BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thị xã La Gi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thị xã La Gi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

VỀ LAGI – Thơ Dũng Nguyên


   


VỀ LAGI
 
Về Lagi đi qua dốc Tỉnh
Đèn đường đêm vàng ánh lung linh.
Gió thoảng nhẹ thơm mùi biển mặn
Đẫm hơi sương lành lạnh vô tình.
 
Sương thấm ướt đường về cố xứ,
Lòng chưa vơi nỗi nhớ tình xưa.
Đêm rớt rụng giọt sầu quá khứ.
Ngấm vào từng hạt lạnh đêm mưa.
 
Gieo chi hạt tình trên luống nhớ,
Bạc lòng ai theo gió phai phôi!
Tình Lagi nuôi mầm kỷ niệm,
Mắt vương buồn màu nhạt bờ môi.
 
Xin giữ lại tình trong ánh mắt,
Cho hương nồng thơm giấc mơ xưa.
Thuyền em đã rời xa bến mộng,
Căng buồm khơi theo gió sang mùa.
 
                            DŨNG NGUYÊN

HÒN BÀ ƠI – Thơ Nguyễn Anh Dũng


   


HÒN BÀ ƠI
 
Hòn Bà nghiêng dáng trông về biển khơi
Nhìn em sưởi ấm nắng hồng môi thơm
Nâng niu hạt cát đôi cánh tay mềm
Chân ai bãi vắng dấu in dỗi hờn
Nghe trong gió cuốn vang say trong hồn
Tình trong mắt biếc chập chờn hoàng hôn
Hòn Bà ơi!
 
Về đây nghe gió ru hời biển xa
Về đây nghe sóng vỗ bờ thiết tha
Về đây nghe tiếng đá reo vang ghềnh
Ánh trăng rơi xuống ngập ngừng biển trôi
Về đây gió cuốn không gian xa vời
Đại dương xanh biếc một màu biển khơi
Lòng nghe xao xuyến không gian bồi hồi
Hòn Bà ơi!
 
Một mình trong chiều vắng
Hạt nắng vang tiếng cười
Nhìn xa chiều biển mặn
Xao xuyến lòng bâng khuâng.
Về đây nghe hờn dỗi
Ngập ngừng con nước trôi
Lăn tăn đầu ngọn sóng
Cánh bườm nghiêng xa khơi.
 
Bên đồi ai thỏ thẻ
Rừng dương vang tiếng cười
Bên sông người đứng đợi
Ngơ ngát nhìn sông trôi
Còn đây tình viễn xứ
Hòn Bà, Hòn Bà ơi!
 
               DŨNG NGUYÊN

Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

THĂM “NƯỚC NHỈ”, NHỚ NGUIỄN NGU Í – Huỳnh Thục Oanh

Bài viết đã đăng trên tạp chí Văn Nghệ Bình Thuận số 220 tháng 3 và tháng 4 năm 2021
 



Khi tôi nói, La Gi có địa điểm mang tên Nước Nhỉ, cô dạy cùng trường lắc đầu, nói: “Làm gì? Nhà chị ở đây bao năm có nghe ai nói tới Nước Nhỉ đâu!”. Còn ông giáo dạy ở một trường miền núi thân quen à uôm: “Nước Nhỉ, anh biết ở dưới chân núi Nhọn quê em. Chỉ gần núi, có nước mới nhỉ ra gọi là Nước Nhỉ. Đường đến đó sơn cúc mọc dày hai bên đường, Anh tình nguyện chở em đi”.
 

Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

ĐỘNG ĐỀN LAGI HÀM TÂN THÁNG 1/2017 – Đinh Hoa Lư


                                 

                                      Tác giả bài viết Đinh Hoa Lư


TUỔI GIÀ lãng đãng trôi về như đám mây trời bềnh bồng vô định chúng ta chẳng biết đâu là điểm dừng? Mây trôi như cuộc đời người cho đến lúc nào đó thì đám mây không còn nữa nó sẽ hòa lẫn vào hư không.

