BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn HÀN MẶC TỬ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn HÀN MẶC TỬ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 1)CHÍNH DANH ĐỊNH LUẬN: MẠC HAY MẶC? - Phanxipăng


 
“Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi bị phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.”
                                                                             HÀN MẠC TỬ
                                                                        (Tựa Thơ điên, 1938)
 
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Hàn Mạc Tử (1912 - 1940) là một tác giả được tôn sùng, hâm mộ. Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Từ ngày Hàn Mạc Tử trừ trần đến nay, mới khoảng hai năm trời mà người ta đã nói rất nhiều và viết nhiều về Hàn Mạc Tử”. Còn tính tới lần giỗ thứ 60 của thi sĩ vào cuối thế kỷ 20 này, hàng nghìn cuốn sách và bài báo trong lẫn ngoài nước đã đề cập đến tài năng yểu mệnh ấy. Riêng các tác phẩm của Hàn Mạc Tử không những được chọn đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, mà còn liên tục được ấn hành và... bán chạy. Thế nhưng, vì lắm lý do, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hàn Mạc Tử vẫn tồn tại hàng loạt “bí mật”, khiêu gợi trí tò mò đối với chúng ta. Thời gian qua, nhờ sự nổ lực tìm kiếm của một số người yêu quý nhà thơ qúa vãng, bao điều “bí mật” kia dần dần được “bật mí”. Bằng khối lượng tư liệu thu thập từ nhiều nguồn, loạt bài này hy vọng sẽ cung cấp những thông tin mà bạn đọc chưa có thể nắm được đầy đủ. TGM cộng tác viên gần xa góp phần bổ sung, hiệu đính bằng những chứng cứ xác tín về Hàn Mạc Tử để chúng ta hiểu rõ hơn, đúng hơn thân thế và sự nghiệp của một tài hoa đất Việt.
 
Kỳ 1: CHÍNH DANH ĐỊNH LUẬN: MẠC HAY MẶC?
 
Bấy lâu, phần lớn sách báo - Trong đó có giáo khoa trung học và giáo trình đại học - đều ghi bút danh chính Nguyễn Trọng Trí là Hàn Mặc Tử. Cạnh đấy, một vài tư liệu lại đề: Hàn Mạc Tử (không có dấu ﮞ). Vậy nên thống nhất cách viết, cách đọc bút danh/ bút hiệu của nhà thơ sao cho chuẩn xác?
 
Về vấn đề này, thiết tưởng cần tuyệt đối tôn trọng ý muốn của chính bản thân tác giả. Sinh thời, Nguyễn Trọng Trí tự chọn bút danh thế nào thì chúng ta hãy giữ nguyên thế ấy.
 

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

VÀI NÉT VỀ NỮ SĨ MỘNG CẦM VÀ NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ - Nguyễn Như Mây sưu tầm


Tác giả bài viết Nguyễn Như Mây
  
Nữ sĩ Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1917 tại Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi. Bà qua đời lúc 22 giờ 30, ngày 23 tháng 7 năm 2007 tại nhà riêng ở Phan Thiết (Bình Thuận), hưởng thọ 91 tuổi. Bà là cháu ruột gọi nhà thơ Bích Khê (tên thật là Lê Quang Lương) bằng cậu.
   
Lúc bấy giờ, bà là y tá ở trạm xá Mũi-Né từ một người anh lớn của nhà thơ Bích Khê. Còn Bích Khê đang dạy học tại các trường trung học Quảng Hiền, Hồng Đức ở Phan Thiết từ năm 1934 tới năm 1936. Nhà thơ Chế Lan Viên, bạn thân của Bích Khê, cũng đang dạy học tại đó.
 

Thứ Năm, 5 tháng 5, 2022

KÍNH HỌA “ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ” THƠ HÀN MẶC TỬ - Đức Hạnh cùng quý thi hữu


   


ĐÀ LẠT TRĂNG MỜ
 
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
 
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để nghe trời giải nghĩa yêu.
 
