BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

LỜI TỰ THUẬT CỦA THI SĨ HỮU LOAN (1916 - 2010)



Xin giới thiệu bài tự thuật của Hữu Loan. Bài viết rất cảm động vì sự chân thành, vì tình người, tính người. Nhờ đó ta có thể cảm nhận một cách sâu sắc nhất nỗi bất hạnh, cái lãng mạn và bi tráng của một thời đại tao loạn. Trong đó mỗi số phận cá nhân đều chứa đựng những bi kịch đau đớn của lịch sử.
Có những người trong đời làm đến hàng trăm bài thơ được đăng trên nhiều báo nhưng chưa chắc ai còn nhớ nổi đến một câu thơ. Còn Hữu Loan thì với chỉ vài chục bài thơ, trong đó có bài Đèo Cả và đặc biệt là Màu tím hoa sim, cái tên Hữu Loan cùng bài thơ đã đi vào lòng người của biết bao thế hệ.
Bài thơ Màu tím hoa sim được hai nhạc sĩ phổ thành nhạc: Phạm Duy và Dũng Chinh. Bài của Dũng Chinh có tựa đề là "Những đồi hoa sim", với điệu bolero. Còn ca khúc thứ 2 là của Phạm Duy có tên là "Áo anh sứt chỉ đường tà" thì nổi tiếng hơn rất nhiều.
Mời các bạn đọc lại bài thơ nổi tiếng này qua lời tự thuật cảm động của chính tác giả.
 
 
MÀU TÍM HOA SIM
 
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
 
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
 
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
 
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
 
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
 
Hữu Loan
(1949, khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh)
  

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

PHÍA EM, HỎI ANH, HUẾ MÃI YÊU THƯƠNG, TRĂNG MƯỜNG GIANG, ĐÔI NGÃ – Thơ Phạm Ngọc Thoa


    


PHÍA EM !
 
Chưa đi hết
kiếp nhân gian
Mà hồn thơ đã
nhuộm vàng cõi thơ
Sương giăng
trùng điệp xa mờ
Mà thương
tháp tuổi dại khờ chồng chân
 
Thoáng ngờ nghệch
Dáng xưa gần
Tình ơi !  lá đổ hiên sân
Cạn đêm
rồi cũng hóa thành
chiêm bao
Trời xa lắc
kẻ phương nào
Lõng vòng tay ấm
rớt vào hư không
 
Miên man
trái đất nữa vòng
Cùng trong hoàn vũ
đôi dòng tương tư
Ướt nhành thơ
lạnh vô hư
Nghe hoang mơ rụng
xuống từ phía em.
 
 

NÍU XUÂN – Thơ Đặng Xuân Xuyến


    

NÍU XUÂN
 
Anh bảo thằng này ngớ ngẩn
Chị lườm rõ thật em tôi
Hoa tàn rồi hoa lại nở
Trăng khuyết rồi trăng lại tròn
Chỉ mình em tôi dớ dẩn
Vít mây bẻ gió kết thuyền...
 
Sớm nay Xuân về qua ngõ
Tay bế tay bồng rất vội...
Cây si già thêm mấy tuổi
Níu xuân đợi đến bao giờ...
 
Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2013
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

LÊN ĐỒI, CHIỀU THU LÁ ĐỎ - Thơ Nguyên Lạc

 
  


LÊN ĐỒI
 
Lam không gió khẽ trời gần
núi đồi ngây ngất
quỳnh trầm em thơm!
Lên đồi!
ta
lên đồi
em
đất trời chiều ấy
nghìn năm hương người!
Nồng nàn
Đâu một kiếp thôi
Lai sinh có gặp
vẫn đồi em thơm!
 
Bao năm rồi!
có nhớ không?
Đồi xưa tìm lại...
cố nhân phương nào?
Tìm đâu?
Mây trắng bay mau!
Em trầm hương có nhạt màu thời gian? 
Đồi xưa trời rụng lũng ngàn
Người xưa đỏ mắt chiều tàn sương rơi
Về thôi đêm đã đến rồi
Còn đâu hương cũ
ru tôi muôn trùng!
 
