Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương vốn là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Suốt hai mươi năm (1954-1975), ông làm ở trung tâm học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
Ông từng là giáo sư dạy Sử Địa tại một số trường tư, dạy tiếng Pháp tại Pétrus Ký và trường Quốc Gia Âm Nhạc - Kịch Nghệ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước.
Ông đã sáng tác từ thời còn ở ngoài miền Bắc. Nhạc ông tự viết lời cũng có mà phổ từ thơ cũng nhiều. Trước khi viết trường ca Hòn Vọng Phu, ông từng viết những truyện ca và thậm chí, cả nhạc hài hước rất độc đáo. Những bản này được nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi.
Quả là đa tài.
Không chỉ thế, ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngắn của nước ngoài: Lào, Mỹ, Nhật Bản, Pháp.
Có một thời gian, ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi, với những bản nổi tiếng, học sinh thời ấy không ai là không biết: Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Ông Ninh Ông Nang.