Thời
gian qua mau. Ôi “sương gió phôi pha bóng nguyệt tà...” như câu thơ xưa Hàn Tín.
Bức tường thành rêu phong phủ kín, di tích Quảng Trị nay chỉ còn đọng lại trong
ký ức con người... Đêm trường tỉnh giấc ta nghe “tiếng xưa” như vọng lại từ đáy
lòng... Quê hương xưa biết bao giờ gặp lại? Nay chỉ còn trong tâm thức, bao âm
vang từ quá khứ vọng về một thuở hồn quê.
Ngược thời gian trở về quá khứ thật xa. Một thời đối với những ai là Người Quảng trị đó là cả một chặng đời xuân sắc biết bao kỷ niệm êm đềm, đẹp như gấm hoa. Nay hình ảnh đó đã là những gì mờ nhạt như khói sương rồi hình ảnh cái thành thỉnh thoảng trở về trong tôi với những gì còn sót lại trong ký ức một ngưòi xa xứ.
Cổng
thành Đinh Công Tráng (1969)
(Cửa Hữu Thành Cổ Quảng Trị)
NGÀY
XƯA QUẢNG TRỊ
Tôi còn nhớ có những sáng mù sương Thành Cổ trông chẳng
khác một bức tranh xưa trong Hùng Sử Việt hay truyện cổ tích. Cửa Hậu trong làn
sương sớm qua trí tưởng tưởng của tuổi thơ - tôi mường tượng trong cổng thành
uy nghiêm kia có những vị thiên tướng cùng muôn ngàn tinh binh gươm giáo đầy trời.
Giữa thinh không vắng lặng của buổi sáng sương mù, mặt
hồ quanh thành bồng bềnh một màu trắng đục của màn sương trông y những đám mây
làm trí tưởng tưởng của tôi xa thêm: Cổng
thành trông chẳng khác gì cái cổng "THIÊN ĐÌNH" trong truyện tranh
tôi đọc. Đến khi vầng dương lên cao, nắng mai phá tan màn sương đục thì Thành Cổ
mới trở về hiện thực.
Nhớ về Cửa Hậu,
tôi phải kể cái mốc thời gian trước 1967 vì khi này tôi nhớ đến cái cổng thành
tôi hay vô chơi. Tụi con nít như tôi ở xóm Cửa Hậu hay vô được vì mấy chú Bảo
An gác thành cũng không e ngại gì lũ nhỏ này chú đã quen mặt. Thế là tụi tôi
vào được thành cùng với lũ bạn con lính trong thành leo lên Thành Cổ chơi, mới
biết bức tường thành dày ơi là dày! Bề dày của nó là đất thịt có chiều rộng có
thể cho xe chạy cũng được. Thảo nào đất ngoài thành bị mất đi tạo thành cái hồ
to lớn bao quanh.
Bức tường thành như một con đê có con đường nghiêng
nghiêng cho bọn tôi leo lên chơi. Ngó ra xóm Hậu, hướng về đồng An Tiêm có bờ
tre cong cong mờ nhạt. Bọn tôi khoan khoái biết mấy? Có đụn cát cao ai đổ sát
chân thành phía ngoài chúng tôi thi nhau đứng trên thành dám to gan nhảy xuống,
lại chạy vào thành leo lên nhảy xuống tiếp. Mấy chú Bảo An gác thành đứng ngó
theo chỉ cười mấy chú chẳng la rầy chi.
Mạ tôi bán cái quán tạp hoá nhỏ ngó vào Cửa Hậu nên hàng ngày tôi quan sát được những gì trước
Cửa Lao Xá (tức là Cửa Hậu) này: Có hai cái chái nhà tạm lợp tôn cho những ngày
thăm nuôi tù ngoài con đường Lê văn Duyệt qua cái cầu gạch xưa đi vào cổng Lao
Xá.
Khuôn
mặt tượng đồng Lê Văn Duyệt trong Thượng Công miếu (tức Lăng Ông). Khuôn mặt được
chế tác dựa trên chân dung Lê Văn Duyệt trên tiền giấy 100 đồng của chính quyền
Việt Nam Cộng hòa in năm 1966. (wikipedia)
Tả
Quân Lê Văn Duyệt là một danh tướng người là khai quốc công thần có tiếng dưới
triều Nguyễn...chúng ta là con cháu phải tôn trọng người xưa???
