BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

TÔI VIẾT VỀ... THƠ TÔI - Đoàn Anh Kiệt


           
                 Tác giả Đoàn Anh Kiệt
      (Con trai út của blogger Phú Đoàn)


TÔI VIẾT VỀ... THƠ TÔI 

Dẫn: Hồi nhỏ, ba tôi làm thơ và đọc thơ khá nhiều. Và lần nào mẹ tôi cũng... chê thơ ông dở. Lúc đó không biết nên không dám bàn. Có lần ba tôi đọc thơ, bảo là thơ của nhà thơ nào đó nổi tiếng lắm (không nhớ chính xác tên), mẹ khen hay, song thật ra bài đó là ba tôi viết. Thì sau này tôi nghĩ thơ hay vì... tác giả cũng một phần từ đó mà ra.

Tới giờ, chẳng tự hào gì khi nói tôi quen cũng đã vài cô bạn gái, vì bạn bè tôi đa phần đều "mồ yên mả đẹp" trong nấm mồ hôn nhân hết. Mà lạ, cô nào trước khi quen tôi đều hay khen (có khi vì lịch sự không chừng) là anh viết hay, rồi khi dính chút "cổ phần" trong đời nhau thì cô nào cũng chê thơ/văn anh... dở quá.

Chuyện cũ không nhắc làm gì, cô bạn hiện nay, dân chuyên Văn ngày trước, mỗi khi ngồi chơi, tôi hỏi [thiệt thà] em thấy anh viết thơ trên FB vầy được hông, cô ta cười đáp (nguyên văn) "thơ anh hay, có điều em đọc mệt quá", hỏi sao mệt, cô nói "thì... gật đầu chào người quen hoài nên mệt". Hic, của đáng tội, tôi thì [gần như] không bao giờ chôm thơ ai, hễ đăng đều ghi tác giả, không nhớ thì ghi st, dẫu rằng hay chơi chiêu nhập nhằng chữ st dù thơ mình viết.

Thì đọc nhiều ắt sẽ ảnh hưởng, không dính tứ thơ/ý thơ, cũng dính chút phong cách tác giả mình thích. Suy cho cùng, tôi... trí nhớ tốt, chứ tôi có phải anh chàng Trương Vô Kỵ, học Thái Cực quyền xong quên liền để mà vận dụng theo ý mình đâu. Hôm cafe' với nhau, vui miệng tôi nói thế, nhân tiện trích luôn bài thơ mình khá thích:

                  CHIA

                  Chia tay
                  em chọn nỗi sầu
                  Bán đi mua lại
                  mộng đầu chưa nguôi
                  Bỗng đâu
                  một sớm hoa rơi
                  Kiệu dâu em
                  bước bên người thảnh thơi
                  ….
                  Chia anh
                  nỗi nhớ ngày xưa
                  Bán không đặng
                  đành đổ thừa…
                  hên xui

Nghe xong cô ta bảo thơ gì nghe phát chán, từ "hên xui" bình dân vậy mà đưa vô, phân tích một hồi tôi thấy luôn bài này sao... mất giá quá! Cũng ráng nói thì mà là, song lý lẽ... của trái tim luôn chiến thắng. Đành thôi vậy! Tưởng thua rồi thì thôi, nào ngờ cô ta được nước nói thêm cái bài Không đề của anh nó tệ cực kỳ, trích đăng nguyên văn:

                  Tình thoảng qua như gió
                  Lá vui đùa xôn xao
                  Ngày phơi sầu đã ráo
                  Sao nắng còn hanh hao

                  Mùa qua tình như nắng
                  Vàng góc đời nhỏ nhoi
                  Chim xanh nào đang hót
                  Đâu ngờ ngày lẻ loi

                  Có người chân bước lỡ
                  Lạc lối tình không hay
                  Tưởng rằng mình hạnh phúc
                  Ô hay bụi… mắt cay

                  Đời trôi sao quá vội
                  Tình cứ mãi mông lung
                  Lá rơi chưa ngập lối
                  Đâu rồi tay nắm tay

                  Bao năm mình nông nổi
                  Đổ thừa đời không may
                  Chợt một ngày sám hối
                 Tình đã thành mây bay...

Đặc biệt là câu cuối, nguyên văn "người lớn còn chơi... đổ thừa". Rồi mấy bài xưa xưa nữa "phơi tình ngày nắng ráo, con tim đổ mưa rào, em ngày xưa... lỡ dại, yêu anh đời hư hao", thơ thì toàn ý người khác, lời thì cũ, tứ thì mòn. Bực quá, đành ráng... mặt dày viết bài để "em nó" khai sáng tri thức bình luận thơ ca.

