HỘI
GÀ TRỐNG NUÔI NHAU
Cãi nhau và li thân. Hay thay chữ li thân, vợ chồng chẳng
phải, người dưng cũng không, ai cũng có quyền với ai và cũng chả làm gì được
ai. Chán cái cảnh vào ra thấy nhau như thấy cột điện, lão Long đòi chia miếng đất
ngoại ô, lên lên xuống xuống ngắm chán rồi cũng đành mua cái nhà gỗ, quyết tâm
đi “trấn thủ lưu đồn” xa vùng chiến tranh. Vốn máu mê hội họa, gã bỏ công đì-
dai một cái nhà hoàn toàn không giống ai. Tất cả đều ngẫu hứng. Cổng không cao,
to, bề thế mà lãng mạn cọc tre, tường không xây, chỉ cắm gỗ khoảng cách vô chừng.
Bên trong trồng rong riềng, khoai mỡ, khoai lang…Nhà càng lạ, rất ít tường, chỗ
cần che thì lắp kính màu trà kéo rèm, không thì cứ thông thống, ai thích nhìn
thì nhìn.
Thời gian chả bận bịu vợ con nên gã nhẩn nha làm nhà.
Sai đâu sửa đấy, theo đúng tiêu chí “Quan
có cần nhưng dân chưa vội”. Xóm này buồn cười là hầu như không có lớp trung
lưu. Người nghèo không chen nổi vào thành phố lên đây từ mười mấy năm trước,
mua đất rẻ như cho, chờ sổ đỏ theo kiểu năm ăn năm thua. Đại gia nhà cửa cao tầng
đã chán giờ muốn có chỗ treo giò lan, lồng chim… lẻ tẻ lên, sau khi có con đường
bê tông rất điệu khéo léo lượn qua xóm. Nhà gã mua từ dạo chưa có chủ quyền nên
rộng đến non sào, gần sông, giữa vùng cây ăn trái, rất hợp với người dỗi hết cả
làng.
Ở đâu có hoa, dẫu là hoa nở muộn, ở đấy ắt có ong. Đám
đàn ông nghe một gã ngơ ngơ về ở gần mà nhiều chị em chăm sóc cũng tò mò qua
góp ý. Kẻ cho giò phong lan, gã bảo ai tặng thì qua mà tưới nhé, tôi không làm
thợ vườn cho mấy cái cây không ăn được. Người tặng cặp chim cảnh, gã xua tay bảo
mang về đi, có bồ câu mà nấu cháo đậu xanh thì tôi nhận. Thấy gã có vẻ thực dụng
nhưng không hoa lá, đám đàn ông, đàn bà đều bớt màu mè, uốn éo, đâm lại dễ
chơi. Ai rảnh cũng đáo qua nhà gã, khi thì xem có trồng cây gì mới, lúc chỉ
nghe gã nhấm nhẳng vài câu có vẻ không hợp đạo đức nhưng lại thú vị, hài hước,
về nhà nhớ lại tủm tỉm cười.
Nhà gã đâm ra giống nơi quần anh tụ hội, mà cũng phải
thế thôi bởi những nhà khác có vợ hoặc có con, làm sao tự do được.
Nhưng độc lập tự do với một quốc gia yếu là khó giữ. Một
hôm gã mở cổng cho thằng bạn nhạc sĩ. Hắn bị vợ con đuổi vì cho cô ca sĩ mượn
tiền làm lai- vờ - sô cấp phường. Cô ấy không phải xù nhưng lỗ quá, chưa trả được,
vợ con bảo chắc phải tình ý gì mới đưa cả vài trăm triệu không có miếng giấy lộn.
Hắn ngủ nhờ ít tháng, làm sao từ chối được, cũng là một cái gối nữa thôi mà.
Tay Thiện- nhạc sĩ- đương nhiên đem theo cây ghi ta, cố
chí làm mấy khúc nhạc quảng cáo kiếm tiền đem về tuồn cho vợ, sắm lại cái vé ra
vào. Chiều chiều hắn ra trước sân dạo vài hợp âm thì thể nào chả có khán giả.
Có chị còn ở đến hết “Bản tin cuối ngày” chỉ để hỏi sao anh viết cái gì giống mầm
giá đỗ thế.
Tưởng thế là đủ, ai dè, một khuya có tiếng điện thoại
bảo tôi là Thoại đây, cho vào ngủ nhờ cái. Lão Thoại đi nhậu về lại không biết
thân biết phận mắng vợ để vuột miếng đất bên sông. Vợ điên tiết lên gói quần
áo, cấp cho 200 nghìn bảo tôi ngu thế đấy, đi tìm cái con bồ hồi còn đương chức
cứ nhờ chở đi chở về ấy mà buôn bán với nhau.
Hôm sau, vụ lão Thoại bị vợ đuổi giữa đêm khiến chị
em, anh em tập trung nhà lão đông gấp bội. Người an ủi, kẻ đề nghị về xin lỗi,
có anh bảo làm cách mạng luôn, qua nhà anh Long đây mà ở, thể nào vài bữa thiếu
hơi lại chả đến quỳ trước ngõ xin rước về. Gã nghe mà ù cả tai, chỉ biết cái
ông hăng nhất lại lạ hoắc. Hỏi ra mới biết là “Hàng xách tay” của bà Xuân..
Bà Xuân góa chồng đã lâu, tài sản nhiều nên con cái
không muốn mẹ đi bước nữa. Cái hơn hớn của bà tấm tức trôi qua trong hàng trăm
công- ten- nơ máy điều hòa, ti ti, tủ lạnh…của cửa hàng to nhất phố Huyện. Giờ,
bà muốn xé rào một chuyến nhưng vẫn vì tài sản quá nhiều mà không dám đưa ai
vào nhà. Lão Sơn-người yêu bà- cũng già khọm, chủ yếu chăm nhau miếng cơm hớp
nước chứ chả gối chăn tầm thường. Tan cuộc hội thảo, bà Xuân dẫn “người” đến
trước mặt lão Long xin ở nhờ vài đêm với câu khuyến mãi từ nay cơm nước em lo
ngày 2 bữa, các bác đóng góp gọi là.
Thế là đủ sắc màu. Nhà cửa thênh thang, đêm sáng
trăng, trăng phủ cả vào người, vườn thoang thoảng hoa ngọc lan, nghều ngòao
cành tre… Bừa bộn một tí chả ai chửi mà chỉ non buổi bà Xuân lại làm “cô Tấm
ngày nay” dọn hết. Cơm nước lúc nào cũng nóng sốt lại gặp bạn hiền nên 4 lão đều
béo đỏ. Chiều chiều các lão bày cữ nhậu chả cần lý do, cứ dọn chõng ra sân thì
một loáng đã có thêm vài ba ông bạn và đám chị em đến góp vui, hóng chuyện.
Bốn lão đều thấy đời phơi phới khi không có vợ. Nào có
mất gì đâu. Con cái vẫn lâu lâu chạy ra thăm bố, nhà có giỗ có tiệc thì về, đến
lúc thắp hương mới thèm về chứ ai dại đến sớm bóc hành đuổi chó. Nhưng mất hẳn
cái nem nép khi nhậu về trễ, cái ú ớ khi hỏi lương đâu… Tự nhiên lại được thảnh
thơi. Sướng thế thì sướng nhất chứ còn sướng thế nào nữa. Hứng chí, mấy lão bèn
đặt tên hội thành Hội Gà trống nuôi nhau. Hội đề ra nội quy đàng hoàng:
- Không ngủ nhầm chỗ người khác.
- Không ngồi toalet quá 30 phút (nhất là trong lúc nhậu).
- Phải rửa mặt sạch, quần áo bẩn tự động bỏ vào máy giặt…
- Không cho phụ nữ ở qua đêm…
Thời gian thênh thang trôi qua. Ban ngày 4 lão làm vườn
kiếm tí mồ hôi, khi thì trồng cà chua, lúc lại bắc giàn bầu, tưới rau muống… Buổi
tối bàn xem liệu thằng Triều có giữ nổi mươi năm nữa không hay Tàu nó định làm
gì. Những đầu óc cỡ Pu-tin hay Obama rộn ràng làm việc mãi đến khi bà Xuân bê hết
các món lên mới ngừng. Khuya, khó ngủ, 4 lão chia 2 phe tâm sự chuyện cưa cẩm
các thể loại chân lùn, chân dài thời trai trẻ. Ai cũng biết ai đang viết kịch bản
phim giả tưởng nhưng thể tất hết. Mình cứ chịu khó nghe, lát nữa bạn sẽ nghe
mình, không cắt lời hoặc đặt câu có ý nghi ngờ. Bốn cuộc đời, bốn nghề nghiệp,
bốn hoàn cảnh, bốn tính cách nhưng có một cái chung, đó là chung hội Gà trống
nuôi nhau. Ai cũng thấy đời mình bỗng nhiên may mắn, suýt nữa phải sống nem nép
dưới ách thống trị của mấy bà vợ già.
Nhưng những ngày hạnh phúc không dài như đã tưởng. Lão
nhạc sĩ bị vợ ra thăm mấy lần, lúc đầu còn nhấm nhẳng, sau “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” . Lão Long ngứa mắt bảo ông ra
ngoài Motel Hương Đồng mà hòa giải nhé, chúng tôi không xem phim kinh dị. Lão
Nhạc sĩ chưa quán triệt xong thì một bữa vợ lão Thoại qua dò xét gặp ngay bà
Xuân đang ngồi gắp cho cả 4 ông. Phụ nữ bao giờ cũng có máu điều tra, mà lão
Thoại lại ỡm ờ mượn bà Xuân để tự nâng giá ảo hòng hù dọa vợ. Vợ lão Thoại ở lì
qua hết bữa trưa, bữa tối, thi gan không về khiến cả hội chả dám cởi quần dài sợ
khoe đầu gối củ lạc, bức bối gần chết. Lão Sơn cáu tiết, lôi bà Xuân đến bảo cô
này là hoa có chủ rồi nhé, bà mà muốn làm thân phận có chủ thì rước cái ông
ngáy to hơn Kiểm lâm cưa gỗ về đi. Vợ lão Thoại nghe thế cũng chẳng giải tỏa được
vấn đề lại còn lẩm bẩm: “Biết đâu đấy, khối kẻ chả thích ăn cơm mới xới”. Bà
Xuân cũng chì chiết đây nấu cho các ông ăn thôi nhé, mấy bà lỡ bữa chạy qua làm
một chén, đây không chịu trách nhiệm. Nói qua nói về lão Sơn và lão Thoại đưa
luôn nhau vào diện tình địch. Rách việc.
Nhưng đến khi phu nhân của lão Long lên thì nguy cơ
tan rã Hội mới trong tầm tay. Nhìn cái nhà ngồ ngộ khác hẳn căn hộ 4 con người
chui ra chui vào mấy chục năm nay, Thị bỗng như phát hiện ra chồng một lần nữa.
Tưởng đến cái tăm cũng phải do vợ cắm vào mồm ai dè cũng tề gia trị quốc như
ai. Không lẽ Thị mất cái quyền hít thở không khí trong lành, “xem hoa nở, chờ trăng lên” chỉ vì cái
giấy ly thân chưa có con dấu ấy. Thị lập tức lôi quần đùi rách, áo tuột khuy ra
may rồi đi chợ làm món cá khô nấu lá giang. Lão Long ban đầu lườm lườm, đến khi
nghe mùi nồi canh yêu thích thì hết kiềm chế nổi, chạy tọt vào bếp múc thử một
thìa. Mặt lão cũng giãn ra, nhưng lão vẫn ra giá là tôi vẫn quen ăn với 3 ông bạn.
Bà vợ xuống nước bảo cứ mời vào ăn nhưng ban đêm chắc phải đi nơi khác. Tối ấy,
3 lão kia phải ra Motel Hương Đồng ngủ một đêm, mà ai cũng đồ rằng sẽ còn nhiều
đêm.
Một ngày không đẹp trời, lão Long mời 3 ông kia lại. Mấy
ông ạ, nói thì nói vậy nhưng chúng ta già chưa già, trẻ không còn trẻ, trách
nhiệm với con cái chưa hết. Con trai tôi nó mở tiệm, cần có bố về giúp, bà ấy
cũng mệt mỏi, cuối tuần sẽ lên đây nghỉ ngơi…Gà trống phải để gà mái nuôi thôi,
tôi chả thấy đàn gà nào có 4 con trống. Mà trừ ông Sơn ra, ai cũng còn vợ, tuy
nó có hỗn nhưng chúng ta cũng đâu vừa gì, bia ôm cũng đi, massage cũng ghé, mẹ
vợ lên cho 100 ngàn là tiếc, bo 300 ngàn không nháy mắt. Không phải ông Thiện
và ông Thoại đây đã muốn đầu hàng lắm rồi sao. Người ta chìa tay ra mình không
nắm lấy là mất cơ hội. Thôi thì gặp nhau từng ấy ngày, quý mến nhiều rồi nhưng
không phải anh em ruột, cái duyên chừng ấy thôi.
Ba ông kia im lặng, nhớ câu nói : “Khách đến nhà bề nào cũng quý, nhưng quý nhất bề lưng” nên âm thầm
dọn đồ.
Thế là hội Gà trống nuôi nhau tan vỡ. Cánh cổng nhà
lão Long vẫn mở nhưng để người ra vào mua gà sao, bồ câu…vợ lão nuôi hoặc nhờ
bác sĩ xem dùm thằng cháu sao vừa ăn đã nôn ra hết. Các chị đi chợ về ngang qua
không chống chân tháo khẩu trang nữa vì biết bên trong cánh cửa kia có một đôi
mắt đang xoi mói nhìn ra. Các lão không tản bộ lôi kéo nhau qua Hội làm ly trà
nữa. Cuộc sống lại hạnh phúc, yên bình, nhàm chán.
Thời gian cứ thản nhiên trôi với gương mặt lạnh tanh,
nhưng với mỗi gã từng có vợ, cái thời Gà trống nuôi nhau luôn là một khoảng thời
gian tự do đẹp và hiếm hoi.
Đặng Kim Oanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét