BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Đằng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Đằng. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 13 tháng 11, 2023

TÔI ĐỌC HỒI KÝ “BỤI CÁT CHÂN MÂY” CỦA ĐẠO DIỄN LÊ CUNG BẮC (1946 – 2021) – Hoàng Đằng



Gia đình anh Lê Cung Bắc gởi tặng tôi tập hồi ký “BỤI CÁT CHÂN MÂY” qua Ban Liên Lạc cựu học sinh trường Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị.
 
Tôi đã nhận sách cách đây mấy ngày.
Tôi được tặng vì tình Nguyễn Hoàng - Lê Cung Bắc có học Nguyễn Hoàng từ Đệ Thất đến Đệ Tam (lớp 6 đến lớp 10 – 1959 - 1963) và tôi có dạy Nguyễn Hoàng từ 1965 đến 1970.
Tôi lấy làm tự hào và trân quý quà tặng.
Tôi đọc và viết ra mấy dòng này.

Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

THỬ ĐOÁN ĐỌC VĂN BIA BẰNG HÁN VĂN TÌM THẤY Ở TỈNH LỴ QUẢNG TRỊ - Hoàng Đằng




Tôi thấy trên trang facebook của Nguyễn Duy Ái có thông tin:

“Những năm làm nghề xây dựng trên địa bàn thị xã Quảng Trị, tôi lại cơ duyên được gặp khá nhiều ngôi mộ của liệt sĩ, tử sĩ, quan lại, nhân dân quá cố... Trong đó có ngôi mộ của Ngài Hàn Lâm Viện Thị độc, bia dựng năm 1935.
Tôi đã gửi thư về địa phương, qua nhiều kênh, ở Quảng Nam đã có thư xác nhận là Tổ Tiên của họ, nhưng sau đó thấy không liên hệ tiếp.
Các Liệt Sĩ thì phối hợp với Chính Quyền Địa Phương đưa lên Nghĩa Trang thị xã Quảng Trị.
Có hai tử sĩ thì người nhà đã xác nhận đưa về quê.
Hằng năm, trước mùa Vu Lan, ngày 10/7, gia đình tôi lên viếng mộ, vệ sinh và tổ chức hiệp kỵ cho các vong linh.
Phật dạy: Chúng sanh là cha mẹ của nhau, nên hữu duyên nầy chắc là những người yêu thương trong quá khứ.
Nhân mùa Vu Lan, chúng tôi luôn khấn nguyện cầu mong các vong linh sớm tái sanh về Miền Tịnh Quốc”.
 
Dưới những dòng thông tin, có ảnh tấm bia mộ “Ngài Hàn Lâm Viện Thị Độc” và ảnh chụp phần phiên âm của ai đó (có lẽ do ông Nguyễn Duy Ái cây nhờ) từ chữ Hán ra âm Hán Việt viết bằng chữ Quốc Ngữ, xin gọi là bản phiên âm văn bia 1.
 
I- BẢN PHIÊN ÂM VĂN BIA 1

 
“CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH NGHI LỘC HUYỆN VẠN TANG XÃ HÀN LÂM VIỆN THỊ ĐỘC

SUNG ĐIỀN KHÂM KHOA HOÀNH NHI TƯ HOÀNG SANH PHỦ QUÂN CHI MỘ
 
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM NHU NHÂM QUẢNG NAM TỈNH PHÚ BÌNH XÃ HƯƠNG XUÂN BÁI CHI

KHẢI ĐỊNH ẤT HỢI NIÊN NHUẬN TỨ NGUYỆT NHỊ THẬP LỤC NHẬT (1935).
 
Phần phiên âm tối nghĩa vì (1) người viết phiên âm nghe người đọc âm Hán Việt các chữ Hán không rõ nên viết sai nhiều chữ và (2) bản văn bia bằng chữ Hán khắc không rõ, lại lâu ngày bị lu mờ, phải vừa đọc vừa đoán.
 
II- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 2

Trên facebook, BS. Nguyễn Văn Nguyên đã đọc và phiên âm lại, kèm phần dịch nghĩa:
 
“ĐẠI NAM CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH, NGHI LỘC HUYỆN, VẠN TRANG XÃ, HÀN LÂM VIỆN KIỂM THẢO.

NGUYÊN QUẢNG NAM TỈNH TẤN THI HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ HÀN SINH, PHỦ QUÂN CHI MỘ.
 