Thơ chủ yếu là gì? Là tạo niềm cộng hưởng với người đọc. Cùng một bài, người này cảm khác, người kia cảm khác. Đối với anh A, bài này hay nhưng với anh B thì vẫn bài đó là dở. Nhưng nếu vậy thì cần chi đến nghệ thuật phê bình? Thơ, với tôi, là cách sắp chữ, để nói lên cái mà mình không nói được! Thì đó, có thất tình đâu, có chia tay đâu, song thơ chia tay, thơ thất tình thích thì viết một ngày vài... trăm bài còn dư sức, đặc biệt là thời 26, 27 tuổi. Thẩm thơ, đâu phải chỉ "tâm tri" còn phải có "trí tri" nữa chứ. Con chữ vốn vô hồn, ai cũng học đủ bảng chữ cái, nhưng viết một bài văn cho đúng chính tả chưa chắc đã là việc dễ làm với khá nhiều người, nói chi đến viết để cộng hưởng cảm xúc được?

Hồi 26; 27 tuổi tôi gần như muốn là viết. Thơ cũng được, văn cũng xong. Phóng bút thành văn dễ ợt chứ khó gì, ráp vần ráp chữ là xong. Nhưng mà nói thật, đọc lại nhiều khi... xấu hổ lắm.

Còn phê bình, phê bình cái gì đây ngoài câu chữ hiển hiện đó? Phân tích nhịp điệu, phân tích từ ngữ để mà thấy cái dụng công của tác giả, và với bài nào "tuyệt đỉnh" thường là một câu "hồn nhiên,  thiên thành". Đạt đến mức hồn nhiên như trời có sẵn đó thì TẤT CẢ đều phải dụng công, dụng công trong từ ngữ cực nhiều. Lao tâm khổ tứ để tìm cho được một chữ ráp vô, sửa tới sửa lui, đọc đi đọc lại, rốt cục chỉ muốn đạt tới mức tự nhiên như không cần dụng công.

Tôi viết cũng không ít bài bình thơ, đa phần là thơ xưa, thơ Tàu, và tôi tự nhận cái đó là bình giấm, như một nhà phê bình người Pháp tự nhận "rượu để chua quá thì thành giấm, viết không được thì... đi bình luận vậy". Nhưng thật ra, người viết bài bình luận thì có lẽ cực hơn người viết, người viết vì một cảm xúc gì đó phóng bút là xong, còn người bình đọc xong, chờ lắng cảm xúc, tìm dẫn chứng, tìm câu văn, tìm minh họa để mà bình cho người đọc thưởng lãm. Nên tuy "ai đem phân chất một mùi hương, hay bản cầm ca tôi chỉ thương" nhưng bình thơ bình văn vẫn cần lắm. Còn đọc chê dở chê hay thì nào có khó gì? Như ngày trước tôi chê Truyện Kiều, tôi cũng phải ráng viết cho được một bài [dù] ngắn để mà chê cho... có hồn (?)

Chỉ là... bụt chùa nhà không thiêng! Hic

                                                                         Đoàn Anh Kiệt
                                                                           29/10/2014

Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

EM CHỈ LÀ ... - Thơ Kha Tiệm Ly


       
                          Tác giả Kha Tiệm Ly


          EM CHỈ LÀ …

          Em không đẹp như anh tưởng đâu anh.
          Rất bình thường, chỉ vì em… là người Đà Lạt.
          Em chẳng kiêu sa như THỦY TIÊN đài các,
          Mà như PENSEÉ ấp ủ mộng duyên lành.

          Em cũng chẳng là MẪU ĐƠN vương giả
          Hay PHÙ DUNG, CẨM CHƯỚNG đắm say người.
          Em đơn sơ như HOA NGÂU, HOA BƯỞI.
          Có chút bâng khuâng như SIM tím lưng đồi.

          Cũng chẳng được như QUỲNH HOA, PHONG LỮ
          Chẳng ngất ngây người như nàng DẠ LÝ HƯƠNG.
          Em mộc mạc như LỤC BÌNH, TRINH NỮ,
          Như LƯU LY* nguyền trọn kiếp yêu thương.

          Em quê mùa chẳng quen đánh phấn
          Nên má chỉ hồng thoảng chút Ô MÔI.
          Cũng chẳng tiện dùng màu son tô vẽ,
          Nên màu môi như cánh PHƯỢNG mà thôi!

          Cũng chẳng tiện dùng hương hoa thời đại,
          Nên tóc mượt mà chỉ thoảng chút HOÀNG LAN.
          Chẳng lóng lánh dìm hồn người ngây dại,
          Mà mắt em như hoa ANH THẢO mơ màng

          Dẫu VÔ ƯU trắng trong thời con gái,
          Cũng nhờ HƯỚNG DƯƠNG mà tìm một hướng đi.
          Có thương em thì ai kia hãy đợi,
          Ngày TÚ CẦU nở trước cổng vu quy.

