BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYỆN DỊCH. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRUYỆN DỊCH. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

CHUYỆN TÌNH ĐIỀN DÃ – Truyện ngắn của Guy de Maupassant, Lê Quang Huy dịch

Tình cờ đọc được một truyện ngắn với nội dung khá lạ của nhà văn Pháp Guy de Maupassant và kết cục hơi bất ngờ, xin tạm dịch thô sang tiếng Việt gửi bạn bè đọc cho vui.
 

Chuyến xe lửa vừa rời thành phố Gênes đi về hướng Marseille và chạy dọc theo bờ biển khúc khuỷu lởm chởm đá, nhẹ lướt giữa biển cả và núi non như con rắn sắt, trườn trên bờ biển cát vàng, nơi những đợt sóng nhấp nhô vỗ bờ trông như mảnh lưới bạc; và rồi đột nhiên chui vào cửa họng đen ngòm của những con đường hầm, như con thú chui vào hang.

Trong toa xe cuối cùng, một phụ nữ to lớn và một thanh niên ngồi đối diện nhau, không nói một câu, và thỉnh thoảng lại nhìn nhau. Chị ta trông độ hai mươi lăm tuổi; và ngồi cạnh cửa ngắm phong cảnh. Chị là một nông dân vùng Piémont, đôi mắt đen láy, bộ ngực đồ sộ, đôi má phúng phính. Chị đã đẩy mớ hành lý của mình vào dưới băng ghế gỗ, và ôm một chiếc giỏ trên gối.

Anh thanh niên khoảng hai mươi tuổi, gầy gò, đen sạm, cái đen đúa của người làm ruộng ngoài trời nắng gắt. Bên cạnh anh, trong chiếc khăn mù-soa là tất cả gia tài của anh: một đôi giày, một áo sơ-mi, một chiếc quần cụt và một áo vét. Dưới băng ghế anh cũng đã cất một vài thứ: một cái xẻng và một cái cuốc buộc lại với nhau bằng một sợi dây. Anh sang Pháp tìm việc làm.

Mặt trời đã lên cao, toả cái nóng gay gắt xuống vùng biển; lúc ấy vào cuối tháng năm, và những hương thơm ngây ngất bay lãng đãng, luồn vào toa xe qua các cửa kính đã hạ xuống. Những cây cam, cây chanh đang độ ra hoa, toả lên không trung êm ả những mùi thơm ngọt ngào dịu dàng, mãnh liệt làm ta ngây ngất, chúng hoà lẫn hương thơm ấy với mùi hoa hồng, những cánh hoa mọc khắp nơi như cỏ dại dọc theo đường, trong những khu vườn trù phú, trước cửa những căn nhà xập xệ, và cả trong cánh đồng.

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

ĐƯỜNG ÂM HỒN - Truyện ngắn Chinua Achebe, Nguyễn Đức Tùng dịch


Chinua Achebe


Lời giới thiệu:
 
Chinua Achebe, một trong những nhà văn châu Phi nổi tiếng nhất, thường xuất hiện trong các tuyển tập truyện ngắn thế giới bằng tiếng Anh. Ông sinh tại Nigeria, 1930, thuộc bộ lạc Ibo ở miền Nam Nigeria. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc trong ngành phát thanh, rồi làm nhân viên cho bộ thông tin trong thời gian chiến tranh. Achebe định cư tại Hoa Kỳ và giảng dạy tại trường đại học Massachusetts. Tiểu thuyết: Things Fall Apart (Mọi thứ đều tan vỡ), 1958; No Longer At Ease (Không còn dễ chịu nữa), 1960; Arrow of God (Mũi tên của Thượng đế), 1964; Man of People (Người của nhân dân), 1966. Truyện ngắn: Sacrificial Egg (Cái trứng hi sinh), 1962; Girls at War (Những cô gái trong chiến tranh), 1973. Thơ: Christmas in Biafra (Mùa giáng sinh ở Biafra). Tiểu luận: Hope and Impediments (Hi vọng và trở ngại). Thường viết về châu Phi, Achebe gửi gắm trong tác phẩm của mình niềm ước vọng về những đổi thay tốt đẹp cho người dân và đất nước nơi ông sinh ra.
 
Truyện ngắn sau đây mô tả sự xung đột giữa tham vọng cá nhân, thói hãnh tiến ích kỉ và các giá trị dân gian, nhưng đằng sau là sự xung đột có tính sâu xa giữa phát triển và văn hóa. Nó là ẩn dụ về sự phá huỷ môi trường thiên nhiên và môi trường tinh thần, vốn là một quan tâm thường xuyên của Achebe.
 
                                                       Người dịch: Nguyễn Đức Tùng
 

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2022

“ĐÊM UKRAINE” TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN MARCI SHORE - Nguyễn Đức Tùng dịch và giới thiệu



Lời giới thiệu của dịch giả:
 
Đêm Ukraine là tuyển tập của nhà văn Marci Shore, viết về cuộc cách mạng Ukraine tháng Hai, 2014, còn gọi là cuộc cách mạng Maidan. Sự kiện này đã lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, dẫn đến sự can thiệp quân sự của Nga vào Ukraine, cuộc chiếm đóng Crimea và sự hình thành hai vùng tự trị Donetsk và Luhansk.
Tám năm sau, tháng Hai năm 2022, lịch sử lặp lại trên quy mô thảm khốc hơn.
Dưới ngòi bút của Marci Shore, đó không phải chỉ là một cuộc cách mạng, một cuộc chiến tranh, không chỉ là những sự kiện, mặc dù chúng được mô tả chi tiết, kết quả của một quá trình điều tra tường tận, mà chính yếu là câu chuyện của những cá nhân, cuộc chiến đấu của họ, số phận riêng tư, tình yêu và cái chết của họ.
Shore sinh năm 1972, giảng dạy ở trường đại học Yale, Hoa Kỳ. Bà nghiên cứu về lịch sử văn học, khía cạnh chính trị của văn chương, hiện tượng học và chủ nghĩa Mác. Shore bám sát các vấn đề thời sự của Đông Âu, Ba Lan, Ukraine, và các nước lân cận. Nhà văn gốc Do Thái này còn là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng khác, như Mùi vị của tro tàn (The taste of ashes).
Cám ơn nhà văn Đinh Từ Bích Thúy và nhà văn Đặng Thơ Thơ đã giới thiệu văn chương Ukraine và văn chương viết về Ukraine cho tôi. Trong những ngày nóng bỏng của cuộc chiến tranh xâm lược do Putin gây ra, 2022, mời bạn đọc bốn truyện ngắn hay bút ký sau đây, để hiểu thêm phần nào một dân tộc anh hùng và đau khổ, một vùng đất xinh đẹp đang chìm trong lửa đạn, và tất nhiên, những con người tự do rất đáng yêu.
Tôi nghĩ, văn học không làm thay đổi được lịch sử, nhưng có lẽ nó giúp cho người đọc hiểu hơn những gì đã xảy ra, đang xảy ra, và giúp họ trong các chọn lựa riêng tư, khó khăn, của mình.
 
                                                                             Nguyễn Đức Tùng
                                                                                     3. 2022
 
1. ĐẤT CỦA GOGOL
 
Vào tối thứ Tư, ngày 19 tháng 2 năm 2014, nhà nghiên cứu chính trị và trí thức nổi tiếng người Ukraine Mykola Riabchuk thuyết trình trước một căn phòng đông đúc ở Vienna. Mykola nói một cách bình tĩnh, trầm tư. Dù không lạc quan nhưng ông vẫn hy vọng. Ông hoàn toàn tin rằng cuộc chiến giành tự do ở Ukraine sẽ tiếp tục. Có lẽ lần này cuộc chiến sẽ không thành công; nhưng Mykola chắc chắn rằng, nếu không phải là lúc này, thì một ngày nào đó nó sẽ thành công.
Ông trả lời tất cả các câu hỏi một cách cởi mở. Ông không hề nói gì với khán giả, rằng vợ ông và đứa con trai hai mươi sáu tuổi của họ, đang ở Kiev, và đứa con trai Yuri, đã trở về nhà lúc 4 giờ sáng hôm ấy và bây giờ lại có mặt trên Maidan, một lần nữa, rằng Mykola không biết liệu Yuri có bị sát hại vào đêm hôm ấy hay không, hay có lẽ bây giờ chàng trai ấy đang đứng nói chuyện trong thư viện của Viện Khoa học Nhân văn.
(Cha mẹ của anh không bao giờ yêu cầu anh ở nhà, Yuri nói với tôi khi chúng tôi gặp lại nhau sau đó ở Kiev. “Bạn vượt qua ranh giới…,” anh nói thế.
“Bạn có nghĩ rằng bạn có thể bị giết hại?” Tôi hỏi anh.
“Vâng, tôi đã sợ thế.”)
“Chúng ta có thể làm gì?” một phụ nữ Ba Lan trẻ tuổi trong số khán giả lên tiếng hỏi.
Đáp lại, Mykola mô tả một cảnh trong vở kịch của Nikolai Gogol, vở Quan thanh tra. Vào cuối vở kịch, một người chủ nông trại tên Piotr Ivanovich Bobchinsky tiến lại gần quan thanh tra đến từ thủ đô Saint Petersburg với một lời “yêu cầu khiêm tốn,” anh ấy cầu xin vị quan của mình một cách hết sức cung kính, khi ông ta trở lại Saint Petersburg, xin làm ơn nói với sa hoàng rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky đang sống ở thị trấn này.
Chỉ thế thôi, đơn giản xin nhớ rằng có một người đàn ông tên là Piotr Ivanovich Bobchinsky, thế thôi.
“Chỉ cần nhớ,” Mykola trả lời người phụ nữ trẻ, rằng “Có một đất nước tên là Ukraine.”
 
(Nguyên tác: The Land of Gogol, The Ukrainian Night)
 

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2018

TỰ TRUYỆN “NGUYỆT VÂN” (月云) CỦA NHÀ VĂN VIẾT TRUYỆN VÕ HIỆP KIM DUNG - Nguyễn Vũ dịch

Nguồn:
https://www.diendantheky.net/2018/12/kim-dung-tu-truyen-nguyet-van-nguyen-vu.html

  
                     Nhà văn Kim Dung


    TỰ TRUYỆN “NGUYỆT VÂN” (月云
    CỦA  NHÀ VĂN  VIẾT TRUYỆN VÕ HIỆP KIM DUNG 

Lời giới thiệu
Kim Dung từ khi gác bút năm 1972 đã không còn sáng tác nữa mà chỉ nhuận sắc các tác phẩm cũ của ông. Đến đầu năm 2000, trong số đầu tiên của tạp chí "Thu Hoạch", ông mới viết một tản văn đầu tiên từ khi gác bút, chính là truyện Nguyệt Vân này. 
Truyện Nguyệt Vân được Kim Dung cho biết là hồi ức về tuổi thơ của mình. Với thủ thuật mượn mây vẽ trăng, Kim Dung đã dùng câu chuyện Nguyệt Vân để vẽ lại bức tranh xã hội thời thơ ấu của mình. Vì truyện này khá mới như vậy nên độc giả của Kim Dung, vốn mê truyện kiếm hiệp của ông, ít có người biết đến.
Kim Dung có rất nhiều sở trường trong sáng tác. Một trong những sở trường đó là phép dụng ẩn ý qua tên các nhân vật. Chẳng hạn như cô em A Tử (màu tía) ăn hiếp cô chị A Châu (chu: màu đỏ) ám thị câu Luận Ngữ "Ố tử chi đoạt chu dã! 惡紫之奪朱也!" (Ghét màu tía hung ác lấn át màu đỏ). Hay Lệnh Hồ Xung令狐沖, Nhiệm Doanh Doanh任盈盈 (Tiếu Ngạo Giang Hồ): Xung, ý nói trống rỗng, Doanh, lại có nghĩa là đầy, hai cái tên nói lên sự khác biệt tính cách nhưng bổ sung cho nhau. Lão Tử老子viết: Đại doanh nhược xung, kì dụng bất cùng.大盈若沖,其用不窮 (Đầy mà như vơi, thì dùng mãi chẳng hết), ý nói cái đầy và cái vơi đi liền với nhau, thống nhất với nhau. Hay như Nhậm Ngã Hành 任我行 (làm theo ý mình), Hướng Vấn Thiên 向問天, ... và vô vàn thí dụ khác.
Tác phẩm Nguyệt Vân 月云 như chính Kim Dung nêu trong truyện rằng không phải là tên thực, cũng không phải nhân vật chính. Xin mời độc giả cùng chiêm nghiệm và thưởng thức thủ pháp dụng vân hoạ nguyệt qua đoản văn này của cố tác giả Kim Dung qua bản dịch của Nguyễn .
                                                                                       (DĐTK)

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG -Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray. Nguyễn Khắc Phước dịch



                          BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG
                                                 
Nguyên tác: A Man of Dignity.
Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray.
Dịch giả:  Nguyễn Khắc Phước

Cha mẹ và bà con bên nội của Sheila Brown Sandray sống ở Nam Phi nhưng bà thì ở nhiều nơi trên thế giới.
Bà sinh tại York, Anh quốc vào năm 1924, trải qua tuổi ấu thơ tại Colombia, Tích Lan. Học tại Queen Anne, Caversham, Anh quốc. Khi bố của bà đóng quân tại Gibraltar (một vùng lãnh thổ thuộc Anh gần Tây Ban Nha), bà thường về đó nghỉ hè mặc dù Tây Ban Nha đang có nội chiến. Khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ, bà dời đến sống ở Madeira, một quần đảo thuộc Bồ Đào Nha, tại đây, bà học ngôn ngữ với một nhà phê bình sách người Đức sống tha hương. Trở lại nước Anh trong thời gian chiến tranh, bà làm việc cho Cục Tình báo Chính trị thuộc Bộ Ngoại giao ba năm và sau đó làm việc cho Liên Hiệp Quốc tại Vienna ba năm. Bà sống ở Canada một thời gian rồi về sống với cha mẹ tại Nam Phi. Rồi bà lấy một nhạc sĩ người Mỹ và sống tại Phoenix, bang Arizona với ba người con.