BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Vũ Hoàng Chương. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

THƠ ĐƯỜNG LUẬT MÙA THU CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG - Nguyễn Lam Điền



Gặp một loạt tám bài thơ luật của Vũ Hoàng Chương, thơ hay chấn động, lại là thơ của mùa thu. Vì dường như tám bài này chưa được đưa vào sách, nên bèn làm siêng gõ ra đây để xem như là tư liệu.
Nhưng thưởng thức mới là chuyện chính!
Tám bài ngẫu chiếm
 
I.
Lòng còn sương khói tiễn đưa ai
Bỗng một cành khoe hạt ngọc cài
Vườn ấy lạnh đang vào tháng chín
Kiếp nào tu đã tới hoa mai?
Giấc mơ hồ điệp chờ in bóng
Khóm cúc trùng dương hẹn sánh vai
trở gót nghe như vàng hỏi đá
Bạch vương Thanh hữu có là hai?
 
II.
Tận đáy trời Thu vạn trượng sâu
Bóng hoa vượt khói đã lên lầu
Trắng bao đêm những mơ về đó
Thoảng chút hương là nhận được nhau
Chim Thúy vũ bay hồn tưởng dứt
Sáo Giang thành rụng vết còn đau
Ai hay một kiếp hai lần nở
Ngà ngọc như in giấc mộng đầu.
 
III.
Ai còn ai mất ai đi xa
Trùng cửu thơ trao lần thứ ba
Đất mượn trời vay chưa trắng nợ
Quỳnh đơn mai kép vẫn tươi hoa
Cùng đưa cảm hứng này lên vút
Đâu để thời  gian ấy vượt qua
Gió nổi, Thơ đang về tới điểm
Bóng ai soi cũng thấy hình ta.

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2023

“EM XA LẠ QUÁ, ĐÂU CÒN PHẢI...”, KỶ NIỆM MỘT CHUYỆN TÌNH CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG... - Trần Trung Sáng

Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 

Theo ông Vũ Hoàng Ðịch (tác giả bài thơ Ba Đình nắng, được Bùi Công Kỳ phổ nhạc), em ruột của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhân vật “nàng Tố” có tên là Tố Uyển, họ Trần. 

Vũ Hoàng Chương làm thơ gọi tên nàng là Tố Vân. Ông Địch cũng cho biết, việc “Tố của Hoàng trở thành Tố của... ai”, ai ở đây là ông Ðào Bá Cương, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, từ Pháp về làm đám cưới nàng Tố ở Hà Nội.

Tập thơ Mây, tập thơ gắn với giai thoại một chuyện tình của Vũ Hoàng Chương với nàng Tố Vân. Tập thơ Mây (nghĩa là Vân) được Đời Nay xuất bản năm 1943, bìa tập thơ lại do một họa sĩ tên Vân vẽ, đó chính là Tô Ngọc Vân. Tố Vân là con gái một gia đình khá giả và đã cùng thi sĩ họ Vũ trao nhau những lời yêu đương mặn nồng. Những rồi bỏ mặc những lời thề ước, nàng bỏ chàng đi lấy chồng vào ngày 12 tháng 6. Vì vậy trong tập thơ Mây có bài thơ mang tên Mười Hai Tháng Sáu, là một trong những bài thơ ông viết trong trạng thái mê man của men say, cái thứ men chất chồng tuyệt vọng:
 
“Tháng sáu, mười hai, từ đây nhé
Chung đôi, từ đây nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai,
Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc.
Tố của Hoàng nay Tố của ai?…”
 
Dù hai người yêu nhau, nhưng Tố Vân đã được gia đình hứa hôn từ năm 12 tuổi. Theo tục lệ, nếu thoái hôn thì gia đình nhà gái phải trả lễ cho nhà trai. Gia đình Vũ Hoàng Chương lúc đó khá giả, sẵn sàng làm được việc này, nhưng “nàng thơ” nhút nhát của ông đã không dám hé răng với cha mẹ. Bởi vậy, họ đành chia tay nhau. Nhờ mối tình không thành với Tố Vân, Vũ Hoàng Chương có tập thơ Mây đi vào lịch sử thi ca Việt Nam, bên cạnh đó còn có kịch thơ Vân muội nổi tiếng được diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội ngay sau khi được sáng tác.