Hàng thông thấp thoáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
 
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng…
 
HÀN MẶC TỬ
 
 
THƠ CẨN HOẠ:
 
 
MỘNG THU
 
Trời Thu rạng rỡ tỏa duyên đầu
Thắm nụ hoa hồng đẹp cánh thơ
Thắm thiết tình yêu hòa biển mộng
Tươi cười ả nguyệt trải sông mơ
 
Bờ môi lặng lẽ nở hoa nhiều
Biển mộng êm đềm suối nhạc reo
Bé nhỏ con tim tình chẳng thiếu
Biển trời bát ngát trả lời yêu…
 
Ngọn núi dậy thì mộng chẳng im
Ngàn hoa thắm trổ dẫu trăng chìm
Nàng thơ lãng mạn hôn sông nước
Nụ ái tưng bừng nở giữa đêm
 
Suối nhạc dâng tràn ngập ánh trăng
Sang chơi chú Cuội có hay rằng
Song ngoài Nguyệt ả hoài nhung nhớ
Sóng dậy trong lòng mộng mãi băng…
 
29 04 2022
Đức Hạnh
 

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

BÀI THƠ "ĐÂY THÔN VỸ DẠ" CỦA HÀN MẶC TỬ - Phạm Ngọc Thái



 
ĐÂY THÔN VỸ DẠ
 
Sao anh không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
 
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
 
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
                 
                             Hàn Mặc Tử

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

TẬP THƠ “ĐÔI HỒN” VÀ MỘT THIÊN DIỄM TÌNH - Phạm Ngọc Thái

 


Tập thơ “Đôi hồn"”là sản phẩm thi ca của một mối tình đã được thăng hoa giữa thi nhân Hàn Mặc Tử (HMT) cùng nữ sỹ Hoàng Yến - Mai Đình (MĐ). Mối tình ấy diễn ra cũng như thơ của cả hai người, đều đã được viết từ trước đây hơn nửa thế kỷ.
 

Thứ Tư, 9 tháng 9, 2020

NÓI VỀ THƠ HAY CỦA NGÀN NĂM VĂN HIẾN THĂNG LONG - Phạm Ngọc Thái


                

Nói về thơ hay ở đây, nghĩa là bài thơ đó phải được lưu danh sử sách trong văn hiến của ngàn năm Thăng Long - Thí dụ: cao siêu là KIỀU của đại thi hào Nguyễn Du, thuộc thể tiểu thuyết thơ. Các loại thơ ngắn hay xưa nay, trường cửu với thời gian, như:
Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (BHTQ) - Làm lẽ, Hồ Xuân Hương - Thu điếu, Nguyễn Khuyến - Thương vợ, Tú Xương - Đây thôn Vỹ Dạ * Mùa xuân chín * Bẽn lẽn, Hàn Mặc Tử - Tràng giang, Huy Cận - Tương tư, Nguyễn Bính - Tương tư chiều, Xuân Diệu - Tranh lõa thể, Bích Khê - Say đi em, Vũ Hoàng Chương - Hai sắc hoa tigôn, TTKH. - Thuyền và biển, Xuân Quỳnh - v.v...

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

CỬA SỔ ĐÊM KHUYA – Đức Hạnh và Thi Hữu


    


CỬA SỔ ĐÊM KHUYA
[Thuận nghịch đọc]

Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn sóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hoà đàn sẵn có dế bên tường.

Tường bên dế có sẵn đàn hòa
Ủ lá dâu ngàn yến lại qua
Bàng bẽ rượu thơ ngâm bạn vắng
Láng lai tình cảnh nhớ người xa
Hương đưa gió thoảng mai hờ hững
Sóng gợn hồ in liễu thướt tha
Vương vấn nỗi thêm buồn cảnh lạ
Gương lồng cửa rọi nguyệt cười hoa.

