BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

HUY CẬN (1919-2005) - Thụy Khuê


Tên thật là Vũ Thị Tuệ. 
Sinh năm1944 tại Nam Ðịnh
Viết tiểu luận văn học từ 1985
Ðã in bài trên các báo Tự Do (Pháp & Bỉ), Văn Học (Hoa Kỳ), Thông Luận (Pháp), Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ), Người Việt (Hoa Kỳ), Diễn Ðàn (Pháp), Hợp Lưu (Hoa Kỳ), Phụ Nữ Diễn Ðàn (Hoa Kỳ)...
Cộng tác với đài RFI (Radio France Internationale) trong chương trình Văn Học Nghệ Thuật (1990-2009)

           HUY CẬN (1919-2005)
                                   Thụy Khuê

Nhà thơ Huy Cận đã từ trần ngày 19 tháng 2 năm 2005, tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.
Tác giả Lửa thiêng là một trong những nhà thơ mới cuối cùng, đã ra đi, mang theo một thời đại, khép lại một cõi thơ: Thơ mới ra đời những năm 30, chính xác hơn, ngày 10 tháng 3 năm 1932 với bài "Tình già" của Phan Khôi, đăng trên Phụ nữ Tân văn  số 122. Và cõi thơ ấy đã tồn tại đến ngày nay, với những thăng trầm, dày dạn; đôi khi không ngại dùng quyền lực để  tồn tại, như trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, các chủ soái Thơ mới đầy quyền uy như Tố Hữu, Xuân Diệu... đã lạm dụng chức quyền để nghiền nát những nhà thơ trẻ muốn đổi mới thơ ca như Trần Dần, Lê Đạt...
Huy Cận là bạn đồng hành của Xuân Diệu, ông cũng là một trong những nhà thơ quan chức cuối cùng còn sót lại của một thời đại, mà đời thơ trùng hợp với đời quan. Huy Cận đã dùng thi ca phục vụ chính trị một cách đắc lực, và cuối cùng, cũng chính con đường quan lộ ấy đã tàn sát thi ca của ông. Ngày nay, những gì mà Huy Cận để lại cho đời, đã và sẽ chỉ còn một ngọn Lửa thiêng đã bùng lên từ thời 20 tuổi, thời mà ngòi bút ông chưa từng nhúng vào hệ lụy của thế quyền. 


      

Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học trường làng, trung học ở Huế; đến 1939 ra Hà Nội học trường Cao Đẳng canh nông, và 1943 tốt nghiệp kỹ sư canh nông. Tham gia phong trào Việt minh từ năm 1942, và từ 1945 đến ngày nay liên tục giữ các chức hàm Thứ trưởng, hoặc Bộ trưởng, đặc trách văn hoá văn nghệ.
Làm thơ từ năm 1934, được đăng trên báo từ năm 1936. Ngay trong thời gian ở Huế đã cùng với Hoài Thanh viết những bài bình luận trên các báo Tràng An, Sông Hương. Năm 1936, gặp Xuân Diệu ở trường Khải Định, và kết bạn từ đó. Những năm 37, 38, 39, Huy Cận trao đổi thư từ với Chế Lan Viên, lúc đó đã xuất bản Điêu tàn. Từ 1939, ông ra Hà Nội ở chung với Xuân Diệu trên căn gác số 40 phố Hàng Than.
Tháng 11 năm 1940, tập Lửa thiêng được nhà Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản, Xuân Diệu đề tựa, Tô Ngọc Vân trình bày bià.
Năm 1942, xuất bản tập văn xuôi Kinh cầu tự, hoàn thành tập thơ thứ hai Vũ trụ ca, chưa in thành sách. Và từ đó tiếp tục các tập thơ khác, như Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963). Những năm sáu mươi (1968), Cô gái Mèo (1972), Chiến trường gần chiến trường xa (1973), Những người mẹ những người vợ (1974), Ngày hằng sống ngày hằng thơ (1975), Ngôi nhà giữa nắng (1978), v.v...
Ở Paris, 1983, một số người yêu thơ Huy Cận, đã giúp ông xuất bản tuyển tập thơ viết tay tựa đề Đi giữa đường thơm, trên giấy quý, gồm phần lớn những bài đã in trong Lửa thiêng và một số bài thơ tình đắc ý, làm sau 45.
Năm 1989, giữa cao trào đổi mới, Huy Cận cho in tập Chim làm ra gió, (nhà xuất bản Tác Phẩm Mới) tại Hà Nội .
Qua những tuyển tập thơ Huy Cận được liên tục xuất bản hoặc tái bản, chúng ta cũng có thể có cái nhìn khá toàn diện về sáng tác của Huy Cận: Sau 45, hầu hết những tập thơ của ông đều chuyển tải khá rõ nét sứ mệnh tuyên truyền, vì vậy ít bài có thể trụ. Ngay cả bài Các vị La Hán chùa Tây Phương được nhiều người ca tụng, tuy không mang tính cách tuyên truyền, nhưng cũng không còn phong độ bay bổng của thời Lửa thiêng, nhất là tập Chim làm ra gió, Huy Cận tỏ ra hết sức cố gắng quay về với vũ trụ, với thiên nhiên, nhưng thơ ông không còn thanh thoát, không còn bát ngát như ngày xưa nữa.
 Vũ trụ bát ngát trong Lửa thiêng là gì? Là một vũ trụ sầu, sầu vô cớ, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Thời ấy, người ta hay sầu lắm. Có người bảo: tất cả những nỗi sầu ấy đều giống nhau, đều bắt nguồn từ cái spleen của một chàng Edgar Poe nào đó. Đồng ý, nhưng mỗi nhà thơ tài hoa   của chúng ta đều tạo được một mối sầu riêng. Hồ Dzếnh có nét sầu của Hồ Dzếnh, Huy Cận có nỗi sầu Huy Cận... và mỗi nỗi sầu riêng ấy là một vũ trụ thơ, một vũ trụ đời.
Hai bài thơ hay vào loại nhất nhì trong tập Lửa thiêng, Huy Cận viết tặng Khái Hưng. Chắc là thời ấy, Huy Cận mến mộ Khái Hưng lắm. Còn một số những bài khác như Đi giữa đường thơm đề tặng Thạch Lam, Đẹp xưa tặng Tô Ngọc Vân, Học sinh tặng Tú Mỡ, Hồn xa tặng Thế Lữ, Giấc ngủ chiều tặng Hoàng Đạo, Nhạc sầu tặng Nguyễn Gia Trí,  Áo trắng tặng Nhất linh... Tập Lửa thiêng, như vậy, ngoài giá trị thi ca, còn lưu lại một chút tình bạn, tình người. Cho nên hôm nay chúng tôi muốn nhắc lại hai bài thơ vào loại hay nhất của Huy Cận: Bài Buồn đêm mưa  tặng Khái Hưng, và bài Tràng giang tặng Trần Khánh Giư.

BUỒN ĐÊM MƯA
(Tặng Khái Hưng)

Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la...
Tai nương giọt nước mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi...
Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...
Tương tư hướng lạc, phương mờ...
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.
Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...

