HỘI
GÀ TRỐNG NUÔI NHAU
Cãi nhau và li thân. Hay thay chữ li thân, vợ chồng chẳng
phải, người dưng cũng không, ai cũng có quyền với ai và cũng chả làm gì được
ai. Chán cái cảnh vào ra thấy nhau như thấy cột điện, lão Long đòi chia miếng đất
ngoại ô, lên lên xuống xuống ngắm chán rồi cũng đành mua cái nhà gỗ, quyết tâm
đi “trấn thủ lưu đồn” xa vùng chiến tranh. Vốn máu mê hội họa, gã bỏ công đì-
dai một cái nhà hoàn toàn không giống ai. Tất cả đều ngẫu hứng. Cổng không cao,
to, bề thế mà lãng mạn cọc tre, tường không xây, chỉ cắm gỗ khoảng cách vô chừng.
Bên trong trồng rong riềng, khoai mỡ, khoai lang…Nhà càng lạ, rất ít tường, chỗ
cần che thì lắp kính màu trà kéo rèm, không thì cứ thông thống, ai thích nhìn
thì nhìn.
Thời gian chả bận bịu vợ con nên gã nhẩn nha làm nhà.
Sai đâu sửa đấy, theo đúng tiêu chí “Quan
có cần nhưng dân chưa vội”. Xóm này buồn cười là hầu như không có lớp trung
lưu. Người nghèo không chen nổi vào thành phố lên đây từ mười mấy năm trước,
mua đất rẻ như cho, chờ sổ đỏ theo kiểu năm ăn năm thua. Đại gia nhà cửa cao tầng
đã chán giờ muốn có chỗ treo giò lan, lồng chim… lẻ tẻ lên, sau khi có con đường
bê tông rất điệu khéo léo lượn qua xóm. Nhà gã mua từ dạo chưa có chủ quyền nên
rộng đến non sào, gần sông, giữa vùng cây ăn trái, rất hợp với người dỗi hết cả
làng.