cả đồ ăn thức uống trong một bữa ăn. Ví dụ “Nấu cơm cho ba người ăn” là chuẩn bị bữa ăn cho ba người. “Liệu cơm gắp mắm” có nghĩa là tính toán nhu cầu thức ăn tương ứng với  lượng cơm và số người ăn cơm. Bởi thế “gắp mắm” không phải là “gắp” để “bỏ vào bát của người ăn cơm”, “để trộn mắm” với cơm trong bát, mà là “gắp mắm” từ trong chĩnh/vại RA BÁT nhỏ, để DÙNG LÀM THỨC ĂN CHUNG cho BỮA CƠM CỦA CÀ NHÀ.

Như thế, “Liệu cơm gắp mắm” ở đây là lời khuyên phải biết tiết kiệm, tính toán, trù liệu, tránh tình trạng “gạo thiếu cơm thừa” (cái này mới là đáng để đúc kết thành tục ngữ), chứ không phải khuyên người ta cách ăn mắm sao cho vừa miệng, “gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”.

Dân gian đâu có hời hợt, nông cạn như vậy.

Nên nhớ, dù trên mâm chỉ có hai món, mắm và rau chăng nữa thì cũng không ai gắp đầy mắm vào bát một lần, sau đó trộn đều, rồi nếu lỡ có quá tay, mặn đắng cũng đành ăn liên tù tì cho hết cả bát, đến bát sau lại chuyển sang ăn những rau là rau. Vả lại, câu tục ngữ nói về sự tính toán, trù liệu, tiết kiệm trong ăn uống, chi dùng, chứ đâu phải kinh nghiệm ẩm thực, mà bảo “nếu mình mà gắp nhiều quá ấy thì nó mặn, thì nó đem nó mất ngon đi”?

 
2- GIẢNG NGHĨA BÓNG THIẾU CHÍNH XÁC
 
Lời giảng “liệu cái chừng mực trong cái công việc, hay trong hành xử làm sao cho nó hợp lí” dành cho câu tục ngữ “Liệu cơm gắp mắm” không rõ ý, thậm chí là thiếu chính xác. Bởi nếu hiểu câu giải thích của vị cố vấn gồm hai ý: Liệu cái chừng mực trong công việc làm sao cho hợp lí, thì quá chung chung, mơ hồ;  còn hành xử sao cho hợp lí, thì “hành xử” là nói về thái độ, cách xử sự, ứng xử giữa người và người, chứ không phải cách thức tiến hành công việc.
 
Vậy nghĩa của câu “Liệu cơm gắp mắm” nên được giảng như thế nào?
 
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, “Liệu cơm gắp mắm” vốn có nghĩa đen (hiện vẫn được dùng trong thực tế), đó là ước lượng, trù liệu để lấy mắm ra ăn sao cho vừa đủ, tiết kiệm, không lãng phí. Nghĩa bóng được hiểu khá rộng:
1-Căn cứ vào yêu cầu, hoàn cảnh cụ thể mà trù tính, liệu biện cho hợp lý, sát đúng;
2-Tuỳ theo điều kiện, khả năng cụ thể của mình mà đưa ra cách làm thích hợp.
 
Có thể đưa ra một số ví dụ. Ít người ăn mà lại nấu cơm quá nhiều, hoặc ngược lại, nhiều người ăn mà lại nấu cơm quá ít; lại như tiền không có nhưng lại bày vẽ ra làm quá lớn,… thì đều có thể gọi là KHÔNG BIẾT LIỆU CƠM GẮP MẮM. Đây không phải là “hành xử”, mà là tính toán, trù liệu trong công việc.
 
Với thành ngữ tục ngữ, một khi không hiểu đúng nghĩa đen, thì khó lòng mà hiểu nghĩa bóng cho sâu sắc và chính xác.
Như vậy, thêm một lần nữa, Vua Tiếng Việt không chỉ thất bại với mục đích "giúp người chơi và khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt" do chính Chương trình này luôn tự đề cao, mà ngược lại còn phá hỏng cả di sản tục ngữ của cha ông.
 
                                                                              Hoàng Tuấn Công
                                                                                     9/12/2024
--------
(*) Ghi chú:
Cách giải thích của cố vấn chương trình Vua Tiếng Việt có thể được xem là “Dĩ hư truyền hư”, bởi từ năm 2022, chúng tôi đã có bài viết “TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI “LIỆU CƠM GẮP MẮM”, phản biện lại rất nhiều cái sai, trong đó có một điểm sai giống như vị cố vấn Vua Tiếng Việt đã giảng (Đoạn chúng tôi chia sẻ trên đây được trích ra một phần từ bài viết này). Mời bạn đọc tham khảo trong TCTP:
 
https://tuancongthuphong.blogspot.com/.../trao-oi-voi-tac...

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

LỖI SAI THÔ THIỂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH “VUA TIẾNG VIỆT” TRÊN VTV VỀ THÀNH NGỮ “NẾM MẬT NẰM GAI” – Hoàng Tuấn Công

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công đã có bài vạch trần lỗi sai thô thiển của "Vua tiếng Việt" trên VTV, đơn cử là chương trình nói về thành ngữ “Nếm mật nằm gai” (phát sóng ngày 18/10/2024).
 

