Vô cùng thương tiếc minh tinh THẨM THÚY HẰNG, đã qua đời hôm nay 7-9-2022, hưởng thọ 83 tuổi. Linh cữu được quàn tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Gò Vấp ngày 9-9.
Thẩm Thúy Hằng là khuôn mặt sáng giá nhất trong “Ngũ đại giai nhân”: Thanh Nga
(1942-1978), Kim Cương (sinh 1937), Kiều Chinh (sinh 1937), Thanh Thúy xưa
(sinh 1943) và Thẩm Thúy Hằng (sinh 1940). Thực ra, ngoài khả năng trình diễn
ca hát tân cổ nhạc trên sân khấu, tham gia đóng tuồng, viết kịch bản và đóng
phim, nhiều nữ nghệ sĩ tài hoa trong nhóm này, còn có nét đẹp riêng mỗi người một
vẻ.
Độc đáo ở nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, khán giả mộ điệu đã
coi chị là một biểu tượng nhan sắc hoàn hảo, ngôi sao sáng chói nhất, chiếm ngự
một cõi riêng xán lạn trên khung trời nghệ thuật đất Nam bộ và cả thế giới. Sau
1975, nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng tiếp tục gắn bó với nền nghệ thuật nước nhà, được
phong thưởng là Nghệ sĩ Ưu tú và vẫn ở lại với quê hương cho đến hôm nay.
Minh
tinh Thẩm Thúy Hằng.
Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng,
có tên thánh là Jeane. Là người Nam bộ nhưng Kim Phụng được sinh ra tại Hải
Phòng khi cha cô là một viên chức, cùng gia đình, được chuyển ra làm việc tại
thành phố hoa phượng đỏ. Sau đó một năm (1941) theo gia đình trở về miền Nam,
Kim Phụng sống và lớn lên ở An Giang. Khi đang học Sơ đẳng Tiểu học tại Long
Xuyên, lúc cô mới 13 tuổi thì cha qua đời. Học xong bậc Tiểu học, Kim Phụng lên
Sài Gòn ở với người chị, học tiếp tại trường Huỳnh Thị Ngà, Tân Định. Dường như
“Em là nhan sắc trời ban tặng/ Chớm tuổi
mùa trăng đã đẹp rồi” (Ngũ Lang). Vừa sang tuổi mười lăm, lên học lớp Đệ Tứ
(ngang bậc với lớp 9 bây giờ), nhan sắc còn đang độ giữa tuổi teen mà như một
mùa xuân đến sớm, Kim Phụng nức tiếng là một hoa khôi lộng lẫy trong giới học
sinh đất Sài thành, không ai là không biết. Hoàn tất việc học bậc Đệ Nhất cấp
(Phổ thông Cơ sở hiện nay), vừa bước qua tuổi mười sáu, Kim Phụng đã âm thầm
lén gia đình ghi tên tham gia cuộc thi Diễn viên Điện ảnh do hãng phim Mỹ Vân tổ
chức và cô đạt Giải Nhất dễ dàng sau khi vượt xa hơn 2000 thí sinh khác ở miền
Nam. Xuất phát từ gợi ý của Kim Phụng về lòng ngưỡng mộ người thầy dạy văn
chương cho mình là Thẩm Thệ Hà (1923-2009), một nhà giáo – nhà thơ yêu nước đức
độ tài danh đang nổi tiếng trên đô thành bút mực miền Nam lúc bấy giờ, giám đốc
hãng phim Mỹ Vân đã đặt cho Kim Phụng nghệ danh là Thẩm Thúy Hằng.