HÀN MẶC TỬ


KÍNH HỌA "CỬA SỔ ĐÊM KHUYA


HOA MỘNG
[Thuận nghịch đọc]

Hoa hồng lộng nguyệt bóng ngời gương
Ấp ủ duyên nàng nghĩa vấn vương
Tha thiết biển tình khai suối nhạc
Ngạt ngào trăng nước vọng quê hương
Xa vời cảnh vật trôi ngày tháng
Lạnh ngắt dòng sông rụng lá bàng
Qua bến nhớ thuyền yêu sóng biển
Hòa thơ mộng nở thắm bông tường

Tường bông thắm nở mộng thơ hòa
Biển sóng yêu thuyền nhớ bến qua
Bàng lá rụng sông dòng ngắt lạnh
Tháng ngày trôi, vật cảnh vời xa
Hương quê vọng nước trăng ngào ngạt
Nhạc suối khai tình biển thiết tha
Vương vấn nghĩa nàng duyên ủ ấp
Gương ngời bóng nguyệt lộng hồng hoa

Đức Hạnh 

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

VỀ “NGƯỜI TÌNH THÔN VỸ ” CỦA HÀN MẶC TỬ: HOÀNG THỊ KIM CÚC - Phan Thanh Tâm

Nguồn:
https://kontumquetoi.com/2015/02/17/ve-nguoi-tinh-thon-vy-cua-han-mac-tuhoang-thi-kim-cuc/


      Hoang-Thi-Kim-Cuc-11230
                         Cô Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989)


        CÔ GÁI HUẾ THỜI TIỀN CHIẾN
                                                Phan Thanh Tâm

Huế đâu chỉ có sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền mà còn có Thôn Vỹ. Thôn này có bóng dáng một cô gái Huế thời tiền chiến: Cô Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989), người tình trong mộng của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Cô còn là “Chị Cả” của tất cả anh chị em gia đình Phật tử  ba miền đất nước và Cô còn để lại một di sản văn hóa cho thế hệ mai sau: hai bộ sách nổi tiếng "Những Món Ăn Nấu Lối Huế"; "Cách Nấu Chay".


  


     

Bài thơ "Ở Đây Thôn Vỹ Dạ", được Hàn Mạc Tử viết từ năm 1939, đã đưa địa danh Vỹ Dạ và mối tình đầu của một thi sĩ tài hoa nhưng mệnh yểu vào văn học sử. Đó là một kỷ niệm của một mối tình trong trắng, thanh cao và bất diệt giữa hai tâm hồn khác tôn giáo. Cô Hoàng Thị Kim Cúc, người đẹp trong cuộc, đã xác nhận như vậy. Tuy thế, vẫn có nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi trong hơn nửa thế kỷ qua đã viết về chuyện tình Hàn Mạc Tử + Kim Cúc không trung thực, “có khuynh hướng liêu trai hóa”. Vì vậy, gần đây mới có cuốn "Lá Trúc Che Ngang Chuyện Tình Của Cô Tôi " ra đời ở Huế.
Tác giả Hoàng Thị Quỳnh Hoa, cựu Giáo sư Anh Văn trường Nữ Trung Học Gia Long ở Sài Gòn trước 1975, hiện định cư ở Maryland, năm 2013 đã cho xuất bản cuốn sách dày 198 trang nhân 100 năm sinh nhật của cô mình, để phản bác các sai trái. Sách còn cho thấy chân dung của cô Kim Cúc. Tác giả Quỳnh Hoa đã mất 10 năm tra cứu tài liệu sách báo; đã về Huế nhiều lần để tham khảo thư từ mà cô mình để lại. Cô Kim Cúc bị hôn mê sau một tai nạn giao thông ở Saigon và qua đời ở Thôn Vỹ. Đám tang của cô ở Huế, ngày 15 tháng 2 năm 1989, được xem như  một trong vài đám tang lớn nhất từ trước tới nay.

han-mac-tu-6

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

KHÓC HÀN MẶC TỬ - Thơ Phạm Ngọc Thái


   


KHÓC HÀN MẶC TỬ     
                        
Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết
Khóc gió mưa, cây cỏ đến chân trời
Khóc tạo hoá: từ thiên và địa
Rồi khóc người: Đời, con tạo quay chơi...