Buồn đêm mưa xác định nỗi sầu Huy Cận. Đó là nỗi buồn vô cớ, xuyên suốt không gian, như một độ ẩm có sức thẩm thấu ngấm ngầm, theo nước mưa thấm vào lòng người. Những yếu tố âm nhạc và thi ca ở đây kết hợp toàn bích như một bản nhạc phổ thơ, như bài thơ phổ nhạc. Và tiếng buồn, khởi đi từ không gian ẩm lạnh của đêm mưa, và tiếng mưa như những nốt nhạc gợi nhớ, một nỗi nhớ vu vơ, nhớ ai? Nhớ không gian. Không gian nào? Không gian giá buốt, chứa một "nỗi hàn bao la"... Càng nằm, càng nghe, càng lạnh, điệu nhạc mưa càng tung hoành, làm khắc khoải lòng người, làm đờ đẫn tâm can, làm lang thang chân bước, từ mưa đến mộng, từ tâm cảnh sang ngoại cảnh. Đó là một nỗi sầu vô cớ, sầu lang thang, không nhà không cửa, sầu không quán trọ, sầu không phương hướng... sầu dọc chiều dài thời gian và sầu mênh mông trong không gian vô tận. Chưa bao giờ chúng ta nghe một bản nhạc sầu như thế, sầu hồn hoà trong ướt át gió mưa, nhẹ nhàng sầu và êm ái đến thế.
Đến bài Tràng giang tặng Trần Khánh Giư, không gian sầu mở tung trên trời nước. Phạm Duy bảo khi ông làm bài Cửu Long giang, ông đã nghĩ đến Tràng giang của Huy Cận, và bất cứ ai trong chúng ta, một lúc nào đó, ngược dòng Cửu Long, hoặc xuôi sóng Bạch Đằng, mà  không trạnh thấy bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài
Niềm bâng khuâng dâng lên như sóng, từng đợt, từng đợt trùng trùng, chiếm hữu tâm tư, sông loang thành biển, mối sầu tan rộng như đại dương, bay lên thượng tầng thanh khí: 

TRÀNG GIANG

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
 
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu.
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
 
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc...
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Niềm giao ứng giữa đất trời và lòng người, giữa cảm súc và thiên nhiên, giữa vũ trụ và không gian mà Baudelaire gọi là correspondance - giao cảm, ở đây xẩy ra trên toàn diện, trong không khí Đường thi, và Thôi Hiệu cũng quanh quất đâu đây. Theo mối sầu thiêng, sâu chót vót, Huy Cận giao cảm Đông Tây trời đất, giao cảm sông nước và hồn người bằng phong thái thăng hoa tinh vi giữa nhạc và chữ.
Nếu các bạn vẫn còn ở trong cõi thơ Huy Cận, xin mời bạn hát và lắng nghe mình hát bài Ngậm ngùi của Huy Cận do Phạm Duy phổ nhạc. Phạm Duy - sành thơ hơn nhiều nhà thơ - khi phổ nhạc, thường hay thay một lời, đổi vài câu, hoặc làm thêm một vài câu thơ khác. Lời thơ mà Phạm Duy thêm vào, đôi khi hay hơn những câu trong chính bản của nhà thơ. Ngậm ngùi là một trường hợp đặc biệt: không những Phạm Duy không thêm thơ, mà ông cũng không thay đổi một chữ nào trong thơ Huy Cận. Ở đây nhạc đã quyến vào thơ như đôi tâm hồn tri kỷ, và, phải nhận rằng, Ngậm ngùi sở dĩ đi sâu vào lòng người Việt đến thế là nhờ sức quyến rũ mãnh liệt, nẩy ra từ sự giao cảm tuyệt vời giữa thơ và nhạc, giữa Phạm Duy - Huy Cận.
Chúng ta tạm biệt nhau trong  Ngậm ngùi

NGẬM NGÙI

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ..
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...

                                                         Thụy Khuê, Paris 26/2/2005

Nguồn:
http://thuykhue.free.fr/stt/h/huycan.html?fbclid=IwAR13eP5CKVplqNsE3QlnHDJYHEFXGnBLCF18qE1gm4QznY9zhMlFXlAJ0V4

1 nhận xét:

Vũ Nho Ninh Bình nói...

Nhà phê bình Thụy Khuê có vẻ không chính xác do thiên kiến chính trị đã hạ những dòng thiếu thuyết phục: "Huy Cận đã dùng thi ca phục vụ chính trị một cách đắc lực, và cuối cùng, cũng chính con đường quan lộ ấy đã tàn sát thi ca của ông".
Ngoài ra, chắc Thụy Khuê nói và viết tiếng Pháp quen, nên khi dùng tiếng Việt sai chính tả : Cảm xúc mà bà viết là CẢM SÚC!"Niềm giao ứng giữa đất trời và lòng người, giữa cảm súc và thiên nhiên, giữa vũ trụ và không gian mà Baudelaire gọi là correspondance - giao cảm, ở đây xẩy ra trên toàn diện". Đây có phải lỗi"cậu đánh máy"?