BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phước Yên. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Phước Yên. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

NHỚ CHUYỆN TRÂU – Ugno.Vn (Nguyễn Phước Yên)



Đầu năm con trâu 2021, tình cờ nhẩm câu ca dao “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” bổng dưng có ông già nhớ lại chuyện con trâu từ những thuở nào. Dấu hiệu của người đến kì lẩn thẩn! Ông già tự nhủ thầm: "Thì ra mình cũng đã già rồi chăng"? Ông tuổi con gà. Bà tuổi con trâu. Lão thầy tướng số ngày xưa bảo tuổi ông bà thuộc cung tam hạp Dậu, Sửu, Tị... tốt lắm! tốt lắm!... Đúng là chỉ tốt phần ông. Phần bà đã hơn 70 còn phải làm kiếp "đi bừa" như trâu để phục vụ con gà lười bươi móc, nghèo xác xơ.

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

CON ĐƯỜNG QUỐC HỌC, ĐỒNG KHÁNH – Nguyễn Phước Yên


 



Thuở xa xưa ấy, cả vùng Thừa Thiên – Huế chỉ có hai trường Quốc Học và Đồng Khánh  có các lớp Đệ Nhị cấp (Cấp3) công lập. Trong hai trường đó, chỉ có trường Quốc Học có các lớp Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ). Học sinh các tỉnh phía bắc Trung phần, sau khi đến Huế thi đậu Tú Tài Bán phần (Tú Tài 1), muốn thi Tú Tài Toàn phần (Tú Tài 2) thì phải "du học" Đệ Nhất trường Quốc Học, nếm mùi học trò xứ thần kinh một năm mới đủ điều kiện và bản lĩnh dự thi. Không kể lớp Đệ Nhất, hai trường Quốc Học và Đồng Khánh, một trường chỉ dành cho nam sinh, một  trường cho nữ sinh. Học sinh khu vực nội ô ở hai bên bờ sông Hương và các vùng ngoại vi tiếp giáp Huế, mỗi sáng cứ nườm nượp xuôi dòng áo trắng về trường. Áo sơ mi trắng, quần xanh là dân Quốc Học. Bộ áo  dài, quần xa tanh trắng muốt là các nường Đồng Khánh. Con đường Lê Lợi, đoạn từ  cầu Trường Tiền  đến hai trường Đồng Khánh và Quốc Học buổi sáng như ngày trẩy hội. Muốn chờ ai, ngắm ai cứ giả bộ ngẩn ngơ dừng lại bên vỉa hè phải thì ắt thỏa mắt nhìn. Nội ô Huế ngày ấy gồm 3 đơn vị hành chánh. Phía  bờ bắc sông Hương là quận Tả Ngạn và quận Thành Nội. Vùng ngoại vi bên phía này là Kim Long, An Ninh, An Hòa, Bao Vinh, Địa Linh, Thế Lại, Bãi Dâu, và xa hơn nữa là cả vùng huyện Hương Trà … Các cô cậu không hẹn mà ai cũng đều gặp nhau ở ngõ cầu Trường Tiền (dân mạn dưới) hay Bạch Hổ (dân mạn trên) vượt sông Hương đến trường. Một số ngại đi xe đạp thì nhảy lên xe buýt ở bến xe chợ Đông Ba, dưới cầu Gia Hội, theo các tuyến xe số 3 - Bến Ngự hay số 5 - Từ Đàm. Ai thích đùa nước với mấy em nhỏ Đồng Khánh thì xuống đò ngang Thừa Phủ. Phía bờ nam sông Hương là quận Hữu Ngạn. Bên phía này thì ngoài khu vực Đập Đá, Vĩ Dạ, Chợ Cống, An Cựu, Phú Cam, Bến Ngự, Nam Giao còn Phường Đúc, Long Thọ, Nguyệt Biều và xa hơn nữa là các vùng ngoại vi thuộc các huyện Phú Vang, Hương Thủy, … Phía bên này thì có nhiều cầu, nhiều ngã đến trường, không phải qua sông, lụy đò.