Bạn hãy dành giây phút đừng bon chen lo lắng nữa ngồi một mình ngắm mây trôi. Lúc này tâm trí ta chắc sẽ nhớ về một không gian nào đó lúc xuân xanh có những vườn xưa đơm hoa kết trái mạnh mẽ thi nhau vươn lên như những ước vọng của tuổi trẻ tràn trề hi vọng hướng đến tương lai.

Giờ chẳng còn chi họa chăng còn lại chút nào thời gian eo hẹp cho chúng ta cùng hoài niệm đó thôi.

 

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

BẢN SẮC VIỆT TRONG LỄ HỘI HÒN BÀ– Phan Chính



Lễ “vía Bà”- Hòn Bà, ở thị xã La Gi hàng năm được ngư dân tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch và đã nâng lên tầm lễ hội kể từ năm 2012 khi UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh. Ngày vía này cũng trùng hợp với ngày vía bà Thiên Y A Na ở Nha Trang. Theo cách gọi nửa Việt nửa Chăm từ tên cổ là Yan Pô Inư Nagar (Thiên tức thần trời tức Yan Pô, Y A Na phát âm Inư Nưgar). 

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

CHÂN NÚI TÀ CÚ - Phan Chính



Tại phường Tân Thiện, thị xã La Gi (Bình Thuận) có ngôi chùa Pháp Bửu Đường (còn có tên Linh sơn Pháp bửu tự) trước năm 1959 là phần đất của Sư bà Thích nữ Bổn Đại, cũng là đệ tử của đại sư Thích Vĩnh Thọ thuộc dòng Lâm Tế thứ 40, đã cúng hiến để xây chùa. Vì vậy Linh sơn Trường thọ tự, tức chùa núi Tà Cú và chùa Pháp Bửu đường cùng tổ nghiệp, có mối nhân duyên rất lớn với người dân La Gi theo tín ngưỡng Phật giáo từ xưa.

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

LA GI ĐẤT CỰC NAM TRUNG BỘ - Phan Chính


            

La Gi trở thành Thị xã từ cuối năm 2005 và nay vừa được nâng lên đô thị loại 3 của tỉnh Bình Thuận. Nếu tính theo địa bàn cũ khi chưa thành lập huyện Hàm Tân (mới) thì La Gi là phần đất duyên hải phía cực nam miền Trung, giáp với Xuyên Mộc, Long Khánh thuộc miền Đông Nam bộ. Địa danh La Gi/ La Di từ xa xưa gắn liền với địa danh hành chính huyện Hàm Tân sau này, đã trên trăm năm.

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

TỪ NÚI CẨM KÊ ĐẾN MŨI KÊ GÀ - Phan Chính


               

        TỪ NÚI CẨM KÊ ĐẾN MŨI KÊ GÀ

        Công trình kiến trúc hải đăng Khe Gà tuy ngày nay thuộc xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), chỉ cách xa thị xã La Gi khoảng 30 km bờ biển, nhưng có mối quan hệ sâu xa về lịch sử vùng đất và đời sống xã hội, con người La Gi. Đêm đêm ở La Gi vẫn thấy rõ ánh đèn chớp tắt xoay tròn trên ngọn tháp cổ kính này. 


          Từ xưa đã có nhiều bản đồ hàng hải cổ đại Trung Quốc và một số nước phương Tây, với nhiều hình thức ghi chép, hình vẽ tiêu danh về vùng biển Đông Nam Á. Đây cũng là cơ sở rất cần thiết cho hoạt động hàng hải.Tuy nhiên phần lớn đều viết theo thuật ngữ hàng hải bằng chữ Hán rồi dần về sau qua phiên âm, phiên dịch cho nên nhiều địa danh cũ được mô tả không còn đúng trong thực tế hoặc đã được thay thế. Theo bản đồ hàng hải “Đại Nam toàn đồ 1841” qua hải phận Bình Thuận có thể bắt đầu với phía nam vịnh La Loan, từ mũi La Gàn (Tuy Phong) đến mũi Vị Nê/ mũi Nê (tức Mũi Né)… Mũi Né trước đây có nhiều tên gọi theo địa hình như Vị Nê sơn, Vị Nê úc (Úc là Vũng), Vị Chủy (Mũi Vị)- trên bản đồ Taberd người Pháp ghi Mũi Viné, Nê thành Né …

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2020

CẦU TÂN LÝ XƯA - Thơ Trần Chuyển


   

   
                         Cầu Tân Lý trước năm 1999


CẦU TÂN LÝ XƯA

Cầu xưa cổ tích phôi pha,
Tuổi thơ in dấu chân qua một thời.
Mây trôi như tuổi xa người,
Như con "nước bạc" chia phôi phố phường!
Ngựa về dừng vó quê hương,
Ta về nỗi nhớ vấn vương quê nhà!