 

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2020

NHÀ THƠ XUÂN DIỆU TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”

Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/xuan-dieu/
 

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh

Có một hồi, người ta cứ đồn Xuân Diệu ái nam ái nữ. Không rõ hư thực thế nào. Rồi anh cưới Bạch Diệp. Ái nam ái nữ sao lại lấy vợ? Nhưng được mấy tháng, Bạch Diệp bỏ luôn. Vậy là sao?
 
Thực ra Xuân Diệu chỉ mắc chứng đồng tính luyến ái và bất lực trong quan hệ tình dục, chứ không ái nam ái nữ.
 
Hồi kháng chiến chống Pháp, tôi công tác với anh Lã Hữu Quỳnh ở Sở Giáo dục Liên khu Việt Bắc (Anh Quỳnh là một nhạc sĩ, sau 1954, về Hà Nội làm Hiệu phó trường nhạc trung cấp). Anh quê ở Bắc Giang. Trong thời gian kháng chiến, các văn nghệ sĩ đi công tác qua, thường ghé vào nhà anh ngủ nhờ. Một lần, Xuân Diệu và Trần Văn Cẩn vào ngủ nhờ. Nửa đêm, anh thấy Cẩn đùng đùng dậy chửi mắng Xuân Diệu thậm tệ.
 
Anh Xuân Tửu một lần cùng Xuân Diệu ở trong một đoàn văn nghệ sĩ đi thăm đảo Cô Tô. Chiều hôm trước họ nghỉ lại ở Móng Cái để hôm sau đáp tàu ra đảo. Xuân Tửu muốn tắm truồng nên một mình lang thang ra biển tìm chỗ vắng người. Nhưng rất phiền là cứ thấy Xuân Diệu lẽo đẽo đi đằng sau. Đi một chập, Xuân Diệu biết ý Xuân Tửu, nói: “muốn tắm truồng phải không? Thì cùng tắm”. Xuân Tửu mừng quá không phải vì được tắm, mà vì nhân dịp này, biết đích xác Xuân Diệu có ái nam ái nữ hay không. Anh giương mục kỉnh để nhìn cho rõ – Té ra rất đẹp! – Xuân Tửu nói với tôi như vậy.
 

THƯƠNG VÒNG XE ĐẠP CŨ... – Thơ Tịnh Bình

 
    


THƯƠNG VÒNG XE ĐẠP CŨ...
 
Rồi đến lúc
Ta không còn trẻ nữa
Những hoàng hôn
Cọng nắng cũng đã già
Chiều đông lạnh
Ngóng hoài về quá vãng
Gió bên hồ
Chẳng ấm nổi lòng ta...
 
Mênh mang quá
Trôi về đâu sóng nước
Mây cuối trời
Gờn gợn nỗi hư vô
Bầy sâm cầm
Ơ hờ tung cánh vỗ
Trăng thị thành
Xa vắng quá giấc mơ...
 
Chiều trở lại
Hững hờ ai quên nhớ
Mùa dâng hương
Sương khói hóa mơ hồ
Thu chín nẫu
Muộn mằn ta đứng đợi
Phố trầm tư
Rụng xuống tiếng ca buồn
 
Đâu quán cóc
Gửi lòng câu thơ cũ
Kỷ niệm nhòa
Đau đáu vết thời gian
Chiều lỡ hẹn
Thương vòng xe đạp cũ
Nắng hoàng hôn
Loang sắc tím ngày tàn...
 
                TỊNH BÌNH
                 (Tây Ninh)

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2020

TRAI LÀNG RA PHỐ... – Thơ Đặng XuânXuyến


    


TRAI LÀNG RA PHỐ...
 
Ừ thì rõ trai làng "lớ ngớ"
Vốn chân quê nên sẵn khù khờ
Em cứ bẻ ngang chừng cụm gió
Quất nát chiều cho bớt ngu ngơ
 
Ừ thì rõ trai làng "quá dở"
Đã chân quê lại giấu ngù ngờ
Em cứ đập cho chiều vụn v
Để đêm nằm run cóng giấc mơ.
 