Mỗi đợt có năm ba người tù được mấy chú lính dẫn ra gặp
người nhà. Những giỏ đồ ăn, những miếng lá chuối đựng quà, những mo cơm, những
lời nói năng tâm sự. Hình ảnh lưu luyến của người nhà từ dưới làng quê, những
miếng cơm mang nặng hơi hám ruộng đồng và những giây phút ngắn ngủi, những người
tù chính trị phải chia tay vào lại trong thành để người tù khác ra. Khi cái cổng
sắt khép lại, bên trong là một thế giới khác và ngoài này là xóm Cửa Hậu thân
thương muôn thuở của chúng tôi cùng những ngày tuổi thơ vui chơi hồn nhiên ăn học.
Có những đêm chơi đá lon ngoài ngả ba ngó vô cổng thành, tôi nghe rõ tiếng kẽng
đổi gác quanh thành, tôi còn nghe rõ mồn một tiếng con chim cuốc kêu mãi dưới hồ.
(Mũi tên màu đỏ)
Vào ban ngày cửa thành được mở ra. Có một toán đông
người tù được mấy chú lính dẫn ra ra. Họ đi làm “cỏ vê” (corvee) tức là đi làm
tạp dịch ngoài tòa tỉnh hay mấy cơ quan công sở nào đó. Xế trưa toán tù đi về;
khi về chiếc xe kéo theo sau nhốt mấy con chó vô chủ chạy rong ngoài đường,
chúng bị mấy người tù bắt đem vô thành. Thời này chó chạy rong ngoài đường là
có lệnh bắt vì thiên hạ sợ chó dại cắn vô cùng. Nhắc đến đây tôi lại nhớ hình ảnh
cái thòng lọng bằng kẽm và bàn tay thiện nghệ của một người tù cùng tiếng kêu
ăng ẳng của mấy con chó bị bắt; chắc rằng mấy con chó vô phúc sẽ không còn có
ngày trở lại !
Cổng
Lao Xá hay là Cửa Hậu Thành Cổ Quảng Trị
cuối năm 1967 (đã bị đóng lấp)
Cửa
Hậu năm 2012
Hình ảnh đoàn tù đi làm corvee ngày đó làm tôi nhớ đến
cái chết của anh Thủ con bác Trợ sau xóm ông Cai Ngữ tức là ông thân của anh
Khanh, anh Sỏ, anh Thăng. Khi chú lính dẫn tù về anh Thủ chạy ra gây hấn với
chú lính này vì những ngày anh Thủ này ở tù trong Lao xá (tù hình sự) có tư thù
với chú lính này. Khi ra tù anh Thủ chờ dịp chú lính này dẫn tù ngang qua xóm
mới chạy ra gây hấn. Rủi thay gặp cơn nóng giận lại sẵn mang súng chú lính đuổi
theo anh Thủ vào tận trong xóm. Những phát đạn từ khẩu súng thompson cùng hình ảnh
anh Thủ nằm thoi thóp, thân hình lực lưỡng chỉ một cái quần đùi, anh chết trên nền
nhà bác Lê bá Oa ông thân anh Lê bá Lư. (nhà xóm sau lưng nhà Hà thị bích Hường
và nhà cậu tôi). Xóm Hậu chúng tôi mất anh Thủ là mất một giọng ca vọng cổ
"rất mùi" chỉ tiếc anh ham chơi mới có kết quả bi thảm đó. Nói lan
man qua xóm tôi thì phải kể đến anh Sỏ em anh Khanh và anh của anh Thăng; anh Sỏ
vào đại học Huế anh chưa ra sư phạm ngay mà học thêm cao học toán. Nhớ đến anh
Sỏ, tôi nhớ đến mặt anh khi nào cũng đỏ gay như uống rượu, cái áo sơ mi trắng
khi nào cũng xuề xòa bỏ ngoài, cùng dáng đi nhanh thoăn thoắt. Thời buổi này
trai tráng trong thôn ai cũng lên đường tòng quân dù ở phía nào cũng phải tuân
hành lệnh chính phủ trên ban. Trường hợp theo đuổi học vấn lên cao như anh Sỏ
thì phải là hiếm hoi.
Mùa khô về, khi hồ Thành chỉ còn xâm sấp nước cùng màu
xanh của lục bình là lúc những người tù "nhà phạt" trong thành bị dẫn
ra ra tát cá.
Tôi cứ lan man phải trở về chuyện Thành Cổ. Cửa Hậu chỉ
mở cho đến 1967, còn Cửa Hữu tức là cổng thành Đinh công Tráng mở cho đến ngày
tan nát. Ngoài ra 2 cửa, tức là Cửa Tả ngó ra đường Duy Tân, Cửa Tiền ngó ra đường
Lê thái Tổ thì bị đóng từ lâu. Nhắc đến Thành thì phải nhắc đến cái hồ bao
quanh thành. Đến mùa nước lên tức là mùa lũ của con sông Thạch Hãn nước tràn
vào hồ lênh láng làm khổ những dãy nhà xây sát bờ hồ. Đất hẹp người đông dĩ
nhiên hồ Thành cũng bị lấn nhưng chuyện này cũng giúp cá trong hồ sinh sôi nảy
nở rất nhiều. Thế là lúc mùa khô về, khi hồ Thành chỉ còn xâm sấp nước cùng màu
xanh của lục bình là lúc những người tù "nhà phạt" trong thành bị dẫn
ra ra tát cá. Xóm Hậu chúng tôi vui lây vì tiếng ồn ào họ tát nước bắt cá dưới
hồ. Cá thật nhiều ! những cái thùng phuy chẳng bao lâu lại đầy ắp cá , chúng đa
số là cá tràu (lóc). Từ trên đường người dân xóm Hậu hay cả thôn chúng tôi đứng
chờ sẵn. Xế trưa khi cả trăm người tù vào lại trong thành cùng mấy thùng cá và
cùng lúc 2 cánh cửa thành khép lại là chúng tôi a nhau xuống hồ. Lúc này tiếng ồn
ào huyên náo của dân lại còn gấp mấy lần lúc sáng. Những tốp nhỏ người chia
nhau từng lô tát thật cạn nước để mò cá. Có đứa mò thật tài chỉ chút chi là được
mấy con tràu to bằng cán rựa. Có đứa giỏi hơn bắt được cả mấy con lươn dài
ngùng ngoằn vàng hươm. Tôi sợ nhất mấy con rô hay con hẽn (cá trê) cái ngạnh,
cái kỳ của chúng nhọn hoắt làm chảy cả máu tay. Lớp bùn dày của hồ này nó còn
tiềm ẩn bao nhiêu con cá chưa bắt được nhưng nó không thoát được những bàn tay
mò cá giỏi cùng tính chịu khó. Bà con trong xóm a nhau tới coi con cá tràu to
nhất nó bị quăng ngay lên bờ vì nếu để nó vùng vằng lâu sẽ truột khỏi tay vàt rốn
thoát dưới bùn.
Lại thằng Mẹo hắn việc chi không rành, con tràu to nhất
là của nó; sau khi quăng con tràu lên bờ nó vọt theo đè cả người lên con cá
đang vẫy vùng muốn thoát lại xuống hồ. Nói chung cá và hồ là sở hữu của Thành
người dân không có quyền chi, thế nhưng ngày tát cá thu nguồn lợi từ cái hồ trước
mặt cửa Lao xá thì quân dân ai cũng có phần chẳng nề hà chi. Mùa khô thực sự đến
thì người tù Lao xá lại ra trồng rau muống để có thêm rau cho tù ăn.