                                                Trần Chuyển

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

LA GI, PHƯỚC HỘI XƯA - Phan Chính


           

           LA GI, PHƯỚC HỘI XƯA  
                                                                  Phan Chính

           Là một địa danh tồn tại khá lâu trước năm 1975 - xã Châu thành Phước Hội gồm 9 ấp thuộc quận Hàm Tân (Bình Tuy). Lúc ấy bao trùm các phần đất của các phường Phước Hội, Phước Lộc, Tân Thiện, Tân An và xã Tân Phước thuộc thị xã La Gi ngày nay với dân số gần 11 ngàn người. Sau năm 1975, Phước Hội, Phước Lộc là xã Tân Hòa và từ cuối 1979 là thị trấn La Gi (huyện Hàm Tân). Phước Hội trở lại với tên cũ từ cuối năm 2005 khi chia tách huyện Hàm Tân và thành lập thị xã La Gi, trên địa giới mới có diện tích 177 ha, dân số gần 17 ngàn người.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC, NHƯ TÔI BIẾT - Nguyễn Hiệp


             

Chi hội Văn học nghệ thuật La Gi vừa ra mắt giai phẩm HOA BIỂN chào mừng thị xã La Gi tròn 15 năm thành lập (2005-2020). Giai phẩm Hoa Biển tập trung vào các đề mục chính: Đối thoại, Biên khảo, Đất và người La Gi, Năm tháng và ký ức, Thơ, Văn xuôi, Ẩm thực, Nhiếp ảnh nghệ thuật… Trong giai phẩm này, nhà văn Nguyễn Hiệp gởi đến bạn đọc bài viết chân tình về người con ưu tú của La Gi - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Xin giới thiệu với bạn đọc


BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC, NHƯ TÔI BIẾT
                                                      Nguyễn Hiệp

Hàng năm, cứ độ tháng Tám âm lịch, tôi lại được đón tiếp một người khách đặc biệt, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, là ông đưa gia đình về thăm quê tiện thể ghé nhà tôi. Bao giờ cũng vậy, ông cũng dành tặng một quyển sách mới, tôi cảm nhận được sự khuyến khích, tình cảm và những kỳ vọng của bậc đàn anh đồng hương đáng kính nên tự hứa với lòng sẽ viết một bài ngăn ngắn bày tỏ sự ngưỡng mộ đặc biệt về ông, nhưng mãi rồi vẫn chưa thực hiện được. Năm nay, quà của ông là tập truyện tranh “Tấm gương Việt” do Nhà xuất bản Phụ Nữ chọn 6 người có tâm có tầm điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh tập hợp thành (trong danh sách đó có ông), tôi cầm quyển sách lòng tràn dâng niềm xúc động và chợt nghĩ tựa sách chính là tiêu ngữ thích hợp cho bài viết mà tôi muốn viết lâu nay. Nhưng khi trình bày ý này với ông thì ông khe khẽ bảo: “Tính anh, em đã biết, thích tĩnh lặng, thích giấu cái tôi của mình đi, nếu em có nhã hứng thì tùy duyên mà viết nhưng theo hướng vui vui thôi”. Và tôi cũng nghe sự hướng dẫn từ tính khiêm cung của ông để viết thật nhẹ nhàng. 

GIỚI THIỆU GIAI PHẨM “HOA BIỂN” - Ấn phẩm tháng 4 của Chi hội VHNT thị xã La Gi


                 

             
GIỚI THIỆU GIAI PHẨM “HOA BIỂN”
    (Ấn phẩm tháng 4 của Chi hội VHNT La Gi)

Chi hội Văn học nghệ thuật La Gi vừa ra mắt giai phẩm HOA BIỂN chào mừng thị xã La Gi tròn 15 năm thành lập (2005-2020). Giai phẩm Hoa Biển tập trung vào các đề mục chính: Đối thoại, Biên khảo, Đất và người La Gi, Năm tháng và ký ức, Thơ, Văn xuôi, Ẩm thực, Nhiếp ảnh nghệ thuật

La Gi là vùng đất giàu tiềm năng, có sông suối, núi rừng nên thơ đẹp như tranh… Nhắc đến La Gi là nhắc đến biển. Biển La Gi, thường xanh biếc, hoà với màu trời cũng trong veo. Trong cái màu xanh biếc ấy, người ta thấy hiện lên những quầng sáng lấp lánh, lấp lánh… và có người gọi đó là Hoa Biển. Hoa Biển làm cho người La Gi nhớ. Hoa Biển làm cho người La Gi say. Chính vì vậy, lấy Hoa Biển đặt tên cho giai phẩm cũng nhằm mục đích làm cho La Gi được biết đến nhiều hơn, cũng như hàm chứa mục đích: các bài viết trong giai phẩm tập trung về La Gi, quê hương La Gi, đất và người La Gi.
Phần thơ và văn xuôi, tập trung phần lớn những cây bút của xứ biển như : Trần Kim Trung, Ngô Văn Tuấn,Thái Anh, Minh Trinh, Ái Liên, La Thuỵ, Nguyễn Huỳnh Sa, Lương Bút… Riêng về truyện ngắn có tác phẩm “Phát Lộc” khá đặc sắc của tác giả quá cố: Trần Vũ Minh. Phần ẩm thực, một nét khó quên của đất và người La Gi, lâu nay ít được khai thác, lần này trong Hoa Biển, hiện lên một cách chi tiết và những con đường, góc phố bán hàng đêm… đầy ấn tượng với người vì lý do nào đó ở xa La Gi. Cũng trong giai phẩm này, nhà văn Nguyễn Hiệp gởi đến bạn đọc bài viết chân tình về “Người con ưu tú của La Gi - bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc”. Trong “Thư Sài Gòn” là câu chuyện, một dòng hồi ức của người ở xa gởi người La Gi, khi nhắc lại bao kỷ niệm đẹp cùng với câu hỏi: bạn còn nhớ hay đã quên?

Với 116 trang sách kể cả bìa, bài viết về La Gi khá tập trung. Những gì yêu thương của La Gi từ trước đến nay đã hiện lên trên những trang sách giai phẩm “Hoa Biển”. Đọc nó, người đọc cảm nhận về La Gi từ xưa cũ đến hiện đại. Đọc nó, người ta bắt gặp cái hồn muôn thuở của La Gi tràn về, lên tiếng gọi, cũng như bảo với chúng ta rằng: hãy tiếp tục nâng niu giữ gìn những gì đã có, đang có!

Thật vậy, khó mà không liên tưởng, không nhớ thương khi đọc đến: “Lagi chốn xưa” của nhà thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bài ký “Đường về Bình Tuy - nhạc Trúc Phương” của nhà báo Trần Hữu Ngư. Trang nhiếp ảnh La Gi đầy ấn tượng với Đập Đá Dựng của những năm 60 thế kỷ 20; một Cua Ly Ly trong ánh sáng mộng ảo của ảnh Đức Thế. Và nữa, người ta cũng bắt gặp những “góc ẩm thực khuya của La Gi” mà tín đồ ẩm thực thường lui tới. Với “lá thư phương xa” cho ta thấy dấu ấn Lagi trong dòng hồi ức khi nhắc về kỷ niệm đẹp không thể nào quên.

Có thể nói, Hoa Biển ra mắt lần này về phần nội dung, đang dần hướng tới tính chuyên nghiệp. Nó đầy chất địa phương nhưng không hề là sản phẩm địa phương!

Giai phẩm Hoa biển do nhà thơ Đỗ Thị Ái Liên chủ biên. Nhà xuất bản Hội nhà văn cấp phép. Sách ra mắt bạn đọc vào Chủ Nhật, 31 tháng 5- năm 2020, tại La Gi. Giá bán 150 ngàn đồng/ cuốn. Bạn đọc ở xa có thể đặt mua qua cô Ái Liên (số 18 –Thống Nhất- P. Phước Hội- Thị xã Lagi – ĐT: 0824373840).

Xin trân trọng giới thiệu Hoa Biển cùng độc giả.

         

            

           
      
           
   
             
             
          

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2020

LA GI, LÝ LỘ VÀ DỊCH TRẠM NGÀY XƯA - Phan Chính


           


LA GI, LÝ LỘ VÀ DỊCH TRẠM NGÀY XƯA
                                                            Phan Chính

Quá trình khai phá đất đai, phát triển xóm làng của người xưa đều gắn với điều kiện giao thông đường sá (lý lộ). Sau khi chấm dứt tình trạng đất nước chia cắt Đàng Trong -Đàng Ngoài, đến thời nhà Nguyễn thống nhất mới để ý đến việc kiến tạo con đường cái quan từ bắc xuống nam. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ngoài việc giao thương bằng phương tiện ghe thuyền đường biển thì sau này theo địa thế từng vùng mà hình thành các loại đường gọi là quan báo, đó là đường sơn lộ miệt rừng núi, đường tiểu lộ và đường tiểu lộ ven biển. Qua sông rất hiếm nơi có bắc cầu, ở La Gi và lân cận chỉ có cầu Đông Thái (Hiệp Nghĩa), cầu La Giang (Phước Lộc), cầu Tân Quý (Sông Phan), cầu Phù Mi (Cù Mi)… nhưng tồn tại không lâu, mà chỉ đi lại bằng bè, đò ngang. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là ngựa, xe trâu, xe bò, kiệu, võng và người mang vác… Thực chất những con đường quan lộ lúc bấy giờ như tên gọi chỉ dành cho công vụ và quan viên kinh lược hay cho mục tiêu thuộc địa.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

ĂN KHUYA Ở LAGI, AI BIẾT ? - Huỳnh Thục Oanh


            

Chi hội Văn học nghệ thuật La Gi vừa ra mắt giai phẩm HOA BIỂN chào mừng thị xã La Gi tròn 15 năm thành lập (2005-2020). Giai phẩm Hoa Biển tập trung vào các đề mục chính: Đối thoại, Biên khảo, Đất và người La Gi, Năm tháng và ký ức, Thơ, Văn xuôi, Ẩm thực, Nhiếp ảnh nghệ thuật… Riêng phần ẩm thực, một nét khó quên của đất và người La Gi, lâu nay ít được khai thác, lần này trong Hoa Biển, hiện lên một cách chi tiết với những con đường, góc phố bán hàng đêm… đầy ấn tượng qua bài viết của cây bút nữ Huỳnh Thục Oanh.

              
                             Tác giả bài viết Huỳnh Thục Oanh
                 

ĂN KHUYA Ở LAGI, AI BIẾT ?                                                       
                                Huỳnh Thục Oanh

 Từ lúc nào, La Gi hình thành những điểm ăn khuya. Những điểm mà tín đồ ẩm thực, sành ăn… không hẹn mà gặp nhau cho dù khi ấy đêm đã về sáng. Xa La Gi, người ta thường nhớ về những điểm ấy cho dù đường về không phải lúc nào cũng thuận tiện và nghĩ bụng là đi được. Chính vì vậy, có người bạn kể rằng rất nhớ phở đêm La Gi…

LA GI, CHỐN XƯA – Đỗ Hồng Ngọc


                      
                               Nhà thơ bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc


LA GI, CHỐN XƯA 
              Đỗ Hồng Ngọc

Từ Saigòn, theo quốc lộ 1 về Phan Thiết, cách Phan Thiết khoảng 50 cây số, rẽ phải, về phía biển Đông là thị xã Lagi (trước thuộc huyện Hàm Tân), tỉnh Bình Thuận. Như một cái túi treo tòng teng trên quốc lộ 1, không để ý thì khó mà nhận ra, Lagi – Hàm Tân dựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, gắn Bình Thuận với Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, nối liền núi đèo cheo leo hùng vĩ của miền Trung với đồng bằng cây ngọt trái lành của miền Nam nên Lagi vừa có núi cao, có biển rộng, lại có ruộng đồng xanh mướt, sông Dinh ngoằn ngoèo lững lờ theo con nước đầy vơi bên những động cát trùng điệp, những truông đèo hoang sơ huyền bí… Xa xa là Hòn Bà, một cù lao nhỏ chơ vơ bơi lạc giữa biển khơi, như còn đang vẫy tay về phía Núi Ông lạnh lẽo phía dãy Trường Sơn xa tít: 

Chuyện xưa rằng phút yếu lòng/Tách mình đứng giữa mênh mông đất trời/ Để nghe gió lộng trùng khơi/ Và nghe sóng mãi hát lời thiên thu (Thanh Trúc)

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

ĐI TÌM ĐỊA DANH BÌNH TUY - Phan Chính


             

            ĐI TÌM ĐỊA DANH BÌNH TUY

Có đến hai mươi năm địa danh tỉnh Bình Tuy là một phần đất rộng lớn phía tây nam của tỉnh Bình Thuận ngày nay. Dưới chế độ Việt Nam cộng hoà, từ một sắc lệnh ký ngày 25.10.1956 tỉnh Bình Tuy được thành lập gồm một phần đất của hai huyện Hàm Thuận,Tánh Linh và một phần đất của hai tỉnh Long Khánh, Lâm Đồng cùng lúc với 22 tỉnh miền Nam. Đến năm 1976, khi thành lập tỉnh Thuận Hải thì không còn nữa. Nhiều câu hỏi địa danh tỉnh mới này tại sao là Bình Tuy 平綏, mang ý nghĩa gì? Đối với Ngô Đình Diệm - Tổng thống đệ nhất VNCH vốn là người được hấp thụ nhiều Tây học nhưng cũng chịu ảnh hưởng nền giáo dục Nho giáo của gia đình, cho nên quyết định một tên tỉnh mới phải có lý do nào đó.

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

LA GI, ĐỘNG TRẮNG BÊN CỬA BIỂN BA ĐĂNG - Phan Chính


           


           LA GI, ĐỘNG TRẮNG BÊN CỬA BIỂN BA ĐĂNG

         Dọc dài 28 km bờ biển thị xã La Gi còn lạc lõng một phần đất rộng khoảng năm mươi mẫu nhưng được thiên nhiên ban tặng cho một cảnh quan lạ lẫm và thơ mộng. Ba phía là bờ biển hoang sơ và đồi cát cao nghiêng bóng xuống dòng sông đầy cây xanh quyến rũ. Đó là Động Trắng, một địa danh gắn liền với bao truyền thuyết và lưu dấu cư dân ngày xưa, nằm bên bờ tả ngạn cửa tấn Ma Ly (Sông Phan) và phía hữu ngạn là làng chài Ba Đăng (thôn Hiệp Thành, xã Tân Hải). 

Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

THUYỀN THÚNG TRÊN BỜ BIỂN LA GI - Phan Chính


                


        THUYỀN THÚNG TRÊN BỜ BIỂN LA GI
                                                                        Phan Chính

        Dọc dài bờ biển 28 km của thị xã La Gi (Bình Thuận) vẫn tồn tại các bến thuyền thúng nằm trên bãi ngang ở Cam Bình, Hồ Tôm, Tân Long, Bàu Dòi, Ba Đăng… Nhưng tập trung nhiều nhất là bến Bàu Dòi (Tân Tiến) và Cam Bình (Tân Phước) với gần 600 chiếc. Mùa bấc rồi chuyển sang giêng, biển động mạnh, thuyền máy đánh khơi xa phải nằm chờ, thì nghề thuyền thúng lại đắc dụng với mặt nước biển gần bờ bằng lưới nậu, lưới rê vài sải tay. Với mùa giêng này loài cá nhiều nhất chạy ngoài chân sóng là cá ve, cá trích, cá đục, cá hanh, cá đối… Riêng ở Tam Tân thì có giống tôm bạc với chất thịt chắc đậm nhưng nay gần như biệt dạng. Thời gian thuyền thúng tung lưới vào buổi chập sáng đến khi mặt trời lên thì kéo thúng lên bờ. Ở bãi Cam Bình khác hơn các nơi là dùng xe bò một con ra bãi biển, tháo dây ách bò, hạ thùng xe để đẩy thúng lên đưa vào mô cát cao. Nhiều con bò quanh năm quen với đất ruộng vậy mà tỏ ra thành thạo, chỉ một thao tác hất sừng cho càng xe đặt vào cổ rất nhẹ nhàng. Cái cảnh thường thấy trước đây là phải bốn năm ngư phủ ra sức hì hục choàng dây đai nhấc bổng thúng chuyển lên bờ xa hàng trăm bước.


Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

SÔNG DINH, DÒNG SÔNG MUÔN THUỞ - Phan Chính


          

          SÔNG DINH, DÒNG SÔNG MUÔN THUỞ
                                                                            Phan Chính

          Sông Dinh ở La Gi xuất phát từ Núi Ông thuộc huyện Tánh Linh, chảy qua huyện Hàm Tân, nhưng đoạn ngang qua phần đất thị xã La Gi khoảng 6 km rồi trổ ra cửa biển để hòa vào đại dương mênh mông. Sách xưa mô tả sông La Di phát nguồn từ phía tây huyện Tuy Lý 70 dặm, đầu nguồn từ động Mọi và hợp lưu các khe suối núi Chà Cố chảy đến xứ Bồn Bồn rồi tuôn ra cửa biển La Di/La Gi. Thực ra tên gọi Sông Dinh không những ở La Gi, Bình Thuận mà còn có ở nhiều nơi như Phú Yên, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu… lại gắn với truyền thuyết rất riêng. Qua các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, cho rằng đối với người Chăm xưa thường gọi những đoạn sông chảy ngang hoặc hướng về khu cư dân đông đảo, nơi có thờ các thần linh với nguyên từ là “nau-ding”, từ chữ Ding phát âm là “Tìng”, người Việt phiên âm thành Dinh, để tương ứng với nghĩa là nơi thờ thần linh ở những địa bàn cư dân tập trung. Sông Dinh ở La Gi còn gọi là sông La Di như trong sách Đại Nam nhất thống chí triều Nguyễn có ghi chép.

Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

CHUYỆN XƯA MÙA LỄ HỘI - Phan Chính

Trong 3 ngày (22 – 24/10), tại Dinh Thầy Thím, xã Tân Tiến, thị xã La Gi sẽ diễn ra Lễ hội Văn hoá du lịch Dinh Thầy Thím năm 2018. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức Thầy Thím và là hoạt động gắn với kỷ niệm 23 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/2018). Đây là một trong 5 lễ hội lớn của địa phương và được tỉnh Bình Thuận chọn là lễ hội phục vụ phát triển du lịch.
Xin mời quý bạn đọc bài viết CHUYỆN XƯA MÙA LỄ HỘI của tác giả Phan Chính

       

           CHUYỆN XƯA MÙA LỄ HỘI
                                             Phan Chính

           Dường như ở vùng đất biển La Gi vào những ngày lễ hội văn hóa Dinh Thầy Thím (La Gi, Bình Thuận) có sự chuyển động rõ nét hơn khi khắp ngõ đường rực rỡ sắc màu cờ phướn và những lượt xe ô tô từ các nơi qua lại rộn ràng. Có vẻ như khác thường với một không gian đất trời lởn vởn những áng mây bay trầm mặc sắc thu xanh. Tôi nhận ra nay là những ngày giữa tháng chín ta ở La Gi vẫn còn bất chợt những cơn mưa cuối mùa của thời tiết miền đông Nam bộ. Trong tôi vẫn không thể nào quên cảnh rừng hoang sơ ngày nào dù đang đi trên con đường nhựa phẳng phiu, hàng quán, bến xe nhộn nhịp bóng người ở ngảnh Tam Tân chẳng khác gì một góc phố thị thành.