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM LỤC NHÂN QUẢNG NAM TỈNH, PHÚ BÌNH XÃ, PHAN THỊ XUÂN BÁI CHÍ

KHẢI ĐỊNH ẤT SỬU NIÊN, NHUẬN TỨ NGUYỆT, NHỊ THẬP LỤC NHẬT
 
Tạm dịch như sau:
 
Đại Nam (tên nước ta), chồng quá vãng, tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, xã Vạn Trang, là Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo
Nguyên quán Quảng Nam, Tấn Thi Hoàng Trúc Nhị, tự là Hàn Sinh, là mộ của phủ quân. 

Chánh thất phẩm Lục Nhân, tỉnh Quảng Nam, xã Phú Bình tên Phan Thị Xuân bái ghi.
Năm Ất Sửu triều vua Khải Định, tháng tư nhuận, ngày hai mươi sáu.”
 
BS. Nguyễn Văn Nguyên đã tìm thấy một số điều xét ra không hợp lý trong bản phiên âm trước:
 
1/ Thiếu chữ trên bia.
2/ Chức Kiểm Thảo Quan của Hàn Lâm Viện triều Nguyễn ngang hàng Thất phẩm. Thị Độc ngang hàng tứ phẩm.
3/ Người dưới mộ tên là Hoàng Trúc Nhị, Tấn Thi là làm bài được tấu cho vua phong hàm, không phải thi cử (hay còn gọi là ngự chế). Ông có tên tự là Hàn Sinh.
4/ Năm Ất Sửu 1925 là năm nhuận, Ất Hợi 1935 không nhuận.
5/ Vua Khải Định băng hà 1925. Niên hiệu Khải Định phải là khi vua còn tại vị. Năm 1935 là vua Bảo Đại.”
Phần phiên âm và dịch nghĩa của BS. Nguyễn Văn Nguyên tương đối đã soi rõ nhiều thông tin trong văn bia; tuy nhiên, chưa phải là tất cả.
 
III- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 3
 
Vì vậy, tôi muốn góp chuyện.
Qua cô bạn đồng môn, đồng khóa của tôi – Võ Hồng Phi - ở Viện Hán Học Huế ngày xưa, tôi nhờ ông Đỗ Chiêu Đức, người mà đọc trên mạng tôi biết có trình độ Hán Văn cao, đọc giùm.

Và đây là ý kiến của ông Đỗ Chiêu Đức:

Bia đá từ năm Ất Mão 乙卯 (1915) đời vua Khải Định, hơn một trăm năm rồi, chỗ bị mẻ sứt. lại được tô bù bằng xi-măng, nên ... Em (từ ông Đức xưng với cô bạn đồng môn đồng khóa của tôi ở Viện Hán Học Huế 1960 – 1965) đọc tới đâu thì tính tới đó thôi nghen !
Em sẽ đọc từ TRÊN xuống DƯỚI và từ hàng phía TAY PHẢI trước, rồi sang các hàng TAY TRÁI. Tất cả gồm có 4 hàng như dưới đây:
 
1. 大南故夫,乂安省,宜祿縣,萬莊社,翰林院檢討。
Đại Nam cố phu, Nghệ An Tỉnh, Nghi Lộc huyện, Vạn Trang xã, Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo.

Tạm dịch:

Chồng cũ (đã chết), ở tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc, Xã Vạn Trang, (chức vụ) là Kiễm Thảo của Viện Hàn Lâm.
 
2. x  x  廣南省,邏譯,黃行二字,語生,府君之墓。
x  x  Quảng Nam tỉnh, La dịch, Huỳnh Hành nhị tự, Ngữ Sinh, Phủ Quân chi mộ.
 
Tạm dịch:

Tỉnh Quảng Nam, LA DỊCH không hiểu là nghĩa gì, Hai chữ Huỳnh Hành,                    
NGỮ SINH không hiểu nghĩa, mộ của Người tên Phủ Quân

3. 正記六品录人,廣南省,富平社,潘氏春輝誌。
Chính ký Lục phẩm lục nhân, Quảng Nam tỉnh, Phú Bình xã, Phan Thị Xuân Huy chí.

Tạm dịch:

Người ghi lại chính là người có hàm Lục Phẩm, ở tỉnh Quảng nam, Xã Phú Bình,
Phan Thị Xuân Huy lập mộ chí.
 
4. 啟定, 乙卯年, 閏四月, 二十六日。
Khải Định, Ất Mão niên, Nhuận Tứ Nguyệt, Nhị thập lục nhật.

Tạm dịch:
Đời vua Khải Định, năm Ất Mão (1915), ngày 26, Tháng Tư nhuần.

Em chỉ đọc được có vậy thôi. Mong Chị thông cảm!
                                                               Nay kính,
                                                           Thầy Đồ Dõm
                                                          Đỗ Chiêu Đức”
 
Tôi xin cảm ơn ông Đỗ Chiêu Đức đã chịu khó, bỏ thì giờ giúp tôi.

 V- BẢN PHIÊN ÂM VÀ DỊCH NGHĨA VĂN BIA 4

Vậy là đã có 3 vị phiên âm văn bia. Giờ, việc tìm hiểu ý của văn bia trên xin được xem như một buổi hội luận.
Sau khi đọc ý kiến của các vị thức giả, tôi cũng muốn tự phiên âm và dịch nghĩa – lẽ dĩ nhiên, vừa nhận dạng mặt chữ vừa đoán vì chữ không còn rõ ràng.

Và đây là bản phiên âm của tôi:
 
ĐẠI NAM CỐ PHU NGHỆ AN TỈNH NGHI LỘC HUYỆN VẠN TRANG XÃ HÀN LÂM VIỆN KIỂM THẢO

NGUYÊN QUẢNG NAM TỈNH THÔNG DỊCH HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ NGỮ SINH PHỦ QUÂN CHI MỘ
 
CHÁNH PHỐI THẤT PHẨM NHU NHÂN (xem chú thích 1 ở dưới) QUẢNG NAM TỈNH PHÚ BÌNH XÃ PHAN THỊ XUÂN BÁI CHÍ

KHẢI ĐỊNH ẤT SỬU NIÊN NHUẬN TỨ NGUYỆT NHỊ THẬP LỤC NHẬT

Dịch nghĩa:

Mộ của chồng đã mất tên HOÀNG TRÚC NHỊ (xem chú thích 2 ở dưới) tự NGỮ SINH (người học về ngôn ngữ), chức Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo, người xã Vạn Trang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, nước Đại Nam (tên nước Việt Nam kể từ triều Minh Mạng), nguyên làm thông dịch ở tỉnh Quảng Nam.
 
Bà Phan thị Xuân, người xã Phú Bình tỉnh Quảng Nam, vợ chính của quan Thất Phẩm lạy ghi.
Ngày 26/Tư nhuận/năm Ất Sửu (xem chú thích 3 ở dưới) đời vua Khải Định (16/6/1925)
 
V- TẠI SAO CÓ NGÔI MỘ NÀY Ở TỈNH LỴ QUẢNG TRỊ

Ông Nguyễn Duy Ái kể trường hợp phát hiện ngôi mộ có tấm bia:

 “… Khi em thi công trường Thanh niên Dân Tộc (hiện nay, trước mặt trường Trung Học Phổ Thông thị xã, trước đây là trường Nguyễn Hoàng) thì gặp 3 cái, tức là khu vực sau bến xe Nguyễn Hoàng ngày xưa đó anh. Rồi tất cả em quy về nghĩa địa thị xã Quảng Trị, khu vực em đặt mộ nhìn ra hồ Tích Tường”.

Mộ ngài Hàn Lâm Viện Kiểm Thảo tìm thấy ở tỉnh lỵ Quảng Trị, nhưng trong văn bia không có thông tin Ngài giữ chức vụ gì trong chính quyền tỉnh Quảng Trị mà chỉ nói Ngài nguyên làm thông dịch ở tỉnh Quảng Nam.

Tôi đoán khi học hành xong, còn rất trẻ, từ quê tỉnh Nghệ An, Ngài được bổ nhiệm vào làm việc tại tỉnh Quảng Nam.
Ở tỉnh Quảng Nam, Ngài lấy vợ là bà Phan thị Xuân người xã Phú Bình huyện Quế Sơn.
Hai vợ chồng đem nhau từ Quảng Nam về thăm quê Nghệ An. Trên đường, đến Quảng Trị, có thể Ngài bị tai nạn gì đó hay bệnh đau đột ngột và qua đời. Đường sá xa xôi, bà Phan thị Xuân phải chôn chồng, lập mộ, dựng bia ở tỉnh lỵ Quảng Trị.

Nguyễn Duy Ái nói là đã thông báo vô Quảng Nam, có người nhận là thân nhân của Ngài, nhưng sau đó, họ cắt liên lạc.
Như thế, người nhận thân nhân ấy không phải thuộc trực hệ của Ngài, nói rõ ra không phải con cháu của Ngài; biết đâu Ngài và bà Phan thị Xuân chưa có con!
 
V- THÔNG ĐIỆP NHẮN GỞI
 
Qua đọc mấy chục chữ Hán trên văn bia, mỗi người đọc, đoán mỗi khác.
Việc đọc và hiểu Hán Văn không phải dễ.
Chuyện chồng của Trưng Trắc có tên Thi Sách hay Thi hiện nay đang rối; THI SÁCH THÊ TRƯNG TRẮC, xưa hiểu: Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, nay có nhà sử học hiểu: Thi lấy vợ là Trưng Trắc.

Chuyện tờ di chúc chỉ mấy chục chữ mà ý hiểu 2 cách khác nhau hoàn toàn:
DƯ THẤT THẬP TUẾ SINH ĐẮC NHẤT NAM TỬ NHI PHI NGÔ TỬ DÃ KỲ GIA TÀI GIAO DỮ TẾ NGOẠI NHÂN BẤT ĐẮC XÂM TRANH

Người viết di chúc muốn quan xử việc sau này hiểu là:

Ta bảy mươi tuổi sinh được một con trai mà PHI là con của ta; gia tài của ta giao cho nó; rể là người ngoài không được vào giành; chàng rể của người viết di chúc thì hiểu: Ta bảy mươi tuổi, sinh được một con trai nhưng không phải con ta; gia tài của ta giao cho rể; người ngoài không được vào giành.
 
Ấy là chưa nói đến chữ trên bia, trên trụ các công trình thờ tự, chữ bị sứt mẻ, khắc sai do trình độ của người khắc, trong các tài liệu qua thời gian chữ phai mờ hay bị ẩm ướt, mối mọt rỉa ráy, bào mòn …
 
Tôi thấy hiện nay trong cộng đồng không còn mấy người biết chữ Hán, hiểu Hán Văn rành rẽ nữa.
Vì vậy, những tài liệu gì bằng Hán Văn mà tiền nhân để lại thì xem như chuyện đã rồi, còn hiện tại và tương lai, có gì thì nên viết bằng chữ Quốc Ngữ.
Ấy là thông điệp tôi muốn nhắn gởi qua bài viết này.
 
                                                            01/9/2023 (17/Bảy/Quý Mão)
                                                                            Hoàng Đằng

PHẦN CHÚ THÍCH:
 
(1) Thụy hàm dành cho các phu nhân
Năm Minh Mạng 7 (1826), vua Minh Mạng ban lệnh chuẩn định việc phong ân sung thụy hàm cho phu nhân (nếu chỉ một vợ) hoặc các phu nhân (nếu nhiều vợ) của các quan viên. Thụy hàm này không phân biệt trật chánh tòng hoặc ban văn võ, được chuẩn định như sau:

Vợ quan Nhất phẩm: Phu nhân (夫人);
Vợ quan Nhị phẩm: Phu nhân (夫人), sau đổi Đoan nhân (端人)
Vợ quan Tam phẩm: Thục nhân (淑人);
Vợ quan Tứ phẩm: Cung nhân (恭人);
Vợ quan Ngũ phẩm: Nghi nhân (宜人);
Vợ quan Lục phẩm: An nhân (安人);
VỢ QUAN THẤT PHẨM: AN NHÂN (安人), sau đổi NHU NHÂN (柔人)
Vợ quan Bát phẩm: Nhụ nhân (孺人), sau đổi Cẩn nhân (謹人)
Vợ quan Cửu phẩm: Nhụ nhân (孺人)
                                              
(Thông tin do Bảo Lâm cung cấp)

 (2) Ngoài tên Hoàng Trúc Nhị do BS. Nguyễn Văn Nguyên đoán dịch, Ngài trong văn bia cũng có thể là tên Hoàng Trúc hay Hoàng Hành vì chữ TRÚC   và chữ HÀNH    gần giống nhau và cụm từ HOÀNG TRÚC NHỊ TỰ NGỮ SINH có thể hiểu là Hoàng Trúc có 2 chữ  tự 2 là Ngữ Sinh.
(3) Phải là năm Ất Sửu – 1925 vì năm này có tháng Tư nhuận (theo LỊCH THẾ KỶ XX, nhà xuất bản Văn Hóa) và là năm cuối niên hiệu Khải Định (1916 – 1925).

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

MẤY Ý KIẾN VỀ TÁC GIẢ BÀI THƠ “KHÓC BẰNG PHI” – Hoàng Đằng


Vua Tự Đức (1847- 1883)


KHÓC BẰNG PHI
 
Ới Thị Bằng ơi đã mất rồi!
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ôi!
Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,
Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại, để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
 
Tác giả bài thơ “KHÓC BẰNG PHI”, trong sách giáo khoa văn học, là vua Tự Đức (sinh 1829 – mất 1883; lên ngôi năm 1847).
 

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

“HOÀNH SƠN NHẤT ĐÁI, VẠN ĐẠI DUNG THÂN” – Hoàng Đằng


Tác giả Hoàng Đằng

Các điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 – 1626) trong địa bàn huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị được xếp hạng “Di tích lịch sử quốc gia” vào năm 2018.
 
Baoquangtri.vn ngày 30/3/2023 đưa tin UBND tỉnh: “Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn (1558 – 1626).”
 
“Thông qua quy hoạch này, xác định các nhóm dự án hoàn thành, nhóm dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn 2023 – 2025, 2026 – 2030 và tầm nhìn đến 2050 …”
 
Trong đó, “… mục tiêu dài hạn là bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các yếu tố mang thuộc tính lịch sử gốc của di tích, đồng thời tạo ra một không gian lưu niệm lịch sử nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ lịch sử các Chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử - văn hóa để kết nối với các di tích lịch sử hiện có ở vùng phụ cận, làm đa dạng, phong phú hơn sản phẩm du lịch Quảng Trị…”
 

Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

ĐÔI DÒNG TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ NGUYỄN THẾ ANH (1936 – 2023) – Hoàng Đằng


Ảnh mượn trên mạng: GS. Nguyễn Thế Anh lúc trẻ và lúc già
 
Trên facebook, tin loan GS. Nguyễn Thế Anh qua đời hôm 19/3/2023, lòng tôi dậy lên nỗi bồi hồi thương nhớ.
 
Tôi có may mắn thụ giáo với Thầy năm học 1965 – 1966 ở chứng chỉ “Sử Việt Nam và Đông Nam Á” tại Đại Học Văn Khoa Huế. Tiếc là do điều kiện, hoàn cảnh riêng, tôi phải bỏ dở việc học.
 
Tôi tìm trên mạng một số bài viết về Thầy để viết nên những dòng này, xem như đốt nén hương lòng vọng bái tiễn đưa Thầy về nơi an nghỉ ngàn thu.
 

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

MỪNG TUỔI 70 – Nhã My cùng quý thi hữu


 
      Ảnh Nhã My , Huỳnh Tâm Hoài & Ac Nguyễn Hữu Tân (Cali 2022)


MỪNG TUỔI 70
 
Mới đó mà nay bảy chục rồi
Thời gian lặng lẽ cứ buông trôi
Dòng đời sóng gió qua mau quá
Thế cuộc u hoài cũng vậy thôi
Xuân tới đếm thêm màu tóc bạc
Ngày qua tăng mãi sắc da mồi
Cầu mong sức khoẻ an lành đến
 Hạnh phúc bên nhau miệng mỉm cười
 
Nhã My
 
 
BÀI HOẠ:
 
 
HẠNH PHÚC TUỔI 70
(Tặng NM)
 
 
Hạnh phúc yêu thương với nụ cười
Dẫu cho tóc bạc lẫn da mồi
Tình già nồng ấm như còn trẻ.
Bóng xế hoàng hôn vẫn sáng tươi.
Thức giấc năm canh không lẻ bóng
Dìu nhau sáu khắc mãi chung đôi
Kề bên cùng ngắm hoa bừng nở
Xuân đến càng thêm đẹp cuộc đời
 
Huỳnh Tâm Hoài

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

THĂM BẠN QUA MẠNG - Hoàng Đằng

Hình dưới đây tôi vừa xin Nguyễn Văn Trị. Tôi nghe tin bạn tôi - Đoàn Đức - không khỏe đã mấy tháng nay. Nóng lòng. Tôi muốn mặt gặp mặt bạn. Nhưng đường sá xa xôi, chuyện ấy đối với tôi bất khả. Giờ thì thấy bạn qua bức ảnh cũng cho tôi hình dung sức khỏe của bạn như thế nào rồi.


*
Tôi quen biết Đoàn Đức đúng 50 năm.
Mùa thu 1972, tại liên trại tạm cư Hòa Khánh, phục hoạt trường trung học Triệu Phong, tôi được thuyên chuyển về đó, gặp Đức là thầy dạy Anh văn chủ lực đã mấy năm.
Qua đầu hè năm 1974, Đức và tôi cùng theo chương trình khẩn hoang lập ấp vào khu Láng Gòn (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), tại đây, trường Nguyễn Phúc Chu mở, chúng tôi cùng công tác ở trường này, rồi tháng 7 năm 1975, cùng nhau nhập trại, "đồng lao cộng khổ".

Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

CHUYỆN VĂN BẰNG Ở ĐẠI HỌC VĂN KHOA HUẾ DƯỚI CHẾ ĐỘ VIỆT NAM CỘNG HÒA TRƯỚC ĐÂY – Hoàng Đằng


Viện Đại Học Huế
 
Chuyện cũ lâu lâu ôn lại kẻo quên. Trong thời gian học ở Viện Hán Học Huế, tôi có ghi danh học thêm ở Đại Học Văn Khoa Huế. Giờ tôi muốn ôn lại phần các văn băng Cử Nhân nơi đây cấp.
 
Đại Học Văn Khoa không phải là một trường độc lập mà chỉ là một phân khoa của Viện Đại Học Huế. Viện Đại Học Huế được thành lập năm 1957 và Đại Học Văn Khoa cũng ra đời lúc đó.
Ở Đại Học Văn Khoa Huế, từ năm 1957 đến cuối thập kỷ 1960 (tôi quên năm chính xác), học để lấy Văn Bằng Cử Nhân tức là văn bằng tốt nghiệp Đại Học Văn Khoa theo chế độ chứng chỉ.

Năm đầu, học chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, sau đó, vô chuyên ban, mỗi năm có thể học 2 chứng chỉ.
Ngoài chứng chỉ Dự Bị Văn Khoa, mỗi văn bằng Cử nhân phải thêm 4 chứng chỉ chuyên ban. Do đó, ai học tốt, có thời gian theo học, chỉ cần 3 năm là có văn bằng Cử Nhân.
Từ cuối thập kỷ 1960, Đại Học Văn Khoa Huế bỏ dần chế độ chứng chỉ, chuyển sang "niên chế"; theo "niên chế", muốn có bằng Cử Nhân, phải học đủ và học tốt 4 năm.

Tuy đã mở niên chế, Đại Học Văn Khoa Huế, qua những năm 1970, vẫn mở lớp dạy các chứng chỉ để những sinh viên đã có một số chứng chỉ trước rồi có thể hoàn tất chương trình học Cử Nhân và được cấp bằng.
 

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

CÚNG GIANG SƠN Ở TANG LỄ - Hoàng Đằng


    
                            Tác giả Hoàng Đằng
 

        CÚNG GIANG SƠN Ở TANG LỄ
                                             Hoàng Đằng

        (Viết về phong tục tập quán của làng tôi)
 

Dân làng Điếu Ngao tôi, ngoài một phần có quy y theo Phật Giáo, đa số thực hành tín ngưỡng dân gian truyền thống.
Khi một người qua đời, trong việc tống táng, có nhiều nghi lễ; quan trọng nhất là LỄ CÚNG GIANG SƠN. Lễ này những cư dân Phật Giáo, ngoài những lễ theo nghi thức của Phật Giáo, cũng cử hành.
 

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

“ĐÃ THUA ĐẤM LẠI CÒN THUA ĐẠP” - Hoàng Đằng


 
                           Tác giả Hoàng Đằng

“ĐÃ THUA ĐẤM LẠI CÒN THUA ĐẠP”
(Mẩu truyện nhỏ hư cấu của Lão Gàn)

Thằng Tèo từ ngoài xóm chạy về. Khuôn mặt trắng trẻo, non choẹt của thằng bé mới mười tuổi loang lổ những vệt nước mắt nước mũi, miệng mếu máo như van nài bố nó để mong có sự an ủi hoặc sự giúp đỡ:
- Ba ơi ba, thằng Độn, con mụ Đĩu, đánh con.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

ĐI DỰ TIỆC CƯỚI - Hoàng Đằng


                           
                                      Tác giả Hoàng Đằng


ĐI DỰ TIỆC CƯỚI

Đêm đã khuya, hai ông mụ đang ôm nhau nằm; ông 80, mụ 77.
Già cả, không có nguồn thu nhập chi, hai ông mụ sống nhờ sự đóng góp của mấy đứa con.
Ông mụ không chịu ở chung với đứa nào cả. Sống chung, ông mụ mất tự do và dâu con, rể con cũng mất tự do.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

NỖI NIỀM KHI THẤY LẠI ẢNH GIẾNG LÀNG - Hoàng Đằng




Tình cờ tôi gặp bức ảnh trên mạng. Bức ảnh nằm trong album ảnh tỉnh Quảng Trị trước năm 1975. Ảnh đa số do binh sĩ hoặc nhà báo Mỹ chụp. Tôi nhận ra ngay đấy là bức ảnh cái giếng nước của làng tôi. Bao kỷ niệm vui, buồn về mảnh đất làng, về lịch sử làng, về bà con dân làng hiện về.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

CHUYỆN Ở XÓM NGHÈO THỜI COVID 19 - Hoàng Đằng


                
                          Tác giả Hoàng Đằng



CHUYỆN Ở XÓM NGHÈO THỜI COVID-19 
                     Truyện ngắn ngắn của Hoàng Đằng

Trời bên ngoài sáng rồi, lão hết ngủ, nhưng còn nằm, chưa chịu dậy.

Lão cảm thấy trong người khó ở. Trời đang nắng nóng, oi bức, chuyển mưa do ảnh hưởng của bão 12 đang ập vào từ Thái Bình đến Thanh Hoá. Người già hình như là cái máy đo chuyển động của thời tiết. Nắng sang mưa, mưa sang nắng, nóng qua lạnh, lạnh qua nóng, thời tiết bên ngoài thay đổi thì thân xác người già cũng thay đổi trạng thái – đang khoẻ bỗng trở mệt, đang vui bỗng trở buồn, đang phấn chấn thích hoạt động bỗng đau nhức gân cốt, muốn nằm li bì …

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

BẪY CHIM… - Tạp văn của Hoàng Đằng


                
                                                Tác giả Hoàng Đằng


              BẪY CHIM…
                                                          Tạp văn của Hoàng Đằng

Tôi đang nghỉ trưa trên cái giường đặt giữa nhà. Cửa lớn, cửa sổ đều đóng. Nhờ các pan-nô (panneau) kính của cửa, nhà vẫn có ánh sáng.
Vừa nằm, tôi vừa quan sát ngoài sân. Hai chàng thanh niên chạy ra đường rồi chạy vô vườn. Hiện tượng lạ ấy khiến tôi dậy.

Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2020

KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ - Hoàng Đằng


                   
                              Tác giả Hoàng Đằng


                 KỶ NIỆM NGÀY TÔI ĐỔI NGHỀ
    (Bài viết này xem như lời thăm hỏi của tôi gởi vào trong ấy)

Tháng 4/1974, tôi là nhà giáo thuộc sở học chánh Quảng Trị “theo đoàn lưu dân” vào khẩn hoang lập ấp ở khu Láng Gòn tỉnh Bình Tuy.
Tôi trình diện Sở Học Chánh tỉnh Bình Tuy để mong được bố trí dạy ở một trường nào đó thuận tiện.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2019

TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT CỦA VIỆT NAM - Hoàng Đằng


                
                                    Tác giả Hoàng Đằng


          TIẾNG NÓI VÀ CHỮ VIẾT CỦA VIỆT NAM
                                    (Ngôn ngữ và văn tự)
                                                                               Hoàng Đằng

Thời gian này, có ý kiến trái chiều về việc lấy tên giáo sĩ Francisco De Pina và giáo sĩ Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes) đặt tên cho hai con đường nào đó tại Đà Nẵng.
Qua những ý kiến đưa ra, tôi thấy đang có sự lẫn lộn giữa TIẾNG NÓI và CHỮ VIẾT (Ngôn ngữ và văn tự) ngay cả trong giới trí thức.

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ - Tạp văn của Hoàng Đằng



        
                             Tác giả Hoàng Đằng

        GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ
                                               Tạp văn của Hoàng Đằng

Có người hỏi tôi: “Vì sao sáng tạo chữ Quốc Ngữ là công trình của nhiều người, mà bây giờ khi nói đến chữ Quốc Ngữ ai cũng chỉ nghĩ ngay đến giáo sĩ Alexandre De Rhodes (Đắc Lộ)?”

