BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Văn Quang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Văn Quang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

TÌNH SỬ CHU-UYÊN – Nguyễn Văn Quang

Bài viết in trong “tập 10 Nguyễn Hoàng, chân dung và kỷ niệm”, bài thứ 157 (trang 129-145)

                                         (Thân tặng L.M.M.)

Thầy Nguyễn Văn Quang
Học Nguyễn Hoàng từ 1964 đến 1967
Dạy Nguyễn Hoàng từ 1974 đến 1975


Sau ngày Hội trường Nguyễn Hoàng, chúng tôi vùi đầu vào công việc làm ăn nên ít có dịp gặp nhau. Nhân chuyến về thăm quê, Mân ghé thăm tôi và rủ tôi ra quán cà-phê Sông Xanh bên bờ sông Thạch Hãn ngồi tán chuyện. Tôi bảo nên tìm nhà quán trong phố cho ấm, trời này ra sông lạnh lắm. Anh bạn tôi không chịu, anh nói đã lâu lắm nay mới được dịp ngồi bên bờ sông xưa để tìm lại những kỷ niệm của tuổi học trò và những mối tình lãng mạn đầu tay từng chớm nở tại chính đoạn đường Gia Long ngày xưa ngập tràn hoa phượng đỏ này. Tôi nể bạn nên cũng chìu lòng. Mân học trước tôi đến ba lớp, nhưng tuổi tác ngang nhau, hơn nữa ngày học Trung học, hai đứa ở nhà trọ gần nhau nên kết làm bạn bè.
 

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2021

ĐÔI LỜI GỞI BẠN ĐỖ TƯ NGHĨA – Nguyễn Văn Quang



Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa


ĐÔI LỜI GỞI BẠN ĐỖ TƯ NGHĨA 
              (Trước lúc bạn đi xa)
                                                                   Nguyễn Văn Quang
 
Nghĩa ơi! Sáng nay nhận được tin bạn vừa từ biệt cõi trần, mình cảm thấy bàng hoàng, lòng trống trải vô cùng, vì từ nay mình mất đi một người bạn dễ thương, tài hoa và trí thức! Bạn ra đi, gia đình, bạn bè và nhất là những người tri âm tri kỷ, vô cùng thương tiếc, ngậm ngùi. Ngay thuở thiếu thời, bạn đã được bạn bè, đồng môn yêu mến cảm phục về tri thức và tài hoa của chàng trai mới lớn. Rồi con đường Triết học đã dẫn bạn lên một tầm cao mới về đời sống tinh thần. Nỗi đau thân phận, nỗi đau nhân thế, tác động vào tâm tư bạn và bạn đã đem hết ruột gan viết tâm tư mình "gởi tình yêu, gởi cuộc đời". Và rồi bạn đã được hồi đáp bằng những "tiếng vọng tri âm" đầy ắp tình yêu thương. Mọi người đã cảm thông, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng bạn.
 
Tôi lên Đà Lạt lần nào cũng để tâm đến thăm bạn, cầu mong bạn có cuộc sống an vui, vì cứ ngộ nhận rằng cuộc đời bạn quá ư cô đơn, buồn khổ. Nhưng khi nhìn cả một thư viện sách cá nhân đồ sộ của bạn, tôi lại thấy mình đã nhầm. Thì ra, Nghĩa có rất nhiều bạn tri âm. Họ đang lặng lẽ tâm tình với Nghĩa qua từng trang viết trong hàng ngàn cuốn sách dày cộm trên các giá sách vây quanh chỗ ngồi của Nghĩa. Họ là ai? Là những triết gia, giáo chủ các tôn giáo, những văn nhân thi sĩ đông tây, kim cổ đã tụ hội về đây và thỏ thẻ tâm tình cùng kẻ tri âm là Đỗ Tư Nghĩa - còn có biệt danh là Đỗ Tố Như! Giờ thì tôi cảm thấy chính mình bé nhỏ, cô đơn và biết bạn đang sống đời hạnh phúc, vì các triết gia, các nhà trí thức bao giờ cũng sống đời giản dị, lặng lẽ, không thích ồn ào.
 
Tôi mừng cho bạn và thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Những tháng ngày qua, bạn đã đem hết sở tài làm sở dụng để chuyển ngữ hàng chục tác phẩm quý giá trong kho tàng tri thức nhân loại ra tiếng mẹ đẻ, biến chúng thành những thông điệp, những món quà tinh thần và tình cảm gởi lại cho đời trước khi bước về cõi vĩnh hằng. Nghĩa ơi! Tôi làm sao hiểu hết được lòng bạn, làm sao hiểu hết những tư tưởng cao xa của bạn! Nhưng có một điều tôi biết chắc, đó là tình yêu của bạn dành cho cụ Nguyễn Du, bằng chứng là bạn đã lấy biệt hiệu "Đỗ Tố Như" ký vào tác phẩm của mình và dùng trên trang mạng cá nhân để chia sẻ tâm tư với mọi người. Ngày xưa, cụ Nguyễn Du còn băn khoăn: "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" Còn bây giờ, Nghĩa ơi! Có biết bao người thân yêu, tri âm tri kỷ, đang ngậm ngùi tiếc thương đưa tiễn Đỗ Tố Như rời xa cõi tạm! Không hiểu sao, giờ phút này tôi chợt nhớ 4 câu thơ của Vũ Hoàng Chương: "Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ, Một đời người u uất nỗi trơ vơ. Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị, Thuyền ơi thuyền, xin ghé bến hoang sơ!" Và, bạn đã nhanh chân hơn chúng tôi. Bạn đã lên thuyền về bến hoang sơ trong khi chúng tôi còn vướng chân trong cõi hồng trần. Từ nay, cái thân tứ đại của bạn không bị mục rữa trong lòng đất lạnh như bao người khác, mà đã biến thành những nắm tro hòa vào nước hồ Xuân Hương và các hồ xinh đẹp đầy mộng mơ của xứ Đà Lạt sương mù! Rồi đây, người thân và bạn bè sẽ lên Đà Lạt thăm bạn, và vào một đêm trăng thanh gió mát, ra bờ hồ Xuân Hương gọi Nghĩa cùng uống cà phê, kể chuyện quê hương, chuyện ngày thơ ấu, chuyện mùa hoa dã quỳ... và cùng tiếp tục viết lên những dòng tâm tư "gởi tình yêu, gởi cuộc đời" rồi lắng nghe tình yêu và cuộc đời vang lại "Tiếng vọng tri âm" chứa chan tình thân ái cho tình người thêm nồng ấm và cuộc đời này vơi bớt khổ đau, bạn nhé!
 
Ở quê nhà Quảng Trị xa xôi, đang trong mùa đại dịch, tôi không có điều kiện đến tiễn đưa bạn về Miền Tây phương cực lạc. Tôi viết mấy dòng này thay nén tâm nhang, nguyện cầu hương hồn bạn luôn an vui ở cõi vĩnh hằng!
VĨNH BIỆT BẠN THÂN YÊU!
 
Thị xã Quảng Trị, sáng 16/9/2021
            Nguyễn Văn Quang
 
 

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2019

ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC – Nguyễn Văn Quang


       
                 Tác giả Nguyễn Văn Quang


         ĐƯỜNG TÔI ĐI HỌC 
                     
Quê tôi - làng An cư, là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Triệu Phước. Làng nằm cạnh một dòng sông, đoạn cuối của hợp lưu hai sông Thạch Hãn và sông Hiếu đổ ra cửa Việt. Tên làng, tên xã nghe thì bình yên, hạnh phúc thế, nhưng quả thực dân chẳng an cư và chẳng được phước lộc là bao!
Sống nơi nước mặn đồng chua, dân thuần nông không đủ gạo ăn, phải đi làm thuê khắp bốn phương trời. Nghe câu hát của Duy Khánh (một người con của làng) thì đủ thông cảm:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn!

Nhà tôi không đến nỗi ba đời ăn củ chuối nhưng cũng ba đời đi ở đợ, làm thuê! Ông nội tôi lên làm thuê tận trên vùng sơn cước, Cha tôi và hai chú tôi phải đi ở giữ trâu, phụ cày cho nhà giàu tại ba xã khác nhau; tôi mồ côi cha lúc bảy tuổi, hai em tôi chết từ nhỏ vì thiếu ăn và bệnh tật không có thuốc chữa. Mẹ tôi đi làm thuê, tôi đi mót lúa, mót khoai để nuôi nhau sống qua ngày! Thế nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn ước ao được đi học!

Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2018

LỜI BẠT "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ" - Nguyễn Văn Quang


            

   LỜI BẠT 
   "ĐOÀN ĐỨC VÀ NHỮNG HOÀI NIỆM VỀ THẦY CÔ CŨ"

Năm mươi ba năm về trước, tôi quen biết Đoàn Đức khi cùng bước chân vào lớp Đệ Tam C (lớp 10), trường Trung học Nguyễn Hoàng - Quảng Trị. Tôi thuở nhỏ thất học nên khi vào Đệ Nhị Cấp người đã cao lớn như một thanh niên. Đức là dân thành thị, được học hành sớm nên so với tôi, anh nhỏ hơn, cỡ bằng tuổi em mình. Tuy nhiên, khi nhận biết Đức thông minh, học giỏi, có trí nhớ tuyệt vời và đam mê học tập, nhất là sự hòa đồng với bạn bè, tôi đã quyết định kết thân với Đức để trao đổi việc học tập, không có mặc cảm lớn-nhỏ, tỉnh-quê. Sau một thời gian, khi đã quen thân nhau, tôi thường lui tới nhà Đức học hoặc chuyện trò. Một hôm tôi đến nhà thì Đức đi vắng; cụ thân sinh của Đức niềm nở tiếp đón và chân tình nói với tôi: “Em Đức nó còn nhỏ, trẻ người non dạ, có gì ở lớp cháu góp ý giúp đỡ cho em với”. Tôi nghe mà thấy hổ thẹn với lời nhờ của cụ. Có lẽ ông cụ tưởng tôi lớn người nên khôn ngoan, tài giỏi hơn Đức, còn thằng con út Đoàn Đức của cụ thì còn ngây thơ, khờ khạo lắm, cần có người lớn tuổi kèm cặp thêm. Tôi lễ phép và chân thành thưa lại với cụ: “Thưa bác, cháu là học sinh từ quê lên, thuở nhỏ thất học nên bây giờ lớn xác rồi mà phải cùng học với các bạn nhỏ tuổi hơn. Cháu thấy bạn Đức giỏi lắm, trẻ người nhưng không non dạ đâu mà bác lo. Cháu còn phải học ở Đức nhiều thứ chứ đâu dám bày vẽ thêm cho Đức điều gì.”

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

THƯA CÔ GIÁO TỊNH THY! - Thơ Nguyễn Văn Quang


 
      Tác giả Nguyễn Văn Quang
       

   THƯA CÔ GIÁO TỊNH THY!

   Đọc thơ cô tôi cơ hồ muốn khóc
   Người Mẹ Việt Nam nào mà không trằn trọc
   Bao đêm dài thương xót cả đàn con.
   Cha Mẹ chia nhau mà tính cuộc vuông tròn
   Vì sinh kế đàn con nên phải người non, kẻ bể
   Nên tình yêu thương vẫn không vì thế
   Mà phôi pha hay ghét bỏ, hận thù.
   Có trách chăng thì hãy trách con ngu
   Vì ích kỷ, sân si, gây nồi da xáo thịt!
   Sinh lòng dạ sói lang, hăng say chém giết,
   Mà quên mình cùng một gốc sinh ra
   Giả quên mình cùng Mẹ cùng Cha
   Nên lấy người dưng làm họ hàng thân thích!
   Nghe cô kể tôi thấy lòng ray rứt
   Muốn làm sao cũng chẳng biết làm sao!
   Dù mai sau dâu bể thế nào
   Xin nhớ cội nhớ nguồn dân Lạc Việt.
   Xin nhắn nhủ người anh em thân thiết
   Dẫu đã về cùng với Mẹ Cha chưa
   Cũng từ nay sám hối là vừa
   Đừng nuôi mãi hận thù, chia rẽ
   Cho con cháu mình qua bao thế hệ
   Vẫn ôm tròn hạnh phúc đầy tay.
   Xin gởi Cô, tâm huyết mấy lời này
   Xin chia sẻ tâm tình cùng cô giáo Huế!


               Quảng Trị, tháng 4 năm 2018
                     Nguyễn Văn Quang