Tác giả Quang Tuyết
CÓ PHẢI LÀ TÌNH YÊU?
Đây chỉ là câu hỏi riêng của tôi. Một câu hỏi khó. Người
trong cuộc không thể xác định, người ngoài cuộc ngu ngơ chẳng thể nào lý giải.
Cứ như trời nhiều mây mà le lói nắng. Trạng thái tâm lý thật mù mờ nên tuy lòng
thắc mắc, nhưng chẳng trông mong gì nghe ai đó trả lời...
“
Ô! Anh Hải về răng chừ rứa? Mạ nhắc anh mấy ngày ni rồi.”
Hải mỉm cười, xoa đầu cô em gái:
“Anh
mới xuống xe”. Quay sang cô bé lạ, anh hỏi:
“Bạn
em hả?”. Cô bé cúi gằm mặt xuống lí nhí:
“Dạ”.
Mơ xoay người nói khẽ:
“Thy
Mộng , bạn cùng lớp với em. Nhà ở ngoài Ái Tử, đi về xa quá nên em xin mạ cho Mộng
ở lại nhà mình luôncho tiện”.
Cô bé khẽ huých tay ra vẻ trách bạn sao kể lể dài
dòng, rồi lí nhí chào anh kéo vội Mơ ra cổng. Anh nhìn theo mỉm cười thú vị: “cứ như là chú chim Sâu nhỏ”. Tên cũng
như người. Thy Mộng. Thiệt ngộ. Chúm môi huýt một điệu sáo quen thuộc, anh đi
vào nhà tìm mạ...
Những lần về phép sau đó, Hải muốn làm quen mà không
có dịp, cô bé lĩnh như chạch. Đang ngồi ngoài hàng hiên, thấy anh xuống xe là
viện cớ vô phòng học bài. Nhút nhát như con thỏ, khác xa những cô gái mà anh từng
quen. Vậy mà nghe em gái anh kể : “bạn em
học giỏi lắm đó, nhất là Pháp Văn anh Hải ơi” mới lạ chứ.
Thời gian cứ rứa trôi đi, một chuyến ghé về thấy nhà vắng
vẻ, thiếu bóng cô bé thắt bím năm nào. Hỏi ra mới biết cô trở về sống cùng gia
đình người anh trai từ mấy tháng trước.
Thế rồi chiến tranh leo thang ngày càng khốc liệt, anh
bị cuốn theo làn sóng không thể cưỡng lại như chiếc lá trong cơn gió loạn. Để rồi
một ngày gió tích lũy theo thời gian biến thành cơn bão lớn biến chuyển cả thời
cuộc, thay đổi cả số phận của anh cùng những người anh em khác, trở thành kẻ
tha phương...
Hôm nay anh gặp lại, cô vẫn bé nhỏ như năm nào dù vết
hằn thời gian hiện rõ trên làn da, vóc dáng. Anh ngỡ ngàng lắm khi nghe em gái
kể về cuộc đời cô. Trái tim người đàn ông trải qua bao biến cố trong đời bỗng
nghe nhoi nhói, sắt se.... Anh không thể nói gì vì e rằng lời nói sẽ chạm vào nỗi
đau đã ngủ yên trong tâm hồn cô bé. Ừ, trong anh Thy Mộng vẫn mãi là cô bé tinh
khiết như sương mai ngày xưa.
Thy Mộng băn khoăn: Gặp lại anh sau hơn 50 năm chẳng
nghe tin tức, khi biết anh đang mang trọng bệnh, lòng cô bỗng chợt nhói đau. Đời
người sao lắm chuyện buồn. Cô tâm sự với tôi vào một buổi sáng trời dìu dịu nắng.
Hai đứa ngồi trên bộ ghế nhựa kê trước hiên nhà ăn bánh ướt, uống trà.
“Mình
trở về nhà cứ nghĩ về anh, lòng thấy vui vui khi nhận được những tin nhắn hỏi
han, ý nhị từ trong ấy gởi về T ạ. Nhưng T đừng nghĩ mình đã có tình ý gì với
anh nhé, xưa hay nay cũng thế chưa một lần mình nghĩ hay nhớ về anh bằng nỗi nhớ
đặc biệt...”
Mơ và Mộng cùng học một lớp, cùng vần M nên hai đứa ngồi
cạnh nhau và trở thành bạn thân thiết. Ngay hai tên ghép lại cũng khá đặc biệt
rồi, nên sự thân thiết có vẻ như có duyên với nhau.