Hàn Mặc Tử ơi ! Ới , Tử ơi !
Sống chơi vơi cũng giống người
Khác chi là con chim cánh lá
Giọt thơ này hoà lệ máu tôi rơi

Nơi Tử nằm trong mồ hoa thơm nở
Đầu Tử gối lên sườn sóng gió
Với sao sương vằng vặc trăng ngàn năm
Nỗi đau đè nặng cõi dân gian.

Hỡi biển Đông, núi cao Gành Ráng !
Thơ của Tử mai sau còn sáng láng
Sóng nước non non nước vỗ ngày đêm
Quạnh hiu buồn rờn rợn bóng thi nhân

Ngồi đọc Tử tim vỡ toang máu đỏ
Tôi khóc biển, khóc trời xanh, khóc gió
Chúa ở đâu? Thượng đế có trên đời?
Người Thơ Xưa hoá chốn nao rồi ?

Thì tham vọng vinh quang ai chẳng muốn
Ngu cũng buồn! Tài lại lắm tai ương ?
Giữa đời nhiều khi phải cười nhăn răng mà sống
Thương nhau để mặc lệ rơi tuôn ...

Tử dù đau nỗi đau ngang bể
Nhưng đã có bao người khóc Tử
Suy cho cùng: tuyệt đến thế thì thôi,
Trên này nhiều chuyện lắm, Tử ơi !

Rót mắt thành thơ khóc Tử lại khóc đời
Chúng tôi đang quần cuộc sống...
Có khi phải tập nén mình như bánh nén
Thỉnh thoảng cũng thương nhau, phần lớn chỉ đấu tranh

Niềm sướng đau khôn dại dại khôn
Em gái - Nhà thơ - Nhà chính khách
Tuốt tuồn tuột mấy ai không bất trắc
Buồn làm chi! Đời, sắc sắc không không ...

Đời vậy mà -  Người thế, chuyện thế gian
Suy cùng lý chẳng gì phải chán
Lại thương Tử không được dự phần bon chen, xô lấn
Giây phút khóc cho nhau, hoá hạnh phúc lớn trên đời

Hàn Mặc Tử ơi ! Ới, Tử ơi !
Bao đêm nghiền ngẫm chữ thơ Người
Châu rỏ đầm đìa trang giấy trắng
Bay về Gành Ráng đẫm hồn tôi

Thắp nén nhang chùa tôi khấn anh
Tài hoa xuất sắc vóc giai nhân
Vung tay búng bút xô báu ngọc
Chữ thơ như tuyết máu lênh đênh

Qui Nhơn biển sóng vỗ mây lừng
Tài này, phận ấy ! Những bi thương,
Nay đã yên mình khe nước ngọc (*)
Hẹn nhau mai mốt bữa tương phùng

Tôi khóc Tử, khóc hào quang, khóc huyết
Khóc gió mưa, hoa cỏ lẫn sao sương...
Tử có nghe! Thơ Người - Tôi viết tiếp
Cúi lậy không gian cả tám phương (*)
 
                               Phạm Ngọc Thái
                                         
(*) Dựa theo ý thơ Hàn Mặc Tử.


    Đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử ở Gành Ráng
    - Qui Nhơn

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

KÍNH HỌA "BUỒN THU" THƠ HÀN MẶC TỬ - Đức Hạnh cùng thi hữu





BUỒN THU

Ấp úng không ra được nửa lời,
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt.
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi…
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ lúc buồn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt đã vơi.
                                   HÀN MẶC TỬ

KÍNH HỌA: “BUỒN THU” THƠ HÀN MẶC TỬ

TÌNH THU
    “Thtk”
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi.
(Trích “Buồn Thu” – Hàn Mặc Tử)

VỘI vã nàng Thu chửa trả lời,
VÀNG trăng ảm đạm lắm trăng ơi !
CÁNH sao vắt vẻo buồn muôn lối,
NHẠN én chèo queo tẻ đất trời.
BAY lượn vần thơ lòng mãi khởi.
ĐI vào suối mộng cảnh không thôi…
TRỚT dòng lá trải hồn vời vợi,
HIU HẮT HƠI MAY THOẢNG LẠI RỒI.
                                               Đức Hạnh
                                             16. 08. 2018

