BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

CÒN GIEO HẠT MỘNG


                            

                                      CÒN GIEO HẠT MỘNG
                                             (Kính tặng nhà thơ Phạm Tường Đại)

                                           Sáo diều nâng bổng cánh thơ
                                     Lộng trong hồn gió tỏa mơ ước gì
                                           Mặc cho phiền muộn trôi đi
                                     Cái vòng danh lợi đâu ghì được ta
                                           Bảy mươi man mác bóng tà
                                     Vẫn gieo hạt mộng ươm hoa muộn mằn
                                           Đời người thoáng chốc phù vân
                                     Chạnh lòng nhớ áo nàng Bân xưa nào
                                           Dáng hồng lãng đãng chiêm bao
                                     Lâng lâng cánh bướm ta vào chiều xuân
                                                                                 LA THỤY

              

                         

                       
HỌA
                                        PHŨ PHÀNG

                                             Men đời  thấm đẫm men thơ,

                                      Ru người  nửa tỉnh nửa mơ nuối gì?

                                             Lá bay  gió thoảng cuốn đi,
 

                                      Trăm năm  mê dục ôm ghì thân ta.
 

                                             Bình minh thấp thoáng ánh tà,
 

                                      Phù dung  thắm biếc đơm hoa muộn mằn.
 

                                            Tìm đâu được bến sông vân?
  

                                      Hỏi người xưa cũ nàng Bân thế nào?


                                            Nổi chìm thân phận dường bao? 
            
                                      Trong  nhân gian bít lối vào bến xuân. 
           
                                                                           NHẬT THỦỶ




                                HẠT MỘNG
                                             Hạt Mộng nảy từ ý thơ
                                      Mang mang khát vọng thực mơ những gì
                                             Đời thương lắm nẻo đường đi
                                      Khổ chi cứ muốn người ghì thân ta
                                             Hờn ghen như nắng chiều tà
                                      Cứ lo tình nở cội hoa muộn mằn
                                            Mộng xòa hạt kết tường vân
                                     Duyên lành phu phụ núi Bân năm nào
                                            Dù rằng chẳng giấc chiêm bao
                                     Vẫn nghe Hạt Mộng ầm ào nẩy Xuân
                                                                           VÕ SĨ QUÝ



                                 CÒN GIEO HẠT MỘNG 
                                           Bảy mươi vẫn nhẹ cánh thơ
                                    Hồn còn lộng gió người mơ những gì
                                           Tháng ngày mây nhẹ bay đi
                                    Ai thương ai nhớ ai ghì hồn ta
                                           Chiều quê nắng nhạt trăng tà
                                    Tình quê mấy độ kết hoa muộn mằn
                                           Đời người một thoáng phù vân
                                    Xanh xao cái rét nàng Bân năm nào
                                          Giật mình cứ ngỡ chiêm bao
                                    Ngoài kia đọt nắng rơi vào ngõ xuân 

                                                                                   UGNO

                                    

Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

BÙI GIÁNG BÌNH THƠ "KẺ Ở'

"KẺ Ở " là môt bài thơ độc đáo được giới yêu thơ ở miền Nam trước 1975 chép tay và chuyền nhau đọc. Đặc biệt "KẺ Ở" được thi sĩ BÙI GIÁNG viết lời bình và nhạc sĩ CUNG TIẾN phổ nhạc. Do hoàn cảnh chiến tranh, thiếu tư liệu văn học để tham khảo nên thi sĩ BÙI GIÁNG và nhạc sĩ CUNG TIẾN cũng như rất nhiều người cho rằng tác giả bài thơ "KẺ Ở" là QUANG DŨNG. Thực ra, bài thơ đó chính là bài "DẶM VỀ" của nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH TIÊN. Dù có chút nhầm lẫn về tác giả bài thơ, nhưng thi sĩ BÙI GIÁNG đã rất tài hoa khi bình thơ - Một cách bình thơ đặc dị "rất Bùi Giáng". Xin mời đọc !


                            Thi sĩ Bùi Giáng
        BÙI GIÁNG BÌNH THƠ : "KẺ Ở"

Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng

      Chỉ hai câu đầu đã khiến người tê lạnh. Không có gì cả, không lời nào tha thiết, nhưng đúng như ông Huy Trân nói: “Thơ Quang Dũng ý đã nhiệt thành, cao đẹp, mà lời thơ lại êm ái gợi cảm vô cùng. Nói về thơ nhẹ nhàng, êm dịu, mà đọc tới đâu lâng lâng chết cả lòng đến đấy, thì thi ca hiện đại chỉ có Quang Dũng.”
     Thi ca hiện đại hay thi ca ngàn đời, thi ca Việt Nam hay thi ca thế giới – vâng – cũng chỉ riêng một Quang Dũng thôi.

Mai chị về em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

   Đó là chỗ sơn cùng thủy tận của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thần tiên hiển hiện tinh thể một cách không thấy hình hài máu me đâu cả. Người ta đã bao đời đi tìm cõi huyền nhiệm của ngôn ngữ thơ. Mỗi phen trở về, mỗi phen như bó tay lắc đầu, tuyệt nhiên không biết ăn nói ra sao cả. Đành chỉ nói quanh co. Và biết bao thy sỹ hoằng viễn đã nghĩ rằng, nguyệt rằng, mình sẽ suốt đời không làm một vần thơ nào cả - một phen để hội cái chỗ dị thường trống trải vắng vẻ trong lời man mác thiên tiên kia.
    Lại có những nhà tư tưởng như Heidegger, viết bao pho sách lịch kịch nêu bao câu chất vấn u ẩn, đáo cùng vẫn chỉ nhằm mục đích nhiếp dẫn tư tưởng tới chỗ mép bờ bất khả tư nghị của thi ca.
  Nerval sau những lần thành tựu cõi miền ngôn ngữ đó, ông bèn lao mình vào cõi ẩn mật vô ngần của một nguồn siêu thực không tiếng không lời Les Chimères.
  Apollineire, sau phút dị thường bước lên tột đỉnh đạm nhiên kia, lập thời nhảy lùi làm thơ theo thể thái bông lông tầm phào, bất sá lam hồng tố bạch.

Mai chị về em gửi gì không?

    Câu hỏi cũng lững lờ như lời đáp cũng lửng lơ. Hỏi mà cũng không hỏi, không nói, không ngó, không nhìn nhau …Và chỉ sau khi lên ngựa, chia bào, con người mới để lòng mình bay tỏa khắp đường đi.

Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

     Tâm sự của người đi, nhưng nhan đề là kẻ ở. Kẻ ở hay người đi cũng một tâm tình ly biệt. Đi giữa không gian, thì cũng như đứng ở trên dâu biển. Lòng sao lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh? Vì lòng mang chứa tất cả khoảng vắng lạnh không gian… Và tiếng “mong nhớ mong” kia cũng chỉ vọng vào được trong không gian xa hút mà thôi.
     Nghĩa là vọng trở lại vào lòng mình. Từ lòng mình toả vào lòng vũ trụ. Lại từ lòng vũ trụ dội lại lòng mình. Đó là cái vòng kỳ ảo của mong nhớ mong. Và mong nhớ mong mênh mông như thế, thì mong nhớ mong là cõi của từ bi tế độ vậy.

Quê chị về xa tít dặm xa

   Vì đó là một quê hương nào riêng biệt nằm tại một bến bờ bỉ ngạn nào vô tức vô thanh, vô biên vô tế.

Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối sương muôn ngả
Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua

    Ngựa lạc? Dẫu ngựa không lạc đường vẫn cứ là lạc nẻo. Nghĩa là: ở trong cõi hư không bao la như thế, thì đâu cũng là lênh đênh, nhưng lênh đênh theo nghĩa vô ngần: trụ vô sở trụ.
    Người ngồi trên ngựa cũng lạc ngựa luôn. Hươu trong rừng cùng một cảnh ngộ lạc loài như nhau, lại tam trùng lạc lõng nhau, vì bất ngờ sợ hãi nhau, quay đầu bỏ chạy. Lời thơ lại thêm một chút niêm hoa vi tiếu “theo ngó theo”.

Ngựa chị dừng bên thác trong veo

     Nếu thác đục lầy cho một chút, ắt có phần gần gũi bụi hồng hơn. Nhưng tại sao thác lại trong veo cắc cớ ra như thế? Thì trần gian còn biết đem tâm sự hồng trần ký thác vào đâu? Đó là chỗ đạm nhiên huyền bí lô hỏa thuần thanh vậy. Nó đốt cháy linh hồn bằng một tiếng trong veo. Nhưng đốt cháy mà đâu có bỏng da bỏng thịt. Nó cháy để thăng hoa cho linh hồn về ba la mật, sau một phút linh hồn tạm dừng trong một phen tư lự. Vì dù sao trận giũ áo cũng còn vướng víu với nhân nghĩa nhân tình.

Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu chạy quay đầu theo ngó theo

   Rồi sẽ xin khóc một cơn vô ngần cho trùng sinh trong vĩnh biệt:

        Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác sao vàng
Sao rơi đáy nước vương chưn ngựa
Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng

  Ta lại gián tiếp với một sự tình kỳ dị. Nói ra là buồn dưng đôi mi hàng lại hàng, nhưng có bao giờ mối sâu mênh mông và hầu như vô đối tượng lại tràn ra thành hàng lệ. Nhưng đây là hàng lệ riêng biệt của hư không đi về vui chơi êm đềm với không hư thái thiên nhiên tĩnh tịch. Người ta có thể khóc, nhưng không phải khóc vì một mối đoạn trường riêng tây trong một cảnh ngộ nhất định.

   Hoặc đâu có phải bạ đâu khóc đó như bọn thy sỹ trung niên. Người ta khóc từ chín kiếp khóc về; như trận mưa vốn từ thiên thu rớt hột. Vì thế nên gọi là hàng lại hàng. Vì thế nên có chuyện sao rơi đáy nước. Vì thế nên có chuyện sao vương chưn ngựa. Chưn ngựa ở đây cũng mang đủ trùng quan thời gian vũ trụ nên mới có thể chạm vào bóng sao rơi từ thời gian tinh thể rớt về. Người và ngựa và sao và nước bỗng nhiên như nhiên đã đi vào cõi chung vạn vật nhất thể. Thì từ đó trở lại với đoạn đầu, từ câu hỏi mông lung tới lời đáp nhẹ nhõm, niềm mong nhớ mong là một tặng vật không lời, không nhất định là riêng biệt của riêng ai trao gửi lại cho ai. Người chị và người em kia cũng không có tên tuổi nào được hạn định nơi đâu. Đó là hai đứa con của trời và đất đẻ ra trong một mùa xuân hôn phối. Thì mai chị về em gửi gì không, là gửi cho chị hay cho ai? làm sao ta dám quyết định? Chỉ biết rằng: chị hãy nhớ má em hồng. Nghĩa là: mùa xuân xanh còn tồn lưu mãi mãi trong mùa thu ly biệt. Đó là tặng vật của em trời trao chị đất – nhớ má em hồng là ký ức kỳ ảo Mnémesyne.

  Chẳng hiểu sao đọc thơ Quang Dũng, Nguyễn Du, Hồ Dzếnh, Huy Cận, tôi thường nghĩ tới người Chiêm Thành. Tội lỗi ông cha chúng ta đối với dân tộc ấy kể cũng được chuộc phần nào, cũng như ngày xưa Homère đã giải oan cho người Troyens bị đắm chìm bởi người Hy Lạp.
  Mấy bài thơ của Quang Dũng như giữ lại cho mọi người một niềm tương ứng mênh mông trong thời đại ngỗn ngang oan nghiệt, thế giới cùng xô ùa nhau vào hủy diệt, tàn phá, trong những trận tẩu hỏa nhập ma. Chiến tranh trong thời Quang Dũng dù sao cũng còn để lại cho người một dư địa để hoài niệm nhớ thương nhau. Nhưng dần dà, chút tình thương còn sót cũng mất đi giữa hỗn độn. Lúc bấy giờ e chỉ còn cửa quỷ đối thoại với nhà ma. Quang Dũng cũng linh cảm sự đó, nên bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” khép lại với mấy tiếng “bao giờ, bao giờ” ngậm ngùi khôn tả:

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn?
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc màu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta

  Khoảng trống lại trở về ngập khắp mép bờ ngôn ngữ. Như muốn đánh chìm hết mọi lời thân thiết đã thốt ra. Chúng ta không còn biết phải giải thích thơ Quang Dũng ra sao được nữa cả.

Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa

  Nhưng có lẽ ông không tin ở ngày ấy, ông không nghĩ rằng ngày nở hoa ấy sẽ về. Còn có bao giờ em nhớ ta? Nghĩa là không còn có bao giờ nữa cả? Chúng ta sẽ tiếp tục chết hết. Người ta sẽ tiếp tục giết nhau cho tới buổi chung cục thời gian. Cuộc chiến tranh ngày nay không còn chút gì giống như chiến tranh những thời đại trước. Có những cuộc chiến tranh huy hoàng như một trận mưa rào rực rỡ, làm hồi sinh con người trong tâm thức từ bi. Nhưng có những cuộc chiến tranh vốn từ trong tinh thể là làm tan rã tiêu diệt mất bản tính con người. Ngay cả con ngợm, con đười ươi cũng không còn sống sót một mống nào hết cả. Thì như thế? Còn có bao giờ em nhớ ta?
   Người ta nhầm lẫn một cách kỳ quặc cái ý nghĩa sơ thủy của chiến tranh. Cuộc chiến tranh bao dong của những ông Nguyễn Huệ, chiến tranh bác ái của những ông Napoléon, chiến tranh đó không còn tự nhận diện ra mình nữa trong cuộc chiến tranh tàn phá ngày nay. Tolstoi ngày xưa chẳng hiểu gì về Napoléon hết cả, cũng như chúng ta ngày nay chẳng hiều gì cả về cuộc chiến tranh của chúng ta. Thật là cắc cớ. Còn có một chân lý dị thường ẩn tàng trong Dịch Kinh của Khổng Tử đang khiến mọi người tư tưởng ngậm ngùi không còn biết phải thốt bất cứ một lời gi trong hiện trạng năm châu. Bài thơ Quang Dũng hiện ra tại chỗ chênh vênh bát ngát và thê thảm nhất trong sử lịch con người. Nó chỉ đạm nhiên và thống thiết khơi rộng những khoảng trống vắng ra để cho mọi vấn đề được nhận định và tự tìm lời giải đáp.

   Bàn luẩn quẩn mãi là vô lối. Chỉ nên thong dong đọc thơ như uống nước mía, như dõi theo cánh chuồn chuồn, như nằm ngủ gọi em Thúy Kiều em Thúy Vân em Đạm Tiên, em Hoạn Thư em Bạc Hạnh, em Sở Khanh, em Mã Giám Sinh, mọi mọi em em của em Tố Như Tử em Liệp Hộ em Thanh Hiên, em Hiền em Thánh, em Cành em Nhánh, em Trái Ớt, em Muối Tiêu, em Soài Riêng sa rụng, em Bương Cấn em Sài Sơn…

        Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắc thổi đêm trăng.

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắc thổi đêm trăng.

  Tuy nhiên riêng đối với học sinh đang tập đi thi để cuối năm cưới vợ thì chớ nên lẩn thẩn chiêm bao đọc thơ nhiều quá.

                                                                                  BÙI GIÁNG

                 .....................


GHI CHÚ:
Tiểu sử:
Tên thật: Nguyễn Đình Tiên
Sinh năm: 1924
Năm mất:  1995
Nơi sinh: Thanh Hoá       
Bút danh: Nguyễn Đình Tiên
Thể loại:  Thơ
Các tác phẩm:
DẶM VỀ
Giải thưởng văn chương
Giới thiệu một tác phẩm:

DẶM VỀ

Mai chị về, em gửi gì không
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió, lòng sao lạnh?
Bụi vượt ngang đầu mong nhớ mong.

Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Sương buông khắp lối đường muôn nẻo
Ngựa lạc cành hoang qua lướt qua.

Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây, lá rạt vương chân ngựa
Hươu chạy theo đàn, theo ngó theo.

Rừng đêm nhoà bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị vừa qua thác sao vàng
Sao trôi đáy nước, rơi chân ngự
Buồn dựng đôi mi, ngàn lại ngàn.

              NGUYỄN ĐÌNH TIÊN
                      (Thu 1945
 Nơi xuất bản: NXB Lao động - 2001)

Nguồn:
http://maxreading.com/sach-hay/cac-nha-tho-viet-nam-the-ky-20/nguyen-dinh-tien-7447.html  

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

HÀ THANH - TIẾNG HÁT CỦA DÒNG SÔNG XANH

           Nguồn :  Từ email của tác giả TRẦN KIÊM ĐOÀN gửi La Thụy                                                                                                                                   
           

         HÀ THANH - TIẾNG HÁT CỦA DÒNG SÔNG XANH 
        Gọi tên hoa súng: LỤC HÀ
        Gọi thôn LIỄU HẠ: quê nhà bên sông
        Gọi TRẦN KIÊM: họ sắc... không
        Gọi HÀ THANH: tiếng hát dòng Hương Giang


       Có hai gã Trần Kiêm lang bạt xa quê gặp nhau bên trời Tây cùng nói về một nhân vật. Thi sĩ Kiêm Thêm nói về "mụ O" và tôi nói về "bà Chị" nghệ sĩ của mình là ca sĩ Hà Thanh bằng một mẫu "sơ yếu lý lịch" hợp soạn hòa âm rất chơn chất và... nên thơ như thế đó.
Thuở nhỏ ở làng Liễu Hạ, tôi thường lên mặt hãnh diện khi cuối tuần ngồi quanh cái "Ra-dô" ở làng với bọn nhóc tì trong xóm nghe chương trình ca nhạc của ban Việt Thanh[1] ở đài phát thanh Huế, mà trong đó, Hà Thanh, bà chị họ của tôi, là ca sĩ... hát hay nhất. Nhóm bình luận gia âm nhạc chân đất làng tôi từ sáp nhỏ cho đến người lớn chẳng biết có mang hội chứng "trái ấu" [2] hay không nhưng ai cũng xuýt xoa khen giọng hát Hà Thanh thuở đó là "hay nhứt xứ."
       Làng Liễu Hạ và họ Trần nhà tôi -- có lẽ luôn cả Huế -- hầu hết là những rặng thông già kẻ sĩ không lớn kịp với mùa Xuân nghệ sĩ đang lên. Đó là hiện tượng nghịch lý rằng, ai cũng mến mộ giọng hát của Hà Thanh, nhưng lại ái ngại khi một cô nữ sinh xinh đẹp xứ Huế, ái nữ của một gia đình nho phong "êm đềm trướng rủ màn che" trở thành ca sĩ. Nhất là dòng họ Trần Kiêm chúng tôi có bác Trần Kiêm Phổ làm trưởng tộc thì lại càng quan tâm nhiều hơn. Bác "Trợ Phổ", thân phụ của chị Hà Thanh, với dung mạo uy nghi, thường cầm cân nẩy mực cho cả dòng họ, nay lại cho phép chị Hà đi hát công khai trên đài phát thanh, thì quả là một cuộc "đại cách mạng" trong quan niệm truyền thống còn mang nhiều định kiến của đất lề quê thói rất Huế đương thời.
      Ngày đó, khu nhà vườn cổ kính ở mé này nhánh sông Hương nối liền với sông An Cựu nắng đục mưa trong; ngó qua mé bên tê sông là trường Pellerin vẫn thường được giới nam nhi Huế ròng và Huế "bậu" -- bắt chước Lan Đình gọi là "Vườn Thúy Hạnh"[2*] -- vì một nhà mà có nhiều hơn cả "ngũ long công chúa", đều mang tên chữ có bộ thảo và rất chi là... tường Đông ong bướm đi về mặc ai: Tố Cần, Hà Thanh, Phương Thảo, Liên Như, Thúy Vy, Bạch Lan, Hoàng Mai.
Đời nghệ sĩ của Hà Thanh bắt đầu từ năm 1953, lần đầu đài Phát Thanh Huế mở một cuộc tuyển lựa ca sĩ với quy mô lớn. Anh Trần Kiêm Tịnh biết cô em gái mình có giọng hát hay quá nên đã dắt em đi thi. Điều kiện ghi danh dự thi là phải từ 15 tuổi trở lên. Ngày đó, Lục Hà, cô nữ sinh áo trắng nón bài thơ Huế mới 14 tuổi, nên phải "kiếm thêm một tuổi trời cho" nữa mới đủ tuổi dự thi và kết quả đứng đầu cuộc thi. Tuy ông cụ thân sinh chị Hà Thanh là người theo Tây học với tinh thần cởi mở phương Tây, nhưng "phương Tây Huế" thuở đó cũng vẫn còn trong mẫu mực nho phong. Nhạc sĩ Ngô Ganh là giám đốc đài phát thanh Huế đương thời, phải dùng uy tín của mình đến nhà năn nỉ, rằng: "Học hành thì đứa nào học chẳng được, nhưng còn cái tài của cháu Hà Thanh là một tài năng độc đáo, có giá trị trong cả nước Việt Nam. Nếu không cho đi hát thì tài năng sẽ bị mai một đi, uổng lắm." Ông cụ nghe lời minh giải hợp lý nên cho đi hát ở đài phát thanh mà thôi, không hát ở phòng trà hay sân khấu. Từ đó, tiếng hát Hà Thanh đã vọng ra xa hơn bên ngoài rào dậu Vườn Thúy Hạnh.
       Người ta vừa thưởng thức giọng hát thanh thoát, mượt mà (uyển thanh) như tiếng sông Hương đang lên của Hà Thanh; nhưng đồng thời cũng vừa quan sát nàng ca sĩ xứ Huế đó như một hiện tượng.
       Nói về giọng hát thiên phú của Hà Thanh đã có rất nhiều văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ... nhiệt thành khen tặng. Một vị thầy âm nhạc của tôi ở trường Hàm Nghi Huế là nhạc sĩ Văn Giảng (cũng ký tên là Thông Đạt, tác giả Ai Về Sông Tương...) đã cho rằng, Hà Thanh là một ca sĩ tiêu biểu của Huế. Chị có một giọng hát thanh tao, quý phái với mức thể hiện cường độ và trường độ âm thanh vừa vặn, diễn cảm tuyệt vời. Đặc biệt là những luyến láy mềm mại rất có hồn và gợi cảm trong tiếng ca. Luyến láy mà không làm điệu tới mức uốn lượn quanh co thành ra làm dáng trình diễn là nét độc đáo nhất trong tiếng ca Hà Thanh.
      Nhân dáng, điệu bộ trình diễn và phong cách sinh hoạt đời thường cũng như trong hội diễn vẫn bị xem là một "đại nghiệp dĩ" của người ca sĩ. Nếu như nói theo Đào Uyển Minh, nhà phê bình nghệ thuật Đài Loan khi nhận định về Quỳnh Dao, thì phong thái của một nghệ sĩ là "sự biểu hiện cụ thể của một chuỗi phản ứng tâm lý có điều kiện khi tài năng thiên phú đối mặt và tương tác với trình độ giáo dục, hoàn cảnh xã hội và xu hướng nghệ thuật của thời đại"[3] thì quan niệm nầy có vẻ sát hợp với Hà Thanh. Chị sinh ra và lớn lên ở Huế. Huế được người đời nhớ nhung và yêu thương không chỉ vì Huế đẹp, Huế thơ mà còn vì Huế là vùng đất của nhiều tai trời ách nước; chịu nhiều oan khiên và đổ vỡ tan tác từ thuở công chúa Huyền Trân đổi mình cho Huế, áo xiêm phiêu bạt về Chiêm quốc. Cho nên, hầu như tất cả nghệ sĩ xứ Huế đều không có sự biểu hiện táo bạo, vỡ bờ, chinh phục để cuốn hút khách thưởng ngoạn qua dáng vẻ bên ngoài. Đấy cũng là cảm nhận của Thu Bồn, một nhà thơ xứ Quảng: "... sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu."
     Nhà thơ Nhất Tuấn, tác giả "Chuyện Chúng Mình" vang tiếng một thời, nói về Hà Thanh như sau: "Tôi có dịp gặp Hà Thanh khi làm quản đốc đài Phát Thanh Quân Đội (1968) tại Sài Gòn. Hà Thanh lúc đó hát rất hay và xuất hiện thường xuyên trên các đài VOF, Mẹ Việt Nam, đài Sài Gòn, đài Quân Đội. Hà Thanh càng ngày càng nổi tiếng. So với những ngày còn ở Huế, sự giao thiệp của Hà Thanh có phần bạo dạn hơn đôi chút, nhưng vẫn còn dè dặt và giới hạn lắm. Thời này Hà Thanh hát nhiều bài của Nhất Tuấn do Phạm Duy, Đan Thọ, Hoàng Lan phổ nhạc. Đặc biệt là Hà Thanh hát rất nổi tiếng những nhạc phẩm của Nguyễn Văn Đông và nhạc tiền chiến của Đoàn Chuẩn, Từ Linh. Bài nào Hà Thanh hát lên cũng làm người nghe rung động vì khi hát nàng để hết tâm hồn vào lời thơ, ý nhạc của tác giả muốn gởi gắm trong bài. Hà Thanh như 'nhập' vào bài hát để diễn tả, để làm toát lên giọng Huế rất dễ thương."[4]
     Tác giả Chuyện Chúng Mình mô tả Hà Thanh: "Dáng người thanh tú, cao cao, nụ cười vui tươi luôn nở trên môi với nét mặt rạng rỡ. Tính nết Hà Thanh nhu mì, hiền dịu, khác biệt trong giới nghệ sĩ."[5]
Và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã "phong Huế" cho Hà Thanh, rằng: "Dáng nhỏ nhắn, thanh thoát, dịu hiền, khiêm tốn; tuy tươi mát, thân tình nhưng cũng rất e dè và chừng mực của Hà Thanh là nét tiêu biểu cho con người và phong thái của 'vùng đất khó'... Huế."[6]
Những góc nhìn và cách nhìn có thể khác nhau về một Hà Thanh ca sĩ, nhưng hình ảnh và nhận định về một Hà Thanh hiện thực vẫn là chung nhất. Đó là một Hà Thanh mà về hình tướng cũng như về phong cách sinh hoạt và trình diễn văn nghệ rất tiêu biểu cho "tính Huế" đã ăn sâu trong từng nỗi niềm nhớ Huế: Sâu lắng, nồng nàn, trang trọng, tài hoa.
     Chị Hà Thanh sang Mỹ năm 1984. Có những cây cầu đã gãy trong chiến tranh và những mối tình gãy đổ sau cuộc chiến. Trong cảnh "trải qua một cuộc bể dâu", Hà Thanh tìm về với thiền học, thiền định và thiền ca. Những bản nhạc Thiền do Hà Thanh hát hoặc vừa phổ nhạc thơ thiền, vừa ca mang âm hưởng thâm trầm, gợi cảm mà gần gũi của nước "sông An Cựu Nắng đục mưa trong" và sự lắng đọng thấm vào lòng người của hồi chuông Thiên Mụ. Những khi buồn nhất và lắng lòng chiêm nghiệm từng vọng âm suy tưởng từ tâm mình, tôi lại thích nghe thiền ca do Hà Thanh hát. Giọng hát đậm đà còn mang cái gốc thanh âm giọng Huế của chị làm cho người nghe có cảm tưởng như đang nghe những lời tự tình của Huế. Nghe Hà Thanh hát thiền ca, người ta bỗng quên đi sự hiện hữu của thời gian đã làm cho đời phôi pha và quên luôn khoảng cách thời gian làm nên tuổi tác của chị. Một cảm giác thanh tân, tươi mát và lắng đọng đầy ắp lòng người chợt đến, chợt đi hay thấm đượm vào trong cảm xúc.
      Khán giả ái mộ Hà Thanh liên tưởng đến nguồn Thiền đang tưới tẩm bản chất nghệ sĩ của chị khi chị xuất hiện gần đây trong các cuộc trình diễn và thu băng gây quỹ từ thiện, cũng như trong các chương trình nhạc hội Asia, Paris by Night với dáng vẻ trẻ trung, tươi mát như cả mấy mươi năm về trước. Trong thế giới ca sĩ trẻ đang lên, Hà Thanh không bị chiếc cầu thế hệ ngăn cách; trái lại, chị đã làm cho khán giả ái mộ cảm động và thưởng thức giọng hát vẫn trong ngần, quý phái của chị trên nẻo về gần "thất thập cổ lai hy."
Hà Thanh có một chỗ đứng riêng trong lịch sử tân nhạc Việt Nam và một vị trí độc sáng trong lòng người yêu nhạc xứ Huế.
Nửa thế kỷ, những dòng sông xanh vẫn luân lưu chảy. Tiếng hát vượt thời gian của Hà Thanh vẫn còn xanh mát như tên chị, như những dòng sông xanh mà muôn đời con nước vẫn đang về, đang tới. Và, nói thêm bằng những nét chấm phá thi vị như một nhà thơ nào đó, "...có một chút gì rất Huế, rất thương... Có một chút gì rất Huế trang đài..." trong tiếng hát Hà Thanh. 

                                                                                                                TRẦN KIÊM ĐOÀN
                                                                                                             Natomas, tháng giêng 2007                                                                                                                                            
[1] Ban Việt Thanh do nhạc sĩ Văn Giảng -- cũng là Thông Đạt tác giả Ai Về Sông Tương -- thành lập và điều khiển; chuyên trình diễn tân nhạc tại đài phát thanh Huế.
[2]" Khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo". Tục ngữ dân gian [2*] Lan Đình. Uyển Thanh. Văn Mới; 3 -1958:
"Soi bóng bên tê Vườn Thúy Hạnh
Tương tư rêu phủ mái Bình Linh"
[3] Quỳnh Dao Vấn Lục. Đào Uyển Minh. Trung Văn; Taiwan, 2001
[4] Nhattuan-TCM [5] Tdd - Footnote # 4
[6] Tôn Nữ Hỷ Khương. VN, 2006 

=============================================
             

VIDEOS YOUTUBE VỚI TIẾNG HÁT HÀ THANH


NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN
http://www.youtube.com/watch?v=5yCw1JDqMy4&feature=related
SÀI GÒN TRONG TRÁI TIM TÔI
http://www.youtube.com/watch?v=1KwvV9EHhvk&feature=player_embedded#!
HẢI NGOẠI THƯƠNG CA
http://www.youtube.com/watch?v=bkIPtIdDKDc&feature=related
CHÀO ĐẤT NƯỚC TỰ DO VÀ HY VỌNG
http://www.youtube.com/watch?v=FyY2s7uFkds&feature=player_embedded

Hoặc click vào đường link sau để thưởng thức tất cả VIDEOS YOUTUBE của Hà Thanh :
http://www.youtube.com/results?search_query=ha+thanh


Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

VUSI MAKUSI NGƯỜI CHỜ XE BUÝT

Truyện dịch của anh Nguyễn Khắc Phước  được chính tác giả là nữ văn sĩ người Anh Ursula Wills-Jones đăng trên trang web của chị.
Nguồn : http://ursulawrites.blogspot.com/p/vusi-makusi-vietnamese.html?spref=tw


Vusi Makusi, người chờ xe buýt




Truyện ngắn của Ursula Wills-Jones
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ

Vusi Malusi mắc bệnh lạc quan hết đường chạy chữa. Hắn lạc quan cho dù hắn đang ở một nơi nghèo nhất thế giới, dù hắn chỉ có một bộ đồ mặc trên người, mà chiếc quần thì cũn cỡn chưa tới mắt cá chân.
Sau khi học xong, Vusi Makusi quyết định xin vào làm ngành dịch vụ dân sự. Người phụ trách nhìn Vusi và ngay lập tức biết hắn ta chẳng làm nên trò trống gì.
Hắn khoe : “Mình vừa kiếm được một chức vụ dành cho những thanh niên nhiều tham vọng.”
Vusi ngồi đã khá lâu trên xe buýt. Chiếc xe ì à ì ạch cọc cạch chạy mỗi lúc một sâu vào trong rừng. Cuối cùng nó dừng lại ở một vùng đầm lầy trong thung lủng, bao quanh toàn là rừng.
“Cái thôn đó ở đâu?” Vusi hỏi.
Tài xế chỉ tay về phía những ngọn đồi.
“Khi nào xe trở lại?”
“Thứ Bảy,” tài xế gắt gỏng nói.
Anh ta bực mình vì Vusi đã huyên thuyên với hành khách trên xe suốt hai mươi tiếng về công việc của hắn ta.
Vusi vượt qua nhiều ngọn đồi mới đến được thôn. Hắn gỏ cửa nhà thôn trưởng và ngồi đợi. Dân thôn đến vây quanh tò mò nhìn hắn. Khi thôn trưởng đến, hắn đứng dậy chào.
“Thưa ông, tôi là cán bộ được nhà nước phân công tới công tác ở vùng này. Tôi mang đến hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết và giáo dục cho nhân dân. Tôi đến để chứng tỏ sự quan tâm và chiếu cố của chính phủ vĩ đại và giàu lòng nhân ái của chúng ta. Bất cứ người dân cần gì, chẳng hạn như điện, đường, trường, trạm, máy, nước, phân, giống, chính phủ đều sẵn sàng cung cấp. Tôi chỉ việc kê danh sách và tất cả sẽ được mang đến.”
Trưởng thôn trố mắt nhìn hắn rồi bắt đầu cười ha hả một hồi dài. Mọi người xung quanh vổ vai nhau cười thích thú.
Một lúc sau, trưởng thôn lên tiếng: “Này cậu kia! Lâu lắm rồi chúng tôi mới được một nghệ sĩ hài đến viếng.”
“Thưa ông, tôi nói nghiêm túc đấy,”Vusi nói.
Trưởng thôn lại tiếp tục cười nữa.
“Thôi đi, thưa cán bộ. Chú không thấy bà mẹ 83 tuổi của tôi đang đau vì chú chọc cười đó sao? Đừng làm bà cười đến gảy sườn đấy nhé!”
Tối đó hắn được mời ăn uống tử tế. Chỉ đến sáng hôm sau, khi hắn cầm kẹp giấy đi quanh thôn, người ta mới bắt đầu lo.
“Nó là thằng điên và người ta đã tống nó ra khỏi thành phố,” mục sư nói.
“Nó là gián điệp. Nó ghi chép mọi thứ nó có thể lấy cắp,” vợ trưởng thôn nói.
“Tôi nghĩ nó đã bị té giếng hay sao đó nên nó mới kỳ cục vậy,” lão thợ rèn nói.
Sau hai tám ngày, Vusi đến gặp trưởng thôn. Hắn giải thích mình đã làm việc bốn tuần liên tiếp và được tám ngày nghỉ phép, nhân tiện, về thăm mẹ già. Hắn hỏi mượn cái dù của ông thôn trưởng, hứa sẽ mua cho ông một cái dù mới khi đến thành phố nơi hắn được lĩnh lương tháng đầu tiên từ kho bạc nhà nước với thẻ lĩnh lương còn mới cứng.
Ông trưởng thôn lắc đầu nhưng lại đồng ý cho hắn mượn dù. Hắn hỏi bà vợ ông trưởng thôn để mượn một cái mền. Sau đó hắn đi đến nhà lão thợ rèn để mượn một con dao vì đường đi đến trạm xe buýt thì xa mà cỏ đã mọc che hết rồi. Thế rồi hắn đi bộ ra khỏi làng, vai mang chiếc ba lô đã sờn rách.
“Chắc sẽ có người bảo với nó rằng không có xe buýt,” trưởng thôn nói.
Họ đợi mãi đợi hoài. Rốt cục lão thợ rèn xuống thung lủng và thấy hắn đang đợi bên con đường bùn lầy.
“Nó nói xe buýt chắc chắn sẽ đến,” lão thợ rèn giải thích. “Và nó không muốn lỡ chuyến.”
Hai ngày sau, trưởng thôn thân chinh xuống thuyết phục hắn. Trưởng thôn quay về và lắc đầu.
Mục sư xuống và cố gắng nhưng cũng thất bại.
“Cái đầu thằng này chẳng còn biết phải trái là gì,” vợ trưởng thôn nói. “ Thử xem trái tim và con mắt nó ra sao. Ta nhờ cô gái đẹp nhất làng con ông thợ gốm đi xem sao.”
Con gái ông thợ gốm trở về, nhún vai thất vọng.
“Thử nhờ con gái ông mục sư,” lão thợ rèn đề nghị. “Cô này không đẹp nhất nhưng thông minh, sắc sảo, có tài ăn nói.”
Người ta thử sức tất cả các cô gái trong thôn cho tới khi chỉ còn một cô duy nhất.
“Cũng được, để cháu nó thử còn hơn là không.” Trưởng thôn vừa ngáp vừa nói. Rồi ông đi vào lều để ngủ trưa.
Cô gái bực tức ra đi. Cô quá giận vì bị xem là trì độn và cục mịch nhất trong thôn đến nỗi khi gặp Vusi, cô ta liền ném hột xoài cô vừa ăn vào người hắn.
“Đồ ngu! Đồ điên!” cô gái hét . “Muốn làm gì thì làm đi, tui cóc đếm xỉa đến ông. Chẳng ai thèm đoái hoài đến ông dù ông cứ ngồi đó cho đến khi hóa đá!” Cô gái giận đến nỗi cô òa khóc tức tưởi.
Vusi trố mắt nhìn cô gái. Hắn ta quỳ xuống.
“Này cô gái yêu quý ơi, ” hắn nói. “ Em hãy tha lỗi cho tôi. Sự bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ thế này là do từ lâu em đã ấp ủ tình cảm dành cho tôi. Nếu tôi đã không để ý đến tình cảm của em chẳng qua vì em đã không bộc lộ đấy thôi. Nếu đã biết em yêu tôi thì làm sao tôi lại có thể vô tình như vậy được. May quá là may! Khi xe buýt đến, tôi sẽ về thăm mẹ và báo cho mẹ biết tôi đã gặp người vợ tương lai của mình rồi. Cám ơn chúa, chờ đợi mãi, nay chúa mới ban chút phước lành cho con.”
Được nghe những lời tỏ tình thế này, cô gái sung sướng biết mấy so với bị xem là trì độn và cục mịch. Cô gái đồng ý cùng với Vusi chờ đợi.
Hắn kể cho cô gái nghe không biết bao nhiêu là thứ, nào là máy cày, trạm xá, trường học, máy bơm nước, bò béo và gà mập, nào là rau củ tốt tươi, người người vui vẻ, mái tôn, truyền hình, nhà xí sạch sẻ, nào là bưu điện, điện thoại, đường tráng nhựa, máy bay, nhà chọc trời, nào là xe buýt chạy đúng lịch và đúng giờ đến mọi miền quê.

Buổi sáng trời bắt đầu mưa. Vusi căng dù của ông trưởng thôn. Trời cứ mưa mãi. Một con khỉ đỏ xuất hiện và ngồi phía bên kia đường. Trông nó buồn rầu và ướt như chuột lội.
“Trông kìa, con khỉ đang chờ để lên xe buýt!” Vusi nói.
“Nhưng nó không có túi xách hay ba lô gì hết,” cô gái nói.
“Em nói đúng,” Vusi đồng ý. “Vậy thì nó đang chờ đón bà con đến bằng xe buýt.”
Một lát sau, con khỉ bắt đầu run.
“Vusi này,” cô gái nói. “Hoặc là để con khỉ vào dù núp mưa hoặc là đuổi nó đi. Em không thể chịu đựng phải nhìn bộ mặt rầu rĩ của nó nữa.”
“Tại sao không, cứ để cho nó vào núp mưa đi,” Vusi nói. “Dù sao con khỉ kia cũng là một công dân của đất nước huy hoàng và vĩ đại của chúng ta.”
Thế là con khỉ, Vusi và cô gái cùng ngồi dưới dù. Trời vẫn mưa liên miên. Một cái ao lớn đã hình thành ở chỗ trủng.
“Đúng vậy,” cô gái chợt hiểu ý nghĩ của Vusi. “Người dân trong đất nước vĩ đại của chúng ta sẽ không chịu phải đợi xe buýt dưới mưa. Anh là một viên chức nhà nước, vậy trong khi chờ đợi, anh nên chặt cành làm lán để phục vụ mọi người.”
“Em không chỉ là một cô gái đẹp,” Vusi gật đầu. “Chỉ có điều nếu xe buýt đến khi anh đang chặt cành, em phải kêu thật to để gọi anh vì anh không muốn làm mẹ già thất vọng.”
Thế là Vusi cầm dao, chặt cành và làm một cái lán.
Vusi và cô gái ngồi đợi dưới lán. Con khỉ ngồi trên mái. Một ngày, một ngày rồi một ngày nữa trôi qua. Trời ngớt mưa. Trưởng thôn đến, lắc đầu rồi đi về. Nước suối đổ vào làm cái ao rộng ra. Vusi bắt được cá để dùng bữa. Không một thứ gì đi lại trên đường, tuyệt nhiên không.

Vusi và cô gái đợi trong lán. Họ đợi lâu quá nên cô gái có con.
“Mẹ anh sẽ sung sướng biết mấy khi bà trông thấy cháu nội!” Vusi vui mừng reo lên.
“Chắc vậy, ông xã ạ!” cô gái nói. Người ta sẽ đến đây đợi xe buýt cùng với trẻ con. Em nghĩ phải có chỗ yên tĩnh cho chúng nằm hoặc ngủ.”
Vusi lấy dao chặt cây và dựng thêm một phòng nữa. Ngoài cửa, hột xoài đã lên cây non, trổ lá. Một con khỉ thứ hai vào ở chung với con thứ nhất. Cặp khỉ cũng có con. Trời vẫn mưa đi mưa lại. Nước suốt dâng lên rồi rút xuống.
“Anh Vusi này,” chị vợ nói. “Có ngày nơi đây sẽ trở thành một bến xe buýt nhộn nhịp. Sẽ có nhiều hành khách, và ai kinh doanh ăn uống sẽ thu bộn tiền đấy. Em nghĩ em nên chuẩn bị trồng bắp để nấu cháo và làm bia. Rồi anh không chỉ là nhân viên nhà nước, và em sẽ là nữ doanh nhân.”
Thế là chị ta cuốc đất bên bờ suối và biến thành một khu vườn. Rồi chị vào lều và sinh một cháu bé nữa.
“Chắc là anh đã nghe nhầm lời ông ấy,” một hôm Vusi nói. “Chắc chắn xe buýt không đến vào thứ Bảy mà phải là tháng Giêng. Chỉ ba năm nay thôi chưa có chiếc nào. Rồi sẽ có ba chiếc đến cùng lúc. Cái hay của xe buýt là thế.”
“Anh Vusi này!” chị vợ nói. “Nếu có ba xe buýt chở đầy người đến đây, em không đủ thức ăn mà bán cho họ. Hơn nữa, một nhà hàng lớn phải có nhiều món. Anh hãy vào rừng bắt đôi gà mình thấy hôm trước về để em nuôi. Làm vậy chúng ta sẽ có đủ thức ăn cho nhiều người.”
“Ý em hay quá,” Vusi nói. “Chỉ có điều khi xe buýt tới mà anh đang ở trong rừng, thì em phải bảo họ đợi.”
Chị vợ chờ ở ven đường. Không ai đi qua. Dân làng cũng không thấy bóng. Sau năm ngày, Vusi trở về, tay cặp hai con gà ri đang vùng vẩy vì hoảng sợ.
“Anh không bỏ lỡ chuyến xe buýt nào chứ?” Vusi lo lắng hỏi. Chị vợ trấn an.
“Thời tiết mấy năm nay thay đổi kỳ cục quá,” Vusi nói. “Anh sợ xe buýt năm nay cũng không đến. Tuy vậy, cũng khó mà đoán chắc chúng có đến hay không, nên bỏ chỗ này mà đi thì xấu hỗ quá. Nhất là mình đã chuẩn bị mọi thứ, kể cả nhà hàng và khách sạn.”
Năm ấy trôi qua.
“Vusi này!” chị vợ nói. “Anh phải làm chuồng nhốt gà. Để chúng bị xe buýt cán là không được đấy nhé.”
Một năm nữa trôi qua.
“Vusi này!” chị vợ nói. “Mùa khô cá đi hết. Nếu xe buýt đến thì làm sao đây? Lấy gì mà bán cho khách. Anh phải xây một cái đập để chắn con suối lại.”
Một năm nữa trôi qua. Chị vợ có thêm một cháu bé nữa.
“Dịch vụ xe buýt kiểu này thì không thể chấp nhận được. Khi xe buýt đến, anh sẽ viết thư gởi cho bộ trưởng giao thông. Chỉ một điều hay là tiền lương anh trong ngân khố mỗi ngày một tăng.”
Một năm nữa trôi qua. Xe buýt không đến. Cây xoài bắt đầu cho trái ngon ngọt. Họ đã chờ đợi quá lâu. Vusi bắt đầu lo lằng về việc kiếm vợ cho thằng con trai lớn.
Thế rồi một hôm có âm thanh lạ trong rừng. Hình như nó cứ dội quanh.
“Xe buýt! Xe buýt!,” mấy đứa con của Vusi kêu ré lên vì chúng thường nghe bố nó nói về con quái vật lạ lùng này.
Trên đỉnh đồi xuất hiện chiếc trực thăng màu trắng có mấy chữ U.N bên sườn. Nó đáp xuống lối mòn và bốn người lính đội mủ bê-rê màu xanh bước ra, nhìn dáo dác. Rồi hai nhà khoa học mặc bờ-lu trắng bước ra, tay cầm kẹp giấy, miệng mang mặt nạ vệ sinh. Tiếp đến là một chính trị gia mặc com-lê, tay cầm khăn che mũi và một ông tướng, tay cầm mũ sắt.
Họ chằm chằm nhìn Vusi xong đến vợ hắn ta rồi mấy đứa con.
“Vậy là hiểu rồi,” Vusi nói. “Họ đang nâng cấp dịch vụ từ xe buýt lên trực thăng. Mất thời gian lâu là vì thế”
“Các người đang làm gì ở đây?” nhà chính trị hỏi.
“Chúng tôi đang chờ xe buýt”, Vusi điềm tĩnh trả lời.
“Nhưng bằng cách nào mà các người đã sống sót sau cuộc nội chiến?” vị tướng hỏi.
“Nội chiến nào?” Vusi ngạc nhiên hỏi.
“Vâng, cuộc nội chiến đã quét sạch nửa dân số đấy,” chính trị gia trả lời.
“Thật sự chúng tôi chưa bao giờ thấy một người lính nào,” Vusi lắc đầu nói.
“Nhưng cho dù các người đã thoát được cuộc nội chiến, làm sao lại thoát được nạn đói đã cướp đi một nửa sinh mạng những người sống sót sau cuộc chiến?” vị đại tướng hỏi.
“Nạn đói hả?” vợ Vusi nói. Chị nhìn quanh những cây xoài, đám kê, chuồng gà với những con gà mập ú.
“Thôi được, cho dù các người sống sót sau cuộc nội chiến, sau nạn đói, làm thế nào các người chống lại được vi-rút?” một nhà khoa học hỏi.
“Vi-rút ?” Vusi nói. “Vi-rút gì?”
“Một loại vi-rút chết người đã quét sạch tất cả những người đã sống sót sau cuộc nội chiến và nạn đói,” nhà khoa học thứ hai nói. “Một căn bệnh quái ác không thể chửa được đã không chừa bất cứ con người hoặc loài linh trưởng nào ngoại trừ các loài vượn cáo tóc đỏ cực kỳ hiếm và gần như bị tuyệt chủng.
Một con khỉ leo lên vai Vusi và bắt đầu cắn tai hắn một cách thân mật. Vusi đuổi nó đi.
“ Các ông nói lạ thiệt” Vusi nói. “Chúng tôi không nhớ có ai trong gia đình đã bị bệnh lần nào.”
“Vusi này,” người vợ huých vào tay chồng, nói. “Mời quý bác ở lại ăn tối nhé. Quý bác là khách hàng đầu tiên của chúng ta đấy.”
“Chắc chắn rồi!” Vusi gật đầu. “Cá hay gà?”
Nhưng những chính trị gia, nhà khoa học, tướng lĩnh và binh sĩ nghe vậy đều khiếp hãi, rút lui về trực thăng.
“Chúng tôi phải đi,” vị tướng nói.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ đưa các người ra khỏi đây,” nhà chính trị quả quyết nói. Các người sẽ được cung cấp mọi thứ , sẽ được giúp đỡ và cứu trợ về áo quần, nhà cửa, điện, nhà xí đàng hoàng, nói chung là tất cả mọi thứ. Báo chí sẽ đến phỏng vấn và các người sẽ nổi tiếng.”
“Thế thì cám ơn các bác,” Vusi lễ phép nói. “Nhưng chúng tôi không thể rời bỏ chỗ này. Chúng tôi đang đợi xe buýt. Tuy nhiên, bác có thể giúp tôi một việc. Bác có giấy bút không?’
Vusi ngồi viết vài dòng để phàn nàn về sự không đáng tin cậy của xe buýt ngoại ô và trao tận tay chính trị gia để chuyển cho ông bộ trưởng giao thông.
Sau khi trực thăng bay rồi, Vusi hình như hơi thất vọng.
“Chiến tranh, nạn đói, bệnh tật lại xảy ra trên đất nước xinh đẹp của chúng ta hay sao?” hắn nói.
“Có lẻ họ nói láo,” người vợ gợi ý. Chúng ta hãy lên đỉnh đồi và xem chuyện gì đang thật sự xảy ra.”
Vusi và vợ trèo lên con đường cũ mấy năm không ai đi lại. Đường bị đá lấp, nứt nẻ và hỏng nhiều. Có đoạn bị dòng suối cắt đôi. Cuối cùng họ lên đến đỉnh đồi. Trải dài đến hút tầm mắt của họ là một vùng hoang tàn, cây cối ngã đổ, xe tăng cháy rụi, làng mạc tan hoang, đồng không mông quạnh.
Vusi và vợ trở về, tay trong tay. Vusi im lặng, không nói một câu. Chị vợ đi thổi cơm chiều.
Vusi ngồi và vợ con bao quanh. Hắn có vẻ tư lự. Cuối cùng, hắn nói:
“Này bà xã ơi!” Vusi nói. “Anh biết lâu nay thỉnh thoảng có người cho anh là thằng ngu nhưng anh lại chỉ nghĩ rằng mọi thứ anh làm hóa ra đều là những việc tốt đẹp.”
Vusi tự gắp cho mình một miếng gà to và ăn ngon lành.

Ursula WJ
Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ
Nguyên tác bằng tiếng Anh đăng trên trang East of the Web .

Vài dòng về tác giả:
Ursula Wills-Jones là nhà văn nữ hiện đang sống tại Bristol, nước Anh. Tác phẩm của chị thuộc các thể loại truyện ngắn (được đăng trên trang mạng East of the Web và The Guardian), kịch bản cho nhà hát The Old Vic và truyện dài . Ursula thường xuyên có mặt trên Twitter, và có một trang blog riêng: http://ursulawrites.blogspot.com/ Truyện ngắn của chị thuộc loại fiction, từ nhân vật đến bối cảnh hoặc thời gian đều hoàn toàn tưởng tượng. Trong truyện ngắn trên, tên của nhân vật chính do chị tự đặt, không giống tên bất cứ người thật nào và không có ý nghĩa gì. Chính chủ đề tư tưởng mới là cái cốt lỏi của câu chuyện.