Nguồn:
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/kim-dinh-cuoc-doi-va-tu-tuong.html
https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/kim-dinh-cuoc-doi-va-tu-tuong.html
Giáo
sư Kim Định tên thật là Lương Kim Định, là triết gia, linh mục Công giáo. Sinh
ngày 15/6/1915 tại địa phận Bùi Chu, làng Trung Thành, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam
Định. Ông là con trai út trong gia đình, thân phụ mất từ khi ông mới một tháng
tuổi. Nhờ công dưỡng dục và nhìn xa trông rộng của người mẹ hiền, ngay từ thưở
còn nhỏ, ông được gửi vào chủng viện Bùi Chu.
Tại chủng viện Bùi Chu, ông được hưởng một nền giáo dục
toàn diện, về đạo đức cũng như về học vấn. Với bản tính ham tìm tòi học hỏi,
ngoài những môn học khác và ngôn ngữ La Tinh, ông đã tự học thêm chữ Nho và
Pháp văn. Sau những năm tháng say mê và
miệt mài học tập, ông được bề trên phân công giảng dạy tiếng La Tinh tại
Tiểu chủng viện Ninh Cường, Bùi Chu từ
năm 1937 đến năm 1939.
Từ năm 1939 đến năm 1943, ông học thần học tại Đại chủng
viện Quần Phương, Bùi Chu và triết học tại Giáo hoàng Học viện Saint Albert le
Grand, Paris. Năm 1943, sau khi tốt nghiệp triết học, ông được thụ phong linh mục
và giảng dạy triết học tại Đại chủng viện Quần Phương, Bùi Chu đến năm 1946.
Năm 1947, ông sang Pháp 10 năm để nghiên cứu về triết học, xã hội học và văn
minh Pháp tại Institute Catholic de Paris. Trong quãng thời gian này, ông còn
theo học về Nho giáo tại Institute des Hautes Études Chinoise (Viện Cao học Hán
học).
Trong thời gian ở Paris, nhiều bạn bè người Pháp đã đặt
ra những câu hỏi cho ông: “Việt Nam có
triết lí không?”,“Các anh có nghĩ đến việc thiết lập một nền Thần học Việt Nam
chăng?”… Vào thời điểm này, một số linh mục người Pháp cũng đưa ra vấn đề
tìm hiểu và giải nghĩa Kinh Thánh theo tinh thần của của triết học Á Đông. Đại
diện cho xu hướng này là linh mục Folliet thuộc dòng Oratorie. Sau này, trong
bài Để tiến tới một nền Thần học Việt (Dân Chúa, 12/1982), ông đã kể lại lời
phát biểu của linh mục Folliet viết trong cuốn Monsieur Pouget như sau: “Hiện nay người Âu Tây chưa hiểu đúng Kinh
Thánh. Sách Thánh xuất phát từ Á Đông, phải do người Á Đông giải nghĩa thì mới
mong đúng tinh thần của sách”.