BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

ĐỌC BÀI THƠ MẸ CỦA HỒNG KIỂM - Nguyễn Khôi


                 

                    ĐỌC BÀI THƠ MẸ CỦA HỒNG KIỂM 

                                           (Tặng Vũ Kiệt và Trần Bách)
                                                                 Nguyễn Khôi
                                                

        Thơ xưa và nay viết về MẸ (mẫu thân) không nhiều và cũng hiếm bài HAY, nhất là các bài thơ ngắn (6 câu, 4 câu). Cách nay 1200 năm có Mạnh Giao (751-814), thi sĩ đời nhà Đường có một bài cổ thi về Mẹ với tình ý sâu sắc bằng những lời giản dị :

                   Từ mẫu thủ trung tuyến,
                   Du tử thân thượng y
                   Lâm hành mật mật phùng,
                   Ý khủng tri tri quy.                   
                   Thùy ngôn  thốn thảo tâm,
                   Báo đáp tam xuân huy.
                               (Du tử ngâm)

         Trần Trọng Kim dịch :

                   Mẹ từ sợi chỉ trong tay
                   Trên mình Du tử áo may vội vàng
                   Sắp đi mũi chỉ kỹ càng
                   Sợ con đi đó, nhỡ nhàng trễ lâu
                   Chút lòng tấc cỏ dễ đâu
                   Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho vừa.
                    (Khúc ngâm đứa con đi chơi xa)

       Thời chiến tranh - Bắc Nam chia cắt (1955-1975), nhà thơ Chế Lan Viên có 2 bài tứ tuyệt về Mẹ, đạt nghệ thuật siêu đẳng :

                  * Xa mẹ mười năm đi khắp nước,
                  Trăm quê chưa dễ thực quê nhà.
                  Sáng nay mới thực về quê nhỉ :
                  Bóng mẹ già ai giống mẹ ta.
                                                  (Mẹ)

                  * Gốc nhãn vườn xưa, cao, khó hái
                   Tám mươi, nay mẹ hẳn lưng còng.
                   Chắp đường Nam Bắc con thăm mẹ,
                   Hái một chùm ngon dâng mẹ ăn.
                                         (Gốc nhãn cao)

    Cùng thời với Thi sĩ cây đa, cây đề  số 1 việt Nam đương đại ở trên, có một cựu chiến sĩ đặc công (Việt cộng) Nguyễn Hồng Kiểm yêu thơ & hay làm thơ (sinh năm 1933 ở Thuận Thành - Bắc Ninh, quê ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh,huyện Thanh Trì - Hà Nội) có cả một đời trận mạc anh dũng, hiểm nguy, rồi về đi xây những ngôi nhà mới của Thủ Đô vừa bị B.52 Mỹ tàn phá... Quê hương đã sạch bóng giặc trời, con cháu đề huề thì Mẹ không còn! Rồi bất giác khi "gió đầu mùa" thổi về nơi đồng quê, xóm cũ đã làm thức dậy trong lòng người cựu chiến binh một tứ thơ kiểu "ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa" thật trầm lắng :

                                     MẸ
                  Chim Ngói bay ra gió lạnh se
                  Lúa vàng trải khắp cánh đồng quê
                  Tàu Tiêu xào xạc trong đêm vắng
                  Mắt nghé qua song ngỡ Mẹ về.   
                                          HỒNG KIỂM

       Đây là một "Bức tranh quê" (sau nữ sĩ Anh Thơ hơn nửa thế kỷ) rất ĐẸP tả thực với  hình tượng thơ đượm tình người một cách sâu sắc ,nó điển hình cho một làng quê đồng bằng sông Hồng : "chim Ngói/ cơm mới", cái no ấm tràn về, tàu Tiêu (chuối trong vườn) xào xạc", mùa đông đang tới, đêm khuya vắng vẻ..., cảnh & tình giữa thực & mơ, anh như thấy (bóng ma) Mẹ (hiện) về...
       Làm được "Thơ tứ tuyệt" HAY, phải là một tay thợ thơ có tay nghề cao ? Chỉ 4 câu, 28 chữ mà chưa đủ cả tình - cảnh - sự... ở bài thơ MẸ của Hồng Kiểm đã chứng minh : tuy anh chỉ là "Người lính" làm thơ nghiệp dư (chủ nhiệm CLB thơ làng xã) nhưng đã đạt mức "tay nghề (thơ) cao"... mà ở câu 4 thì cái chữ NGỠ (chữ mắt - nhãn tự") đã đặt đúng chỗ (đắc địa) quả là tài tình đã tạo ra một hình tượng thơ sống động găm vào lòng người đọc. ?.

        Chao ôi, "bình thơ" là khen / chê thế nào đây cho đúng mực" ?  Cụ Lê Quý Đôn xưa đã từng răn dạy :

                  "Văn chương là của chung thiên hạ
                  Ý  mỗi người mỗi khác
                  Phân tích thì được
                  Chứ không nên chê mắng".

        Quả vậy, cái HAY của bài thơ MẸ của Hồng Kiểm là ở chỗ : Ý tuy không mới, ngôn ngữ thơ cũng không mới, nhưng được cái HỒN (tiếng lòng chân thực) ẩn giấu vào từng con chữ qua sự ngấm trải cuộc đời của Thi nhân...thật đúng là : Nghệ thuật (có tay nghề cao) đã làm nên bài thơ và trái tim rung động hoài niệm kia đã đưa  Hồng Kiểm lên tầm thi sĩ nơi thôn dã với bài tứ tuyệt MẸ để đời cho con cháu...

                                                             Góc thành nam H à Nội 30-5-2014
                                                                             NGUYỄN KHÔI 
                                                                            (Nhà văn Hà Nội)

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

KHA TIỆM LY - HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI - Hạ Vân Châu




                    
                                        Kha Tiệm Ly


    KHA TIỆM LY - HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI 

                                                                                       Hạ Vân Châu

Tôi đọc và thích tên Kha Tiệm Ly từ lần xem Hoàng Sa Nộ Khí Phú và sau đó là Hoàng Sa Tiếu Ngạo Phú, Điểm Mặt Quân Thù Phú, Trường Sa Tâm Thư Phú và hàng loạt những bài phú khác như Văn Tế Tham Quan, Tự Trào, “Văn Hành”, Sắc Tài Thán Phú … và quyết định sưu tầm những bài viết khác của anh. Chuyện nầy chẳng tốn công bao nhiêu vì hàng trăm trang mạng ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới đã đăng đầy các tác phẩm của ông, có trang web lớn, nhiều uy tín còn lập riêng tác phẩm ông thành một “Vườn Thơ Kha Tiệm Ly”(Saigon Echo). Hoặc, “Trang thơ văn Kha Tiêm Ly (violet) …
Chắc chắn tôi chưa được đọc hết những tác phẩm của ông, nhưng đã đọc chừng ấy tác phẩm cũng đủ để tôi nhận xét về những gì ông viết.

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

ĐỐI DIỆN QUÂN THÙ PHÚ - Kha Tiệm Ly

    Anh Kha Tiệm Ly vừa gửi tiếp bài phú mới qua email cho chúng tôi, nhưng hai hôm nay nhà liên tục bị cúp điện nên chúng tôi không kịp thời đăng tải. Giờ mới mở máy tính xem và post bài. Xin mời  quý bạn cùng đọc: 

          
        Bia chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa năm 1930.


 ĐỐI DIỆN QUÂN THÙ PHÚ
                                             
Bắc biên địa, hận cũ chẳng nguôi ngoai
Đông lãnh hải, lại giở trò lếu láo.
Kéo dàn khoan ỷ thế nghênh ngang,
Bày thế trận vẫn thói quen hung bạo!

GỬI BẮC KINH - Nguyễn Khôi


              ban-do-viet-nam.jpg

                      GỬI  BẮC KINH
                     
                "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
                Tiệt nhiên phận tại thiên thư"...
                - Biển Đông, đâu phải ao nhà nó
                Mà đến khoan dầu...cướp trắng ư ?

                Nam Bắc từ xưa phân ranh giới
                Hải Nam trở lại, của Trung Hoa
                Hoàng Sa - Trường Sa của Đại Việt
                Đâu dễ nhận nhăng "cái Lưỡi Bò" ? !
                "16 chữ vàng" - nghe nhức nhối
                Một màu CỜ ĐỎ nghĩ mà đau
                Anh em/ Đồng chí ? còn Hữu nghị
                Thì hãy biết điều rút về mau !
                Thời  buổi @ toàn cầu hóa
                Vào Liên Hiệp Quốc xóa Thực dân
                - "Luật biển..."ký rồi- xin tôn trọng
                Đại huynh sao lại cứ "Luật rừng"

                                      Hà Nội 19-5-2014
                                         Nguyễn Khôi

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

CÁM ƠN EM - Hoàng Yên Lynh



                
                  Tác giả Hoàng Yên Lynh


                   CÁM  ƠN  EM .

             Em vẫn đẹp như ngày xưa vẫn đẹp
             Anh đã già mòn mỏi bước tha hương
             Cũng đành thôi từ xa cách đôi đường
             Đời  là thế có gì ta tiếc nuối .

             Chẳng trách ai khi anh người ở lại
             Bên bạn bè chia sẻ những niềm đau
             Cám ơn em nghìn trùng em vẫn nhớ
             Để cuối đời anh tập tễnh làm thơ .

             Để cuối đời anh mới hiểu tình yêu
             Đâu chỉ có bên nhau là trọn vẹn
             Dẫu hai ta tình không cùng bến hẹn
             Câu ân tình mình vẫn giữ cho nhau .

             Cám ơn em cho anh biết ươm mơ
             Năm tháng cũ vẫn chất đầy nỗi nhớ
             Tình yêu đó đôi ta đành cất giữ
             Như thuở nào anh nắn nót tình thư .


                             HOÀNG YÊN LYNH



Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

VĨNH BIỆT BẠN THƠ - Nguyễn Khôi



      


          VIẾNG KHÁNH HỮU- THI SĨ NGƯỜI SƠN TÂY

              Tặng : Vũ Nga


              Trai Cổ Đô vào Nha Trang sinh sống
              Trông Biển Đông lòng dậy sóng Sông Đà...
              Là Thi sĩ mang hồn thơ Tây Tiến
              Xưa vượt dốc Sài Khao,
              nay bay tới Trường Sa.
              Đêm Khánh Hòa bình yên
              sao khó ngủ ?
              Trận Gạc Ma đau tím cả câu thơ
              Hoàng Sa đấy còn hằn trên sách sử
              "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư".

              Thôi, Người "ra đi"
              HỒN một trời mây trắng
              Mây trắng xứ Đoài vương vấn cố hương
              Là Thi sĩ đem câu thơ ra trận
              làm ngọn GIÓ TƯƠI (1)
              đưa mưa rơi xuống đảo Sinh Tồn.

              Xin vĩnh biệt Bạn Thơ
              "Người Sơn Tây- Thi sĩ"
              Nào cụng ly ở cõi xa mờ
              Chén rượu này
              tưới ướt những câu Thơ.

               Hà Nội 22-5-2014
               Những ngày dậy sóng Biển Đông

                                       Nguyễn Khôi
                                    (Nhà văn Hà Nội)

                            
                ......................

               (1) Tác phẩm của Khánh Hữu.


Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

ĐIỂM MẶT QUÂN THÙ PHÚ - Kha Tiệm Ly

       Nhà thơ Kha Tiệm Ly vốn được rất nhiều người biết đến với các bài phú hào khí ngất trời như HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ, HOÀNG SA TIẾU NGẠO PHÚ, thể hiện nhiệt huyết sục sôi của dòng giống Lạc Hồng luôn luôn bất khuất trước hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Anh vừa gửi đến chúng tôi bài phú mới nhất ĐIỂM MẶT QUÂN THÙ PHÚ. Xin mời quý bạn cùng đọc! 


     

     ĐIỂM MẶT QUÂN THÙ PHÚ

     Biển đông cao sóng hờn căm,
     Hải đảo cựa mình đau đáu.
     Nhìn về Hoàng Sa, tan dạ nát gan,
     Nghĩ tới Trường Sa, đứng tim sôi máu!

Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

LÊ DUY ĐOÀN - TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG KÝ ỨC

    Hoạ sĩ Lê Duy Đoàn vừa gửi email đến chúng tôi, về một chùm bài của thân hữu viết về anh. Xin mời đọc:

                 

      Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo

…. Thơ của Apollinaire, nhạc của Phạm Duy, và một thời khó quên mà tôi cũng đã từng sống: Một bài hát,  vang lên vào một ngày, một giờ nào đó, khi đã đi vào tâm thức của người nghe, về sau sẽ mãi mãi gợi lại tất cả mặt đất, bầu trời và cảm xúc sâu thẳm trong lòng người vào ngày hôm ấy.    

Những năm đầu của thập kỷ 70, khi bài hát này ra đời và phổ biến trong giới trẻ, ông anh Lê Duy Đoàn của tôi đang còn là một sinh viên Huế. Anh vào trường Sư phạm trước,  tôi vào sau anh mấy năm. Lúc ấy cuộc chiến giữa hai miền đã khốc liệt lắm rồi, nhưng ngoài những trăn trở âu lo, trên ghế nhà trường sinh viên cũng còn chút không gian yên tĩnh để giữ cho mình một nhành thạch thảo ép trong trang vở. Mỗi người có một thứ “hoa thạch thảo” không giống nhau…Có lẽ vì vậy mà sau hơn năm mươi năm , anh Đoàn phải cất công đi tìm hoa thạch thảo thứ thiệt, cũng vì đó mà có cái tên của tập văn này.
Anh Đoàn rời trường Sư Phạm,  đi dạy xa từ năm 1970. Đến 1983 thì anh dời hẳn vào lập nghiệp ở Sài Gòn. Ai xa quê cũng nhớ, mà với người Huế thì lòng hoài nhớ quê hương càng da diết vô cùng. Cho nên những bài báo hay truyện, ký trong tập phần lớn được viết từ nỗi nhớ. Bởi viết theo cái thương cái nhớ, nên nội dung rất phong phú và khá tản mạn, tản mạn như chính cuộc đời nhiều hình tướng này vậy. Anh viết về câu chuyện của người cựu binh Đại Hàn hối lỗi để dẫn dắt người đọc một chuyến “ hành phương nam” và kết lại bằng một hình ảnh nhân văn trong bài Chục mười tám; viết về ngôi chùa nhiều kỷ lục nhất châu Á đang được xây dựng ở Ninh Bình…Nhưng được anh dành cho nhiều trang, nhiều dòng nhất vẫn là ký ức một thời ở Huế.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tác giả đã đặt hai bài lên đầu tập: thú chơi xăm hường và đọi bún bò ở Huế. Hai thứ đó, một là món ăn vật chất, một là món ăn tinh thần, đã thấm sâu vào tâm tư nhiều thế hệ từ ngày xưa cho đến bây giờ. Như tôi, khi đọc đến những dòng anh Đoàn viết thì cứ tưởng như đang cảm thấy mùi thơm phức của tô bún bò nóng hổi những ngày đầu đông, đang nghe tiếng sáu con xúc xắc xăm hường kêu leng keng trong lòng chiếc bát sứ, hòa trong tiếng cười reo cướp trạng – cái âm hưởng khó quên của không khí đoàn tụ trong ngày Tết quê nhà.
Rồi câu chuyện cu Đoàn hai tuổi được mẹ bồng qua đò Kẻ Vạn; Chuyện cậu học trò thơ ngây của trường Tiểu học Vạn Xuân, chuyện phiên hội chợ Huế xưa, trò chơi chuột bạch và món quà trúng thưởng…Lại đến cái thời nam sinh Quốc học, với ký ức về những khuôn mặt vang bóng một thời: Thầy Văn Đình Hy, cô Đặng Tống Tịnh Nhơn, anh Cao Hữu Điền, chị Diệm My…Đọc những kỷ niệm của anh mà những người Huế khác, như tôi chẳng hạn, cũng tưởng như mình được ké vào đó một chút, sẻ chia cùng anh những cảnh, những người …
Và sâu sắc nhất , đằm thắm nhất trong toàn mảng ký ức đó hẳn là chuyện những người con gái, đã đi qua đời tác giả. Có thật hay không, bằng xương bằng thịt hay đã được khoác một lớp màn hư ảo của tưởng tượng, tác giả đã dành cho họ cái từ ngữ  lắt léo trong ca dao: Người dưng

               Đây người dưng, đó cũng người dưng,
               Mà sao trong dạ rưng rưng nhớ hoài.

Người dưng khác họ không phải chỉ là câu chuyện của mối tình đầu, mà còn là bức tranh về một thời chiến tranh tao loạn, tuy đã lùi về quá khứ gần nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn còn ám ảnh không nguôi với hình ảnh xác người phơi ven lộ, trại tạm cư nhao nhác, những chuyến tị nạn xa Huế đã tạo điều kiện cho nam nữ gặp nhau, quen hơi bén tiếng rồi lại chia xa. Thơ vận vào người là câu chuyện bí ẩn về linh hồn, xảy ra giữa không khí buổi giao thời với những người Huế xa quê lập nghiệp, sống chết thịnh suy ở mảnh đất phương Nam. Sư phạm- Một con đường là hồi ức tươi đẹp về quãng đời học làm thầy giáo, với rất nhiều tình cảm dành cho Thầy Cô, bạn hữu và niềm tự hào đã được học Đạo làm Thầy, để sau này qua những thăng trầm phù thế vẫn không hổ thẹn với hai chữ thầy giáo, danh xưng cao quý mà cuộc đời trao tặng.
Tìm một nhành hoa thạch thảo, phải chăng là đi tìm cái đẹp mong manh giữa cuộc đời bề bộn này. Trong dâu bể đổi thay, nổi chìm thế sự, vẫn luôn còn lại bao điều trân quý không thể nào quên. Hoa thạch thảo không đến nỗi quá chập chờn khó kiếm như cái lá diêu bông của Hoàng Cầm, bởi cuối cùng thì anh Đoàn cũng đã xác định được một loài thạch thảo chính hiệu, có tên khoa học là Calluna Vulgaris. Nhưng có hề chi đâu nếu những người trẻ tuổi năm xưa cứ giữ cho mình một hình ảnh thạch thảo riêng trong tâm tưởng, bởi như tác giả đã viết, chính cái hình ảnh ấy mới là cái đã “động đến tầng vi tế rung động của con tim”. Và tôi nghĩ, chẳng phải tìm đâu xa, trong từng trang từng chữ của tập văn này luôn thấp thoáng bóng hình loài hoa đẹp ấy – Một nhành hoa thạch thảo luôn có mặt trong nỗi hoài nhớ trong veo về những ngày tháng thiên đường. Một thiên đường không bao giờ mất.                                                                                                                                         Tháng 4 – 2014
                                                                                 Trần Thùy Mai


                   Phòng triển lãm đầu tiên của họa sỹ Lê Duy Đoàn


Đoạn đường đến với…

   Tôi nhớ không lầm thì tôi đã biết Lê Duy Đoàn ngay từ thời còn rất nhỏ, khi mới 8,9 tuổi ,  Đoàn ở Phú Thạnh, gần cửa Hữu, (có tên chữ là Tây Nam môn nằm ở phía Tây Nam của Kinh Thành Huế, được xây dựng vào năm 1809, dưới thời vua Gia Long, vọng lâu được xây dựng năm 1829 thời Minh Mạng.  Đêm mồng 5.7.1885, vua Hàm Nghi đã xuất bôn từ cửa này ra khỏi Kinh Thành đi Tân Sở, ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân nổi dậy chống Pháp).  Đoàn học trường Tiểu học Vạn Xuận, một trường công lập. Muốn đến trường,  ngày hai buổi Đoàn chỉ cần băng qua đường, leo lên  đò Kẻ Vạn chỉ mấy phút là đến. Còn tôi ở giữa đoạn đường từ  dốc cầu Bạch Hổ và trường tiểu học Vạn Xuân. Tôi không học  cùng trường với  Đoàn  mà tôi học trường Sainte Marie, một trường tư thục do các nữ tu Thiên Chúa giáo thành lập trên đường đi lên chùa Linh Mụ, cách cầu Bạch Hổ khoảng 200 mét, nằm giữa Tiểu chủng viện và dòng nữ tu Carmelo.  
    Dưới mắt Đoàn, đám học sinh của trường tôi (Sainte Marie) không mấy được thiện cảm, lý do Đoàn bị một đám học sinh lớn tuổi của trường tôi bắt nạt, thậm chí mở banh cặp và ném tất cả sách vở bút mực của Đoàn xuống biền. Thỉnh thoảng tôi và Đoàn có gặp nhau, nhưng hình như chưa có duyên số, nên chúng tôi chưa trở thành là bạn của nhau. Bẳng đi một thời gian dài, năm tôi được nhận vào học đệ tam thì Đoàn học lớp đệ tứ  cùng trường Quốc Học. Tôi đã bôn ba qua các trường Saint Denis ( Phường Đúc), rồi Pellerin và cuối cùng là Providence trước khi vào Quốc Học. Trong suốt thời gian học  Quốc Học ,chỉ thỉnh thoảng gặp nhau chào hỏi  trên đường đi về, nên chúng tôi vẫn chưa  thân thiết với  nhau.
 Sau niên khóa 1962-1963 tôi rời  khỏi trường Quốc Học,từ giã Huế vào thẳng Sàigon vừa đi học vừa làm báo như  tôi đã từng  mơ ước ngay từ những ngày còn bé thơ  và coi đó như  là nghiệp dĩ. Còn Đoàn học Sư phạm Vạn vật ở Viện Đại Học Huế  và ra trường  đi dạy từ năm 1970. Từ năm 1969, tôi về làm việc tại Bộ Giáo dục, tôi tình cờ  gặp lại Đoàn vài lần, khi Đoàn dạy ở Trường Trung học Đại Lộc, Quảng Nam.  Có lần Đoàn cho tôi biết đang có ý định xin thuyên chuyển về Huế. Tôi đã cố gắng trong điều kiện có thể để giúp  Đoàn thực hiện được  mong ước của mình. Sau đó Đoàn được chuyển về dạy ở trường Quốc Học, Huế. Tới lúc đó, hình như vẫn tôi và Đoàn vẫn  chưa có được cái  duyên hạnh ngộ.
Đến sau 30.4.1975 khi đang dạy ở trường Đại Học  Mỹ Thuật  tôi có dịp ra Huế tìm lại căn nhà cũ của gia đình tôi, một vài lần tôi cũng có gặp lại Đoàn, khi đó Đoàn đang dạy trường Trung học Nguyễn Du, Huế. Tình cảm đối với nhau trước kia vốn không mấy thân thiết, nhưng cũng là tình làng nghĩa xóm, nay gặp lại trong hoàn cảnh đổi dời của lịch sử,  tâm trạng đứa nào cũng đều  nặng gánh lo âu… Có thể vì vậy mà cảm thấy gần gũi với nhau hơn, muốn cùng được chia sẻ. Tự nhiên lần đó, tôi buột miệng  gợi ý Đoàn nên đưa gia đình vào Sàigon sống biết đâu lại có thể tìm thấy cơ may nào khác hoặc hổ trợ nhau làm một việc gì đó hữu ích. Đoàn tán đồng ý kiến của tôi, và chuẩn bị mọi chuyện để thực hiện điều mong ước của mình. Cuối năm 1983, Đoàn và gia đình có mặt ở Sàigon.
Đúng như tôi dự đoán, rời khỏi Huế, Đoàn không còn là một nhà giáo sống một cuộc đời khiêm tốn mà đã  trở thành một một người với nhiều tham vọng, hoạt động trên rất nhiều lãnh vực. Đoàn đã làm việc cho nhiều công ty ngoại quốc, đã làm nhiều công việc khác nhau.. Có thể chưa thành công lắm, nhưng ít ra Đoàn cũng đã sống với những gì mình muốn và  yêu thích… Nhưng có lẽ điều làm cho chúng tôi gần gũi nhau hơn , chia sẻ với nhau nhiều hơn vì chúng tôi cùng có nhiều điều tâm đắc. Đoàn của ngày hôm nay đã có thể mô tả thế giới sinh động chung quanh mình, hay thế giới tâm hồn mình bằng màu sắc sinh động của hội họa và hơn nữa, Đoàn cũng có khả năng thể hiện những suy nghĩ, những mơ ước của mình bằng ngòi bút, với sự khởi đầu là tác phẩm đầu tay:  Đi tìm nhánh hoa thạch thảo.
Tôi có thể khẳng định Đoàn không ngừng lại đó…
                                                                                        Sâm Thương


                              


                                          LÊ DUY ĐOÀN
                     TRÊN NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG KÝ ỨC   
                          
Ngồi chờ chuyến bay chuyển tiếp ở phi trường O’Hare từ Chicago đến Jamaica, tôi viết ít dòng cho bạn Lê Duy Đoàn với chút tâm sự háo hức nhưng bình an khi tưởng tượng bạn mình đang chờ tác phẩm “con so” ra đời: “Bạn, trên đường bay bốn tiếng rưởi sắp tới mình sẽ viết vài dòng cảm nghĩ về tác phẩm đang đợi ở nhà in của bạn…” Thế nhưng khi ngồi trên máy bay nhìn những cụm mây xa thẳm dưới kia và vầng trăng bán nguyệt sau khung cửa máy bay, tôi có cảm tưởng như đêm ngày trộn lẫn. Tôi mở cái lap-top ra nhưng thay vì viết, tôi lại đọc. Đọc lại 23 bài viết trong tác phẩm đầu tay sắp in của Lê Duy Đoàn đã lưu trong bộ nhớ với một cảm giác lạ lẫm vì sự tươi mát, hồn nhiên nhưng cũng nhiều gút mắc gai góc có khi đầy trói buộc mà cũng lắm lúc phóng khoáng không ngờ.
Thiều Giả Đảo có một lần mách miệng văn chương rằng: “Đọc truyện Tam Quốc thời tuổi trẻ để thích Khổng Minh, thời trung niên để cảm thông Lưu Bị và thời cao niên để tiếc một Vân Trường.” Cái thú văn chương là thế. Nó đẹp và linh động vì long lanh biến ảo như một vầng trăng: Trăng mọc, trăng tà, trăng lặn chỉ là cảm nhận đong đưa từ góc nhìn tương quan vật thể chứ thật sự muôn đời trăng cũng chỉ là trăng. Thế đó, tôi ngồi trên chiếc võng máy bay đong đưa tạm bợ giữa trời để nhìn trăng và đọc văn của Lê Duy Đoàn trong trạng thái buông thư như gặp bạn quý lai rai uống rượu nếp làng Chuồn bên quán gió Sông Hương ngồi nói chuyện Tam Quốc.
Tác phẩm đầu tay của Lê Duy Đoàn là một tập “phóng bút” bao gồm cả bút ký, bút luận, bút khảo, bút đàm… của một tay thuộc nòi văn bút tài tử có nhiều trải nghiệm thực tế, kiến thức học thuật nghiêm túc và tinh thần dí dỏm, ngẵng ngầm, rim rím mà đậm đà kiểu Huế.
Chương gieo duyên mở đầu Đi tìm nhành hoa Thạch Thảo là một bức minh họa chân dung của tác giả: Một thầy giáo vạn vật nghiêm trang nói về dòng sinh thái của một loài hoa. Kế đó là cách kiểu ngắm hoa và tạo hình bằng những màu sắc và đường nét mang tính độc sáng của người họa sĩ. Và đậm hương văn nghệ hơn cả khi phối cảnh loài hoa thạch thảo trong nhạc và thơ. Mà hiện thực ngoài đời thì Lê Duy Đoàn cũng là giáo sư môn vạn vật; là họa sĩ từng có các cuộc triển lãm tranh; là một cây bút viết tản văn và làm thơ để bây giờ xuất bản thật. Có thể nói nội dung tác phẩm văn chương của Lê Duy Đoàn là một ống kính vạn hoa nhiều màu sắc vì không có một “gam màu” chủ đạo rõ nét. Nhưng đó là một sự tập hợp nhiểu thể loại văn học, nhiều nội dung và đề tài trong cái khung thời gian và xã hội khắp đó, khắp đây. Suốt gần hai chục chương kế tiếp, Lê Duy Đoản viết và để cho ký ức, cảm xúc, suy luận, đam mê nghệ thuật đầy sôi động “giáng cơ” lên bàn gõ chữ như một cầu thủ chạy bao sân.
Đêm Montego Bay thơm mùi cây cỏ miền nhiệt đới và gió ấm Đại Tây Dương, khi tôi đang hứng chí ngồi gõ máy trong đêm để điểm xuyết những phút “xuất thần” sáng tác của Lê Duy Đoàn mà tôi đã yên chí là nắm bắt được phần nào thì nghe tin chàng… biết sợ! Đó là việc bỏ chương cuối với nhan đề mang hài tính “cấm đàn bà và trẻ em 18 tuổi” rất thơ mộng và bản lĩnh có nhan đề làm tôi tỉnh ngủ là: Thơ ngẵng hoàng gia!
 Ôi, danh văn Tô Vũ ngày xưa bị vua đày đi chăn dê mà buổi sáng thường nhắm mắt vì muốn làm người tử tế. Đời sau cho rằng đấy là hay vì… biết sợ. Chẳng hay âu đó cũng là thân phận của Duy Đoàn, của đám bạn già như chúng tôi đang luống cà,  luống cuống. Một  bên nầy thì thích làm“Lão Ngoan Đồng”kiểu kiếm hiệp Kim Dung theo Tô Vũ chăn dê mà mắt trần thao láo. Nhưng bên kia lại không chịu buông thả một ly cái thiết bảng “khiết trinh” của những cụ giáo già đang lên hàng ôn mệ; ông bà.
Như thế mới cảm thông sự chọn lựa nào cũng có nỗi băn khoăn riêng của người cầm bút: Sống cho mình đã khó; chuyển tải điều mình suy nghĩ cho người lại càng khó hơn.
Có lần, Lê Duy Đoàn hỏi ý tôi rằng: “Mình viết cho vui với chính mình và chia sẻ trong vòng bạn bè, không biết có nên tập hợp in thành sách và xuất bản hay không?” Tôi đã không một chút ngần ngại và nhiệt thành cổ vũ: “Nên, rất nên in ra thành sách vì nghệ thuật cũng như đời sống, có quyết đoán đủ để dang tay chia sẻ, chấp nhận sự khen chê nhẹ nhàng như chơi trò cút bắt mới có cơ hội nhìn lại thấy mình. Lại nữa, bài viết, hay bài thơ được in thành sách trên giấy trắng mực đen mà danh từ thời thượng gọi là ‘bản cứng’ (hard copy) thường đọc thấy ‘đã chí’ hơn là ‘bản mềm’ (soft copy) nằm trong máy vi tính. Ví như một cầu thủ có ra sân giao đấu mới thấy mình là ai hay chẳng là ai cả trên cầu trường thực tế đầy sôi động.”
Tôi viết tiếp những dòng nầy trên bãi biển Montego Bay, xứ Jamaica đầy cây xanh và nắng vàng miền nhiệt đới vào buổi sáng từ giã. Viết khi vừa nghĩ đến lời nhắn mới nhất của Lê Duy Đoàn: “Dẫu chỉ vài dòng cũng   ráng viết những cảm nghĩ của bạn về tập sách của mình đang chờ trong nhà in. Lý do đơn giản vì tụi mình biết nhau từ thời đi học và bạn hiểu mình như hiểu rõ những đường chỉ trên bàn tay của bạn…” Cái nghịch lý của đời này là khi dán mắt sát quá sẽ không nhìn thấy. Phải chăng vì thế mà tôi ngại sẽ đánh mất tính khách quan khi nhận định về một khía cạnh khác – khía cạnh tài năng nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật – của bạn mình. Văn chương nghệ thuật không có một góc khuất nào dung dưỡng sự may rủi cho ai. Trong cả hai thế giới nghệ thuật Đông và Tây đều có trường hợp những nhà văn, thi sĩ, nhạc sĩ… chưa hề xuất bản một tác phẩm nào mà vẫn thành danh, vẫn nổi tiếng trong lòng người và văn học sử. Và cũng có những trường hợp ngược lại là tác phẩm chồng chất số đếm theo đơn vị mà vẫn vô danh như vắng bóng giữa đời.
Lê Duy Đoàn và bằng hữu chúng tôi vẫn thường bàn luận đến nếp trung dung và lối trung đạo trong hành xử để tránh những ảo tưởng thành bại, chìm nổi không đâu. Tôi tin là những tác phẩm văn chương và hội họa của Lê Duy Đoàn mãi mãi không chếch về lề phải hay lề trái của sân khấu nghệ thuật nhất thời mà luôn luôn ở giữa đường bay sáng tạo của nghệ thuật.
Tôi tin là Lê Duy Đoàn sẽ rất thành công với tác phẩm đầu tay nầy, nếu sự thành công là một cái gì đơn giản như tác giảNgàn Cánh Hạc, Kawabata đã viết: “Sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật phải được đánh giá theo cường độ nguồn hạnh phúc mang đến cho tác giả.” Có thể nói đây chính là chiếc chìa khóa của hạnh phúc dành riêng cho giới bút nghiên và nghệ sĩ. Sáng tạo nghệ thuật không phải là một phép lạ để mê hoặc con người. Khi anh chưa rung động ngất ngây với niềm suy tư, dòng văn bút của chính mình thì lấy gì để chuyển tải sức mạnh và linh hồn của nghệ thuật cho người thưởng ngoạn. Nếu vậy, thì Lê Duy Đoàn đã thành công ngay khi ngồi viết, bởi vì sau đó anh luôn luôn có niềm hứng khởi đem văn chương và nghệ thuật mà mình đã sáng tác để chia sẻ với bạn bè như một món quà quý tặng khi chính anh đã cảm nhận được nguồn hạnh phúc trong sáng tạo. Sự thành công càng có khả năng tiến xa hơn khi chàng “giáo-văn-họa” nhà ta đem dòng tâm sự trên những chặng đường ký ức để chia sẻ với nhân gian.
                                              Jamaica, Montego Bay – Mùa Phục Sinh 2014
                                                                               Trần Kiêm Đoàn


                               


                  ĐỌC VĂN VÀ XEM TRANH LÊ DUY ĐOÀN

Từ năm 2006, khi trang mạng art2all.net đang còn non nớt, tôi nhận được tranh của Lê Duy Đoàn đều đặn . Mấy chục bức tranh, phần lớn là tranh trừu tượng, với những tựa đề cũng … “trừu tượng” không kém : Đồng Vọng, Quần Sanh, Gót Danh Lợi, Không Gian Rỗng … làm cho tôi, người xem tranh, chóng mặt vì phải nghiêng đầu, nghẹo cổ tìm xem Không Gian Rỗng tại sao lại không rỗng,  âm thanh “đồng vọng” đang vọng về hướng nào, “gót danh lợi” đang đếm bước vào đâu , “giai điệu” đang ngân lên nơi nào giữa những dây màu sắc đan vào nhau chằng chịt ấy , thì bỗng nhiên, một ngày vào dịp đầu năm Đinh Hợi, tôi nhận bài “Xăm hường” của bạn . Tết làm bạn nhớ nhà chăng ? Hay là thấy không khí nơi chốn xa nhà thiếu vắng tiếng leng keng của những con xúc xắc thời vui cũ, bạn cân vực dậy những kỹ niệm xưa, đốt cho ấm những ngày lễ Tết ? Bạn viết tỉ mỉ về những thẻ chơi và cách chơi, như thể bạn đang dùng một chiếc cọ nho nhỏ, vẽ tỉ mỉ từng nét khắc trên suốt 32 thẻ bài . Tôi đọc và cười một mình . Anh chàng này hẳn nhớ nhà kinh khủng lắm đây .
Tôi yên chí đó chỉ là nhất thời, Duy Đoàn chỉ hứng bất tử thôi, lúc buồn tình không muốn cầm cọ và ngắm màu . Chẳng ngờ sau đó, chàng liên tục viết, từ những mẩu vụn ký ức với gia đình, học đường, với cha mẹ, với bạn bè, thầy cô ( như phần lớn những người bắt đầu viết văn !) , chàng bắt qua những nghiên cứu thú vị như “Đi tìm nhành hoa thạch thảo “, “Đinh Đính Đỉnh Đình Định” dựa trên những chuyến du khảo, “Selfie – Narcissus – Facebook – Ego “ hay “Khóc người da đen xa nhưng không lạ “ dựa trên thời sự . Đọc bài nào của chàng cũng tìm ra được những điều mới mẻ . Ngay cả những truyện ngắn cũng đưa ra những chi tiết thú vị về nơi chốn và con người . Hình như càng viết, mạch ký ức càng mở rộng , những tìm tòi cho hội họa bây giờ bổ túc cho văn chương khiến chàng tìm ra được những ngõ ngách mới để đào sâu, trồng vào đó những hạt giống cho chữ nghĩa nẩy mầm thành những bài viết ngộ nghĩnh, không giống ai .
Mong sao Lê Duy Đoàn tiếp tục cách viết ấy, viết những đề tài là lạ, với văn phong chẳng cần bóng bẩy, rất thật, cọng thêm chút hóm hỉnh khiến khi đọc, người đọc như tôi cứ mỉm cười một mình hoài .
Đọc Lê Duy Đoàn gần gũi như đang ngồi trước mặt bạn, vừa nghe bạn kể chuyện, vừa cười vui . Thật khác xa lúc nhận tranh của Lê Duy Đoàn, có bức thấy là cảm liền như “Vàng Rơi Mấy Độ “ , “Dòng nước”, có bức cảm ngược như “ Cõi Xa Xăm” mà sao thấy gần gũi quá, hoặc “Mặt Trời Vuông” mà mình cứ thầy tròn . Dĩ nhiên đó không phải lỗi ở tác giả. Hoàn toàn là lỗi ở người thưởng ngoạn đã có những kinh nghiệm sống và cái nhìn về mọi vấn đề khác hẳn tác giả đấy thôi .
Chúc bạn bằng lòng với những gì bạn sáng tạo . Có như thế mình mới có đủ lửa để đi tiếp con đường đã chọn, phải vậy không ?

                                                                                       Đặng Lệ Khánh

                                                                                 
                   

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

PHỐ NÚI - Nguyễn Khôi


       


                          PHỐ NÚI
             
              Từ buổi ra đi biệt tháng ngày
              Ngày về Phố cũ đỉnh đèo mây
              Đường Yêu như thể đầy gai góc
              Mỗi bước chân vấp một dấu giầy.
                   
              Anh về Phố Núi không em
              Lại ra lội suối để thèm tuổi xuân
              Bến xưa da thịt trắng ngần
              Khuya xưa ánh mắt trăng rằm đằm yêu.
              Phố xưa mưa ít nắng nhiều
              Núi xưa nghiêng một bóng chiều thướt tha
              Rừng xưa ủ bóng đôi ta
              Vui nghe chim hót, bẻ hoa tặng tình.
              Anh về Phố Núi một mình
              Đứng trên CẦU TRẮNG mơ hình dáng xưa
              Từ em xa biệt đến giờ
              Trở về Phố Núi làm thơ dâng Đời.
              Phố xưa đã khác xưa rồi
              Tình xưa còn để một người quên Yêu.
                           Thành phố Sơn La 1-5-2014
                                   NGUYỄN KHÔI

              * Mời xem chùm hình ảnh tác giả Nguyễn Khôi ở Sơn La:


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

NGÀY MẸ THEO CHỒNG - Thơ Kha Tiệm Ly

Anh Kha Tiệm Ly vừa gửi bài thơ đến chúng tôi qua email, nhân NGÀY CỦA MẸ. Xin mời quý bạn cùng đọc!

   
                                   Nhà thơ Kha Tiệm Ly


NGÀY MẸ THEO CHỒNG
            (Theo lời mẹ)

Nắng hừng lên chưa tan sắc cầu vồng,
Mà mẹ theo chồng từ năm mười sáu!
Cây sầu đâu thương cành trơ áo não,
Mà ngoại lo chi cây cải có ngồng!

Tóc mẹ ngắn, ngoại phải bới đi, bới lại.
Áo vải ta còn một cái sáng màu.
Đôi guốc vông ngượng ngùng chân con gái,
Chút dầu dừa trang điểm tóc cô dâu.

Thương đàn em – đứa chăn vịt cho người.
Đứa bắt cá để ngày mai đổi gạo.
Tuổi thơ kiếm ăn như con sành con sáo,
Đứa út tồng ngồng lấp ló đứng coi!

Qua bờ kia, giã từ thời con gái,
Thương các em còn lăn lóc trong đời
Lau nước mắt, mẹ đau lòng ngoảnh lại,
Chợt thấy dòng sông bên lở bên bồi!

Tại con bướm vàng đậu nhánh mù u.
Mà một bầy con kéo theo đời lận đận.
Chiếc võng đứt tao xót cho thân phận
Như đời mẹ buồn hơn những lời ru!

Ngoại nhai trầu không giập niềm thương nhớ,
Tóc hoa râm nay sợi trắng nhiều hơn.
Con bìm bịp sớm chiều kêu nước lớn,
Bông lục bình chợt tím cả hoàng hôn!

                                      Kha Tiệm Ly
................

Kha Tiệm Ly tên thật Thái Quốc Tế
Địa chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 2, TP Mỹ Tho, Tiền Giang.
Điện thoại: 098 770 1952

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

HOÀNG YÊN LYNH VÀ THI TẬP "CHUYỆN BÊN ĐỜI" - Nguyễn Thanh Hương

Chúng tôi vừa nhận tập thơ CHUYỆN BÊN ĐỜI (tác giả Hoàng Yên Lynh - Hội Nhà Văn xuất bản, 2014) do nhà thơ Hoàng Yên Lynh gửi tặng. Chân thành cám ơn tác giả, đồng thời xin giới thiệu cùng quý bạn tập thơ trên, qua bài viết của  nhà thơ Nguyễn Thanh Hương



                 

HOÀNG  YÊN LYNH VÀ THI TẬP CHUYỆN  BÊN  ĐỜI

                                                                     Nguyễn Thanh Hương

       Khi cầm trên tay tập thơ Chuyện Bên Đời của Hoàng Yên Lynh, hình ảnh của hơn hai mươi năm trước, lần đầu tôi gặp Hoàng Yên Lynh lại trở về trong tôi. Ngày đó, tôi đi thực tế để viết bài về công nhân ở mỏ đá Bảo Lộc. Buổi chiều sương lành lạnh, tôi bắt gặp hình ảnh của một người, với dáng dấp mảnh khảnh đang ngồi cặm cụi đập đá dưới mái tranh che mưa nắng. Bất chợt tôi nghĩ, sao lại có một con người mà dáng vẻ trông chẳng giống người lao động... và tôi, có lẽ do tò mò nghề nghiệp, đến bắt chuyện nhưng anh lại rất kiệm lời... Và từ đó, tôi quen kết bạn với Hoàng Yên Lynh và cũng đã trên hai mươi năm. Sau này, qua tiếp xúc, đọc thơ văn của anh tôi nhận ra mình đã không nhầm khi nghĩ về anh. Mới đây, cô Bích Hà TBT/Truongdongha.com và những người bạn cố quê tìm đến thăm Hoàng Yên Lynh nơi vùng đất cao nguyên này. Qua câu chuyện, tôi càng ngỡ ngàng khi được các bạn anh nói về anh, về gia đình, về quê hương mà anh đã xa cách gần 1/2 thế kỷ... Đúng là quen biết nhau hơn hai mươi năm mà chưa một lần nghe anh nói chuyện xưa, nói về cuộc đời gập ghềnh nếu không nói là lắm truân chuyên.         

TINH THẦN BẤT KHUẤT - Nguyễn Thanh Bá và các thi hữu



             

                              XƯỚNG 

              TINH THẦN BẤT KHUẤT
              Đất của ta và biển của ta
              Đấy là di sản tự ông cha
              Máu xương tô thắm hồn dân tộc
              Công sức lưu danh nghiệp cửa nhà
              Đánh giặc xưa – tìền nhân xuất trận
              Đuổi tàu nay – tuổi trẻ xông pha
              Tinh thần thủy chiến Trần Hưng Đạo
              Thúc dục vùng lên trẻ chí già .
                             Nguyễn Thanh Bá


                                 HOẠ


              Bài họa 1

              QUYẾT GIỮ ĐẾN CÙNG
              Đây vùng biển của Việt Nam ta
              Sóng nước ru hời tiếng mẹ cha
              Lịch sử còn tô hồng mạch chữ
              Mồ hôi vẫn đổ rát vai nhà
              Luồng, khơi mấy nẽo từng đau trộn
              Muối, máu bao đời đã mặn pha
              Quyết giữ thiêng liêng thềm tổ quốc
              Quên thân đâu kể trẻ hay già .