BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thùy Mai. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thùy Mai. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2024

THƯƠNG NHỚ HOÀNG LAN - Truyện ngắn của Trần Thùy Mai

Nhà văn Trần Thùy Mai tên thật là Trần Thị Thùy Mai, sinh ngày 8 tháng 9 năm 1954 tại Hội An, Quảng Nam. Quê quán: làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, (nay là phường Hương Long, Thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trần Thùy Mai bắt đầu được các bạn trẻ yêu thích văn chương ở Huế biết đến khi đang học ở trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng. Tốt nghiệp Tú tài 2 từ 1972, chị thi đậu thủ khoa môn văn Đại học Sư phạm Huế. Sau 1975, chị học tiếp Đại học Sư phạm. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, Trần Thùy Mai được giữ lại trường, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu môn Văn học dân gian. Năm 1987, chị quyết định chuyển sang làm biên tập viên ở Nhà xuất bản Thuận Hóa. Với lối rẽ này, Trần Thùy Mai đã chọn nghiệp viết làm con đường đi cho riêng mình.
Trưởng thành cùng thế hệ với Lý Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc ở Sài Gòn, những người cầm bút đầu tiên sau chiến tranh. Có thể nói, đây chính là thế hệ dò đường đi tìm những đề tài hậu chiến. Tính từ truyện ngắn đầu tay "Một chút màu xanh" in trên Tạp chí Sông Hương đến nay, nữ nhà văn người Huế này đã có trên 30 năm cầm bút với hàng trăm tác phẩm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến. Trong đó, một số truyện ngắn nổi tiếng như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng... của chị đã được dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nhật...
 
Nhà văn Trần Thùy Mai

Tôi sinh ra dưới một mái chùa. Nghe kể rằng sư phụ tôi khi ấy còn trẻ, một hôm đi ngang bỗng động tâm hỏi: “Mô Phật, sao sau chùa lại phơi tã lót?” Nghe chuyện đời cha tôi, thầy bảo: “Hãy nhớ ngày này. Nếu có cơ duyên, mười năm sau ta sẽ trở lại”. Trở về thầy bỏ tăng viện, lên một ngọn núi hẻo lánh trong rú xa, dựng mấy nếp nhà cổ. Từ ấy, thầy ẩn tu, hiếm khi xuống núi.