BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Hữu Quang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Hữu Quang. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

PHẠM HỮU QUANG, "GIANG HỒ TA CHỈ GIANG HỒ VẶT" - Phạm Hiền Mây



Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt / Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, là hai câu thơ, thú vị và thi vị, nhiều năm nay, vẫn luôn được mọi người nhắc đến trong niềm yêu mến và thương tưởng.
 
Giang hồ nghĩa là gì, mà sao trong thơ ca, văn chương và cả đời thường, lại nhắc tới nhiều vậy?
Học giả Đào Duy Anh trong Giản Yếu Hán Việt tự điển giảng hai chữ giang hồ như sau: Tam giang và ngũ hồ là chỗ ẩn dật - không có chỗ định trú - hư phù không tin được. Nghĩa rộng ra, giang hồ là từ dùng để chỉ cuộc sống phóng túng, rày đây mai đó, không ở yên một chỗ.
Từ nghĩa gốc sông to và ao lớn, chỉ cảnh thiên nhiên, người ta ám chỉ đến những người từng trải việc đời, rồi xa hơn nữa, người ta ám chỉ đến những người ngao du đây đó, thích du lịch, thích phiêu lưu, sống lang thang. Và nếu hiểu theo nghĩa xấu, thì giang hồ là làm giặc, là ăn cướp.
Trong tự điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh còn lấy hai câu sau đây để diễn giải thêm một nghĩa nữa của giang hồ, khi dùng cho nữ giới, thì đó là gái làng chơi, gái ăn sương:
 
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ
Một mùa quan tái bốn mùa gió trăng
 

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

THƠ PHẠM HỮU QUANG (1952 - 2000) - Trần Hoàng Vy


Nguồn:


          
           Nhà thơ Trần Hoàng Vy


         THƠ PHẠM HỮU QUANG (1952 - 2000)

Ở vào cái tuổi 49 Phạm Hữu Quang đã "giang hồ" vào cõi hư vô đến nay đã 18 năm. Còn nhớ năm 1990 ở phía Nam ra tham dự Trại viết Thiếu nhi lần thứ I do Hội NVVN tổ chức gồm có mấy người : Phạm Hữu Quang (An Giang) Nguyễn Thái Nguyên (Cà Mau) Trần Thị Hoàng Anh (Đồng Tháp) và tôi. Tôi ở chung phòng với Phạm Hữu Quang. Phạm Hữu Quang người to mập khuôn mặt hợp với võ hơn văn vậy mà những bài thơ Quang viết cho thiếu nhi rất hồn nhiên ngộ nghĩnh và đáng yêu. Bên cạnh những bài thơ cho người lớn cũng rất ấn tượng nhiều bạn bè nhớ là bài "Giang hồ". Tới đâu cũng nghe anh em đọc: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà". THV xin trân trọng giới thiệu lại bài thơ "Giang hồ" của anh.

                                                                                  Trần Hoàng Vy


 Nhà thơ Phạm Hữu Quang sinh năm 1952 tại Thốt Nốt Cần Thơ và mất năm 2000 tại An Giang. Ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm của ông đều rất có hồn.
"ta về ừ nhỉ ta về thôi
ô hay bến thuyền kèo cột gãy
qua mùa hoạn lộ chẳng còn vui"
(Trích Khúc ru, 1986)


  
GIANG HỒ

Tàu đi qua phố tàu qua phố
Phố lạ mà quen ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi trèo thang với giặt đồ

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa trắng cả lòng

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình

Giang hồ có buổi ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chửa chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một góc si

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ thôi trời đất cứ liêu xiêu

Giang hồ ta chẳng hay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường

Giang hồ ba bữa buồn một bữa
Thấy núi thành sông biển hóa rừng
Chân sẵn dép giầy trời sẵn gió
Ngựa về ta đứng bụi mù tung

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà

PHẠM HỮU QUANG