BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn VĂN HỌC NGHỆ THUẬT. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2024

KHÓC TA XIN NHỎ LỆ VÀO THIÊN THU! - Phạm Hiền Mây



1.
Trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, Phạm Duy đã có rất nhiều ca khúc, mà phần lời, lấy từ thơ của nhiều nhà thơ nổi tiếng. Một trong những nhà thơ đó là Phạm Thiên Thư, với bốn bài thơ tiêu biểu, được phổ thành nhạc: Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu.
Cả bốn bài này, theo tôi, nếu đánh giá là hay, sẽ trật lất.
Đánh giá đúng, và đúng đến từng chữ, thì phải là rất-hay, rất-rất-hay.
Thế hệ tôi, không ai là không biết, tệ lắm thì cũng, không ai là chưa từng nghe qua một lần: rằng xưa có gã từ quan / lên non tìm động hoa vàng ngủ say.
 
Phạm Thiên Thư, tức Thích Tuệ Không, từng cạo đầu, mặc áo nâu sòng, ở trong chùa đến chín năm. Đi tu, cũng là chuyện bất đắc dĩ, nhưng nhờ vậy mà ông ngộ ra được nhiều điều: bước chân tìm chán ta bà / ngừng đây nó hỏi đâu là vô minh.
Cho nên, thơ ông, đậm vị thiền, lời thơ nhẹ nhàng, trong sáng, thanh thoát, ít nhuốm màu tục lụy, thế gian: gót chân đất Phật trổ hằng hà sa.
Nếu có yêu, nếu có nhớ, thì đó cũng chỉ là yêu, là nhớ, thấp thoáng, xa xôi, khói sương, huyền ảo, hư huyễn, vô thường: thì thôi tóc ấy phù vân / thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương.

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

MÙA THU – APOLLINAIRE – BÙI GIÁNG – PHẠM DUY - HOA THẠCH THẢO - La Thụy sưu tầm và biên tập


                 

Sắc màu thu đã gieo nhiều cảm hứng cho hồn thơ tứ nhạc. Nhiều bài thơ, bản nhạc viết về THU dù đã trải qua bao năm tháng phôi pha vẫn in đậm nét trong lòng người thưởng lãm. Là người yêu nhạc (loại nhạc có air “bán cổ điển”), ai mà không thuộc các bản “Buồn tàn thu” của Văn Cao, “Giọt mưa thu”“Đêm thu”, “Con thuyền không bến”… của Đặng Thế Phong , “Thu quyến rũ” của Đoàn Chuẩn Từ Linh , “Thu vàng” của Cung Tiến, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Chiếc lá thu phai” của Trịnh Công Sơn , “Mùa thu Paris” của Phạm Duy, “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương v.v… Đặc biệt, bản “Mùa thu Chết” của Phạm Duy, bản nhạc hay nhưng có nhiều thắc mắc về xuất xứ của ca từ.
     
Bản nhạc này lấy ý của bài thơ “L’ADIEU” của Guillaume Apollinaire, điều này có lẽ được nhiều người chấp nhận. Tuy nhiên lời Việt của bản nhạc “Mùa thu chết” thì không ít ý kiến cho rằng là do chính thi sĩ Bùi Giáng chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp bài “L’ADIEU” nói trên, Phạm Duy chỉ phổ nhạc mà thôi. Để nhìn nhận cho khách quan, ta thử đối chiếu nguyên tác với bản dịch của Bùi Giáng và lời nhạc của Phạm Duy.
 
 a/ Bài thơ của Apollinaire:
 
           L'ADIEU
 
           J'ai cueilli ce brin de bruyère
           L'automne est morte souviens-t'en
           Nous ne nous verrons plus sur terre
           Odeur du temps brin de bruyère
           Et souviens-toi que je t'attends
 
           GUILLAUME APOLLINAIRE
 
b/Bản dịch của thi sĩ Bùi Giáng :
 
           LỜI VĨNH BIỆT
 
           Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo (*)
           Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
           Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa
           Mộng trùng lai không có ở trên đời
           Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
           Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó...
 
                                                   BÙI GIÁNG
   (*) Câu này còn có dị bản:
 
          Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
 
c/ Ca từ trong bản “Mùa thu chết” của Nhạc sĩ Phạm Duy:
 
           MÙA THU CHẾT
 
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, em nhớ cho
           Mùa Thu đã chết, đã chết rồi. Em nhớ cho !
           Em nhớ cho,
           Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
           Trên cõi đời này, trên cõi đời này
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau
           Từ nay mãi mãi không thấy nhau...
           Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
           Em nhớ cho Mùa Thu đã chết rồi !
           Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
           Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
           Vẫn chờ em, vẫn chờ em
                 Vẫn chờ....
                                    Vẫn chờ... đợi em !
 
                                            PHẠM DUY    

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2024

CHÚT TẢN MẠN VỀ CÁC ĐOẢN VĂN “TỰU TRƯỜNG” CỦA ANATLOLE FRANCE, “TÔI ĐI HỌC” CỦA THANH TỊNH VÀ “CẢM THU” CỦA ĐINH HÙNG - La Thụy


      

CHÚT TẢN MẠN VỀ CÁC ĐOẢN VĂN “TỰU TRƯỜNG” CỦA ANATLOLE FRANCE, “TÔI ĐI HỌC” CỦA THANH TỊNH VÀ “CẢM THU” CỦA ĐINH HÙNG
                                                                                            La Thụy

Ngày khai trường với kỷ niệm mơn man làm tôi nhớ đoản văn LA RENTRE'E DES CLASSES (TỰU TRƯỜNG) của nhà văn Anatole France - trích từ quyển “Le Livre de mon ami” (Cuốn Sách Của Bạn Tôi). Đoản văn TỰU TRƯỜNG của nhà văn Anatole France có ảnh hưởng lớn tới tâm hồn nhà văn Thanh Tịnh, khi ông viết truyện ngắn TÔI ĐI HỌC. Hình ảnh chú bé A. France trong ngày tựu trường khơi dậy những tình cảm trong sáng, bỡ ngỡ và êm ái của tuổi thơ. Bởi hơn đâu hết, chính những thầy giáo vỡ lòng, thông qua trang hồi kí tuyệt vời ấy, đã đánh thức ở họ những xúc cảm đầu đời: niềm đam mê học hành và tình yêu văn chương nghệ thuật.

Xin trích dẫn các bản dịch của Phạm Tất Đắc, Bùi Bảo Trúc và bản tiếng Pháp Anatole France

* Bản dịch của Phạm Tất Đắc:

“Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi phong cảnh hơi buồn và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ vai trăng trắng của các pho tượng… Điều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ là một bóng hình. Đó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm…”
                                           (Trích một đoạn dịch của Phạm Tất Đắc)

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

CHIỀU CUỐI NĂM - Nhất Linh (Đoạn Tuyệt)



Một buổi chiều về cuối năm, một buổi chiều êm như giấc mộng; mấy cây thông ở đầu hiên nhà đứng lặng yên, đợi gió.
Dũng và Độ, hai người thẫn thờ, không nói, ngả đầu vào lưng ghế, nhìn khói thuốc lá từ từ lan ra ngoài nhà rồi tan vào quãng không.
Trên bàn phủ vải trắng, có để một chai rượu mùi, hai cái cốc đầy rượu và một đĩa quả: sắc thủy tinh trong, pha với màu xanh, vàng, đỏ của trái cây diễn ra một quang cảnh ấm áp.
Ngoài kia, ánh nắng vàng buổi chiều như tiếc ngày cuối cùng của một năm, còn lảng vảng trên các ngọn đồi, chòm cây lướt thướt trên những cánh đồng cỏ màu xanh già. Những thôn xóm rải rác dưới chân đồi hay bên bờ con sông trắng cong queo như bị đè nén dưới vẻ to tát của trời đất rộng rãi. Khói thổi cơm chiều ở một vài nhà gần không có sức lên cao nữa, tỏa ra thành từng đám màu lam ôm lấy các mái tranh....
                                                                                      Nhất Linh
                                                                                   (Đoạn Tuyệt)

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

THƯ GỬI NGƯỜI THI SĨ TRẺ TUỔI - Rainer Maria Rilke, Phạm Công Thiện dịch



Kim chỉ nam không những cho những thi sĩ, dù trẻ hay già. Mà là cho tất cả những ai suốt đời lầm lũi trên con đường tịch liêu: Con Đường Sáng Tạo.
 
************

 LỜI MỞ ĐẦU CỦA DỊCH GIẢ

Mười bức thư sau đây của thi sĩ Rainer Maria Rilke là một kiệt tác trong văn nghệ hiện đại Đức quốc. Không ai còn lạ với thiên tài và tên tuổi của Rainer Maria Rilke, ông là thi sĩ nổi tiếng nhất và cô đơn nhất trong văn nghệ Đức ở thế kỷ XX. Những người quen thuộc với tư tưởng của Heidegger đều biết rằng Heidegger đã dành cho Rilke một vị thế trang trọng ưu liệt trong cuộc song thoại giữa tư tưởng (Denken) và thi tưởng (Dichten). Trong sự suy tưởng về Rilke, Heidegger đã viết những câu quyết định như vầy:
“Trong thời đại đêm tối của thế giới, hố thẳm của thế giới phải được học và học cho cạn. Mà muốn thế thì phải có người với tới hổ thẳm”.
Heidegger đã nói như trên trong buổi kỷ niệm ngày giỗ R.M. Rilke. (Rilke chết ngày 29, tháng chạp, năm 1926).
Cuộc đời của Rilke, nỗi cô đơn của ông những bước chân lang thang cô tịch của ông, đôi mắt diệu vợi sâu thẳm hừng lửa của ông, tất cả những cử chỉ ấy nói lên những gì cho con người trẻ tuổi Việt Nam hiện nay?
Mỗi một người trẻ tuổi của Việt Nam đều là một thi sĩ; mười bức thư sau đây của Rilke là mười tiếng nói được gửi về bất cứ người thi sĩ trẻ tuổi nào đang sống trên mặt đất trần trụi này. Sống và sống một cách thơ mộng trên thế giới sâu kín này, phải chăng đó là tiếng ca của con chim không tên, đồng vọng lên một sớm mai hồng đang nằm phong kín trong đêm tối sinh ly?

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2023

ĐÃ CÓ TOÀN TẬP, VẪN CÒN NHỮNG BÀI THƠ LƯU LẠC CÓ NGUY CƠ MẤT HẲN! – Lại Nguyên Ân

Bài viết từ 3 năm trước, chả báo nào dám đăng. Chỉ có bài thơ NGUYỄN BÍNH còn ít người biết thôi. Thì đưa lên đây vậy.


 Ngồi nhà những ngày phong tỏa vì đại dịch, lật giở đôi trang sách cũ, có lúc chợt nhận ra được đôi chỗ khuyết thiếu mà từ ngày nào đã không thấy!
 
 Dừng lại ở thơ của Nguyễn Bính (1918-1966), tôi nhớ đã từng có ý định soạn một tập gồm những bài thơ có vẻ như chưa từng được đưa vào tập sách nào, nhất là những bài từng đăng các báo Hà Nội ngay những tháng ngày mới tiếp quản, đầu năm 1955.
 
Nhưng rồi lại nghĩ đến những tập thơ mà Nguyễn Bính đưa in từ đó về sau như “Đồng Tháp Mười” (1955), “Trả ta về” (1955), “Đêm sao sáng” (1962), biết đâu chính tác giả đã đưa những bài thơ lẻ này vô đó rồi? Muốn làm rõ, ắt phải đối chiếu! Mà để tìm lại đủ các tập thơ ấy tại các thư viện, đâu phải chuyện dễ?
 

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2022

LƯƠNG CHÂU TỪ CỦA VƯƠNG HÀN – Đỗ Chiêu Đức



CHIẾN TRANH là thảm họa muôn thuở từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á... Có biết bao nhiêu người đã nằm xuống ở sa trường. Sinh ly tử biệt, có mấy ai được lành lặn trở về từ chiến địa đâu ?!... Mời đọc LƯƠNG CHÂU TỪ của Vương Hàn đời Đường để thấm thía hơn với nỗi niềm "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ?!"...
  
                     LƯƠNG CHÂU TỪ            
   王                                    Vương Hàn
 
葡萄美酒夜光杯,    Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
欲飲琵琶馬上催。    Dục ẩm tì bà mã thượng thôi.
醉臥沙場君莫笑,    Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
古來征戰幾人回。    Cổ lai chinh chiến kỉ nhân hồi?
 


Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA - Thanh Tâm Tuyền



Thanh Tâm Tuyền (1936-2006), tên thật là Dzư Văn Tâm, là một nhà thơ, nhà văn người Việt nổi tiếng, được biết đến với những cách tân thơ ca táo bạo. Năm 1956, lúc tròn 20 tuổi, ông đã nổi tiếng với tập thơ “Tôi không còn cô độc”, và năm 1957, lúc 21 tuổi, với tiểu thuyết “Bếp lửa (viết năm 1954)mô tả khung cảnh Hà Nội trước 1954, với những người ra đi cũng như những người ở lại, cả hai đều bị giằng co bởi những chọn lựa miễn cưỡng, sự chia ly hay cái chết. Thanh Tâm Tuyền có ảnh hưởng lớn trên văn học Việt Nam giai đoạn 1956-1975 và cả những năm về sau này. Bút hiệu khác: Đỗ Thạch Liên.
 
 TRÈO LÊN CÂY BƯỞI HÁI HOA - Thanh Tâm Tuyền

Tôi nhận được thư của một người bạn yêu thơ - vừa thương vừa giận tôi lắm - trách móc và đòi tôi ít nhất hãy tự giảng lấy một bài thơ của mình để độc giả có thể theo dõi nổi mình. Hằng ngày tôi bắt gặp những câu hỏi tương tự như: “Thơ viết cái gì? Đọc không làm sao hiểu nổi”, ở những người bạn mới gặp lần đầu, những học sinh rất thân của tôi.
 

Tất nhiên là tôi không thể nào chối một phần cái sự “tối tăm” của thơ tự do. Vì như tôi đã có dịp trình bày: bản vị của một bài thơ tự do không nằm trên mỗi câu như ở thơ cũ (chữ cũ gồm cả cho thơ mới) mà đặt trên mỗi từ khúc. Đừng tìm ý nghĩa và tiết điệu của bài thơ theo mỗi câu mà hãy nắm trọn từng từ khúc một. Mỗi từ khúc là một toàn thể về ý nghĩa cũng như tiết điệu ở đấy người làm thơ liên kết những lớp hình ảnh xô đến - để diễn một ý lớn và một điệu trọn vẹn. Chính ở chỗ này - người làm thơ mở cửa tâm hồn tiếp đón rất nhiều hình ảnh cho một từ khúc - khiến thoáng ngó người đọc cảm thấy ý tưởng bị ngắt quãng vì những hình ảnh đứng bên nhau với cái lướt mắt sơ sài tưởng không liên lạc gì với nhau. Cho nên người đọc phải tìm được sự thống nhất khăng khít của những hình ảnh ấy.
 

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

THƠ XUÂN CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM – Đỗ Chiêu Đức



         
NGUYỄN BỈNH KHIÊM 阮秉謙 (1491-1585) huý là Văn Đạt 文達, tự Hanh Phủ 亨甫, hiệu Bạch Vân cư sĩ 白雲居士, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con thượng thư Nhữ Văn Lan, thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất Thần Kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Mãi sau này, Mạc thay Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thí, đậu Trạng Nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi.
 

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

CUỐN SÁCH ĐẦU TIÊN - Nguyễn Đức Tùng



Cuốn sách đầu tiên mà tôi đọc khi ở ngoài đất nước là một món quà. Tôi hoàn toàn không biết người gửi. Tôi tìm thấy nó dưới tấm thảm cũ góc nhà trong khu tạm giam gần thủ đô Bangkok. Tôi thức dậy trước khi trời sáng, không ngủ được, bồn chồn, cảm giác có vật cộm lên dưới gót chân. Đó là cuốn sách rách bìa nhưng bên trong còn tốt, giấy ố vàng nhưng chữ đọc được. Cuốn sách không nằm đó một mình, không nằm đó một cách cô độc, nó nằm chờ ở đó như người bạn chờ người bạn. Cuốn sách như tác phẩm nghệ thuật được một nghệ sĩ để lại trên đường đi, vì quá nặng, hay cố tình để lại cho người đến sau. Cuốn sách ấy như một nhân vật, không yêu ai, không phụ ai, không chú ý đến người nào, nằm im lặng ở đó nhưng đã học quá nhiều điều từ những năm tháng tối tăm, biết bao người đi qua, dừng lại, nằm xuống, nằm xuống mãi, không ai nhìn thấy vì nó nằm ở chỗ lõm sâu nhất của sàn xi măng lạnh lẽo. Cuốn sách không được phê bình, không được mang tới, kiên nhẫn như tác phẩm vĩ đại, như kho tàng chôn giấu kỹ, là vật duy nhất còn sống sót dưới đống gạch đá của ngôi nhà tan nát vì chiến tranh. Nó ở đó, lưu giữ ký ức của loài người, sự sinh thành các tính cách, tham lam và ích kỷ, cao thượng và hy sinh, dằng dặc nỗi buồn của tình yêu của ba người đàn ông.
 

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

HAI BÀI THƠ “GIANG TUYẾT”, “NGƯ ÔNG” CỦA LIỄU TÔNG NGUYÊN - Đỗ Chiêu Đức



LIỄU TÔNG NGUYÊN 柳宗元(773819), tự là Tử Hậu 子厚,người đất Hà Đông, nên còn gọi là Liễu Hà Đông 柳河東. Ông là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà văn học và là nhà thơ của buổi Trung Đường. Ông là một trong Đường Tống Bát Đại Gia 唐宋八大家 (Tám người giỏi văn thơ nhất đời Đường và đời Tống), là dòng dõi thế phiệt hiễn hách mấy đời, tuổi trẻ đã đậu đạt hiển vinh, thanh vân đắc ý, ông từng tham gia cải cách tân chính với Vương Thúc Văn; Cải cách thất bại, ông bị biếm đi làm Tư Mã ở Vĩnh Châu, lại bị giám sát, cuộc sống ngột ngạt; Mười năm sau lại bị biếm đi làm Thứ Sử Liễu Châu và mất ở nơi đây. Hưởng dương 46 tuổi. Để lại một tập Thơ, Truyện, Luận "Liễu Hà Đông Tập 柳河東集".

                      

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2021

TÀU NGỰA CŨ – Truyện ngắn của Linh Bảo

Truyện ngắn “Tàu Ngựa Cũ” của Linh Bảo đã được giải thưởng Văn chương Toàn Quốc của Việt Nam Cộng Hòa năm 1962.
 


Những tiếng động ồn ào bên mình làm Kỳ bừng tỉnh. Anh không cần mở mắt nhìn cũng biết tầu đã đến một ga nào đấy, hành khách đang chen chúc lên xuống, và trong số đó chắc có người sẽ là bạn đồng hành của anh. Kỳ đã lên tầu từ ga Huế và sẽ đi suốt đến Saigon. Trải qua bao nhiêu ga, bao nhiêu người vào căn phòng hạng nhì này, cùng ngồi tầu với anh một lúc rồi lại đi. Có người ngồi lâu, nói được vài mẩu chuyện trời mưa nắng, có người, Kỳ tránh nhìn họ để khỏi phải bắt chuyện. Kỳ mong mỏi gặp một bạn đồng hành đi suốt với anh quãng đường dài này, và giá hợp chuyện nữa thì sung sướng biết bao! Anh không nhớ hết những ai đã vào cùng ngồi với anh. Đầu tiên là một bà cụ già đi với cô con gái. Anh chưa nhìn, cô em đã thẹn thò quay mặt đi nơi khác, nhưng nàng nhìn trộm anh trong tấm cửa kính. Bà cụ nhờ anh sắp đồ đạc cẩn thận, làm Kỳ tưởng bà cũng đi xa như anh, nhưng mới đến ga thứ nhất, bà đã kéo cô con, lếch thếch xuống tầu, vội vàng như bị ma đuổi.
 

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

VĂN HỌC MIỀN NAM, MỘT GÓC NHÌN – Đỗ Trường



 
Vào năm 2007, ở trong nước tái bản một số tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu. Rồi gần đây nhất, người ta cho in lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng và đọc một số truyện ngắn của Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn trên Radio làm cho bác Nguyễn hàng xóm, tiến sĩ ngôn ngữ học Đức, ghé tai tôi: Dường như người ta đang rón rén hồi sức cấp cứu để Văn học miền Nam (giai đoạn 1954-1975) sống dậy, sau mấy chục năm truy sát, đốt phá, tưởng chừng đập chết ăn thịt ngay thì phải?