Ừ thì rõ trai làng "tưởng bở"
Chốn thị thành dễ dệt ước mơ
Em cứ quẳng đại vào góc chợ
Đốt cháy chiều cho trụi "ham mơ"
 
Ừ thì rõ trai làng "nịnh bợ"
Đã "nhà quê" còn thích i tờ
Em cứ tẩm chiều cho ngọt lợ
Trút nhiều cay để hết "gà mờ"
 
Người ta nói: Trai làng…
Đến sợ!
 
Hà Nội, trưa 24 tháng 11-2020
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

BẤT NGỜ TRƯỚC NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT CỦA LÝ THẾ DÂN – Vũ Phong

Lý Thế Dân là vị hoàng đế thứ hai của thời Đường, ông đã đặt nên nền tảng vững chắc cho thời Đường sau này. Tuy nhiên, cũng chính vì trong cả một thời gian dài khai sáng thời Đường khiến cơ thể của ông tới tuổi trung niên xuất hiện nhiều bệnh tật.

 
                                                   Lý Thế Dân (ảnh minh họa)


BẤT NGỜ TRƯỚC NGUYÊN NHÂN CÁI CHẾT CỦA LÝ THẾ DÂN                                                                                                Vũ Phong

Lý Thế Dân là vị hoàng đế thứ hai của thời Đường, ông đã đặt nên nền tảng vững chắc cho thời Đường sau này. Là một ông vua trải qua chiến trường, ông vô cùng giỏi việc cưỡi ngựa tác chiến. Tuy nhiên, cũng chính vì trong cả một thời gian dài khai sáng thời Đường qua chiến tranh và lao lực khiến cơ thể của Lý Thế Dân khi tới tuổi trung niên xuất hiện nhiều bệnh tật. Dựa theo ghi chép lịch sử, ngoài 50 tuổi, sức khỏe của Lý Thế Dân đã có vấn đề rất lớn.

MAO Ở VŨ HÁN - Nguyễn Đức Tùng

 

Mao bước xuống nước. Buông tay vịn bằng gỗ, ông khởi động chậm chạp, để mực nước dâng lên từ từ. Nước lạnh buốt. Mao cố không rùng mình. Âm nhạc trỗi khắp mặt nước. Ông hụp người xuống, lặn một quãng, trồi lên, mất cảm giác lạnh. Đó là lần trở lại đầu tiên, sau hơn một năm lui về. Như một con thú dữ bị trúng tên, lặng lẽ nằm liếm vết thương rỉ máu trong hang sâu. 

VỀ PHÍA MÙA ĐÔNG!, ĐÔNG QUẠNH!, GIỌT NẮNG BÂNG KHUÂNG !, BIỂN CHIỀU!, HỒN QUÊ! – Thơ Phạm Ngọc Thoa

 

   


VỀ PHÍA MÙA ĐÔNG!
 
Biển xô
xác sóng sụt sùi
Nắng nghiêng
Bờ cát ngậm ngùi gót xa
Triều dâng
chân sóng như là
Thu đi
từ độ mùa hoa trễ tràng
 
Xót xa
nhìn khóm thu vàng
Biển chiều
ngơ ngác dã tràng xe đông
Ngoảnh mùa
thu lạnh hư không
 
Em đi
về phía mùa đông lạc loài
 
Mùa đông
nắng vỡ trên tay
Vỡ loang
mảnh nắng gió lay lắt buồn
Nhạt bờ
môi lạnh cõi hồn
Dường như
đông cũng cô đơn lạc người
 
Nhớ mùa
trăng ngủ trên tay
Bàn tay
so với bàn tay ấm lòng
Nghiêng mùa
trắng hạt sương đông
Cay cay
trên mắt gió bồng bềnh ru
 
Và như ướt áo hơi thu
Ngồi hong
nỗi nhớ nghe đu đưa buồn…
 
 

CHÙM THƠ “NĂM MƯƠI NĂM…” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   

NĂM MƯƠI NĂM NGỒI UỐNG MỘT MÌNH
 
Năm mươi năm ngồi uống một mình
Rượu giang hồ chén nhớ chén quên
Chén đợi trăm năm bầm nước mắt
Chén gọi thiên thu mù cổ nhân
Ta rót tràn ly! Sao mãi ly không
Cho ta rót cạn cả tấm lòng
Cho ta rót hết từng cơn mộng
Ai uống cùng ta cạn nỗi buồn
Ta rót tràn ly hay ly vỡ tràn
Rót về đâu hỡi! Giấc mơ tan
Sao ta chưa uống mà say khướt
Sao ta không khóc mà lệ tràn
Ta vẫn rót và mời ta hãy uống
Rượu giang hồ là rượu của thương đau
Ồ không! Rượu của hồn thiên cổ
Chảy xuống đời ta cuộc bể dâu
Rượu ta rót? Sao ta buồn quá đổi
Rượu của người chảy suốt cõi hoang vu
Em ơi rượu cháy hồn khuê nữ
Sao em không về, rượu có đầy vơi
Rượu chưa uống mà lòng sầu muôn hướng
Lệ của nghìn thu chảy quặn lòng
Lệ của em vàng cơn huyển mộng
Lệ của ta tràn cả chiếc ly không!
 
                                  21/6/2017

 

BÁNH VẼ, CHỖ ANH NGỒI, BÀI TÍNH SAI, GIAM THUYỀN, BIỂN VÀ CÁT – Thơ Hoàng Hương Trang


   

BÁNH VẼ
 
Mèo mẹ dắt mèo con dạo phố
Ngắm ngựa xe, lố nhố cửa nhà
Phố phường rộn rịp người ta
Bán buôn tấp nập thật là đông vui.
Mèo con bỗng đánh hơi thơm phức
Tự cửa hàng bánh mứt bay ra
Vội vàng vòi mẹ mua quà
Mẹ mèo dừng bước ngó qua tủ bày
Bánh giò, bánh nướng, bánh dầy
Bánh gai, bánh dẻo… xếp đầy bên trong
Con chọn mãi vẫn không vừa ý
Mẹ xoa đầu – con quý con yêu
Bánh nào con thích mẹ chiều
Hàng này quả thực có nhiều bánh ngon.
Mẹ ơi, bánh cỏn con nho nhỏ
Ăn nó vào chã bỏ bèn chi
Mẹ nhìn lên vách đằng kia
Bánh to hơn cả cái nia cái bồ
Mua bánh ấy khỏi lo mẹ ạ
Một chiếc thôi no đến cả đời
Mẹ cười – Con mẹ lầm rồi
Đó là bánh vẽ dối người đấy thôi
Hãy suy cho kỹ con ơi
Trót nhầm một phút, đi đời nhà ma!
 
 

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2020

THU THA HƯƠNG – Thơ Nguyên Lạc


    


THU THA HƯƠNG
 
Sao trăm năm vẫn huyền mắt sâu?
Mây tóc em sao không nhạt màu?
Chiều nay nghiêng nắng rơi lá đỏ
Đầy mắt thu ơi một bóng sầu
 
Sao li tan mãi hoài li tan?
Sao trong ta nguyệt vẫn không tàn?
Thu chi cho sáng vầng trăng đó?
Soi rõ làm chi nỗi điêu tàn?!
 
Sao xuân thu vẫn hình bóng ai?
Muôn trùng âm điệp khúc tình hoài
Đêm tha hương trăng thu trắng quá
Soi rõ hồn xanh huyễn mộng dài!
 
Sao mùa thu không là mùa thu?
Một mùa thu môi má ai nồng
Đêm thu cô lữ rơi lệ đỏ
Se sắt thu phong nỗi hư huyền
 
Sao trong tâm vẫn hoài cố nhân?
Kiếp lưu vong một kiếp sống mòn
Xuân thu sương điểm sầu dài tóc
Khóc nỗi tàn phai tuổi xuân hồng! 
 
                                  Nguyên Lạc

NHÀ THƠ HOÀNG CẦM TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”


Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh

Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/hoang-cam/

Những tư liệu riêng của tôi về Hoàng Cầm, tôi đã đưa cả vào bài chân dung: “Hoàng Cầm người và thơ”.
Giờ tôi chỉ chép lại hai câu chuyện Hoàng Cầm kể tôi nghe mà tôi chưa có dịp viết ra:

 1. Chuyện tiết mục quan họ bị đả đảo

Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ. Hoàng Cầm lúc đó phụ trách đoàn văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị. Ông được giao tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ mừng chiến thắng trong rừng Việt Bắc. Trong chương trình biểu diễn hôm ấy, Hoàng Cầm bố trí xen vào một tiết mục hát giao duyên quan họ.
 