“Nhà
mình xa, vào ở trọ nhà Mơ nên mình luôn xem anh như anh ruột. Thời ấy sợ oai
anh lắm nên chẳng dám tiếp xúc nhiều, chỉ ru rú trong phòng lo học bài. Chỉ ở
nhờ 2 năm thôi, sau khi lên lớp 10 thì mình chuyển hẳn về nhà anh trai, gần cầu
ga Quảng Trị. Hai đứa phân ban nên chẳng còn chung lớp. Từ đó bóng phải xa
hình, chỉ thoáng mĩm cười chào hỏi vài câu rồi đứa nào vào lớp đứa nấy và anh
cũng như bóng mờ thoáng qua thời Ô Mai của mình thôi T à”.
Thời gian qua như thế, cuộc đời vốn là vậy. Chiến
tranh và số phận đẩy người ta gặp nhau, rồi đưa người xa người. Thy Mộng lập
gia đình khi chưa hoàn thành năm cuối đệ nhị cấp. Mãi sau nầy gặp lại tôi mới
biết Lý chồng Mộng, cũng là bạn cùng lớp với tôi. Gặp lại người bạn xưa khác hẳn
hình ảnh ngày nào khi còn chung lớp. Tôi luôn thán phục sự lưu loát và hiểu biết
của Lý, mệnh danh là con mọt sách. Khả năng tiếng Pháp có lẽ nhất lớp. Vậy mà
ai hay vướng sớm chữ tình để bỏ cả công danh, tài năng. Ngậm ngùi nhìn Lý trãi
tấm ni-lông dưới đất, Mộng bày biện vật dụng lên trên để chào khách, hàng của họ
là những con Poupe mắt nhắm, mắt mở... Những chiếc khăn voan đủ màu sặc sỡ, rồi
đèn Pin, dao nhíp vv... Miệng chào mời các chú Bộ Đội, những người dân miền Bắc
xuôi Nam cứ như ông Tàu phù bán bi don don ngoài phố, hay nhóm sơn đông mãi võ
góc đường. Sau đó tôi nghe tin vì phải cưu mang thêm những đứa cháu mồ côi nên
hai vợ chồng hết vốn liếng làm ăn. Lý bỏ gánh nặng con cái lại cho vợ, lên Tây
Nguyên lập nghiệp. Thời gian sau một phần vì xa mặt cách lòng, một phần tác động
của gia đình Lý ăn ở với một người đàn bà khác. Mộng phải nuôi bầy con trong
hoàn cảnh nghèo khó, nheo nhóc. Tôi đến thăm nhà bạn. Gọi là nhà cho dễ nghe chứ
chỉ là mấy tấm tole thủng vá víu, tạm bợ gần HTX Mành Trúc. Vậy mà giỏi thật,
hay trời còn ngó nghĩ chừa cho số phận con cái của người một con đường để sống
nhỉ, nên dù nặng gánh oằn vai Mộng vẫn vượt qua số phận đau buồn, chu toàn rất
tuyệt trách nhiệm làm Mẹ, kiêm luôn nghĩa vụ làm cha lo lắng, dạy dỗ các con
công thành danh toại. Tình thương của mẹ, trách nhiệm làm người, rồi nặng gánh
lương tâm Mộng hầu như không còn thời gian nghĩ đến đời sống tình cảm riêng tư
của mình, bỏ hết ngoài tai những lời ong bướm tán tỉnh. Nào ai biết đâu số khổ
nên làm chi rồi cũng gặp khổ, đứa con trai vừa ra trường đi nhận nhiệm sở, bị
tai nạn xe trở thành đứa bé mãi mãi sống dựa vào sự chăm sóc, lo toan của Mẹ.
Phần Lý chồng Mộng, cuối cùng lâm vào cảnh cơm không lành, canh không ngọt nên
tổ ấm 2 cũng vỡ tan. Sống lây lất được mấy năm, anh ta lâm trọng bịnh rồi qua đời.
Mộng nghĩ nát óc không biết mình nên xữ sự thế nào cho đúng. Qua hai đêm thức
trắng cân nhắc, dù lòng còn hận người ta phụ bạc, Mộng vẫn quyết định đưa Lý về
quê lo chôn cất, và thờ tự tử tế. -
“Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Và có gì đi nữa cũng đã từng là vợ chồng. Có bạc bẽo
đến đâu cũng là người sinh thành ra các con của mình, hơn nữa mình may mắn được
Trời Phật giúp đỡ lâu nay, nên mình phải sống bằng tâm thiện.”
Việc Mộng làm gây những dư luận trái chiều. Nhưng cô
biết vì bạn bè thương cô nên giận Lý thế thôi, họ vẫn thầm mến phục và rất tôn
trọng quyết định của Mộng. Các con của Mộng càng thấy thương và cảm phục Mẹ,
nên quây quần sống quanh đó để sớm hôm thăm hỏi, chăm sóc mẹ. Âu cũng là quả
lành từ mầm thiện Mộng gieo bấy lâu.