THU VÀNG

Chân thơ xướng họa chẳng xa vời
Suối mộng thu vàng đẹp lắm ơi !
Hãy thả thuyền tình ra biển cả
Còn khơi suối mộng trải khung trời
Tâm hồn sáng tỏ ngời trăng nước
Kỉ niệm tinh khôi đẹp ý lời
Chia sẻ vui buồn xuân thắm nở
Giao hòa quý hữu… hổng chơi vơi..!
                                      Đức Hạnh
                                    16 .08. 2018

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

CÂU CHUYỆN VỀ BÚT DANH CỦA NHÓM THƠ XỨ NẪU - Ký của Lâm Bích Thủy

Cô Lâm Bích Thủy - ái nữ của nhà thơ tiền chiến Yến Lan vừa gửi đến chúng tôi bài ký về bút danh của nhóm thơ tiền chiến Bàn Thành Tứ Hữu vang bóng một thời. Thân mời quý bạn đọc cùng xem:

                                                                         
                
                    Nhà thơ Yến Lan lúc còn trẻ


   CÂU CHUYỆN VỀ BÚT DANH CỦA NHÓM THƠ XỨ NẪU 
                                                                  Lâm Bích Thủy                  
Bút danh Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Khi mới vào làng thơ, ông lấy bút danh Minh Duệ Thị. Bút danh này ít ai biết, ông đổi là Phong Trần. Nhìn vóc hạc thư sinh của ông, bác Tấn chọc vui “anh người mảnh mai như cây sậy, làm sao chịu được Phong Trần mà ước? ” và cũng bị một bà cụ thâm nho ở Bình Định nói tên này không phù hợp với tính cách Hàn nên đã khuyên đổi bút danh. Ông Trí bèn lấy chữ đầu của nơi sinh “Lệ Mỹ” và chữ đầu của quê cha “Thanh Tân” ghép lại thành “Lệ Thanh”. Bút danh này ông rất vừa ý, nhưng bác Quách Tấn lại trêu. “Bộ anh ngó dễ thương mà hiệu Lệ Thanh nghe cũng “yểu điệu thục nữ”, vậy tôi gọi anh là cô Lệ Thanh cho thêm duyên”. Ông Trí chẳng nói gì, ít lâu sau thấy người ta thấy tên Hàn Mạc Tử xuất hiện trên các báo. 
   Hàn Mạc có nghĩa là ”rèm lạnh”, ông cho là độc đáo, đến khoe với bác Quách Tấn.. Bác Tấn cười mà rằng “Kể cũng ngộ thật. Tránh kiếp PhongTrần lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp Rèm Lạnh. Tránh lờ chui vào lưới, sao lẩn quẩn quá thế?” Ông Trí bực quá “Anh này thật đa sự, không biết đặt cái đếch gì cho vừa lòng anh”. Bác Tấn hướng cho ông lối ra “nếu đã có rèm mà thêm bóng trăng vào, hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?”. Ông Trí bàn với bác Tấn một lúc, rồi lấy bút vạch thêm vành trăng non lên đầu chữ a ra chữ ă. 
  Chỉ thêm một cái dấu thôi mà nghĩa khác hẳn. Từ “Rèm lạnh” giờ thành “Bút mực.”  Sau đó, ông Trí thích chí nói: “Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng như thơ tôi sẽ mỗi ngày mỗi thêm rạng ngời như bóng trăng”.     

Bút danh Chế Lan Viên

Tờ Văn Nghệ - Người văn. Số …. đề cập đến bút danh này .
PV: Nghe nói, bút hiệu của nhà thơ Chế Lan Viên xuất phát từ tình bạn với ông (Yến Lan)?
YL: Nói đúng hơn chữ “Lan Viên” là từ tên tôi và một bài thơ của tôi. Hoan làm thơ từ lúc 12, 13 tuổi, đầu tiên lấy bút danh từ những địa danh ngoài quê hương Quảng Trị như: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Khoảng 1934, tôi xa nhà xuống Qui Nhơn học. Đêm trước ngày ra đi, thấy trời đã tối mà cha tôi vẫn thắp đèn dầu tưới lan, tôi xúc động làm bài thơ

            Rồi đây mỗi ngã một thân đơn
            Con ngọn đèn xanh, cha mảnh vườn
            Đêm lụi đèn tàn ai gạt bấc
            Vườn lan ai ấy tưới thay con

Nghe tôi đọc hết bài thơ, Hoan xúc động rơm rớm nước mắt. Sau vài giây im lặng, Hoan chậm rải nói “Mình muốn làm một cái gì đó để kỷ niệm bài thơ và tình bạn của chúng ta”. Và Hoan đã thực hiện lời nói ấy; các bài thơ đăng trên “Tiếng trẻ”  sau này Hoan đều lấy bút danh là “Lan Viên”.

Đến năm 1936 Hàn Mạc Tử có bài thơ “Thi sĩ Chàm” tặng Hoan, ghi mấy chữ là “Tặng Chế Bồng Hoan”. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm nhân lúc đến thăm bạn, ở bên bờ đầm Thị Nại, nơi Hoan đang trọ học. Xem thấy dòng đề tặng ở trang sách, bèn góp ý với Hoan “Hoan nên ghép hai tên lại làm kỷ niệm”.

Lúc ấy, bản thảo tập “Điêu tàn” vừa xong, Hoan lấy bút danh “Chế Lan Viên” và gửi cho Nguyễn Xuân Sanh, nhờ in ở Hà Nội. Từ đó trên thi đàn văn học Việt Nam người ta thấy bút hiệu – Chế Lan Viên.

Bút danh Yến Lan                                                          

Trong làng văn, ai cũng tìm cho mình một bút danh mang ý nghĩa khó quên; người thì lấy tên làng, tên dòng sông quê hoặc một kỷ niệm nào đó trong đời. Chắc chắn chỉ có ba tôi, người duy nhất lấy tên hai thiếu nữ yêu mình làm bút danh:

Thầy Lang tên thật là Lâm Thanh Lang. (Lan có g) Thầy và 12 học trò quây quần bên nhau, trong một gian nhà mái ngói âm dương, đối diện với cây me cổ thụ. Trước khi làm thầy, chàng đã nổi tiếng là người hay thơ, đẹp trai. Các nữ sinh thường đọc thơ và chuyện ngắn của chàng trên các tạp chí với bút hiệu Xuân Khai.

Riêng bút danh Xuân Khai, bác Quách Tấn có thắc mắc:
“…hiệu Xuân Khai có người bảo rằng do câu thơ cổ “ xuân khai hoa bản địa” mà ra. Tôi nghĩ tên chú là Lâm Thanh Lang, chữ lang có nghĩa “chàng” hoặc “cây cau” chứ có phải “Lan” là hoa lan đâu mà dùng “trích cú“ như vây?”    

Tài thơ và cách ăn nói nhỏ nhẹ, có duyên của chàng làm xiêu lòng nhiều thiếu nữ. Dáng người phong độ, gương mặt ưa nhìn, ánh mắt trong sáng, tất cả toát lên vẻ thông thái làm các thiếu nữ ở huyện đêm nhớ, ngày mong…
 Họ đến lớp học cốt chỉ để bàn về thi sĩ hay thơ, đẹp trai hơn là thu lượm kiến thức.
 Trong giờ học, thầy đang bình giảng về thơ, đôi khi học sinh bỗng thấy thầy khựng lại và ánh mắt nhìn ai đó; học sinh nam theo hướng mắt thầy thì phát hiện ra nơi đó là chỗ ngồi của một thiếu nữ tình tứ liếc thầy, khiến thầy bối rối ngập ngừng...
 Tôi không biết ông già tôi đẹp trai cỡ nào mà má tôi cũng hay nói tới điều này. Còn anh Quách Giao, con bác Q,Tấn đã nói với tôi: “Ba em hồi trẻ đẹp trai lắm đó, thiếu nữ nào thấy cũng mê chứ không phải mình má em đâu”

Lớp học của thầy, có hai thiếu nữ khá dễ thương; họ cùng tầm tuổi và vóc dáng. Cô tên Yến, cô tên Lan. Hai cô thương nhau như chị em ruột, đi đâu cũng có nhau. Cả hai đều thương thầm nhớ trộm; mê thơ và giọng đọc của thầy Lan lắm. Một hôm, không biết là vô tình hay cố ý, hai cô nói rõ to như để thầy nghe được “Tao với mày chơi thân nhau như vầy, sau này có lấy chồng, chỉ lấy chung một chàng đẹp trai làm chồng để chúng mình khỏi xa nhau” . Nghe lõm trọn câu nói của hai nữ sinh, thầy Lang tủm tỉm cười ý nhị! Ít lâu sau, cô Yến theo gia đình chuyển vào Nha Trang. Tình bạn của họ bị chia xa. Cô Lan vẫn đều đặn một mình đến lớp thầy Lang học.

Không lấy được chàng thi sĩ, cô Lan nhất quyết đi tu. Cô vào tu tại chùa Sư Nữ ở Phan Thiết. Cả nhà tỏa khắp nơi tìm, nhưng bóng dáng cô như biến khỏi mặt đất? May có bà chị họ đi lễ Phật, gặp, lén báo tin về gia đình. Chàng thi sĩ họ Lâm khăn gói theo anh trai cô, vào tận chùa đón về. Và bài thơ “Phan Thiết”có 18 câu đã ra đời. Xin trích:

           Ôi Phan Thiết, sông Cầu, Lăng Cô, Đà Nẵng
           Đến một lần chỉ để nhớ mãi không khuây
           Đêm lạnh, tóc mai dầm hướng gió
           Nặng tình xanh trăn trở giữa chăn đơn
           Tôi thức uống bầu sao từng hớp nhỏ
           Gạn vô lòng chất biếc mỗi tình thương ….
                                                Tháng 4/1944

Sau bước ngoặc này, cô Lan và thầy Lang gắn bó hơn. Mặc mẹ kế ngăn cản “ Lấy con Lan là lấy gái nạ dòng”; mặc cha cô Lan cấm đón. Hai người vẫn lén rủ nhau xuống bãi biển Qui Nhơn, ra Đập Đá trên những chuyến xe ngựa rất lãng mạng.
Cha cô thấy họ quá quyết tình, đành chấp nhận để con gái cưng lấy chàng thi sĩ mà không màng đến nữa việc có môn đăng hộ đối hay không!
Cô Yến ở Nha Trang nghe tin, gửi thư ra động viên, vun đắp cho hai người nên duyên vợ chồng và tế nhị rút lui lời thề lấy chung chồng năm xửa năm xưa nữa!
 Tội nghiệp, trong lần đi tản cư, chiếc thuyền chở gia đình cô Yến bị lật làm chết hết! Biết tin, chàng thi sĩ Xuân Khai, nhớ lời thề ngây thơ của đôi bạn, và để kỷ niệm tình bạn của họ, ông thay bút danh Xuân Khai thành Yến Lan

Trong cuốn “Phong trào thơ mới 1932-1945” giáo sư Phan Cự Đệ cho rằng, nhóm thơ có cả Bích Khê và Hoàng Diệp. Ông vẫn giữ ý kiến của mình khi tái bản. Điều này, không đúng. Bác Quách Tấn khẳng định “Tứ linh chỉ có 4 người: Hàn, Yến, Quách, Chế. Mỗi người mang tên một linh vật. Theo bác, người đầu tiên dùng bút hiệu của nhóm Tứ linh trong thi đàn là Hoài Thanh.

                                                                            Lâm Bích Thủy

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

ĐÂY THÔN VĨ DẠ - Thơ Hàn Mặc Tử - La Thuỵ diễn ngâm


       

              ĐÂY THÔN VĨ DẠ

              Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
              Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
              Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
              Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

              Gió theo lối gió, mây đường mây
              Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
              Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
              Có chở trăng về kịp tối nay?

              Mơ khách đường xa, khách đường xa,
              Áo em trắng quá nhìn không ra...
              Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
              Ai biết tình ai có đậm đà?

                                      HÀN MẶC TỬ