Từ cửa Hậu trong thành ngó về hướng sông sẽ có cái
chòi canh cao ngất xây từ thời Pháp nên không ai còn dùng. Cái chòi này từ An
tiêm, Nại cửu nhìn lên thành phố là thấy. Ngày xưa khi học lớp nhì tôi theo mấy
đứa bạn con lính tráng trong thành vào thành qua cổng cửa Hữu, đứng gần cái
chòi 4 cột bằng bê tông này khi nhìn thấy mấy cái thang sắt đã hoen rỉ cái còn
cái mất tôi yếu vía đâu dám leo lên . Phía chân cái chòi cao này, sau này là trại
gà. Có ngõ trổ ra ra đường Lê văn Duyệt có cái hồ nuôi cá Phi rồi mới leo lên
đường. Qua nhà ông Đội Chức có mấy cây đào lựu lâu năm rậm rạp người ta đồn có
tinh (tức là ma cái). Dân trong thôn thêu dệt chuyện con ông Đội Chức "điên
tàng" vì "lấy tinh", thiên hạ "thêm mắm thêm muối" rằng đêm
khuya đi ngang Miếu Âm Hồn sát nhà Ông Đội Chức (hay Miếu Đôi?) còn
nghe tiếng ru con nữa mới là rùng rợn! Nói gì thì nói ngay ngả ba Lê văn Duyệt, múi Trần hưng Đạo đối diện Miếu Âm Hồn này có một bãi tha ma ông bà kể lại Tây
bắn tù chính trị chôn lấp ở đây (có người viết khác ví dụ, theo bác Hoàng long
Hải tức nhà văn Tuệ Chương thì bãi tha ma này là nơi chôn những hài nhi sa sót
từ nhà thương Tây gần đó - sau này là trường Nữ Tiểu Học Quảng trị - đem ra
chôn tại đây?). Sau này bãi tha ma thành những nấm mồ vô chủ theo ngày tháng đất
đá mòn dần không ai hương khói. Ngoại trừ mấy ngôi mả bằng đá có người nói là mả
Nhật thì không bị thời gian phá hoại thôi. Tôi còn nhớ cảm giác khi nào cũng
"ơn ớn" mỗi lúc đi học trường Nam ngang qua Miếu Đôi [theo bác Hoàng
long Hải thì Miếu Đôi nằm sát với bờ sông Thạch Hãn gần tới chùa Tỉnh Hội còn
đây là miếu âm hồn ]và bãi tha ma này (cũng theo bác Hoàng Long Hải thì đây là nơi chôn cất
những người chết từ nhà thuơng tỉnh gần đó, nhà thuơng này sau này làm trường Nữ
tiểu học QT- ngó qua Trại Tuyển Mộ)
Miếu Âm Hồn sát nhà Ông Đội Chức cạnh "xóm Heo",
tên xóm này người dân trong thôn tự đặt với nhau lâu ngày quen miệng thôi, sau
này cũng đỡ sợ Miếu Đôi vì ngày rằm nhóm "THIÊN TIÊN THÁNH GIÁO" của
ông Tư mô đó trên phố (nghe là bồ của bà chủ tiệm Phương Mai cạnh Mỹ Phát) năng
về làm lễ trong miếu này.
Con
lân đúc nổi trên tấm bình phong trước miễu Âm Hồn
Đi học ngang qua tôi có ghé vô miếu coi. Ông Tư lúc
nào cũng giả trang làm "BÀ" cùng các bà kia phấn son lòe loẹt, tiếng
'cóc xèng xèng", tiếng ông Tư lên đồng, cùng khói hương nghi ngút làm tôi
hết cả sợ khi nhìn con lân đúc nổi trên tấm bình phong trước miễu - hai con mắt
"ma quái" cuả nó như đang lom lom nhìn tôi. Bà ngoại tôi có kể rằng mạ
tôi ngày xưa hồi nhỏ đi theo ngoại tôi. Khi mạ tôi đi sau chợt linh tính sao
nhìn vô trong miếu thấy một khuôn mặt như mặt mèo, hai con mắt xanh lè. Mạ tôi
sợ "cứng cả người" á khẩu không nói được?. Về nhà bà tôi vuốt tim xoa
dầu "hu" ba hồn bảy vía" rất lâu mạ tôi mới hoàn hồn. Do câu chuyện
kể lại nên sau này lúc nào đi học ngang Miếu tôi cũng sợ. Nhìn mấy chùm đào lựu
xum xuê trái trên mấy cành cao che phủ nóc Miếu tôi chẳng "dám thèm" cúi đầu
đi thẳng. Chỉ khi qua nhà ông đại úy Đối - khoảng múi đường Trần Hưng Đạo ngó
qua là Trại Quân Cụ - có mấy trái đào tiên trăng trắng (trong nam gọi mận) ló ra
ngoài bức tường rào tôi mới có gan kiếm vài trái thôi! Nhà ông Đại Uý Đối thuộc
loại nhà "kín cổng cao tường" có mấy chị đẹp lắm nhưng ít khi ra
ngoài. Phía sau là nhà ông thân Phi Hồng. Phi Hồng là phu nhân của thi sĩ Phan
Khâm hiện đang ở Maryland Hoa Kỳ.