Đang diễn thì ở một góc hội trường, bỗng có một đám bộ đội đứng dậy hô đả đảo. Chỉ huy đám bộ đội này là một sĩ quan nổi tiếng anh hùng lúc bấy giờ tên là Thái Dũng. Tây rất nể nhân vật này, gọi anh là Capitaine manchot (đại uý cụt tay). Thái Dũng hô lớn: “Trong quân đội không được hát hỏng trai gái nhảm nhí. Đi xuống!”.
 

BÀN VỀ “ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA, BÀI 2”, THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG – Châu Thạch


Thi sĩ Vũ Hoàng Chương

ĐỌC LẠI NGƯỜI XƯA  2
 
“Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”
                             Phạm Ngũ Lão
 
Đại công ngoài mãi tầm tay
Thẹn nghe lời nhắc rồng mây Vũ hầu
Non sông riêng họ Trần đâu
Mà trăm trận đánh công đầu về ai
Để ta thương một chàng trai
Giáo cầm ngang tiếng thở dài mấy thu
Kìa trên dòng sử hoang vu
Tầm tay ai vượt sương mù trỏ lên
Thẳng băng ngọn giáo mũi thuyền
Nuốt sao Ngưu lệnh còn xuyên trăng tà
Chàng trai cười ngất Đông A
Hơi văn nhọn mãi chính là đại công.
 
                          Vũ Hoàng Chương
 
 
I - Sơ lược về nhà thơ Vũ Hoàng Chương
II - Sự Kiện của thơ
 
Phần I và phần II tôi đã viết ở “Bàn Về Đọc Lại Người Xưa, Bài 1” đăng trên trang mạng nên nay xin lướt qua. Mời quý vị có thể đọc ở đường link sau đây: 

https://phudoanlagi.blogspot.com/2020/11/ban-ve-oc-lai-nguoi-xua-bai-1-tho-vu.html
 
III - Tóm lược tiểu sử Phạm Ngũ Lão
 
“Đọc Lại Người Xưa, bài 2” nhà thơ Vũ Hoàng Chương viết về tướng Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão (1255–1320) là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người góp công rất lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288.
Phạm Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là làng Phù Ủng xã Phù Ủng huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), Việt Nam

 

CHUYỂN MÙA – Thơ Lê Phước Sinh


   

 

CHUYỂN MÙA
 
Em thay áo mỏng
Quàng chiếc Khăn Len
Suýt xoa,
hí hửng
hồn nhiên
Lạnh về ...
 
Lê Phước Sinh


Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

TẢO TẦN – Thơ Trần Mai Ngân


   


TẢO TẦN
 
Em tảo tần vun đắp
Giấc mộng xanh hai mươi
Mười năm rồi thêm mười
Mộng héo gầy chết non...
 
Em tảo tần chăm bón
Cây tình đẹp như 
Lời anh nói tựa thơ
Cho người ta phổ nhạc
 
Riêng chúng mình lợt lạt
Hoa trái vị đắng cay
Tảo tần cũng chia hai
Còn chi vun vén nữa...
 
Lạy Chúa Phật... đổ thừa
Chẳng may là duyên kiếp
Hồng nhan phải nắng mưa
Kiêu sa mấy chẳng vừa!
 
Em tảo tần vun đắp
Giấc mộng xanh hai mươi
Mười năm rồi thêm mười
Mộng héo gầy chết non...
 
