BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGUYỄN KHẮC PHƯỚC. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn NGUYỄN KHẮC PHƯỚC. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

ĐỜI CÓ CHI VUI? - Thơ Nguyễn Khắc Phước


        
                  Nhà thơ Nguyễn Khắc Phước


ĐỜI CÓ CHI VUI?

Chiều buồn không mà âm u thế này?
Mưa buồn không sao mưa cứ bay?
Ai buồn không mà im tin nhắn?
Rượu buồn không mà sao chẳng cay?

Trăng chưa vui mà trăng đã khuyết!
Ngày chưa vui mà ngày đã sang!
Tình chưa vui mà tình đã tuyệt!
Đời chưa vui mà đời đã tàn!

Đang bữa ăn sao mắc chi thở dài?
Giữa đêm khuya sao đi quanh tìm ai?
Chốn đông người sao im như gỗ?
Trời trống không sao cứ ngó hoài?

Sông cạn sâu mà dò làm chi?
Người đã xa thôi nhớ làm gì?
Nước cứ trôi cầu sao ngăn được!
Công đâu ngồi dõi bóng chim di!

                  Nguyễn Khắc Phước

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

TẢN MẠN VỚI BÀI THƠ “SAO BÁC CHÊ THƠ TUI?” CỦA NGUYỄN KHẮC PHƯỚC - Châu Thạch


      
                  Nhà văn Nguyễn Khắc Phước  
     

SAO BÁC CHÊ THƠ TUI?
(Đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cười và trang web Đất Đứng)

sao bác lại chê thơ tui?
một người về hưu vẫn còn chút trí
chút lương còm nhưng tâm không hoen rỉ
bác gáy tồ tồ tui cũng đập cánh cho vui

chim bay ngang trời diều bay tới bay lui
lá chanh ướp thịt gà lá mơ ôm thịt chó
kéo cày bò to chịu thui bê nhỏ
pi-a-nô là đàn tơ-rưng gọi là chi?

nếu rượu bác ngon tui uống vài ly
mồi tui xoàng vẫn chưa đồ bỏ
rim nhật rim tàu ra đường em ngó
vi vút dập dìu em biết mê ai?

thơ tui đang gói miếng khô nai
đốt lên nướng mùi nghe thơm phức
thơ bác báo đăng, xin chúc
nhuận bút đâu rồi? đi lẹ kiếm chất cay.

                         Nguyễn Khắc Phước

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG -Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray. Nguyễn Khắc Phước dịch



                          BẢN LĨNH ĐÀN ÔNG
                                                 
Nguyên tác: A Man of Dignity.
Truyện ngắn của Sheila Brown Sandray.
Dịch giả:  Nguyễn Khắc Phước

Cha mẹ và bà con bên nội của Sheila Brown Sandray sống ở Nam Phi nhưng bà thì ở nhiều nơi trên thế giới.
Bà sinh tại York, Anh quốc vào năm 1924, trải qua tuổi ấu thơ tại Colombia, Tích Lan. Học tại Queen Anne, Caversham, Anh quốc. Khi bố của bà đóng quân tại Gibraltar (một vùng lãnh thổ thuộc Anh gần Tây Ban Nha), bà thường về đó nghỉ hè mặc dù Tây Ban Nha đang có nội chiến. Khi Thế Chiến thứ hai bùng nổ, bà dời đến sống ở Madeira, một quần đảo thuộc Bồ Đào Nha, tại đây, bà học ngôn ngữ với một nhà phê bình sách người Đức sống tha hương. Trở lại nước Anh trong thời gian chiến tranh, bà làm việc cho Cục Tình báo Chính trị thuộc Bộ Ngoại giao ba năm và sau đó làm việc cho Liên Hiệp Quốc tại Vienna ba năm. Bà sống ở Canada một thời gian rồi về sống với cha mẹ tại Nam Phi. Rồi bà lấy một nhạc sĩ người Mỹ và sống tại Phoenix, bang Arizona với ba người con.

                                            


Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

CA KHÚC PHỔ NHẠC TỪ THƠ - Nguyễn Khắc Phước



   Nguồn :  http://chumkhechua.blogspot.com/

Cần ghi rõ tên thi sĩ vào audio, video hoặc lời nhạc nếu đó là ca khúc phổ nhạc từ thơ



Ca khúc LỜI RÊU do nhạc sĩ Phú Quang sáng tác là một ca khúc phổ một bài thơ buồn da diết tựa như lời trối trăn của một người sắp bỏ trần gian ra đi trong tuyệt vọng. Tuy nhiên giai điệu của Phú Quang không làm cho lời ca thêm thảm thiết, tuyệt vọng mà chỉ là một lời thở than nhẹ nhàng khiến người nghe không cảm thấy buồn nặng nề, trái lại bay bổng thoải mái, thoát vòng hệ lụy để tan vào hư vô.


Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

ĐỐI THOẠI VỚI CAO TIỆM LY - Nguyễn Khắc Phước


     


         ĐỐI THOẠI VỚI CAO TIỆM LY

Ê này, Cao Tiệm Ly! Đi đâu mà vội. Ghé vào chùa, ta sẽ thết ngươi một bữa cơm chay.
Tai sao ta nhận ra ngươi, chút nữa ta nói, còn ta là người chèo thuyền đưa Kinh Kha sang sông Dịch Thuỷ. Ta tưởng các người thầm lặng tiển đưa trong bí mật , hoá ra lại rượu thịt, ca hát rình rang. Ta biết các người chẳng coi ai ra gì trong thiên hạ nhưng khinh địch bao giờ cũng khó thành công.


Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

YÊU NGƯỜI ĐẸP - Nguyễn Khắc Phước

                                                               Truyện ngắn của Nguyễn Khắc Phước
                  

      Bà bán trứng báo với bà bán thịt rằng thầy Dương sắp cưới vợ, bà bán thịt liền chuyển tin mừng nóng sốt đó chị bán cá, và chỉ một vài phút sau, tất cả tiểu thương của chợ Xép, nơi thầy Dương thường đến mua hàng, đều biết tin. Ngay hôm sau thì đến bất cứ quán cà phê hay bún mắm nào cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện thầy Dương sắp lấy vợ.
       Thầy Dương là ai mà có vẻ quan trọng vậy?
       Đó là một thầy giáo dạy môn sử ở một trường cấp hai trong thị xã. 
       Đa số thầy giáo dạy môn sử không được dạy thêm nên đời sống khó khăn, phải kiêm nhiệm thêm một nghề phụ như chạy xe ôm, thợ điện, thợ ống nước hoặc thợ may… Riêng thầy Dương nhờ gia đình ở ngoại ô có đất vườn khá rộng do ông bà để lại nên cả gia đình chuyên nghề trồng rau mang vào thị xã bán, do vậy, đời sống cũng tạm qua ngày. Cứ đi dạy về là thầy ra vườn tưới nước, nhổ cỏ, xịt thuốc… Công việc cũng không lấy gì vất vả lắm.
       Nhưng nếu chỉ như vậy thì có gì đặc biệt đâu mà người ta phải bàn tán về việc thầy lấy vợ?
       Chuyện này chưa biết kể từ đâu, có lẻ nên kể từ hồi thầy còn là học sinh trung học trong thị xã. 
       Người ta thường nói có tật có tài và sắp xếp họ theo dị tật: nhất lé, nhì lùn, tam hô, tứ sún. Tài đây thường chỉ là tài vặt: lém lỉnh, láu cá, ba xạo chớ chẳng phải tài học hành hay kinh doanh gì. Mà thầy Dương thì được hai đặc điểm là vừa lùn vừa hô. Vóc dáng thầy nhỏ thó, loắt choắt thấp bé, có lẻ hồi nhỏ thầy thiếu dinh dưỡng. Nói vậy mà không phải vậy. Thầy Dương không phải là người ba xạo, láu cá gì. Thầy cũng có tài, không phải những tài vặt trên mà tài làm thơ và tán gái. 
      Hồi còn học trung học thì thầy tán cô nữ sinh đẹp nhất trường mình rồi những hoa khôi trường khác. Khi đi học sư phạm, thầy tán cô sinh viên đẹp nhất trường sư phạm. Khi về thị xã dạy, thầy tán cô giáo đệp nhất trường mình. Khi đi học bồi dưỡng hè, thầy tán cô giáo đẹp nhất huyện rồi đến cô giáo đẹp nhất thị xã. Tiếp sau đó thầy tán những cô công nhân là người đẹp trong những nhà máy, xí nghiệp quanh thị xã. Không ở đâu có người đẹp mà thầy không đến tán, chỉ chừa có một phương là học sinh cũ của trường mình. 
      Cũng nên mở ngoặc đôi chút là hồi còn đi học thầy học toán tàm được nhưng khá môn văn. Thi vào bách khoa hỏng, hồi đó chưa có nguyện vọng hai, thầy được chuyển sang học sư phạm. Thầy xin học môn văn nhưng không được mà chỉ được chọn môn sử. Thầy chẳng thích môn sử chút nào nhưng đành phải chịu, nếu không thì về làm vườn trồng rau. Tốt nghiệp sư phạm, thầy được điều về thị xã quê nhà dạy học từ đó đến nay. Dù dạy môn sử nhưng thầy vẫn ham mê văn học. Thầy thường làm thơ và đề tài tương đối an toàn là sắc đẹp phụ nữ. Cứ gặp người đẹp là thầy làm thơ ca tụng, đôi khi xuất khẩu thành thơ ngay tại chỗ để tặng cô hàng cà phê hay chủ quán nhậu. Những dịp như vậy, thầy thường đọc to cho bạn bè thưởng thức, dù thơ thầy nghe lơ lớ câu chữ của Huy Cân hoặc Xuân Diệu nhưng rồi ai cũng vỗ tay khen vì không phải ai cũng thuộc nhiều thơ như thầy.
      Giỏi làm thơ tán gái như vậy nhưng không hiểu sao mãi đến năm bốn lăm tuổi thầy Dương vẫn phòng không chiếc bóng. Mấy bà tiểu thương trong chợ Xép gần nhà thầy đã quá quen với thầy vì thầy là khách hàng thường xuyên đi chợ mua thực phẩm. Có bà muốn gả con gái cho thầy nhưng sợ thầy chê con bà không được đẹp chớ không phải sợ tính thầy hâm hâm.
     Thầy giáo dạy sử và trồng rau để sinh sống thì làm gì có đủ tài chính để chu cấp cho những người đẹp hoặc hoa khôi có nhiều cơ may lấy chồng con nhà đại gia nên chẳng ai dại gì mà lấy một thầy giáo vừa xấu trai vừa không có gì khá giả như thầy. Đó là điều ai cũng hiểu, riêng thầy thì không. 
      Rồi tuổi thanh niên trôi qua nhanh chóng và thầy Dương hình như cũng không còn nghĩ đến chuyện vợ con nữa vì những phụ nữ đẹp vừa tuổi thầy để lấy làm vợ thì đã đi lấy chồng hết, chỉ còn ít cô ế chồng vì xấu. Mà xấu thì thầy không ưng.
      Tuy nhiên, số phận dường như định sẵn cho thầy và rốt cục lại lấy được một người đẹp thuộc đối tượng mà thầy tránh bấy lâu.
      Số là thế này. Trong một buổi họp phụ huynh học sinh, thầy Dương tình cờ hỏi một ông bố học sinh cô con gái của ông là Liễu bây giờ học hành ra sao. Liễu là học trò cũ của thầy và một thời là học sinh đẹp nhất của trường thầy. Ông bố nói thiệt đang sắp xếp cho Liễu lấy chồng nước ngoài vì gia đình ông rất khó khăn, cần kiếm chút tiền để trả nợ nần. Hỏi chuyện xã giao vậy thôi rồi quên chớ thầy không nghĩ ngợi gì.
     Vào thời gian ấy, người ta mở một con đường lớn ngay bên cạnh nhà thầy Dương, do đó, đất vườn của thầy trước đây chỉ là đất nông nghiệp rẻ tiền nay trở thành đất nền, giá cao gấp mấy trăm lần. Thầy thôi không trồng rau nữa mà chia đất vườn thành lô nền nhà để bán và thầy trở thành tỷ phú trong một thời gian ngắn. Có tiền rồi thầy xây nhà, sắm xe và lại nghĩ đến chuyện lấy vợ. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng tiêu chuẩn vợ đẹp vẫn còn y nguyên. Thầy bỗng nhớ lại câu chuyện tình cờ giữa thầy và ông phụ huynh nọ có con gái đinh lấy chồng ngoại để kiếm tiền. Thầy tìm thăm Liễu. Những tin tức về những rủi ro mà phụ nữ lấy chồng nước ngoài có thể gặp phải được đăng nhan nhản trên báo nên đủ để thầy thuyết phục Liễu thôi nghĩ đến việc lẫy chồng nước ngoài. 
      Lần này thì có lẻ thầy không cần làm thơ vì tài sản của thầy đủ để người ta xiêu lòng. Không lâu sau đó, gia đình ông phụ huynh ấy đồng ý gả con gái mà trước đây từng là hoa khôi của trường thầy cho thầy, dĩ nhiên với sự đồng ý của con gái họ. Liễu ấy lúc đó chỉ trển hai mươi tuổi, nghĩa là trẻ hơn thầy hai lăm tuổi. 

      Ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, chắc chắn Liễu đã có người yêu. Chỉ cần điều tra đôi chút, thầy Dương biết Liểu đang yêu Hóa, một thanh niên trong thị xã. Là người có học, thầy tự nghĩ không nên hỏi han vợ về những chuyên riêng tư. Thế nhưng thầy không thể không buồn vì trong đêm động phòng hoa chúc, Liễu cứ kêu “Hóa, Hóa”, sáng ra thầy hỏi, Liễu nói “quá, quá’ chớ không phải “Hóa, Hóa”. (Giọng Quảng Nam khó phân biệt giữa “hóa” và “quá”). Thầy Dương bỏ qua vì biết Liễu còn trinh nguyên.
      Đến ngày Liễu sinh con thì thầy Dương quá thất vọng vì thằng bé chẳng giống thầy tí nào mà giống Hóa như tạc. Bạn bè đồng nghiệp của thầy đến thăm, có người nói chơi : Thằng con mầy giống ai mô chớ có giống mầy đâu! Nghĩ mình phải có bằng cớ khoa học chớ không vội vàng kết luận nên thầy lấy một mẫu tóc thằng bé đi xét nghiệm ADN,và kết luận hoàn toàn không như thầy nghĩ : thằng bé chính là con của thầy chớ không phải ai khác.
      Thầy cũng từng nghe những bà mẹ đang mang thai thường treo ảnh tài tử hay diễn viên trong nhà để con được đẹp trai hay xinh gái. Có thể vợ thầy chỉ lấy thầy vì tiền như lấy một anh chồng Đài Loan hay Hàn Quốc nào đó, còn con tim thì vẫn dành cho người yêu cũ, bằng chứng là khi đang ăn nằm với chồng vẫn kêu “Hóa, Hóa”.
       Là người có học đôi chút, thầy Dương tự hỏi mình có lỗi gì trong chuyện này. Gần hết thời trai trẻ ước mơ lấy được người đẹp, đến khi có người đẹp trong tay mới hay đó chỉ là các xác không hồn.
       Bao lâu rồi bỏ làm thơ, bây giờ có lẻ thầy bắt đầu trở lại, nhưng chắc chắn không làm thơ để tán gái.                                                                                                      Nguyễn Khắc Phước                                                                                                                                      9/2012

Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

NGƯỜI CHỒNG BẰNG MÂY ĐAN


    Sau truyện dịch VUSI MAKUSI, NGƯỜI CHỜ XE BUÝT thì NGƯỜI CHỒNG BẰNG MÂY ĐAN   truyện dịch thứ hai của anh Nguyễn Khắc Phước được chính tác giả - nữ văn sĩ người Anh Ursula Wills - Jones đăng trên trang web của bà.
       Ursula Wills - Jones là nữ văn sĩ người Anh, lớn lên ở thành phố Stroud, tỉnh Gloucestershire, xứ Wales. Hiện nay bà sống ở thành phố Bristol. Bà thích các truyện hoang đường, thần thoại, truyện ma và bất cứ chuyện nào có thể làm người lớn sởn tóc gáy. Chuyện của Ursula thu hút chúng ta vì nội dung rất gần gũi với con người - tốt và xấu, thiện và ác, chân và giả - được diễn tả đầy tính hoang đường, thần thoại nhưng phần kết luôn để lại một dư âm, một suy tư ở người đọc. 


     Nguyên tác : The Wicker Husband
     Truyện ngắn của Ursula Wills-Jones
     Nguyễn Khắc Phước chuyển ngữ


                         


Ngày xưa có một cô gái xấu xí, vừa mập vừa lùn, chân đi khập khiễng, hai lông mày dính liền nhau. Cô gái xấu xí sống bằng nghề làm ruột cá. Căn nhà xiêu vẹo của cô nằm ở ngoài làng. Cô không bao giờ than thở chuyện gì.

Trai gái trong làng lần lượt kết hôn với nhau. Họ tung tăng dẫn nhau đến nhà thờ làm lễ cưới. Cô gái xấu xí cũng đến dự nhưng chỉ đứng sau lưng nhà thờ khóc thầm. Phụ nữ trong làng thường ngồi lê đôi mách đủ chuyện về cô gái ấy. Rằng họ không biết cô tiều tiền vào việc gì. Rằng cô ta không bao giờ mua váy mới, không hề sửa nhà và không bao giờ đến quán ăn gì.

Vào thời gian ấy có một ông lão sống bên đầm lầy rất giỏi nghề đan rổ rá. Một hôm ông lão nghe có tiếng gõ cửa, liền mở, và trông thấy cô gái xấu xí đứng ngoài cửa. Trong tay cô có sáu đồng xu bằng vàng.

" Cháu muốn ông đan cho cháu một anh chồng," cô gái nói.

"Một tháng nữa trở lại," lão đáp.

Lão thợ đan hết sức cảm động vì cô gái xấu xí tin lão và giao cho lão một việc quan trọng. Lão quyết định đan một anh chồng đẹp nhất cho cô gái. Anh chồng do ông đan phải có đôi vai rộng, đôi chân dài, cánh tay khỏe, cổ dẻo dai, đôi lông mày đậm và cân đối, mái tóc nâu đen và đôi mắt xanh nâu. Và nhiều thứ khác mà đàn bà thích.

Đúng hẹn, cô gái đến. "Anh ấy nói hôm nay chưa được. Ngày mai anh ấy sẽ đến nhà thờ lúc mười giờ," lão thợ đan nói. Cô gái xấu xí ra về, suốt ngày ngồi gỡ vẩy cá dính trên áo.

Tối hôm đó anh thợ may trong làng nghe tiếng gõ cửa, liền mở, và thấy anh chồng bằng mấy đan đứng bên ngoài.

"Cho tôi mượn một bộ đồ," anh ta nói. "Sáng mai tôi cưới vợ và không thể trần truồng đến nhà thờ".

"Á á á á á!" anh thợ may sợ hãi kêu thét và bỏ chạy ra cửa sau. Chị vợ bước ra, nắm chặt hai bàn tay cho khỏi run, hỏi,"Chuyện gì vậy?". "Cho tôi mượn một bộ đồ," anh chồng đan nói. "Ngày mai tôi cưới vợ và không thể trần truồng đến nhà thờ." Chị vợ ném cho anh ta một bộ đồ và đóng sầm cửa.

Sau đó anh thợ giày trong làng nghe tiếng gõ cửa, liền mở, và trông thấy anh chồng đan đang đứng đó. "Cho tôi mượn một đôi giày," anh chồng đan nói. "Ngày mai tôi cưới vợ và không thể đi chân trần đến nhà thờ." "Ua trời ơi!" anh thợ giày hét lên và bỏ chạy ra cửa sau. Vợ anh thợ giày run rẩy hỏi,"Anh muốn gì?". " Cho tôi mượn một đôi giày," anh chồng mây đan nói. "Ngày mai tôi cưới vợ và không thể đi chân trần đến đám cưới." Chị vợ cho anh ta một đôi giày và đóng sầm cửa lại.

Anh chồng đan đi đến quán làng. "Cho tôi ít đồ uống. Ngày mai tôi cưới vợ và muốn có thứ gì đó để đãi khách," anh chồng đan nói. "Ối làng ơi!" chủ quán hét lên và tất cả khách hàng bỏ chạy. Anh chồng đan vào trong quán và lấy đồ uống.

Sáng hôm sau, khi đến nhà thờ, cô gái xấu xí vô cùng sung sướng vì thấy chồng mình quá đẹp trai và bảnh bao.



Sau đêm tân hôn thứ nhất, anh chồng đan bảo vợ, "Cái giường gảy rồi, kiếm cái đục để anh chữa lại." Như bao anh chồng tốt trên đời, anh chồng đan bắt đầu chữa giường. Chị vợ xấu xí đi làm ruột cá. Chiều cô về đến nhà, anh chồng đan nhìn chị nói, "Anh được tạo ra để sống với em."


Sau đêm trăng mật thứ hai, anh chồng đan nói, "Mái nhà bị dột, kiếm cái thang để anh chữa." Thế là anh chồng tốt trèo lên và bắt đầu chữa mái tranh. Chị vợ xấu xí đi làm ruột cá. Chiều đến, chị về nhà . Anh chồng đan nói, "Nếu không có em, anh đã không bao giờ được thấy ánh sáng mặt trời chiếu lên mặt nước và mây bay trên trời."

Sau đêm trăng mật thứ ba, trước khi đi làm, chị vợ xấu xí nói, "Cần phải làm sạch ống khói để đốt lửa." Chị vừa dứt lời, anh chồng tỏ vẻ sợ hãi. Từ đó, chị vợ xấu xí hiểu rằng không thể bắt một người đàn ông làm bất cứ chuyện gì, cho dù người ấy là một anh chồng tốt.

Vài tuần sau, dân làng bắt đầu chú ý sự thay đổi của chị vợ xấu xí. Dù chân vẫn cà thọt, nhưng mông chị bắt đầu lắc lắc làm họ khó chịu. Dù áo quần vẫn bốc mùi tanh, nhưng chị vừa làm cá vừa hát. Chị diện váy mới và cài hoa trên tóc. Cặp lông mày không còn dính nhau nhờ anh chồng nhổ bằng những ngón tay khỏe và dẻo. Họ để ý thấy nhà chị sơn mới, các cửa sổ sạch bóng, cửa lớn không còn xiêu vẹo. Đừng tưởng rằng những thay đổi này làm dân làng vui, không đâu. Trái lại, các chị vợ bắt đầu ra lệnh các anh chồng sửa chữa cửa nẻo và phàn nàn chồng sao không tự kiếm việc mà làm. Các anh chồng cãi : nếu các chị vợ diện váy mới và cài hoa lên tóc, thử hỏi họ có thích chữa nhà hay không. Mọi người cằn nhằn và nguyền rũa lẫn nhau, nhưng trong thâm tâm, họ đổ tội cho chị vợ xấu xí và anh chồng đan của chị ta.

Chị vợ xấu xí không hề biết người ta đang ganh ghét mình. Chị đang bận làm quen với cuộc sống hôn nhân, và thấy rằng anh chồng mây đan của mình có nhiều bất cập. Anh không ăn, không bao giờ phàn nàn vì cơm tối trể. Anh chỉ uống nước, càng đục càng tốt. Chị hơi buồn vì không có cơ hội nấu nướng và nhìn chồng ăn như bao người vợ khác. Vào những đêm giá lạnh, họ không ngồi cạnh nhau bên bếp lửa vì anh chồng sợ lửa, chỉ thích ngồi trong bóng tối. Khi mùa xuân đến, trời mưa nhiều, anh chồng đan bị ẩm mốc, chị phải dùng bàn chải và giấm để làm sạch mốc. Vào mùa hè, đặc biệt vào tháng sáu nóng nực, các khớp xương của anh trở nên khô cứng, và suốt ngày anh cứ nằm bên mương nước. Chị phải bưng cá ra mương làm, để ngồi với anh cho vui.

Càng ngày, thói tò mò thôi thúc dân làng đến nổi họ không còn chịu đựng được nữa. Nhân có một đám cưới trong làng, cặp vợ chồng ấy được mời đến dự. Đám cưới có dàn nhạc, nhảy múa, thức ăn và rượu. Khi nhạc trổi lên, chị vợ xấu xí và anh chồng đan ra sàn nhảy. Dân làng ngạc nhiên thấy anh chồng đan nhảy quá đẹp. Anh ta nhắc bổng chị vợ mập ú và quay nhiều vòng nhẹ nhàng tựa như một nhấc một chiếc lông chim. Anh chồng mây đan tỏ vẻ hết sức lịch lãm và duyên dáng. Chị vợ xấu xí tưởng mình như đang trên thiên đường.

Cánh phụ nữ che miệng nói thầm với nhau. Vợ anh thợ rèn là người bạo dạn nhất. Chị ta quyết định mời anh chồng đan cùng nhảy. Khi nhạc vừa ngừng, chị ta đi về phía cặp vợ chồng ấy. Chị vợ xấu xí đang ngồi trên đùi anh chồng đan làm anh này phát ra tiếng cót két. Vợ anh thợ rèn định đập vào vai anh chồng đan nhưng hai tay anh này đang ôm choàng lấy chị vợ. "Em là lý do duy nhất để anh sống và thở", anh chồng đan nói. Vợ anh thợ rèn nghe được câu ấy liền bỏ đi, chẳng nói chẳng rằng.

Hôm sau, không khí giận dỗi căng thẳng lan ra khắp làng.
" Ông chỉ có hai chân biết đi mà thôi," chị vợ anh thợ giày mắng chồng.
" Ông không bao giờ nói với tôi điều gì hay ho," chị vợ anh thợ rèn hét vào mặt chồng.
" Ông chỉ biết mỗi một việc là nhìn xoáy vào đám đàn bà con gái mà thôi," vợ anh chủ lò bánh nhiếc chồng. Mặc dù chính chị ta cũng không làm gì khác hơn là nhìn anh chồng đan chết mê chết mệt suốt buổi đám cưới.

Sau đám cưới, cánh đàn ông tụ tập tại quán rượu.
"Bậy quá, bậy quá."
"Thằng chả làm mất mặt bọn ta."
"Bày đặt sơn cửa."
"Sửa mái tranh nữa chứ."
"Thì thầm với vợ những câu lãng xẹt."
"Bày đặt khiêu vũ nữa chứ."
"Hắn có phải là người đâu. Đồ tởm lợm."
"Hắn không ăn."
"Không cằn nhằn."
"Đánh rắm cũng không," anh thợ may buồn bực nói.
Đám đàn ông lắc đầu và đều đồng ý rằng chuyện này không thể tiếp diễn được nữa.

Trong khi đó, cánh đàn bàn tập trung trong nhà bếp.
" Có gì đó bậy bạ trong chuyện này," họ thì thầm với nhau.
"Con vợ làm sao mà xứng với thằng chồng ấy."
"Chắc con này bỏ bùa nó thôi."
"Rồi nó sẽ bỏ bùa chồng của bọn ta . Coi chừng đấy," vợ anh chủ lò bánh nói.
"Phải làm cho nó hết vênh váo."
"Nó mà hơn bạn ta, hả?"
"Còn bày đặt cài hoa lên tóc nữa chứ."
"Thấy nó nhảy mà phát ghét."
Và họ dứt khoát chuyện này không thể tiếp diễn được nữa.


Một hôm, sau khi kiểm tra mấy cái bẩy cá, anh chồng đan mây đang đi về nhà thì tay chủ lò bánh xuất hiện và đi theo.
"Tối hôm đó anh tạo ấn tượng khá đấy."
"Thế hả?" anh chồng đan nói.
"Bọn phụ nữ bị kích động . Anh có bao giờ nghĩ...e hèm..."
"Cái gì?" anh chồng đan bối rối hỏi.
"Đàn ông như anh...có nhiều cơ hội lắm đấy". Anh ta nghiêng người về phía anh chồng đan khiến anh này phải lùi lại, né tránh. Hơi thở tay chủ lò bánh bốc mùi bột chua khiến anh chồng đan khó chịu.
"Vợ thằng hàng thịt rất hấp dẫn. Tôi biết chắc thằng chả không có ở nhà. Lên thăm thằng em ở thành phố rồi. Tới đó thử xem."
"Không được đâu," anh chồng đan nói. "Vợ tôi đang chờ tôi ở nhà". Anh chồng đan quay người và bước nhanh. Tay chủ lò bánh bực tức quay về nhà.

Anh chồng đan có tính cả tin, lại chẳng để bụng chuyện gì nên vợ anh ta không hề hay biết có chuyện rắc rối đang nhen nhúm. Chừng một tuần sau, khi chị vợ xấu xí đang hái quả dâu trên hàng rào thì vợ anh thợ may rón rén bước tới.
"Này em yêu quý ơi!" vợ anh thợ may vừa kêu vừa vẫy tay.
"Chuyện gì thế?" chị vợ xấu xí nói.
Vợ anh thợ may giả đò lau nước mắt, nhìn trước nhìn sau, rồi thì thầm, "Em yêu quý ơi, chị đến đây để báo cho em biết chuyện này: chồng em đang đi lại với mấy người đàn bà, em biết chưa?"
"Đàn bà nào?" chị vợ xấu xí hỏi.
Vợ anh thợ may khoát tay. Hình như chị ta không có ý định nói thế.
"Em yêu quý ơi! Đừng tin bọn đàn ông. Họ đều một giuộc như nhau. Chẳng tốt lành gì đâu - đàn ông như chồng em, đàn bà như em- thật đấy."
Chị vợ xấu xí quá tức giận, lấy cái rổ đập chị vợ anh thợ may và chạy đi. Chị vợ xấu xí về nhà, mặc dù biết nhiều chuyện chẳng lành hơn chồng mình và nghĩ mãi về chuyện ấy nhưng vì sợ phật ý chồng nên chị làm thinh.
Vợ anh thợ may giận dữ quay về nhà, trên mặt có nhiều vết xước. Tối hôm đó, tất cả những cặp vợ chồng trong làng nhất trí phải có hành động quyết liệt.

Vài ngày sau, lão thợ đan nghe tiếng gõ cửa, liền mở, và thấy nhiều dân làng đứng ngoài. Ngay lúc đó, vợ anh thợ may bắt đầu khóc nức nở.
"Chuyện gì thế?" lão thợ đan hỏi.
"Chị ấy không có con," vợ anh chủ lò bánh sụt sùi.
"Trai không, gái cũng không," tay thợ may buồn bã nói.
"Chẳng ai chăm sóc họ lúc tuổi xế chiều," tay lò mổ thêm.
"Họ buồn ghê lắm," chủ lò bánh tiếp.
"Thế nên chúng tôi đến yêu cầu..."
"...nhờ lão đan cho chúng tôi một đứa bé. Bằng dây mây."
Và họ cầm một túi vàng đưa ra.
"Được," lão thợ đan nói. "Một tháng sau đến đây."


Vào một ngày thu trời xám xịt, chị vợ xấu xí đang ngồi bên bếp lửa thì nghe tiếng gõ. Anh chồng đan mở cửa và thấy dân làng đứng bên ngoài. Vợ anh thợ may ẵm một cái bọc phát ra tiếng khóc oe oe.
"Cái gì thế?"
"Cái này là do mày tất," tay hàng thịt chỉ vào anh chồng đan và rít lên.
"Đồ bẩn thỉu, người không ra người," tay chủ quán khịt mũi.
Tay thợ may kéo phăng cái mền và chị vợ xấu xí trông tấy một đứa bé đan bằng dây mây. Mắt, mũi giống chồng chị như đúc. Chị khóc rống lên.
" Trời ơi! Hãy nói cái này không phải của anh đi!"
Nhưng anh chồng của chị chẳng nói chẳng rằng, cứ nhìn chằm chặp vào đứa bé. Chưa bao giờ anh trông thấy đồng loại của mình và cảm thấy hết sức xúc động. Trông thấy vẻ mặt của anh, chị vợ nằm lăn trên nền nhà, rên rỉ.
"Đồ thối tha , dơ bẩn. Đồ súc vật," tay thợ may rít lên. Anh ta chụp đứa bé liệng vào trong bếp lửa. Ngay lập tức, anh chồng đan la lên, nhảy ra. Chị vợ xấu xí hét lên, ném cây đèn dầu vào anh chồng đan. Bầu thủy tinh vở và dầu văng tung tóe. Lửa bắt đầu liếm vào ngực anh chồng đan, cháy lên cổ, lên mặt. Anh ta cố dập lửa nhưng ngón tay dính dầu bật cháy. Anh ta rú lên, chạy ra và lao xuống sông.
"Mọi sự diễn ra tốt đẹp," tay hàng thịt thỏa mãn nói.
Dân làng chẳng ai để mắt tới chị vợ xấu xí. Họ về nhà ăn cơm tối. Trên đường về, vợ tay thợ may ném đứa bé đan xuống rãnh nước, lấy chân đạp vào mặt nó và nói, "Đồ ghê tởm."

Hôm sau, chị vợ xấu xí lang thang trên đường, gặp ai chị cũng hỏi, "Chồng tôi đâu rồi?". Thấy mắt chị có vẻ dữ tợn, người ta bỏ đi. Chiều tối, khi đang lang thang không biết nơi đâu, chị nghe có tiếng gì kêu trong rãnh nước. Cúi xuống, chị trông thấy đứa bé mây đan. Nó kêu gào và cố vùng vẫy. Mắt và mũi của nó làm chị nhớ chồng. Chị ôm nó vào lòng và bồng về nhà.

Bấy giờ, lão thợ đan chẳng hay biết chuyện gì đã xảy ra. Một hôm lão chợt nảy ý tưởng nên đi xem hai tạo vật của lão tiến bộ ra sao. Lão vào làng, đến gõ cửa nhà tay thợ may, gặp chị vợ, lão hỏi, "Đứa bé ra sao rồi?". "Ối dào, nó chết rồi," chị vợ trả lời và đóng sầm cửa lại.
Lão thợ đan tiếp tục đi đến nhà của chị vợ xấu xí. Nhà đóng cửa, vườn tược nhếch nhác, cửa ngõ bụi bẩn. Lão thợ đan gỏ cửa, đợi thật lâu vẫn không ai trả lời.
Lão thợ đan thất vọng quay về nhà. Khi đang đi trong bóng tối chạng vạng gần đầm lầy, lão nghe có tiếng gì trong bụi cây bấc. Lúc đầu lão sợ, lấy khăn trùm mặt. Nhưng tiếng kêu hình như đi theo lão, lâu lâu lại rên rỉ. "Ai đó?" lão kêu lên. Một bóng người tã tơi đang lê bước khập khiễng trên đường, trông rất thương tâm. Lão kinh hoàng nhận ra đó là cái phần còn lại của anh chồng mây đan: tay bị lửa thiêu, mặt bị mất. Ngực bị lửa đốt tạo thành những lỗ đen, bắt đầu mục rã. Lão thợ đan khóc rống lên, "Trời ơi, ai làm gì con tôi thế này?" Anh chồng đan không nói được: lưỡi anh ta đã bị mất. Lão mang anh ta về nhà mình. Sáng hôm sau, lão bắt đầu sửa chữa. Càng chữa, lão càng tức giận, "Tao làm ra mầy, lại để cho mầy hư hỏng thế này," lão nói. "Tao sẽ không để cho mầy tới đó nữa."

Anh chồng đan sau một thời gian được chữa lại như mới mặc dù mùi khét vẫn còn. Nhưng vài ngày sau, mốc đen do ẩm bắt đầu mọc. Lão thợ đan rút những sợi mục và thay vào những sợi mới. Nhưng hình như vô ích: anh chồng đan bị mục từ trong ra ngoài. Rốt cục, lão thợ đan đành bó tay.

Không kể đêm hôm khuya khoắt, lão khoác áo và đi băng qua làng, đến nhà chị vợ xấu xí. Trong vườn đầy rác rưởi, chị vợ đang đứng, tay bồng đứa bé. Chị đang hát một điệu ru buồn da diết. Nhìn kỹ, lão thấy nó chính là đứa bé lão đã tạo ra.

Lão thấy cơn giận của mình dịu lại. Bước ra khỏi bóng tối, lão nói, "Chị giữ đứa bé làm gì khi mà chị đã đuổi chồng ra khỏi nhà." Nghe có người hỏi, chị vợ bật khóc òa lên, "Nó là tất cả những gì mà chồng cháu để lại," chị nói sau một hồi khóc lóc. "Dù đây là bằng chứng lừa dối của anh ấy nhưng cháu không nỡ nào để nó chết trong rãnh nước." "Chị ngốc quá," lão nói. "Chính ta đã tạo ra đứa bé nầy, chồng chị chẳng có tội gì."

Vừa nghe xong lời ông lão, chị vợ xấu xí hét lên và chạy ra sông. Ông lão chụp tay chị, ngăn lại, "Khoan đã. Đi theo ta, ta sẽ cho xem cái này."

Chị vợ xấu xí bước theo sau lão thợ đan, vòng qua đầm lầy. Khi trời sáng, chị thấy rõ mặt ông lão có nhiều nét giống đứa bé. Như những người sáng tạo khác, lão đã truyền hình dáng và tính cách của mình vào trong tác phẩm.

Khi họ đến chỗ ở của ông lão, chị vợ xấu xí mở cửa và thấy chồng mình đang ngồi trong bóng tối.
"Lẽ nào chồng của em đây," chị nói. "Anh đã chết rồi. Chính em đã giết anh rồi mà!"
"Anh đã được tạo ra để dành cho em", anh chồng đan nói. "Nhưng em lại vứt anh đi."
Chị vợ khóc òa lên và quỳ xuống, gục đầu vào chân chồng.

Vài ngày sau, dân làng ngạc nhiên thấy lão thợ đan đứng trước nhà thờ.
"Lão có chuyện muốn nói với các người," lão nói. "Ta sắp nghỉ hưu. Nhưng trước khi nghỉ hưu, ta muốn làm một kiệt tác - một cô gái bằng mây đan. Nếu muốn, các người sẽ được phép sở hữu cô ta. Nhưng các người phải cho lão quà để lão nghỉ hưu. Bất cứ ai mang quà có giá trị nhất sẽ được phép sở hữu cô ta." Nói xong, lão quay lưng và đi về đầm lầy.
Khi lão vừa đi xong, dân làng bắt đầu xầm xì.
"Thằng chồng mây đan cao ráo và phong nhã quá đi chứ!"
"Nó làm việc siêng năng quá chứ lỵ?"
"Anh ta không đẹp trai nhưng biết chiều vợ đấy chứ?"

Hôm sau, dân làng tuyệt đối không ai nói mình thích cô gái đan, nhưng bắt đầu có kế hoạch. Đàn ông hỏi nhau về giá bò. Đàn bà lén mở hộp đựng nữ trang.
"Thằng chồng đan làm việc như nô lệ, chẳng bao giờ đòi ăn," vợ anh thợ giày nói với chồng. "Mua cho tôi con gái đan ấy để tôi bắt nó làm đầy tớ. Tôi sẽ làm bà hoàng, suốt ngày chẳng đụng đến móng tay."
"Thằng chồng đan không bao giờ cãi cọ với ai, chẳng khi nào to tiếng," tay chủ quán trọ nói với vợ. "Không như bà, giống hàng tôm hàng cá."
"Thằng chồng đan chẳng mỏi mệt, nhức đầu," anh hàng thịt nói với anh chủ lò bánh. "Hãy tưởng tượng xem..."
"Này em, cho chị mượn ít tiền," vợ anh thợ giày nói. "Chị cần mua đồ lót mới."
"Không được đâu," vợ anh thợ rèn nói. "Em đã mua thuốc hết rồi. Con em đau nặng lắm."
"Trả món tiền mầy còn nợ tao ngay đi," anh hàng thịt nói với anh thợ may đang thuê nhà mình.
"Lâu nay có may vá gì được đâu," anh thợ may nhỏ nhẹ. " Em sẽ trả bác nay mai thôi."
Anh hàng thịt lên phố thuê luật sư đuổi anh thợ may khỏi nhà mình. Anh thợ may dẫn vợ đến thuê nhà anh thợ giày.
"Ông định dùng cái nhà trống vào việc gì?" vợ anh hàng thịt hỏi chồng.
"Chẳng làm gì cả," anh hàng thịt nói, bụng nghĩ đến chỗ ở cho cô vợ bé.
Vợ anh hàng thịt đánh nhau với vợ anh thơ may ngoài chợ, về nhà mặt sưng bầm. Trong quán, không ai nói gì, chỉ len lén nhìn nhau.
Tay luật sư vẫn chưa về làng. Người ta đồn vợ anh thợ may đang muốn ly hôn. Vợ anh chủ quán trọ kêu cảnh sát bắt chồng khi thấy cầu thang có bôi mỡ.
Tóm lại, lúa không ai gặt, bò không ai vắt sữa, bếp lò không ai dọn. Cả làng đang bị ám.

Thế rồi một ngày lão thợ đan đến, ngồi bên hông nhà thờ. Dân làng mang quà tới. Đầu tiên anh thợ may mang một cái áo bành tô đắt giá. Kế đến, anh thợ xay xát mang một chục bao lúa. Anh chủ lò bánh mang một cái bánh cực kỳ ngon. Anh thợ mộc mang một bộ bàn ghế. Anh xà ích mang một con ngựa to khỏe. Vợ anh thợ rèn khệ nệ bưng một miếng pho-mát to cỡ bánh xe. Em họ chị ta, vợ anh thợ may, mang đến một túi vàng.
"Vàng ở đâu ra vậy?" anh thợ may hỏi vợ.
"Mắc mớ chi ông," chị vợ đốp chát.
Vợ chủ quán trọ không có mặt. Chị ta bị trượt chân khi lên cầu thang.
Người cuối cùng là tay hàng thịt. Anh ta bỏ xa những người khác: hai con bò đực, bốn con bò cái và chục con cừu.
Lão thợ đan nhìn quanh rồi nói, "Được rồi. Phần thưởng thuộc về ... anh hàng thịt. Lão mang những thứ nầy về và sẽ mang cô gái đan trở lại."
Tay hàng thịt quá sung sướng đến rớt nước dãi.
"Tôi lấy lại lúa," anh xay xát nói.
‘Không không," lão thợ đan nói. "Đây có phải là mua bán gì đâu". Lão chất hết hàng lên ngựa.

Đáng lẽ ra dân làng phải túm nhau mà đánh lộn nhưng vì họ quá tha thiết muốn trông thấy cô gái đan nên chỉ đứng đó và chờ.

Khi lão thợ đan trở lại thì trời đã nhá nhem tối. Cô gái đan ngồi trên lưng ngựa, mặc áo choàng, đầu đội khăn voan như một cô dâu. Khi cô đi ngang, dân làng ngửi thấy mùi hương ngào ngạt.
Anh hàng thịt đứng trước ngôi nhà trước đây cho anh thợ may thuê. Để chuẩn bị, anh đã nhốt vợ vào trong kho than.
Lão thợ may đưa tay, giúp cô gái đan bước xuống. Anh hàng thịt trố mắt nhìn cô. Cô gái đan thấp và chân đi vòng kiềng, mặt đen và thô nhám. Nhưng tệ hơn, từ đầu đến chân phủ đầy gai.
"Cái quái gì thế này?" tay hàng thịt rít lên.
"À," lão thợ đan nói. "Anh chồng đan được làm bằng cây mây. Mây là cây cao, thân mềm mại, chẳng làm ai đau đớn. Nhưng ta thấy các người không thích, nên ta làm cô gái này bằng cây mận gai. Mận gai thì cứng và đầy gai. Lửa hay nước không làm cô ta chết."

Dân làng có lẽ đã đè lão thợ đan mà đánh nếu cô gái đan không bước ra. Cô ta chụp tay hàng thịt và hôn vào môi anh ta. Tay hàng thịt rú lên. Khi dứt ra được, môi anh ta bị cào xước, máu chảy xuống cằm. Đúng lúc ấy, người ta nghe một tiếng rầm: vợ tay hàng thịt đã thoát khỏi kho than và đang chạy tới. Trông thấy cô gái đan đang hôn chồng mình, chị ta thét lên và đè cô gái đan xuống. Hai người xoắn với nhau, lăn xuống rãnh nước, vừa hú vừa cào.
Ngay lúc ấy, tay luật sư xuất hiện. "Các người chưa làm biên bản sao? Phải kiểm tra mọi dấu vết. Quan trọng lắm đấy," tay luật sư nói.
Dân làng lấy dao của tay hàng thịt, kéo của tay thợ may, xảy rơm của mình, rượt đuổi tay luật sư. Chạy đến khi mệt đứt hơi, họ ngừng.
"Lão thợ đan gian trá," tay lò bánh nói. "Lão lừa bọn ta rồi." Thế là họ quay sang đường khác, nhắm hướng đầm lầy.
Trời đã tối và họ vấp ngã, lỏm bỏm trong bùn, lạc đường và gần bị sa lầy.
Khi đến được chỗ ở của lão thợ đan, họ đốt lửa lên cho sáng. Nhưng lão thợ đan, anh chồng bằng mây đan, chị vợ xấu xí, đứa bé và tất cả hàng hóa của dân làng, hết thảy đều biến mất.

                                                                                        Ursula Wills-Jones
                                                                                     Nguyễn  Khắc Phước chuyển ngữ.