Trước khi tìm hiểu và suy luận để có câu trả lời cho câu hỏi trên, tôi xin giải thích mấy từ “Chữ Quốc Ngữ”.

“Quốc”“nước”, “ngữ”“tiếng nói”; “quốc ngữ” là tiếng nói của người trong nước. “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân” đều nói thứ tiếng ấy, nên thứ tiếng ấy được gọi là quốc ngữ. Người xưa gọi là “quốc âm”
                          (Quốc Âm Thi Tập, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị…)

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2019

LỜI MẸ RU - Thơ Phạm Văn Bình


             
                                   Nhà thơ Phạm Văn Bình


GIỚI THIỆU THƠ PHẠM VĂN BÌNH

Phạm Văn Bình (1940 - 2018), tác giả có 2 bài thơ “Chuyện tình buồn” và “12 tháng anh đi” nổi tiếng được Phạm Duy phổ nhạc, còn nhiều thi phẩm khác tản mác trong báo chí trước năm 1975.
Vừa rồi, tôi ngồi nói chuyện với một người bà con nguyên là học trò của Phạm Văn Bình trong thời gian Phạm Văn Bình dạy ở trường trung học Bán Công Đông Hà (1963 - 1966).
Người học trò này đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ sau đây do Phạm Văn Bình sáng tác.
Tôi muốn đưa bài thơ lên đây xem như một hình thức lưu giữ và mời bạn đọc thưởng thức.
                                                                                       Hoàng Đằng


LỜI MẸ RU

Khúc hát đó dẫn con vào thơ ấu,
Lời Mẹ ru mềm nhịp võng thời gian,
Những đêm nao như chớp bể mưa nguồn,
Tiếng hát Mẹ ngọt ngào như dòng sữa,
Con đau ốm Mẹ thuốc thang từng bữa,
Con ngủ say Mẹ ôm ấp từng đêm,
Mẹ nguyện cầu khi con Mẹ lớn lên,
Đời đẹp như bài ca dao kể chuyện tình đôi lứa
Và quê hương khổ đau và Việt Nam khói lửa,
Việt Nam hận thù, dân tộc điêu linh,
Hai mươi mấy năm nay xương máu chất chồng.
Nhịp mõ cầu siêu vọng về bi thảm.
Niềm tủi nhục trùm lên từng thân phận.
Cuộc sống bơ vơ vì thiếu tình người.
Khuôn mặt héo hon nào thấy nụ cười.
Kiếp sống lưu đày như loài rêu xanh vật vờ ngoài biển đảo.
Con thất thểu bước đi như tê giác đấu
Chung quanh con bầy sư tử nhe răng,
Đấu trường là cuộc đời hừng hực lửa hờn căm.
Con khao khát ánh trăng rằm dịu mát.
Mẹ ơi Mẹ phải chăng quả đất này là sa mạc
Và con người lữ hành cô độc
Của cuộc hành trình dằng dặc một trăm năm.
Bài ca dao ngày xưa xin Mẹ hát giùm con,
Xin Mẹ mớm vào hồn con bầu sữa ngọt,
Lời phủ dụ êm như dòng mật rót
Như nước cam lồ như suối tình thương
Mười ngón tay sầu xin Mẹ hãy biến cành dương
Tưới nhân ái lên Việt Nam đau khổ
Cho đất nước bình an, hận thù sụp đổ.
Mùa xuân diễm kiều trong ánh mắt em thơ.
Mẹ cho con gục đầu vào lòng Mẹ như ngày xưa
Trong khúc hát ru hời, nôi đưa đẩy nhịp.
Những ngày xuân, những ngày xuân nối tiếp,
Nước sông Hồng không nhỏ lệ thương đau,
Nước sông Hương thôi chứa chất u sầu,
Nước sông Cửu Long ruộng đồng bát ngát.
Lời ru Mẹ sẽ thành ghềnh thành thác
Cuốn đau thương ra khỏi tổ quốc Việt Nam.
Con nằm gối đầu lên ải Nam Quan,
Chân gác nhẹ xuống Cà Mâu thân mến,
Tay ôm dãy Trường Sơn, tay lùa trong sóng biển.
Mẹ nhìn con, ôi trìu mến nụ cười.
Hoa tự do nhân ái nở khắp trời

                                                                       Phạm Văn Bình