Trong chương trình Vua Tiếng Việt ngày 18/10/2024, khi nói đến thành ngữ “Nếm mật nằm gai”, cố vấn chương trình là Nhà thơ Lữ Mai đã giảng cho người chơi và khán giả hiểu như sau:
 
“Cái câu nếm mật nằm gai lại theo một nghĩa khác. Tức là nói đến cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc trong cuộc đời. Có thể nói những người nông dân cực khổ nếm mật nằm gai trong một hoàn cảnh nào đó”.
 
Lời giảng trên đây không đúng, kể cả về nghĩa từ vựng và cách dùng.
“Nếm mật nằm gai”, hay “Nằm gai nếm mật” đúng là có nói về những “cái việc khổ sở, cái điều khó khăn, cực nhọc”. Tuy nhiên, đây là một câu thành ngữ gốc Hán, xuất phát từ điển cố, điển tích cụ thể, bởi vậy, muốn hiểu và dùng cho chính xác thì phải biết được nguồn gốc của điển cố, điển tích.
 
Điển tích thành ngữ “Nằm gai nếm mật” (gốc Hán “Ngoạ tân thường đảm”; ngoạ = nằm; tân = củi khô, cỏ gai dùng để đun nấu; thường = nếm; đảm = mật đắng của động vật), có nhiều dị bản nhưng đại để như sau:
 

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2024

THÀNH NGỮ BỊ HIỂU SAI HƠN MỘT NGÀN NĂM QUA – Đỗ Chiêu Đức


Trang Tử với Tề Vật Luận
                       
Trong văn học cổ Trung Hoa, thành ngữ đánh giá phẩm bình cao nhất về dung mạo của nữ giới là "Trầm Ngư Lạc Nhạn, Bế Nguyệt Tu Hoa 沉魚落雁,閉月羞花" mà ta thường nói một cách nôm na là "Cá lặn chim sa, Nguyệt thẹn hoa nhường". Chỉ cần nhắc đến câu nói nầy thì tự nhiên mọi người đều nghĩ ngay đến bốn người đẹp cổ điển "Tứ Đại Mỹ Nhân 四大美人" là : Tây Thi 西施、Vương Chiêu Quân 王昭君、Điêu Thuyền 貂嬋、và Dương Ngọc Hoàn 楊玉環 (Dương Quý Phi).Với lý giải thường thấy như sau :
 

Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH: SONG, SÔNG –Đỗ Chiêu Đức


                                                                
Song Sa vò võ phương trời,                                 
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
            
SONG SA 窗紗: SONG là cửa sổ, SA là Vải the hay lụa mỏng, nên SONG SA là rèm che cửa sổ bằng luạ hay vải the mỏng. Khi lần đầu tiên hội ngộ với Kim Trọng từ trưa đến xế chiều, Thúy Kiều đã phải:
                       
Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,                 
Giã chàng, nàng mới kíp rời SONG SA.
      

Còn khi một thân một mình thui thủi ở lầu xanh hết ngày này qua tháng nọ thì cụ Nguyễn Du đã tả hình bóng của Thúy Kiều một cách thật tội nghiệp:
                     
SONG SA vò võ phương trời,                 
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.                         
Lần lần thỏ bạc ác vàng,               
Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn!

Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH: SẤM, SÂN, SEN, SINH – Đỗ Chiêu Đức


Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi
         
"Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc Bi 運去雷轟薦福碑" trong văn học cổ của tiếng Nôm ta gọi là SẤM ĐẤT TAN BIA. Câu nói nầy có xuất xứ như sau:
        
Đại văn Hào đời Tống là Phạm Trọng Yêm 范仲淹 khi làm Quận Thú ở Nhiêu Châu (thuộc Quận Ba Dương tỉnh Giang Tây hiện nay). Một hôm có thư sinh Trương Hạo 張鎬 lưu lạc giang hồ đến xin cứu giúp. Phạm thương vì người tài hoa mà chửa gặp thời, định giúp đỡ, nhưng Phạm là một ông quan thanh liêm, không lấy đâu ra tiền để giúp. Cuối cùng ông bèn đến nhờ trụ trì chùa Tấn Phúc, xin cho thư sinh kia được in một số bản văn ở thạch bia phía sau chùa bán mà độ nhật để về quê. Đây là bản văn khắc trên đá với bút pháp của Âu Dương Tuân 歐陽詢, là một trong Sơ Đường Tứ Đại Thư Pháp Gia 初唐四大書法家, nên rất được mọi người ưa chuộng.  
         
Nhà sư Trụ trì vì nể mặt Phạm Trong Yêm mà chấp thuận, còn hướng dẫn cho cách để in ấn. Phạm lại phải giúp thư sinh mua sắm giấy mực, bàn chải... định sáng ngày sẽ khởi công. Nào ngờ đêm hôm đó trời mưa to gió lớn, sấm sét đánh bể tan bia đá kia luôn. Thế là khỏi in ấn gì hết cả!  
        