                                                          Kha Tiệm Ly
                                                  (Đà Lạt 24. 10. 1014)

         * Hoa lưu ly thường gọi là hoa forget me not (đừng quên anh)

          .................

          KHA TIỆM LY
          99/5 Đinh Bộ Lĩnh Phường 2, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang
          Tel: 0987  701  952   -   01229  880  130
          Email: khatiemly@gmail.com

Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

ĐỖ HỮU, LƠ LỬNG MỘT DÒNG THƠ - Nguyễn Khôi


     

        ĐỖ HỮU - LƠ LỬNG MỘT DÒNG THƠ
                                 
  Thơ Việt Nam, từ sau năm1945 thường hiện hữu trên hai chiến tuyến : "Quốc gia- VNCH- chống Cộng" / "Kháng chiến - Cộng sản XHCN" cả hai đều được hệ thống thông tin báo chí (phe nào, phe nấy) quảng bá hết cỡ...
  Tuy nhiên, còn có một dòng thơ lơ lửng, không phe phái nhưng thấm đẫm hồn Dân tộc với một nghệ thuật "rất Thơ" (không  in ấn xuất bản) cứ âm thầm truyền lan trong lòng người dân Việt ở mọi phía ...Ví dụ : như Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998), Thi sĩ Đỗ Hữu (1938-2009) ...
  Với Bùi Giáng, thì đến hôm nay (2014)đã được cả 2 phía coi là một trong các nhà thơ lớn của Dân tộc ? còn Đỗ Hữu thì còn rất ít người biết đến, nhất là với giới thơ văn ở Hà Nội.

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

HOA TỨ BÌNH - Phạm Tường Đại


                  
                   Nhà thơ Phạm Tường Đại
                            (1930 - 2008)


                  HOA TỨ BÌNH
                  (Tặng Nguyễn Khôi)

                  Gặp em chừ mùa hạ
                  Soi tóc dưới trăng ngà
                  Chỉ một lần đã nhớ
                  Bởi em là quỳnh hoa.

                  Sương rơi đầy ngõ lối
                  Sao cúc chửa vàng thu
                  Để tiếng cười bay lạc
                  Nỗi nhớ hoá mơ hồ.

                  Gió từ đâu về phố
                  Xua cái lạnh tàn đông
                  Lan âm thầm ấp nụ
                  Vương vấn giọt sương lòng.

                  Tơ trời giăng rất mỏng
                  Én bạc chở mùa sang
                  Mẹ già ra cửa ngóng
                  Đâu biết mai đã vàng.

                       Phạm Tường Đại

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

UỐNG RƯỢU VỚI HẢO HÁN - Kha Tiệm Ly


          


             UỐNG RƯỢU VỚI HẢO HÁN

             Chiều lang thang nhìn kẻ lạ người quen,
             Bọn hảo hán dưới gầm cầu mời uống rượu.
             Chơi thì chơi, có bịnh chi mà cữ,
             Túi giang hồ đựng bốn biển anh em.

             Kẻ kiếp trứơc chắc tạo nhiều phước đức,
             Nay ngồi đường cũng có kẻ cho ăn!
             Kẻ kiếp trước chán chê xe đời mới,
             Nên giờ nầy thủ cẳng chiếc xe lăn!
             Ta kiếp trước chắc gieo nhân ung thối,
             Nên đời nầy mới lảnh quả nhà văn!

             Rượu thâm tình chọn người hảo hán,
             Bọn phàm phu, vô lại đứng qua bên.
             Rượu nghĩa khí ai dại gì kê táng,
             Rượu tri âm ai dại độn long đền!

             Hãy uống đi, hỡi chư huynh đệ!
             Dù rượu giang hồ dù có chút đắng cay!
             Nếu lỡ say, ngày mai ta lại tỉnh,
             Hơn đám người suốt kiếp vẫn còn say!

             Chẳng cướp của, giết người, chẳng lo quả báo,
             Chẳng tạo oan khiên, chẳng sợ đòn thù.
             Bọn chúng ta xem thường danh lợi hão,
             Bất Vi còn,
             chắc chép vào Lã Thị Xuân Thu!

             Mặc thằng đời đứa khôn đứa dại,
             Chiếu rách lót lưng ta vẫn ngủ khò.
             Ăn trộm nào lựa thằng trên răng dưới dái,
             Ai xỉn rồi, cứ ngửa c… ngáy o o!

                                          Kha Tiệm Ly