Sáng nay hai đứa có thì giờ mưa nắng, tôi ở xa lâu lâu
mới về thăm quê nên lần nào gặp nhau cũng vội, mấy khi được ngồi thư thả như thế
nầy. Mộng cứ như nắng hạn gặp mưa, thủ thỉ kể cho tôi nghe mọi chuyện trong đời,
gọi là trút bầu tâm sự.
“Bẵngđi
một thời gian lâu lắm, tháng trước Mơ tìm được số điện thoại và gọi về cho
mình. Mơ kể rằng: Mộng ơi!...Còn nhớ anh Hải của mình không, anh vừa từ Mỹ về
thăm và ao ước được gặp bạn một lần. Mình đoán không lầm anh Hải thương thầm Mộng
từ hồi tụi mình còn đi học với nhau đó. Bây giờ Anh đang bịnh nan y Mộng ạ. Nên
mình mong bạn đừng từ chối vì chưa chắc đã có lần gặp gỡ lại sau nầy...”
Suy nghĩ rồi quyết định trong vòng một buổi chiều,
sáng sớm cô lấy vé đi Huế, sau khi sắp xếp ổn thõa việc nhà, gởi gắm con trai
cho người em trong xóm. Cô thầm nghĩ: “Gia
đình ấy đã từng bảo bọc mình, anh ấy cũng đã từng như anh trai mình, khó khăn
thế nào cũng phải lo liệu thôi” .
Họ gặp lại nhau khi Thy Mộng không còn là cô bé thắt
bím. Anh cũng không còn là chàng lính kiêu hùng ngày xưa. Cả hai im lặng nhìn
nhau, không nói một lời. Ký ức hiện lên từng hình ảnh kỷ niệm về ngôi nhà ở đường
Trần Hưng Đạo, về Thị Xã Quảng Trị tuy nhỏ mà biết bao niềm thương, thi thoảng
nhìn vào nhau rồi lại im lặng. Một lát anh ân cần hỏi han cuộc sống của cô và
các con, rồi miên man kể về quê nhà. Nhìn anh lòng Mộng xót xa vô vàn, thượng đế
oái ăm quá sao con người ta sao cứ phải quay trong bánh xe sinh lão bệnh tử
nghiệt ngã thế kia... Sao không cứ cho vui sống, khỏe khoắn đến kỳ hạn rồi đi
nhỉ?
Tạm biệt anh trong lưu luyến, băn khoăn mãi khi nghe
anh đề nghị: “Hãy cố gắng thường xuyên
liên lạc, cho đến khi anh không thể nhé Mộng?”. Gặp nhau chỉ thế mà lòng
sao bâng khuâng lạ.
“T
ơi! Từ hôm về đến giờ, hầu như ngày nào anh cũng nhắn tin, ngoài những câu thăm
hỏi và động viên, thỉnh thoảng có vài câu khá tế nhị làm mình cảm thấy e ngại.
Không biết có nên chuyện trò để vui trong thời gian còn lại rất ít của anh, hay
đề nghị anh đừng nên liên lạc vì hạnh phúc gia đình. Nhất là sợ vợ anh ấy biết
được sẽ hiểu lầm mà buồn phiền thì mình là người có tội.”
Tôi nói: “T nghĩ
chị ấy sẽ không trách cứ gì Mộng đâu, vì chị đã biết hai người chẳng có liên
quan gì trong quá khứ. Chẳng qua là hương hoa của thời trai trẻ ai cũng đã từng
trãi qua, nay gặp lại trong hoàn cảnh nầy thì có chút chạnh lòng thế thôi. Anh ấy
không còn nhiều thời gian Mộng ạ, hãy tạo cho anh ấy một niềm vui để thấy cuộc
sống ý nhị cho đến ngày ra đi. Biết đâu đó chính là liều thuốc hồi sinh mạnh mẽ,
mầu nhiệm nhất đem lại anh một sự may mắn, chị sẽ còn anh bên cạnh, các cháu
chưa mất bố... Cứ làm theo tâm mình mách bảo trong một giới hạn chủ động Mộng
ơi”.
Tôi thấy Thy Mộng bây giờ trở nên vui vẻ, tươi tắn và
cởi mở hơn. Chắc hẳn bạn tôi bước ra khỏi cái khung cứng ngắc vô hình đã trói
buộc mình mấy chục năm nay. Và Thy Mộng đang sống cho tâm tư của mình, dù tất cả
là bóng mây, là màn sương nhưng chí ít cũng cho người một sắc màu hồi sinh...
Quang Tuyết
(Hạ
buồn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét