BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cá hô. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cá hô. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

MỘT LOÀI CÁ CHÉP KHỔNG LỒ CHƯA HÓA RỒNG TRÊN SÔNG CỬU LONG - Nguyễn Thanh Điệp

Cá Hô có tên khoa học là Catlocarpio siamensis thuộc họ cá Chép (Cyprinidae) và bộ cá Chép (Cypriniformes). Ở Việt Nam, loài cá nước ngọt có kích thước khổng lồ này còn được biết đến với tên gọi cá Chép Thái hay “cá vua”. Kích thước tối đa của chúng có thể đạt tới 3m và trọng lượng có thể lên tới 300 kg. Loài cá quý hiếm có giá trị kinh tế cao này cho đến nay mới chỉ được ghi nhận phân bố ở vùng Đông Nam Á.

Cá Hô thường sinh sống ở các ao hồ sâu nhưng chúng có thể di chuyển theo mùa vào các con kênh hoặc sông. Cá thể chưa trưởng thành thì thường được phát hiện ở vùng đầm lầy hoặc các nhánh sông nhỏ hơn. Mặc dù có kích thước cơ thể đồ sộ nhưng thức ăn chủ yếu của cá Hô lại là các loài thực vật thủy sinh rất nhỏ như tảo, rong biển và cả các loại quả của các loài thực vật ngập nước.


Từ lâu cá Hô đã được xem là món ăn thượng hạng của vùng sông nước trù phú, vì thế nhu cầu sử dụng loài cá này trong chế biến thực phẩm ngày một tăng cao. Tuy nhiên, số lượng cá Hô đánh bắt được trên sông Mê Kông ngày càng khan hiếm và hiện hiếm có cá thể nào có thể đạt được kích thước bằng một nửa kích thước tối đa.

Đặc biệt, loài cá này hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi thực trạng ô nhiễm nguồn nước, giao thông thủy và việc đánh bắt quá mức dọc vùng phân bố của chúng, trải dài từ Campuchia tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Các nhà khoa học lo ngại rằng, quần thể cá Hô đã bị suy giảm tới mức chỉ còn một vài cá thể có thể tồn tại đến thời điểm sinh sản của chúng.

Chính phủ các nước đã và đang nỗ lực thực hiện các dự án gây nuôi loài cá này như một biện pháp bảo vệ một trong những biểu tượng của khu vực, trong đó những con cá Hô con sẽ được thuần dưỡng để trở nên thích nghi với môi trường nuôi nhốt trong ao và phù hợp cho việc nhân nuôi.