Đoàn
Hoa Mai (hình tượng trưng)
Tiếng là "bốn ngả đường thành", nhưng theo ý
tôi con đường Lê văn Duyệt là vui nhất. Trước tiên vì nó có sinh hoạt của người
tù ra vô hàng ngày qua cổng Lao Xá , có lính tráng ra mua bán, và phải nói đến
đám HÁT BỘ tên là HOA MAI của ông ĐƯƠNG "đóng quân lâu dài" trước mặt nhà ông Đội
Chức nơi cái bãi đất làm sân bóng trong thôn. Ông Đương và đoàn Hoa Mai của ông
rất nghèo, nghèo đến nỗi cả đoàn không còn tiền để về lại quê huơng xứ Quảng của
ông. Lúc đầu người dân thôn tôi tức là thôn Đệ Tứ (đường Lê văn Duyệt) còn tiền
coi dần dà hết tiền khách vắng dần. Hồi đó tôi cũng mê hát bộ đoàn Hoa Mai này
lắm vì suy cho cùng cón có cái thú nào hơn? Rất lâu mới có một đoàn chiếu phim
công cộng hay rất lầu mới có đoàn cải lương trong nam ra đây, nhưng tôi làm gì
mua nỗi cái vé đắt tiền của các đoàn cải lương có tiếng như THủ Đô hay Hương
Mùa Thu, Thanh Minh -Thanh Nga dạo đó !? Ông bà Đương đóng đủ vai: từ Phật
THÍCH CA, Quan Âm thị Kính, cho đến Quan Công, Trương Phi ông cũng đóng
"tuốt" ! Tôi nhớ về tiếng trống cầm chầu của mấy cụ già cùng mấy dồng
bạc quăng lên sân khấu thuởng cho diễn viên, bóng lom khom mấy đửa nhỏ ra lượm
tiền. Đoàn Hoa Mai ở lâu quá, tài tử "đẻ thêm con" , túi tiền dân
thôn tôi lâu ngày cũng cạn và sự tò mò háo hức cũng tan đi khi nhìn thấy bà bầu
tức vợ ông Đương cùng những bà vợ mấy ông kép khác ngày ngày ra chợ không còn
"hình dáng mỹ miều" như lúc đóng tuồng mà là những bà đào về chiều
già nua đến thảm thiết. Những đêm mưa vắng khách tiếng ông Đương van nài
"xin quý vị coi giúp cho đoàn tôi vì mùa đông mưa gió tội nghiệp!!!"
cái buồn ảo não thê lương của một đoàn hát "về chiều bị mắc kẹt" lại
một xóm nghèo ngày xưa đó là một dấu ấn khó quên cho cuộc đời nghệ sĩ, những cảm
nhận đáng thương cho những ai làm văn hóa mà cơm không đủ ăn áo không đủ mặc,
đáng lẽ họ phải được nâng đỡ và bảo trợ cho những công việc bảo tồn giềng mối đạo
đức phong hóa cho dân tộc.
Thời gian trôi mau, nói như trong truyện xưa Hán Sở
Tranh Hùng mà thân phụ tôi lúc sinh tiền hay ngâm:
Sương
gió phôi pha bóng nguyệt tà
Vận
thời chưa gặp khó bôn ba
Nghèo
hèn phận bạc đời dang dở
Con
Tạo trêu ngươi lắm thế a ?
Đúng sao cái câu "Sương gió phôi pha bóng nguyệt
tà" mà Hàn Tín từng than cho thời thế! nay ta so lại với bao nhiêu bận
'bóng nguyệt tà' trên ngôi Thành Cổ ra sao? Bức tường thành rêu phong phủ kín
nay di tích Quảng Trị chỉ còn đọng lại trong ký ức con người?
Khi kể lại tôi hi vọng các thế hệ đời sau sẽ có nhiều
trí tưởng tượng phong phú hơn. Mong sao các cháu sẽ hình dung ra một THÀNH CỔ
uy nghi từng mang tên danh tướng Đinh công Tráng sẽ hiển hiện cùng thanh âm ''vang vọng tiếng xưa ngậm ngùi"
Cali, ngày 6 tháng 11 năm 2011
Đinh Hoa Lư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét