Nguồn: https://damau.org/archives/27920
Tác giả
Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu sinh 1959 tại Long Xuyên, sống bằng
nghề cầm bút ở Sài Gòn từ năm 1987. Năm 2011, ông cùng vợ sang học tập và làm
việc tại Bangkok, Thái Lan. Trong giai đoạn đầu viết lách, Vương Trung Hiếu chủ
yếu viết báo, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết. Về sau ông chuyển dần sang
biên soạn và dịch sách. Tính đến nay ông đã trình làng trên 200 đầu sách.
TÌM HIỂU NHỮNG BÀI THƠ, CA DAO
LIÊN QUAN TỚI “CANH GÀ THỌ XƯƠNG”
LIÊN QUAN TỚI “CANH GÀ THỌ XƯƠNG”
Trước đây nhiều nhà nghiên
cứu đã tranh luận sôi nổi về nguồn gốc, dị văn, dị bản của những câu ca dao và
bài thơ có liên quan đến “canh gà Thọ Xương”. Năm 2012, thêm một lần nữa, xuất
hiện rầm rộ những bài viết liên quan đến vấn đề này, đặc biệt là quan điểm cho
rằng “canh gà” là một món ăn, điều này trái ngược với nhận định truyền thống:
“canh gà” chỉ thời gian (tiếng gà báo canh). Thật hư thế nào, chúng ta thử tìm
hiểu các quan điểm, phân tích và minh định đôi điều, bởi vì đây là một tác phẩm
đã từng xuất hiện trong sách giáo khoa trung học và đại học, đã từng được ghi
nhận, đánh giá trong những công trình nghiên cứu có trọng lượng như “Lịch sử
văn học Việt Nam” (NXB Khoa Học Xã Hội, 1980), “Văn học dân gian” (NXB Đại Học
Và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1973) hay “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” của Vũ
Ngọc Phan (1956, tái bản nhiều lần)….
Về cơ bản có ba bài như sau:
Trong ca dao Hà Nội:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa làn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.
Bài thơ “Hà Nội tức cảnh” của
Dương Khuê:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mùng khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây hồ.
Và trong ca dao Huế:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
Thuyền về xuôi mái dòng Hương,
Biết đâu tâm sự đôi đường đắng cay.