Nhà
văn Dương Thu Hương là nhà văn nổi tiếng nhất trong dòng văn học hiện thực tại
Việt Nam những năm 80. Hầu như sách của bà in ra đều bán hết rất nhanh. Mặc dù
những năm đó, chuyện mua sách là xa sỉ đối với đồng lương eo hẹp và cuộc sống
thiếu đói của tầng lớp công nhân lao động. Bài viết của nhà văn Đỗ Trường và lời
nhận xét của Giáo sư Huệ Chi dưới đây về những cuốn sách hiện thực chiến tranh
đã đẩy bà vào chốn lao tù CS, đã cho ta thấy một Dương Thu Hương đáng kính nể
thế nào.
Lời
dẫn của GS Huệ Chi
Tôi có may mắn được con mắt xanh của nhà nghiên cứu
Hoàng Ngọc Hiến để ý, mời làm giảng viên chính Trường viết văn Nguyễn Du ngay từ
khóa I, khóa của những người viết văn xuất thân quân ngũ vừa rời chiến trường
trở về được dăm năm, những người năng khiếu văn chương nẩy nở cùng với quá
trình đem sinh mạng mình cọ xát với cái chết, nhìn ngắm và chiểm nghiệm nó ở cự
ly gần, nên gần như cả một thế hệ – chỉ dám thu hẹp trong phạm vi một khóa học
– đều trở thành những cây bút có bản lĩnh và bản sắc. Trong số đó, Dương Thu
Hương là một người nổi bật và trường sức. Trớ trêu cho tôi, khi giảng bài có chị
ngồi ở dưới, tôi chưa kịp nhận ra điều này. Vào năm 1983, khi Viện Văn học tổ
chức một hội thảo khoa học được coi là quan trọng “35 năm văn học cách mạng miền
Nam” (tính từ 1959), tôi được phân công làm người ghi âm những bài phát biểu miệng,
trao đổi ý kiến trực tiếp trên diễn đàn. Tôi đã ghi không sót bất kỳ ai, kể cả
những người nói những lời nhàm chán nhất. Thế nhưng khi đến lượt Dương Thu
Hương giơ tay, không hiểu sao tôi lại tắt công tắc. Một tâm lý coi thường học
trò nằm trong vô thức chăng? Có lẽ. Thì có ngờ đâu đấy lại là diễn ngôn ứng tác
xuất sắc nhất trong cả cuộc hội thảo. Nó cũng bộc lộ một cá tính mạnh, dám phơi
trần sự thật, của cây bút Dương Thu Hương sau này. Tôi nhớ đinh ninh, đó là lần
đầu, trên một diễn đàn chính thống và công khai, có những điều cấm kỵ được nêu
lên thẳng băng không chút dè dặt; như việc chị nói: “đưa một nhà thơ lên giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách
kinh tế thì tránh sao khỏi đất nước đói rã họng”... Sau cuộc họp tôi cứ tiếc
ngẩn tiếc ngơ như người đánh mất một vật quý; tiếc vì bỏ qua đi một cơ hội để
có được một bài nói xuất thần của người học trò mà đến lúc ấy mình vẫn chưa
nhìn thấy hết tài năng. Nhân bài viết của Đỗ Trường đăng lại dưới đây, gọi là
có mấy lời tạ lỗi với nhà văn.