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH : “QUẢ, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG” – Đỗ Chiêu Đức


                                                   Học giả Đỗ Chiêu Đức


QUẢ MAI ba bảy đương vừa                                         
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
                
                                                                            
Đó là hai câu thơ mà Thúy Vân đã nói trước cả nhà, khi đã "Cùng nhau sum họp một nhà, Đoàn viên lại mở tiệc hoa vui vầy" để tác hợp lại cho Thúy Kiều và Kim Trọng nối lại mối duyên xưa. Từ "QUẢ MAI" có xuất xứ như sau :
                
Trong chương Thiệu Nam 召南 của Kinh Thi 詩經, có bài thơ PHIẾU HỮU MAI 摽有梅 (tả mai rụng); nói về sự hôn nhân của các cô gái phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì. Bài thơ gồm ba phần như sau:
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai                             
其實七兮    Kỳ thực thất hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其吉兮    Đãi kỳ cát hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai             
其實三兮    Kỳ thực tam hề             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ             
迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.
             
摽有梅       Phiếu Hữu Mai            
頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi             
求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,             
迨其謂之    Đãi kỳ vị chi. 
 
Có nghĩa:     
- Trái mai (ta đọc trại đi thành MƠ) kia đà rơi rụng, trên cây còn lại bảy phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy chọn đi đừng để lỡ ngày lành.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, trên cành còn lại ba phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy kíp lên ngay hôm nay đừng chờ đợi nữa.     
- Trái mơ kia đà rơi rụng, phải nghiêng giỏ mà hốt lấy, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy mở miệng ra cầu hôn đi đừng chờ đợi nữa !
                     

* Diễn Nôm:
                   
Trái mơ rụng, trái mơ rơi,                   
Trên cành còn lại bảy thôi, hỡi chàng.                    
Ngày lành kíp chọn đưa sang,                   
Đừng để trễ nãi lỡ làng duyên tơ !
                   
Trái mơ rụng, rụng trái mơ,                  
Trên cành rụng bảy bây giờ còn ba.                   
Hỡi chàng nếu có yêu ta,                   
Thì hôm nay kíp sang nhà cầu thân !
                  
Trái mơ rụng, rụng đầy sân,                   
Nghiêng vành giỏ hốt tần ngần riêng ta.                  
Hỡi chàng còn có yêu ta,                   
Ngỏ lời cùng với mẹ cha tức thì !
                                                  
                      Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

NHÀ THƠ, DỊCH GIẢ ĐỖ TƯ NGHĨA QUA ĐỜI ĐỂ LẠI NHIỀU TÁC PHẨM CHƯA IN


 
Nhà thơ Đỗ Tư Nghĩa


TTO - Dịch giả Đỗ Tư Nghĩa vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 75 tại nhà riêng nơi phố núi Đà Lạt lúc 6h15 ngày 16-9, sau thời gian nằm bệnh vì tuổi già.
 
Đỗ Tư Nghĩa thuộc lớp trí thức miền Nam trong chiến tranh, ông tốt nghiệp triết học ở Đại học Văn khoa Huế, sau đó dạy triết và tiếng Anh tại Blao (Bảo Lộc) từ trước 1975.
 

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

THƯ GỞI CON TRAI NHÂN NGÀY TỰU TRƯỜNG - Nguyễn Đức Tùng giới thiệu thơ của Wallace Stevens




Căn nhà im lặng và thế giới thì an bình.

Mở đầu chương trình môn văn năm nay, cô giáo của con yêu cầu mỗi học sinh tự chọn lấy một bài thơ mà mình thích, học thuộc lòng, rồi đứng đọc trước cả lớp. Điều kiện là bài thơ ấy đã in trong sách, bất cứ sách nào, nhưng không phải trên báo chí hoặc các truyền thông xã hội. Vào lứa tuổi của con, có lẽ điều ấy để đảm bảo tiêu chí giáo dục. Con đã hỏi ý kiến của ta về chuyện này. Ta lấy làm vui sướng, không, ta cảm thấy may mắn. Chúng ta thường làm việc với nhau về toán, đôi khi căng thẳng, nhưng những môn học khác, chúng ta không có dịp. Ta giới thiệu với con bài thơ “The house was quiet and the world was calm” của Wallace Stevens, một trong những nhà thơ lừng lẫy của Hoa kỳ.
 

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng



Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:
Mùi hỏi:
- Quả trứng gì?
- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?
- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.
Siêu cười nói:
- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế.
 

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THIỀN SƯ TUỆ SỸ – Nguyên Lạc


Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
 
Nhân ngày sinh của Đức Phật Thích Ca – Phật đản sinh ngày trăng tròn tháng Vesakha/ Vaisakha theo lịch Ấn Độ (ngày 15/4 theo âm lịch), tôi có vài hàng về thầy Tuệ Sỹ - Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.
 
. Sơ lược về đại lễ Phật đản Vesak:
Lễ Phật đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật: gồm có lễ Vu Lan, lễ Thành đạo và lễ Phật đản.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.
 
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì thường tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch hàng năm. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).
Đại lễ Phật đản Vesak năm nay, Phật lịch 2565, rơi vào ngày Thứ Tư Wednesday, May 26, 2021, tức vào rằm tháng 4 âm lịch.
 

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

TÔ THÙY YÊN NGỌN GIÓ LẠ THƯỜNG SẼ THỔI TỚI – Nguyễn Đức Tùng


 
Con người có thể bị số phận vây khổn, bị lỗi lầm săn đuổi, bị thời gian ruồng bỏ, nhưng khi đêm tối xuống, vầng trăng là của hắn.
 
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi
 
Thơ Tô Thùy Yên là một đứa trẻ. Đó là tấm lòng thương yêu đối với cuộc đời.
Con người là sự sống tự ý thức về nó. Không những ý thức về nó mà còn về người xung quanh, về những mối quan hệ, ý thức về sự yếu đuối của cá nhân, cô đơn, sự cần thiết của người khác. Con người biết rằng khi tách khỏi nhân loại, tồn tại đơn lẻ, cuộc sống trở nên không thể chịu đựng được. Con người chỉ có thể tìm ra bản thể của mình trong mối quan hệ với người khác. Toàn bộ những quan hệ ấy đặt trên một điều cốt lõi, khởi thủy và kết thúc, đó là tình yêu. Không có nó, mọi thứ khác sụp đổ.
 
Trời dậy sáng
Như một lời nói mới
Hồng loang đám ruộng xa, hồng lên khóm tre cao
Mặt trời xao xuyến mọc
Ôi có hừng đông nào chẳng làm ta muốn khóc
Một ngày nữa xuống với đời ta
Vui biết mấy
Mà cũng buồn biết mấy
 

Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

‘VÒNG TAY HỌC TRÒ’ CỦA NGUYỄN THỊ HOÀNG ĐƯỢC TÁI BẢN SAU 46 NĂM BỊ CẤM - Tiểu Vũ

Nguồn:
https://1thegioi.vn/vong-tay-hoc-tro-cua-nguyen-thi-hoang-duoc-tai-ban-sau-46-nam-bi-cam-163876.html

“Vòng tay học trò” là một tác phẩm quan trọng trong văn học miền Nam 1954-1975. Nó quan trọng không phải chỉ vì làm xôn xao dư luận, mà còn vì giá trị nghệ thuật đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời nói đầu bộ “Lịch sử văn học Việt Nam” của giáo sư người Nga Nikolay I.Nikulin vừa mới được phiên dịch và xuất bản, trong các tác giả ở Sài Gòn mà Giáo sư Nikulin nghiên cứu, có tên của Nguyễn Thị Hoàng, bên cạnh các tên tuổi Lê Vĩnh Hòa, Võ Hồng. Còn tên tác phẩm thì chỉ thấy “Vòng tay học trò”. Có lẽ Giáo sư tiến sĩ Mai Quốc Liên, tác giả lời nói đầu của bộ sách trên muốn tránh từ “nghiên cứu” nên ông dùng từ “thẩm định”. Mà quả thật, “Vòng tay học trò” là tác phẩm cần và xứng đáng được thẩm định, tái thẩm định và tiếp tục thẩm định.
 
 
Nữ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng


Nhân dịp cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ở miền Nam trước 1975 “Vòng tay học trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng được tái bản, tác giả đã có buổi giao lưu trò chuyện cùng bạn đọc tại Hà Nội.