BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

SỐ ĐẶC BIỆT 10 NĂM VĂN VIỆT: PHỎNG VẤN NHÀ VĂN NGUYÊN NGỌC VỀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP VĂN ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM - Văn Việt



Xin ông nói về ý tưởng cho ra đời Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam cách đây 10 năm.
 
Nguyên Ngọc:
Đúng ra tôi đã nghĩ đến chuyện này từ nhiều năm trước nữa.
Chắc có người còn nhớ năm 1979, để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam, với tư cách là bí thư Đảng đoàn của Hội, tôi có viết một bản gọi là Đề dẫn, nêu ra một số vấn đề về tình hình và nhiệm vụ của văn học trong điều kiện mới sau chiến tranh. Bản Đề dẫn ấy bị ông Tố Hữu lên án nặng nề, cho là nó nhiễm nặng quan điểm tự do tư sản. Vụ Đề dẫn gây ồn ào rắc rối khá lâu. Cho đến đầu năm 1981, một hôm tôi đang họp Quốc hội thì được điện thoại từ văn phòng của ông Lê Đức Thọ, bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Bí thư Trung ương Đảng gọi sang báo cáo ở số 6 Nguyễn Cảnh Chân, trụ sở Ban Bí thư Trung ương.
Ông Thọ hỏi tôi về vụ Đề dẫn:
- Đầu đuôi thế nào, anh kể xem?
Tôi kể hết đầu đuôi. Nghe xong, ông bảo:
- Tiểu sử của anh, tôi có biết. Anh là người có kinh nghiệm, nhưng chủ yếu là kinh nghiệm chiến tranh, chiến trường. Bây giờ anh về lãnh đạo Hội Nhà văn, ở đấy là một cái bụi gai, anh chưa kinh nghiệm gì, vấp là phải. Hôm nay tôi chỉ có thể nói với anh, tôi xác nhận ba điều: anh là người trung thực, anh có tâm huyết, và là người làm việc. Ba điều đó, có thể khẳng định. Còn chuyện quan điểm, tôi chưa đọc bản Đề dẫn, anh về gửi cho tôi một bản, tôi sẽ có ý kiến sau. Cũng phải còn trao đổi lại với anh Tố Hữu nữa.
Thấy không khí tương đối cởi mở, lại nhân dịp gặp người đang có quyền lực rất lớn, tôi tranh thủ nói thêm với ông một số suy nghĩ về cách tổ chức các hội văn học nghệ thuật ở ta, theo chỗ tôi biết khắp thế giới xưa nay không ai làm như thế, trừ Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười, và về sau các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa cứ kiểu đó mà nhất loạt làm theo. Cụ thể lúc bấy giờ có ông Jdanov là người đứng đầu về công tác tư tưởng của Liên Xô, ông ấy chỉ đạo cho ông Gorki giải tán hết các nhóm hội rất đông đảo và phong phú của nước Nga trước cách mạng, lùa tất cả vào chung một Hội Nhà văn Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ đó khiến cho nền văn học Xô-viết ngày càng chật hẹp và nghèo nàn đi. Các nước xã hội chủ nghĩa, ra đời sau đại chiến thế giới lần thứ hai, chịu ảnh hưởng của Liên Xô, cũng nhất mực theo cách đó mà làm.
Ở nước ta trước Cách mạng tháng Tám cũng từng có một đời sống văn học đa dạng và phong phú với nhiều nhóm hội khác nhau. Có nhóm Tự lực văn đoàn, chỉ là một nhóm tư nhân mà trong mấy chục năm đã “làm nên cả một thời đại trong văn học” như Hoài Thanh từng khẳng định, có nhóm Hàn Thuyên, nhóm Tân Dân, nhóm Tao Đàn, nhóm Xuân Thu nhã tập, rồi nhóm Phổ thông bán nguyệt san, nhóm Tiểu thuyết thứ Bảy, nhóm Tiểu thuyết thứ Năm, v.v. Ngoài ra còn có những nhà văn độc lập, rất nổi tiếng nhưng không theo nhóm nào, như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng và nhiều người khác. Tất cả tạo nên một không gian nhiều trào lưu rộn rịp đua chen, làm giàu đời sống tinh thần của xã hội.
Đặc điểm tình hình ở ta là sau cách mạng thì tiếp liền chiến tranh kéo dài suốt 30 năm, với yêu cầu luôn bức bách “tất cả để chiến thắng”, văn học cũng phải tổ chức chặt chẽ thành một hội của nhà nước, như một binh chủng chiến đấu trong đội hình chung, có thể là thích hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Nay đã hòa bình, hẳn cần trở lại với quy luật phổ biến và bình thường của đời sống văn học (và nghệ thuật). Theo tôi quy luật đó là, các nhà văn “chơi” với nhau mà thành nhóm thành hội. Trong các nhóm hội đó họ trao đổi ý tưởng và kinh nghiệm sáng tạo, giúp đỡ nhau và cùng nhau bảo vệ nghề nghiệp của mình. Đã gọi là chơi với nhau thì nên đa dạng, rộng rãi và tự nguyện tùy ý thích của từng người từng nhóm mà hình thành, hoặc vì cùng xu hướng nghệ thuật, hoặc cùng những quan tâm xã hội gần nhau, cũng có khi đơn giản hơn chỉ là do thân thiết riêng tư thế nào đó, hay chỉ là do ở gần nhau về mặt địa lý, đặc biệt do đặc điểm văn hóa vùng miền (như văn hóa vùng Kinh Bắc, văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ, văn hóa miền Trung, văn hóa Huế, văn hóa xứ Quảng, văn hóa rất độc đáo miền Tây Nam bộ, v.v.). Trong một nhóm nhà văn cũng có thể lại có một vài họa sĩ hay nhạc sĩ…, như Tự lực văn đoàn từng có họa sĩ hàng đầu thời bấy giờ là Nguyễn Gia Trí, họ khác nghề nhưng cùng chí hướng về nhiều mặt và thực tế có thể gợi ý cho nhau rất nhiều về nghệ thuật… Dồn tất cả hàng trăm hàng nghìn nhà văn chật chội vào một hội của nhà nước thì dễ lãnh đạo, nhưng tôi nghĩ lãnh đạo không nên chọn dễ mới làm, lãnh đạo một tình trạng đa dạng và phong phú có khó hơn nhưng hay và tốt hơn hẳn. Nếu Đảng vẫn muốn lãnh đạo thì nên chuẩn bị làm thế nào đảm bảo được sự lãnh đạo của mình trong điều kiện có nhiều nhóm hội văn học khác nhau, tạo nên một đời sống văn học của đất nước giàu có, hiệu quả, nhẹ nhàng và vui hơn nhiều…
Ông Lê Đức Thọ lắng nghe, không cắt lời tôi. Cuối cùng ông nói:
- Đấy cũng là một ý kiến đáng chú ý, để còn nghĩ và trao đổi xem.
Tôi về gửi cho ông bản Đề dẫn, nhưng rồi không thấy ông trả lại, cũng không thấy ông nói hay trao đổi gì nữa từ đó. Chắc ông còn bận những việc lớn quan trọng hơn nhiều.