             Trần Mai Ngân

TỐ HỮU TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”


             
                                            Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh

Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/to-huu/

Nguyễn Đăng Mạnh sinh năm 1930, là nhà giáo, giáo sư văn chương, nhà phê bình văn học Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh không ngừng hoạt động trên hai lãnh vực đào tạo sinh viên và nghiên cứu văn học trong hơn nửa thế kỷ qua. Ngay từ những năm 1987-1990, trong thời kỳ đổi mới văn học, ông đã đưa ra những biện pháp giáo dục và nghiên cứu mới, tách rời chính trị ra khỏi văn học, về Hồ Chí Minh, về Nguyễn Tuân, v.v…, đồng thời ông cũng nhấn mạnh đến việc cần phải nhận định lại các giai đoạn văn học sử, định vị lại giá trị tác phẩm theo tiêu chuẩn văn học chứ không theo đòi hỏi chính trị nữa. Những công trình nghiên cứu của ông về Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, v.v… nói lên phong cách phê bình độc đáo của Nguyễn Đăng Mạnh.
Một đời sống với văn học và thế giới nhà văn như thế, đã được ông ghi lại trên những trang hồi ký.


Nhà thơ Tố Hữu


TỐ HỮU TRONG “HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH”
 
Nhớ lại ba, bốn chục năm về trước, vào những năm 60, 70 của thế kỷ vừa qua, biết bao thế hệ đã từng mê thơ Tố Hữu. Mê thật sự. Đọc những bài như Bài ca mùa xuân 61 mà chảy nước mắt. Hồi ấy ông rất xứng đáng với danh hiệu “Lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam”. Để phục vụ cách mạng và kháng chiến, thơ ca hồi ấy bám rất sát từng nhiệm vụ chính trị, nên thường viết chung một số đề tài: anh bộ đội, anh giải phóng quân, Bác Hồ, anh Trỗi, mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý, miền Nam thành đồng Tổ Quốc, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội… Ngẫu nhiên mà thành ra những cuộc thi thơ toàn quốc. Trong những “cuộc thi” như thế, Tố Hữu hầu như đều chiếm giải nhất.

 

CHÙM THƠ CỦA THI SĨ TIỀN CHIẾN NGUYỄN XUÂN SANH



Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh - đại diện cuối cùng của phong trào Thơ Mới - vừa qua đời ở tuổi 100 vào sáng 22-11, tại Bệnh viện Hữu Nghị ở Hà Nội vì tuổi cao, sức yếu.

Năm 1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng 5 văn nghệ sĩ (Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát) chung chí hướng sáng tạo thành lập nhóm “Xuân Thu Nhã tập” với mơ ước xây dựng một đôi công trình tốt đẹp cho văn chương nghệ thuật và cho đời.

Tên Xuân Thu Nhã Tập là tổng hợp trí tuệ tập thể “Xuân Thu, theo cổ tự: Cỏ hoa nở dưới ánh mặt trời, và bông lúa chín… Sắc xuân và hương thu. Hai mùa quá độ, uyển chuyển trong khoảng cao, trong, nhẹ…”



Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết Nguyễn Xuân Sanh không chỉ là đại diện của phong trào Thơ Mới mà còn là người cách tân Thơ Mới ngay từ khi phong trào này vẫn còn rất mới với thi sĩ Việt.

Nhóm Xuân Thu Nhã Tập (thành lập năm 1939) mà ông là thành viên chính là một nhóm đầy ắp trăn trở tìm hướng phát triển thi ca, cách tân Thơ Mới. Nguyễn Xuân Sanh là người bắc nhịp cầu từ Thơ Mới sang thơ hiện đại, người khởi động cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm Buồn xưa, theo nhận định của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy.

Trong tiến trình của văn học Việt, hiếm có nhóm sáng tác nào lại độc đáo như Xuân Thu Nhã Tập. Độc đáo về chủ thể sáng tác, về đặc điểm thể loại và độc đáo về lịch sử số phận tác phẩm. Xuân Thu chỉ tồn tại trong vòng mấy năm (1942-1945), và chỉ gồm mấy tác giả, nhưng lại hội tụ đầy đủ cả “đại gia đình” nghệ thuật: Thơ ca, âm nhạc, hội họa. Số lượng sáng tác cũng rất “khiêm tốn” nhưng lại rất đa dạng về thể loại: thơ, văn xuôi, tiểu luận. Mục đích sáng tác cũng khá độc đáo: Dưới bóng Xuân Thu sẽ thực hiện: TRÍ THỨC - ĐẠO ĐỨC - SÁNG TẠO.