Số của chàng thư sinh nầy đã xui rồi, lại càng thúi củ hủ hơn nữa, cho nên mới nói là:
                
"Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc bi"
        
Khi đã hết thời rồi, thì sấm sét cũng đánh bể bia của chùa Tấn Phúc là vì thế! Trong bài Văn tế Nguyễn Thị Tồn, là hiền thê của mình, cụ Bùi Hữu Nghĩa có viết câu:            
           
Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần SẤM ĐẤT TAN BIA;          
Bay kịp chúng, nhảy kịp thời mới đặng hưởng Gió Thần Đưa Gác.
   
 "Gió Thần Đưa Gác" là Gió thần đưa đến Gác Đằng Vương, đây cũng là một điển tích và là vế đầu của điển tích Sấm Đất Tam Bia với cặp đôi như sau:
             
閣,  Thời lai phong tống Đằng Vương Các          
碑。  Vận khứ lôi oanh Tấn Phúc bi.
 

Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2021

VÌ SAO GỌI LÀ “MƯA NGÂU”, “ÔNG NGÂU BÀ NGÂU” MÀ KHÔNG GỌI THEO CÁCH KHÁC? - Phiếm luận của La Thụy



Hôm nọ, anh em khi trà dư tửu hậu có người thắc mắc vì sao gọi là “mưa ngâu”, vì sao gọi là gọi là “ông ngâu bà ngâu”. Tất nhiên, truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ được đưa ra để giải thích. Người thắc mắc lại hỏi vậy sao không gọi là “mưa ngưu”, “ông ngưu bà ngưu”. Một ông bạn cho rằng “ngâu” là cách đọc chệch chữ Ngưu. Thế là một ông bạn khác cười chế nhạo: “mưa ngưu”“mưa trâu” “ông ngưu bà ngưu”“ông trâu bà trâu” à !?!  Vì sao có sự đọc chệch như thế ? Mà vì sao không đọc chệch theo cách khác đi ?

Ông bạn khác lại cho rằng:
Gọi là “mưa ngâu”, “ông Ngâu bà Ngâu” vì loài hoa ngâu gắn liền với câu chuyện tình Ngưu Lang – Chức Nữ từ xa xưa. Hoa ngâu mang ý nghĩa về một tình yêu thủy chung, với khát vọng tự do trong tình yêu.  Nhưng ông bạn lại không nêu được sự liên quan giữa Ngưu Lang Chức Nữ và hoa ngâu như thế nào trong truyền thuyết.


Tôi nghĩ ông bà của ta xưa gọi là “mưa ngâu”, “ông ngâu bà ngâu” chắc có lý do, mình thử tra tìm tiếng “NGÂU” trong chữ Nôm (chữ viết của ông bà ta hồi xưa) xem sao! Chữ Nôm vốn mượn âm và chữ của Hán Tự mà, nên chắc chắn có liên quan về cách viết, cách đọc thôi.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : “QUẢ, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG” – Đỗ Chiêu Đức


                                                   Học giả Đỗ Chiêu Đức


QUẢ MAI ba bảy đương vừa                                         
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
                
                                                                            
Đó là hai câu thơ mà Thúy Vân đã nói trước cả nhà, khi đã "Cùng nhau sum họp một nhà, Đoàn viên lại mở tiệc hoa vui vầy" để tác hợp lại cho Thúy Kiều và Kim Trọng nối lại mối duyên xưa. Từ "QUẢ MAI" có xuất xứ như sau :
                
Trong chương Thiệu Nam 召南 của Kinh Thi 詩經, có bài thơ PHIẾU HỮU MAI 摽有梅 (tả mai rụng); nói về sự hôn nhân của các cô gái phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì. Bài thơ gồm ba phần như sau:
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai                             
其實七兮    Kỳ thực thất hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其吉兮    Đãi kỳ cát hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai             
其實三兮    Kỳ thực tam hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ             
迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai            
頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其謂之    Đãi kỳ vị chi. 
 
Có nghĩa:     
- Trái mai (ta đọc trại đi thành MƠ) kia đà rơi rụng, trên cây còn lại bảy phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy chọn đi đừng để lỡ ngày lành.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, trên cành còn lại ba phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy kíp lên ngay hôm nay đừng chờ đợi nữa.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, phải nghiêng giỏ mà hốt lấy, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy mở miệng ra cầu hôn đi đừng chờ đợi nữa !
                     

* Diễn Nôm:
                   
Trái mơ rụng, trái mơ rơi,                   
Trên cành còn lại bảy thôi, hỡi chàng.                    
Ngày lành kíp chọn đưa sang,                   
Đừng để trễ nãi lỡ làng duyên tơ !
                   
Trái mơ rụng, rụng trái mơ,                  
Trên cành rụng bảy bây giờ còn ba.                   
Hỡi chàng nếu có yêu ta,                   
Thì hôm nay kíp sang nhà cầu thân !
                  
Trái mơ rụng, rụng đầy sân,                   
Nghiêng vành giỏ hốt tần ngần riêng ta.                  
Hỡi chàng còn có yêu ta,                   
Ngỏ lời cùng với mẹ cha tức thì !
                                                  
                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm