BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồ Bạch Thảo. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồ Bạch Thảo. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2024

LÊ MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P3) – Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tiết chế Trịnh Tùng hai lần mang quân tiến chiếm thành Đông Đô, cuối cùng Mạc Mậu Hợp bị giết, triều đình nhà Lê chuẩn bị trở về thành Đông Đô.
 

Tháng 2 năm Hưng Trị thứ 1 [26/2-25/3/1588], tức Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 11, Minh Vạn Lịch năm thứ 16, nhà Mạc thấy quân nhà Lê mỗi ngày một mạnh, bèn định kế phòng thủ. Hạ lệnh cho quân dân các huyện trong bốn trấn đắp thêm ba lớp lũy ngoài thành Đông Đô, bắt đầu từ phường Nhật Chiều [Nhật Tân, Hà Nội] vượt qua Hồ Tây, qua cầu Dừa [phường Thịnh Quang, Hà Nội] đến cầu Dền [ô Cầu Dền, Hà Nội] suốt đến Thanh Trì, giáp phía tây bắc sông Nhị Hà, cao hơn thành Thăng Long cũ đến vài trượng, rộng 25 trượng, đào 3 lớp hào, đều trồng tre, dài tới mấy mươi dặm để bọc lấy phía ngoài thành.
 

Thứ Hai, 15 tháng 7, 2024

LÊ MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P2) - Tác giả Hồ Bạch Thảo



Trong giai đoạn này Lê – Mạc tiếp tục tranh hùng. Phía Mạc, sau khi dũng tướng Mạc Kính Điển mất, thế lực trở nên suy vi; phe Lê, Tiết chế Trịnh Tùng thừa thắng mấy lần xua quân ra Bắc.
 
Ngày mồng một tháng Giêng năm Sùng Khang thứ 8 [2/2/1573], tức Lê Thế Tông năm Gia Thái thứ nhất, Minh Long Khánh năm thứ 7, Tả tướng Trịnh Tùng và các quan tôn Hoàng tử thứ năm của Vua Anh Tông là Lê Duy Đàm lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu Gia Thái, đại xá, ban dụ đại cáo, đại lược nói:
 
 “Ta nghe thượng đế mở rộng công nuôi dưỡng muôn loài, tất ngay dịp xuân mà ban ân đức, vương giả giữ gìn buổi đầu tức vị, phải ra mệnh lệnh dụ bảo thần dân. Trên dưới hợp nhau, đồng lòng một chí. Nước nhà ta, nhân thời cơ mà mở vận, gây dựng nước bằng lòng nhân. Một tổ khai sáng đầu tiên, các thánh kế nối sau mãi, truyền nhau chính thống đã hơn một trăm năm. Vừa rồi, gặp cơn vận ách, giềng mối rối tung. May nhờ lòng người còn theo, mệnh trời còn đó. Thánh phụ hoàng thượng ta là dòng dõi nhà Vua, nối cơ đồ của tông tổ, khôi phục nghiệp lớn, trải hơn mười tám năm. Ngày 26 tháng 2 [10/3/1572], bị kẻ gian là bọn Cảnh Hấp, Đình Ngạn gièm pha, ly gián, đến nỗi xa giá phiêu giạt ra ngoài, thần dân trong nước không chỗ nương tựa. Ta là con thứ năm của hoàng phụ, đương tuổi thơ non nớt, nối nghiệp lớn khó khăn, chỉ sợ không cáng đáng nổi. Nhưng trên vâng mệnh trời yêu mến, dưới theo lòng người suy tôn, từ chối không được, nên vào ngày mồng một tháng Giêng năm nay, ta đã lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Thái năm thứ nhất, thực là nhờ được đại thần Tả tướng thái uý Trường quận công Trịnh Tùng và các quan văn võ đồng lòng giúp sức để dẹp yên xã tắc. Vậy ban chiếu mệnh 6 điều để các nơi gần xa được biết:
 
1. Người dân nào bị nạn binh lửa không còn tài sản gì đều được tha tạp dịch.
2. Dân nghèo xiêu giạt cho về quê cũ, và được tha thuế khoá, sai dịch.
3. Những người theo trộm cướp và những kẻ trốn tù, trốn tội nếu đến thú tội ở cửa quan thì được ân xá, tha tội.
4. Các nha môn trong ngoài nếu có người tù bị giam nào tội nhẹ thì thả cho ra.
5. Các quan văn võ người nào có công thì cho thăng tước một bậc.
6. Con cháu các quan viên, người nào bị oan khuất, kìm hãm, thì cho làm bản tâu lên, sẽ tùy theo tài năng mà bổ dụng. Các nha môn trong ngoài hãy kính theo đó mà thi hành.”

Bấy giờ, Trịnh Tùng sai bọn Nguyễn Hữu Liêu đem quân đến Nghệ An đón Vua Anh Tông, nhà Vua lánh ra ruộng mía. Bọn Hữu Liêu đến lạy mời:
 
 “Xin bệ hạ mau mau vào cung để cho tôi con trong nước được thỏa ý mong muốn. Chúng tôi chẳng ai dám có ý gì khác”.
 
Họ bèn đón nhà vua quay về. Tùng sai Bảng quận công Tống Đức Vị ngày đêm hầu ở bên nhà vua. Ngày 22 tháng Giêng [23/2/1573], đi đến Lôi Dương [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa], Đức Vị ngầm bức bách giết chết nhà Vua, rồi giả vờ nói phao lên rằng nhà Vua tự thắt cổ chết.
 

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

LÊ - MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P1) – Hồ Bạch Thảo



Trong giai đoạn này, Lê, Mạc tiếp tục tương tranh. Phía Lê tướng Trịnh Kiểm chết, hai con Cối, Tùng tranh quyền. Rốt cuộc, Cối hàng Mạc, riêng Trịnh Tùng vẫn giữ vững cơ đồ cho nhà Lê.
 
Mạc Phúc Nguyên mất, con là Mạc Mậu Hợp nối ngôi, trị vì 32 năm, lần lượt dùng 6 niên hiệu: Thuần Phúc [1562-1565], Sùng Khang [1566-1577], Diên Thành [1578-1585], Đoan Thái [1586-1587], Hưng Trị [1588-1590] Hồng Ninh [1591-1593].
 
Tháng Giêng năm Thuần Phúc năm thứ 1 [4/2-4/3/1562], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 5, Minh Gia Tĩnh năm thứ 41, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, Nhập nội phụ chính Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng ẵm Mậu Hợp ra coi chầu. Tôn ông chú là Khiêm Vương Mạc Kính Điển là Khiêm Đại Vương, Hoa quận công làm chưởng Triều Đông vệ, Phò mã đô uý Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn chưởng Phù Tây vệ, Thạch quận công Nguyễn Quyện chưởng Phù Nam vệ, Phò mã tông chính thái bảo Ninh quận công chưởng An Bắc vệ.
 

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

NỘI CHIẾN LÊ MẠC DƯỚI THỜI MẠC PHÚC NGUYÊN (1546-1561) - Hồ Bạch Thảo



Thời Phúc Nguyên sau khi dẹp tan nội loạn Mạc Chánh Trung, phe Mạc chia rẽ, quyền thần Lê Bá Ly mang quân theo nhà Lê. Kế đó danh tướng Trịnh Kiểm mấy lần xua quân ra Bắc, tướng Mạc Kính Điển cũng mang quân vào đánh Thanh Hóa. Trong lúc hai hổ đang tranh hùng, thì Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, ngấm ngầm mài nanh dũa vuốt, trở thành hổ thứ ba trong tương lai.
 
Ngày mồng 8 tháng 5 năm Quảng Hoà năm thứ 6 [5/6/1546], Mạc Phúc Hải chết, lập con trưởng là Phúc Nguyên lên làm vua. Phúc Nguyên giữ ngôi 16 năm, lần lượt dùng 3 niên hiệu: Vĩnh Định, Cảnh Lịch, Quang Bảo, lấy năm sau [1547] là năm Vĩnh Định thứ nhất.
 
Lúc này Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi, chưa biết định đoạt, bao nhiêu công việc lớn nhỏ đều ủy cả vào chú ruột là Khiêm Vương Kính Điển phân xử.
 
Khi Mạc Phúc Hải chết, viên tướng Tứ dương Hầu Phạm Tử Nghi bàn rằng:
 
“Hiện trong nước đương lúc nhiều nạn, nên lập vua lớn tuổi. Con Vua Đăng Dung là Hằng Vương Chánh Trung đã nhiều phen cầm quân, và thường thắng trận. Vậy xin dựng lên nối ngôi”.

Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2024

MẠC ĐĂNG DUNG MẤT, NGUYỄN KIM BỊ ĐẤU ĐỘC CHẾT, TRỊNH KIỂM GÂY DỰNG THANH THẾ - Hồ Bạch Thảo


 
Phúc Hải là con trưởng Mạc Đăng Doanh, trước tên là Đức Nguyên, lập làm Hoàng Thái tử. Sau khi Mạc Đăng Doanh mất vào ngày 15 tháng Giêng năm Đại Chính thứ 11 [22/2/1540] bèn lên ngôi, đổi năm sau Tân Sửu, làm năm Quảng Hòa thứ nhất [1541].
 

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

MẠC ĐĂNG DUNG ĐẾN TRẤN NAM QUAN XIN HÀNG NHÀ MINH - Hồ Bạch Thảo



Mạc Đại Chính thứ 9 [1538], tức Lê Trang Tông Nguyên Hòa năm thứ 6, Minh Gia Tĩnh năm thứ 17, họ Mạc mở khoa thi Hội vào mùa xuân, cho bọn Giáp Hải, Trần Toại, Hoàng Sầm đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Phan Cảo 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Hoàng Thuyên 25 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Cho tuyển hoàng dinh, tức dân đinh 17 tuổi.
 

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI LÊ THÁNH TÔNG - Hồ Bạch Thảo



Tháng 3 năm Hồng Đức thứ 3 [8/4-7/5/1472] (Minh Thành Hóa thứ 8), cho các thư lại đỗ thi Hương, được thực thụ chức quan. Mở kỳ thi Hội, lấy đậu 26 người; qui định đề tài trong 4 kỳ thi:
 
“Tháng 3, hạ lệnh rằng, lại viên các nha môn nếu thi đỗ khoa thi hương thì được bổ lên chính quan…
 
 Thi hội chọn sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Lê Tuấn Ngạn 26 người. Phép thi:
 
 Kỳ thứ nhất ra 8 đề về Tứ Thư [Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung], người thi tự chọn lấy 4 đề, làm 4 bài văn, Luận Ngữ 4 đề, Mạnh Tử 4 đề. Ngũ Kinh [Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu]: mỗi kinh 3 đề, người thi tự chọn 1 đề mà làm. Duy kinh Xuân Thu thì 2 đế gộp làm 1 mà làm.
 
 Kỳ thứ hai thi chế, chiếu, biểu; mổi loại 3 đề.
 
 Kỳ thứ ba, thơ, phú, mỗi loại 2 đề; phú dùng thể Lý Bạch.
 
 Kỳ thứ tư, 1 bài văn sách, hỏi về chỗ dị đồng trong nghĩa lý của kinh truyện, điều hay dở trong chính sự của các đời.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 72a.