BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thâm Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thâm Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2021

HUYỀN THOẠI TT KH VÀ HAI SẮC HOA TY GÔN – Thụy Khê

Nguồn:
https://tchanhpb.violet.vn/entry/huyen-thoai-ttkh-va-hai-sac-hoa-ty-gon-thuy-khue-3733226.html
 

Trong những bài thơ tác giả ẩn danh hoặc ký tên nhưng không biết rõ người ấy là ai, Hai sắc hoa ty gôn và TTKh là một huyền thoại lãng mạn đã gây mối trắc ẩn cho nhiều thế hệ yêu thơ.
 
Câu chuyện bắt đầu cách đây 70 năm, ngày 27/9/1937 trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, số 174 xuất bản tại Hà Nội, có đăng truyện ngắn Hoa ty gôn của Thanh Châu, nội dung kể lại mối tình tan vỡ của đôi trai gái ngày trước đã hò hẹn dưới giàn hoa ty gôn. Ít lâu sau, có người đàn bà trẻ, dáng dấp bé nhỏ, nét mắt u buồn, mang đến tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bẩy một phong bì dán kín, gửi cho ông chủ bút, trong có bài thơ Hai sắc hoa ty gôn, ký tên TTKh. Bài thơ Hai sắc hoa ty gôn được đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 179, ra ngày 30/10/1937, và sau đó còn ba bài nữa cũng ký tên TTKh được gửi bằng đường bưu điện đến tòa soạn: 

- Bài thơ thứ nhất, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 182 (20/11/1937),
- Đan áo cho chồng, đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm,
- Bài thơ cuối cùng, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, số 217 (23/7/1938).

Bài thơ thứ nhất xuất hiện sau Hai sắc hoa ty gôn gần một tháng, và Bài thơ cuối cùng đăng tám tháng sau.
 
Ngay khi Hai sắc hoa ty gôn ra đời, giới văn nghệ sĩ đã xôn xao, thi sĩ J. Leiba, người cùng tâm sự với TTKh và là tác giả hai câu thơ nổi tiếng "Người đẹp vẫn thường hay chết yểu. Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai", chép lại nguyên văn bài Hai sắc hoa ty gôn trên Ngọ Báo với lời mở đầu:
 
Anh chép bài thơ tự trái tim
Của người thiếu phụ lỡ làng duyên
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ
Yên ủi anh và để tặng em.
 
Nguyễn Bính sau khi đọc Bài thơ thứ nhất đã viết bài Dòng dư lệ để tặng TTKh, in lại trong tập Lỡ bước sang ngang và Thâm Tâm có ba bài Màu máu ti gôn, Dang dở và Gửi TTKh, và nhiều thế hệ sau còn có những bài thơ khác sụt sùi thương cảm cho số phận TTKh. Vậy TTKh là ai ?
 

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2020

TỐNG BIỆT HÀNH - Thơ Thâm Tâm, giọng ngâm Hoàng Hương Trang

Nữ sĩ Hoàng Hương Trang đã từ giã cõi đời vào lúc 6g sáng 15-4 - 2020 và được hỏa táng vào lúc16g chiều16-4-2020, hưởng thọ 84 tuổi. Tro cốt sẽ được đưa về Huế và chôn tại ngôi mộ trên một ngọn đồi do chị tự lập từ năm 2011.





Là người đa tài (vẽ tranh, làm thơ, viết văn, sọan nhạc, viết thư pháp) nên hơn nửa thế kỷ qua chị giao tiếp nhiều cây cao, bóng cả trong làng văn, trận bút. Đặc biệt nghe chị hay nhắc về thi bá Vũ Hoàng Chương, kịch tác gia Vi Huyền Đắc, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Lê Thương, thi sĩ Kiên Giang, nhà văn Toan Ánh, nhà thơ Tế Hanh... Chị còn là một nghệ sĩ ngâm thơ trong chương trình Tao Đàn (do thi sĩ Đinh Hùng cùng bạn bè lập ra chương trình Tao Đàn năm 1955 trên Đài phát thanh Sài Gòn) cùng các nghệ sĩ Hồ Điệp, Hoàng Oanh, Giáng Hương, Quách Đàm, Tô Kiều Ngân, Đoàn Yên Linh, Vân Khanh, Hà Linh Bảo, Hồ Bảo Thanh, Mai Hiên, Huyền Trân, Hồng Vân...  Chị đã viết thơ tự vịnh về mình:

Thơ hơn chục cuốn, vạn bài
Văn ngoài dăm quyển, ngàn trang
Họa sáu mươi niên, dư vài trăm bức
Nhạc điểm xuyết mấy khúc ca.
Ngâm nga gần bảy chục năm, Tao Đàn nổi tiếng

Một trong những bài ngâm thơ của chị mà La Thụy còn lưu giữ được là “Tống biệt hành”, thơ của thi sĩ Thâm Tâm.

Hôm nay, La Thụy làm video clip để tưởng niệm nữ sĩ Hoàng Hương Trang và tống biệt chị về vùng trời miên viễn. Nguyện cầu hương linh chị siêu thoát về nơi cực lạc.


       

          Thơ: Thâm Tâm.
          Giọng ngâm: Hoàng Hương Trang.
          Video clip: Phú Đoàn.


TỐNG BIỆT HÀNH

Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...

- Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí nhớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong!

Ta biết người buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót.

Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...

Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.

Mây thu đầu núi, gió lên trăng,
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng Đời xô động, tiếng hờn câm.

                                     Thâm Tâm