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2022

VŨ HOÀNG CHƯƠNG, CUNG TIẾN VÀ HOÀNG HẠC LÂU – Quỳnh Giao

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhạc sĩ Cung Tiến & ca sĩ Quỳnh Giao, tác giả bài viết, đều đã khuất bóng. Như một tưởng niệm ba nghệ sĩ nổi tiếng này, xin mời bạn cùng thưởng thức bài viết sau đây của Quỳnh Giao.

 

Sinh tiền, Vũ Hoàng Chương là thầy dạy Việt văn của Cung Tiến. Ông sinh năm 1916, trước người nhạc sĩ tên tuổi này 22 năm. Nhưng với thói quen khoáng đạt của một nhà thơ, ông không hề câu nệ, vẫn coi Cung Tiến như người bạn vong niên hơn là một đứa học trò.
  
Có lần ông nói đùa. Rằng Cung Tiến phổ thơ biết bao người mà chưa từng phổ thơ Vũ Hoàng Chương! Cung Tiến không quên điều ấy nhưng biến cố 1975 đã ụp trên cả nước và người nhạc sĩ thì lưu vong ra ngoài, còn nhà thơ kẹt lại ở bên trong với những Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc, v.v….
  

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH – Đỗ Trường


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


VŨ HOÀNG CHƯƠNG, LẠC LOÀI TRONG CÕI NHÂN SINH
                                                                                            Đỗ Trường

     (Viết nhân 100 năm ngày sinh của thi sĩ Vũ Hoàng Chương 1915-2015)


Tác giả Đỗ Trường

 Khi tiếng kêu đớn đau của thi sĩ Hàn Mặc Tử ở phương Nam chợt vụt tắt, thì vòm trời thi ca đất Việt dường như chỉ còn một Vũ Hoàng Chương đang quằn quại với những vết thương xẻ nát tâm hồn. Thì kỳ lạ thay, từ chính vết thương đang rỉ máu ấy lại vẽ ra một lối đi riêng, một con đường cho thi ca ngay từ buổi đầu đến với thơ mới. Nếu ai đó đã nói, thơ là tiếng nói hồn nhiên trong trẻo của tâm hồn, là tuổi thơ của loài người còn xót lại…thì quả thật với Vũ Hoàng Chương, nó lại là tiếng bi ai được cất lên từ nỗi đau rách nát của linh hồn. Chính vì vậy, thơ ông đã chạm đến tận cùng nỗi đau và sự cảm thông của con người. Để rồi thơ văn Vũ Hoàng Chương không chỉ đóng đinh vào lòng người, mà còn dán chặt tên tuổi ông vào nền văn học nước nhà. Ông viết nhiều thể loại, từ thơ, văn đến cả kịch thơ…Hơn hai chục tác phẩm tuy chưa hẳn đã là nhiều, nhưng chính tư tưởng, hình tượng nghệ thuật mới làm nên chân dung và sự nghiệp sáng tác đồ sộ Vũ Hoàng Chương.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2021

GẶP BÀ THỤC OANH, NHỚ THI TÀI VŨ HOÀNG CHƯƠNG - Hoàng Quốc Hải



Tôi được gặp bà góa phụ Vũ Hoàng Chương, tức bà Thục Oanh, ở nhà ông Trần Mai Châu, nơi đường Tự Đức cũ. Nhà ở xế ngôi trường Trần Văn Ơn vài chục mét.
 

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

TRẢ TA SÔNG NÚI - Thơ Vũ Hoàng Chương


   
                                 Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


TRẢ TA SÔNG NÚI
 
Trải bốn nghìn năm dựng nước nhà
Sông khoe hùng dũng, núi nguy nga
Trả ta sông núi bao người trước
Gào thét đòi cho bọn chúng ta… 
Trả ta sông núi từng trang sử
Dân tộc còn nghe vọng thiết tha
Ngược vết thời gian, cùng nhắn nhủ:
Không đòi, ai trả núi sông ta?
 
Cờ báo phục Hai Bà khởi nghĩa
Ðuổi quân thù, xưng đế một phương
Long Biên sấm dậy sa trường
Ba thu xã tắc, miếu đường uy nghi 
Xót nòi giống, quản chi bồ liễu
Dòng Cẩm Khê còn réo tinh anh
Một phen sông núi tranh giành
Má hồng ghi dấu sử xanh đời đời
 
Bể dâu mấy cuộc đổi dời
Lòng trăm họ vẫn dầu sôi bừng bừng
Mai Hắc Ðế, Phùng Hưng, Bố Cái
Liều thế cô dằng lại biên cương 
Ðầu voi, Lệ Hải Bà Vương
Dù khi chiến tử vẫn gươm anh hào
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
 
Núi sông ấy của người dân Việt
Chống Bắc phương, từng quyết thư hùng
Ngô Quyền đại phá Lưu Cung
Bạch Ðằng Giang nổi muôn trùng, sóng reo 
Hồn tự chủ về theo lửa đuốc
Chữ thiên thu: Nam Quốc sơn hà
Phá tan nghịch lỗ không tha
Tướng quân Thường Kiệt gan già mấy mươi 
Gươm chiến thắng trỏ vời Ðông Bắc
Hịch vải nêu tội giặc tham tàn
Dựng nhân nghĩa, vớt lầm than
Danh thơm ải ngoại, sấm ran biên thùy
 
Khí thiêng tỏa chói tư bề
Phường đô hộ có gai ghê ít nhiều?…
Cửa Hàm Tử vang teo vết cáo
Bến Chương Dương cướp giáo quân thù 
Trận Ðà Mạc dẫu rằng thua
Làm Nam quỷ, chẳng làm vua Bắc đình
Chém kiêu tướng, đồn binh Tây Kết
Triều Phú Lương gầm thét giang tân
 
Phá cường địch báo hoàng ân
Trẻ thơ dòng máu họ Trần cũng sôi
Kìa trận đánh bèo trôi, sóng dập
Sông Bạch Ðằng thây lấp xương khô 
Những ai qua lại bây giờ
Nghe hơi gió thoảng, còn ngờ quân reo
Hịch Vạn Kiếp lời khêu tướng sĩ
Hội Diên Hồng quyết nghị toàn dân 
Khuông phù một dạ ân cần
Vó thiêng ngựa đá, hai lần bùn dây
Sơn hà mấy độ lung lay
Máu bao chiến sĩ nhuộm say màu cờ
 
Cảm ý núi ngồi mơ độc lập
Thuận tình sông trôi gấp tự do
Ấy ai đầu dựng cơ đồ
Gấm thêu lời chiếu Bình Ngô thuở nào 
Cơn nguy khốn ra vào sinh tử
Thân nằm gai, lòng giữ sắt son
Linh Sơn lương chúa hao mòn
Quân tan Côi Huyện, chẳng còn mảy may 
Chén rượu ngọt cùng say thấm thía
Tình cha con mà nghĩa vua tôi
Thuận dân là hợp ý trời
Sử xanh chót vót công người Lam Sơn
 
Quốc dân chung một mối hờn
Cần câu đánh giặc mà hơn giáo dài
Chống ngoại địch, gươm mài quyết chiến
Voi Quang Trung thẳng tiến kinh kỳ 
Phá Thanh binh trận Thanh Trì
Sông Hồng khoảng khắc lâm ly máu hồng
Núi dậy sấm cho sông lòe chớp
Cờ Tây Sơn bay rợp Bắc Hà
Xác thù xây ngất Ðống Ða
Bụi trường chinh hãy còn pha chiến bào
Tinh thần độc lập nêu cao
Sài lang kia, núi sông nào của ngươi?
 
Cường quyền vẫn muôn đời cưỡng áp
Dưới bàn tay giặc Pháp càng đau
Chúa tôi nhỏ lệ cùng nhau
Khua chiêng hải ngoại, rừng sâu kéo cờ 
Dạ Cần Vương trơ trơ thiết thạch
Kẻ Văn Thân, hiệp khách cùng chung
Hoàng Hoa Thám, Phan Ðình Phùng
Khói reo Thanh Nghệ, lửa bùng Thái Nguyên
 
Hợp Nghĩa Thục kết liên đồng chí
Xuất dương tìm tri kỷ Ðông Ðô
Phan Sào Nam, Phan Tây Hồ
Long đong bốn bể, mưu đồ cứu dân 
Vận nước chửa hết tuần bĩ cực
Sức người khôn đọ sức ông xanh
Mỗi phen gắng gỏi tung hoành
Thương ôi! sự nghiệp tan tành mỗi phen
 
Nguyễn Thái Học gan bền, chí cả
Họp đồng bang gióng giả nên đoàn
Rừng xanh bụi cỏ gian nan
Mong đem nhiệt huyết dội tan cường quyền
Tổ chức việc tuyên truyền, ám sát
Khắp nơi nơi, từng hạt, từng châu
Xiết bao hy vọng buổi đầu
Một đêm Yên Bái ngờ đâu tan tành
 
Ôi Việt sử là tranh đấu sử
Trước đến sau cầm cự nào ngơi
Tinh thần độc lập sáng ngời
Bao người ngã, lại bao người đứng lên
Ngày nay muốn sông bền, núi vững
Phải làm sao cho xứng nguời xưa
Yêu nòi giống, hiểu thời cơ
Bốn phương một ý: phụng thờ giang sơn
 
Ðừng lo yếu, hãy chung hờn
Cần câu đánh giặc từng hơn giáo dài
Trả núi sông ta! lời dĩ vãng
Thiên thu còn vọng đến tương lai
Trả ta sông núi! câu hùng tráng
Là súng là gươm giữ đất đai
Trông lên cao ngất phương trời
Hồn thiêng liệt sĩ bừng tươi sắc cờ.
 
                         Vũ Hoàng Chương

Thứ Tư, 2 tháng 12, 2020

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 3” THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG - Châu Thạch


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương


ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA (3)
 
“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”
                                           Thôi Hộ
 
Ngày này xưa cổng này đây
Hoa đào má đỏ cùng lây ánh hồng
Đã ngưng một điểm thời không
Mở ra ngoài phía chiếc lồng thiên cơ
Đón vào sâu tận cõi bờ
Chưa ai vào được hay mơ được vào
Chợt nghe má đỏ hôm nào
Cười lên từ cổng hoa đào nhặt thưa
Cổng ơi mở cũng bằng thừa
Đừng tin kích thước gởi vừa Đường thi
Chàng Thôi ngắm hảo rồi đi
Một khung chết đứng mong gì ngàn sau.
 
                                 Vũ Hoàng Chương
 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 2”, THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Châu Thạch


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA  2
 
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
                             Phạm Ngũ Lão
 
Đại công ngoài mãi tầm tay
Thẹn nghe lời nhắc rồng mây Vũ hầu
Non sông riêng họ Trần đâu
Mà trăm trận đánh công đầu về ai
Để ta thương một chàng trai
Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu
Kìa trên dòng sử hoang vu
Tầm tay ai vượt sương mù trỏ lên
Thẳng băng ngọn giáo mũi thuyền
Nuốt sao Ngưu lệnh còn xuyên trăng tà
Chàng trai cười ngất Đông A
Hơi văn nhọn mãi chính là đại công.
 
                          Vũ Hoàng Chương
 
 
I - Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương
II - Sự Kiện của thơ
 
Phần I và phần II tôi đã viết ở “Bàn Về Đọc Lại Người Xưa, Bài 1” đăng trên trang mạng nên nay xin lướt qua. Mời quý vị có thể đọc ở đường link sau đây: 

https://phudoanlagi.blogspot.com/2020/11/ban-ve-oc-lai-nguoi-xua-bai-1-tho-vu.html
 
III - Tóm lược tiểu sử Phạm Ngũ Lão
 
“Đọc Lại Người Xưa, bài 2” nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết về tướng Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.
Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là làng Phù Ủng xã Phù Ủng huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), Việt Nam

 

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 1”; THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Châu Thạch

 

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

I - Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương:

Vũ Hoàng Chương (1916-1978) ở Nam Ðịnh, nguyên quán ông là làng Phù Ủng, huyện Đường Hào nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. 

Thi phẩm của Vũ Hoàng Chương được nổi tiếng nhất là tập Thơ Say (xuất-bản năm 1940). Sau tháng Tám 1945, nhà thơ họ Vũ đã cho ra đời thêm mấy tập thơ nữa là: Mây (1943), Rừng Phong (1954); một tập kịch thơ Vân Muội, Trương Chi, Hồng Diệp (1944). 

Sau năm 1954, nhà thơ di cư vào Nam, ông tiếp tục sáng tác không ngừng cho đến khi ông mất. Các tác phẩm giai đoạn này là các tập thơ Tâm Sự Kẻ Sang Tần (1961), Lửa Từ Bi (1963), Ta Đợi Em Từ 30 Năm (1970), Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau (1973)... Ông từng được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam.

Sau 1975 bị bắt giam ở Chí Hòa, do bệnh nặng Ông mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn. 

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2020

NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” – Hoàng Hương Trang

Năm 2012, La Thụy được chị Hoàng Hương Trang tặng TUYỂN TẬP THƠ VĂN XUÔI HOÀNG HƯƠNG TRANG, trong đó có in những bài thơ cuối cùng, là “di cảo do thi sĩ Vũ Hoàng Chương trao cho chị Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời”. Những bài thơ này được in từ trang 398 đến trang 407 trong tuyển tập nêu trên. Xin giới thiệu cùng quý bạn đọc.




NHỮNG BÀI THƠ CUỐI ĐỜI CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG: “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA”
                                                                           Hoàng Hương Trang

Di cảo của Vũ Hoàng Chương (1975 – 1976), do Vũ Hoàng Chương trao cho Hoàng Hương Trang giữ trước khi qua đời, đây là công bố đầu tiên di cảo này, gồm 14 bài, trong đó có 1 bài thơ Tết vịnh Tranh Gà Lợn, 12 bài cùng 1 nhan đề “Đọc lại người xưa”, còn 1 bài ông làm trong tù gồm 12 câu, phải làm 6 lần, mỗi lần bà Đinh Thục Oanh vợ ông vào thăm nuôi, ông chỉ viết 2 câu trên mảnh giấy gói đồ, 6 lần vào thăm nuôi ghép lại mới hoàn chỉnh bài thơ, tuy nhiên bài ấy do bà Đinh Thục Oanh giữ và nay đã thất lạc, Hoàng Hương Trang chỉ nhớ vỏn vẹn 1 câu: “Tối về Khánh Hội sáng vô Chí Hòa” để chỉ những cuộc thăm nuôi của bà Đinh Thục Oanh vào thăm ở Chí Hòa, lặn lội cuốc bộ về tới Khánh Hội ở đậu nhà bà Đinh Hùng thì trời đã chiều tối. Nhưng bài thơ này cũng là ngoài 12 bài liền mạch “Đọc lại người xưa”.
Hoàng Hương Trang nay cũng ở gần cái tuổi 80 rồi, sợ không giữ được, nên xin công bố, in vào tuyển tập sau này để lưu giữ được lâu dài, làm tài liệu cho văn học sau này.

Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

GIỚI THIỆU 12 BÀI THƠ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA” CỦA THI SĨ VŨ HOÀNG CHƯƠNG - Trần Từ Mai

 

Đầu tháng 4 năm 1976, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bị nhà cầm quyền bắt, đưa vào giam ở khám Chí Hoà. Một số thơ ông làm trong thời gian này (chẳng hạn bài Đường luật bát cú mở đầu bằng câu “Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn”) đã được chuyển về cho gia đình và đã được phổ biến. Đầu tháng 9-1976, thấy sức khỏe của ông suy sụp, những người cầm quyền thả ông về để chết ở nhà.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU, VỊNH TRANH GÀ LỢN - Thơ Vũ Hoàng Chương


   

Theo ông Hoàng Tấn, nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm bài thơ “Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau” tặng nghệ nhân Quách Thị Hồ, người hát ca trù hay nhất Việtnam (danh hiệu NSND), xưa từng là bạn cố tri của nhà thơ Vũ Hoàng Chương.
Hát ca trù cần có “đàn đáy”, do đó nội dung bài thơ sau đây đầy ắp những từ hát cô đầu, âm thanh vang tiếng “sênh, đàn, phách”.


    


CHÚNG TA MẤT HẾT CHỈ CÒN NHAU

Sáng chưa sáng hẳn tối chưa đành
Gà lợn om sòm cả bức tranh
Rằng vách có tai thơ có họa
Biết lòng ai đỏ mắt ai xanh

Dấu hỏi xoay quanh trọn kiếp người
Sên bò nát óc máu thắm rơi
Chiều nay một dấu than buông dứt
Đanh đóng vào săng tiếng trả lời

Chúng ta mất hết cả rồi sao ?
Cả đến âm thanh một thuở nào !
Da trống tơ đàn ôi trúc phách
Đều khổ như khúc hát gầy hao

Đàn mang tiếng đáy mà không đáy
Mất hết rồi sao sợi nhớ thương
Tay phách từ lâu nay lạc phách
Không còn đựng mãi bến Tầm Dương.

Hơi ca nóng đã tan thành tuyết
Để tiếp vào cho nó đỡ xanh
Bạc mệnh hỡi ai hoàn mệnh bạc
Đâu còn ấm nữa rượu tàn canh ?

Hay là đêm ấy Ngưu lìa Chúc
Xé nát mình ra hoen mắt ai?
Còn có gì đâu cho mắt trống
Đập lên hoang vắng đến ghê người !

Âm thanh mất hết còn chi đâu ?
Gắng gượng cho thêm hồn nhọc đau
Ba kiếp long đong ngồi chụm lại
Chúng ta mất hết chỉ còn nhau.

                          Vũ Hoàng Chương

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

THI SĨ ĐINH HÙNG VÀ VŨ HOÀNG CHƯƠNG, NHỮNG THIÊN TÀI BẠC MỆNH CỦA SÀI GÒN XƯA - Tô Kiều Ngân

                            
        

                                 Nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ thổi sáo Tô Kiều Ngân


THI SĨ ĐINH HÙNG VÀ VŨ HOÀNG CHƯƠNG, NHỮNG THIÊN TÀI BẠC MỆNH CỦA SÀI GÒN XƯA

Lịch sử văn học Việt Nam đã ghi nhận tên tuổi họ, nhưng trong biến thiên của lịch sử dân tộc không ít văn thi sĩ tên tuổi phải chìm nổi cùng vận mệnh đất nước…

Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương là những nhà thơ nổi tiếng từ hồi “phong trào Thơ Mới” thời tiền chiến. Họ đều là những “đại gia” trong làng thơ, nhưng cả hai không ai tự tạo dựng được cho mình một mái nhà mà suốt đời toàn đi ở nhà thuê.

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2019

LẼ VÔ THƯỜNG TRONG THƠ TRANG TỬ, NGUYỄN BÍNH, XUÂN DIỆU… - La Thụy


  
                 “Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp
              Khúc Cổ bồn ca gõ hát chơi”


  LẼ VÔ THƯỜNG
  TRONG THƠ TRANG TỬ, NGUYỄN BÍNH, XUÂN DIỆU…

Tình cờ lướt web, đọc bài Đạo Chích (chương 29, Trang Tử Nam Hoa Kinh), tôi cứ tủm tỉm cười. Trang Tử khá “độc” khi đem “vạn thế sư biểu” Khổng Tử của Nho giáo ra đùa cợt. Hình ảnh uy nghi, khẳng khái “uy vũ bất năng khuất” đâu chẳng thấy mà chỉ còn là hình ảnh lão già tầm thường run như cầy sấy trước hành động hung cuồng bạo ngược của Đạo Chích – kẻ bị cho là “đào tường khoét vách, lùa ngựa bò, bắt cóc vợ và con gái người ta, tham lợi tới quên cả thân thích, không đoái hoài tới cha mẹ anh em, không cúng giỗ tổ tiên”. Đạo Chích vừa mới cất vài lời “cường ngôn” phản bác màKhổng Tử vái hai vái rồi vội vàng chạy ra cửa, lên xe ba lần mới nắm được dây cương vì hoảng hốt, mắt không thấy rõ, mặt tái như tro tàn, ngồi dựa vào cái đòn ở trước xe, đầu cuối xuống, thở không ra hơi”. Trang Tử khéo giễu quá đi thôi! Đạo giáo cùng Nho giáo Tàu cũng “chỏi” nhau ra trò đó chứ!

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

“SAY ĐI EM”, MỘT BÀI THƠ “TỚI BẾN” – Phạm Đức Nhì


   
                                   Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

     
        “SAY ĐI EM”, MỘT BÀI THƠ “TỚI BẾN” 
                                                        Phạm Đức Nhì

Tôi không nhớ đã “quen biết” bài thơ Say Đi Em của Vũ Hoàng Chương ở đâu và khi nào. Nhưng trong danh sách những bài thơ hay để giới thiệu với độc giả thì nó đứng đầu. Đọc để cảm thì sao cũng được – đó là “cái riêng” của mỗi người khi đọc thơ, những người khác ít ai dám xía vào. Nhưng bình thơ thì phải có khen chê - phải có một quan niệm về thơ để làm chỗ dựa cho sự khen chê đó. Mỗi lời khen, tiếng chê - ngoại trừ cái hay, dở của ngôn ngữ thơ - đều phải có lập luận để giải thích, và nếu bị phản bác, để bảo vệ nó.

Thứ Năm, 25 tháng 10, 2018

ĐỜI TÀN NGÕ HẸP - Thơ Vũ Hoàng Chương


     
            Nhà thơ Vũ Hoàng Chương

ĐỜI TÀN NGÕ HẸP

Gối vải mộng phong hầu
Vàng son mờ gác xép,
Bừng tỉnh mưa còn mau,
Chiều tàn trong ngõ hẹp.

Mưa lùa gian gác xép,
Ngày trắng theo nhau qua.
Lá rơi đầy ngõ hẹp:
Đời hiu hiu xế tà.

Ôi! ta đã làm chi đời ta ?
Ai đã làm chi lòng ta ?
Cho đời tàn tạ lòng băng giá
Sương mong manh quạnh chớm thu già.

Mải mê theo sự nghiệp,
Quá trớn, lỡ giàu sang;
Mưa rơi, chiều ngõ hẹp,
Lá vàng bay ngổn ngang...

Dìu vương nhau mươi chiếc lá khô vàng,
Xuân đời chưa hưởng kịp,
Mây mùa thu đã sang.

Giấc hồ nghe phấp phới
Cờ biển nhìn mơ màng,
Đường hoa son phấn đợi,
áo gấm về xênh xang...

Chập chờn kim ốc giai nhân...
Gió lạnh đưa vèo,
Khoa danh trên gối rụng tàn theo!
Nao nao đàn sáo phai dần...

Hạnh phúc tàn theo,
Nửa gối thê nhi lá rụng vèo!
Song hồ lơ lửng khép,
Giường chiếu ấm hơi mưa;

Chiêm bao mờ thoáng hương thừa,
Tan rồi mộng đẹp,
Ôi thời xưa!

Ta đã làm chi đời ta xưa?
Ta đã dùng chi đời ta chưa?

Thiên thu? ngờ sự nghiệp!
Chiều mưa rồi đêm mưa;

Gió lùa gian gác xép,
Đời tàn trong ngõ hẹp.

VŨ HOÀNG CHƯƠNG