BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Vĩnh Phước. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Thị Vĩnh Phước. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

THƠ THÁNG 11 CỦA “NHÓM SÔNG QUÊ”


  


HOÀI NIỆM MỘT MÙA ĐÔNG
 
Dọc đường về quán trọ
Mưa phùn rơi bay bay
Chiều hôm trời trở gió
Nghe thấm lạnh bờ vai
Ta bên đời rong ruổi
Đường trần dài lê thê
Ham vui quên hết tuổi
Ô hay! Đông lại về
Lối nhỏ chiều âm u
Lưu linh qua mấy miền
Chuyện xưa chưa hề cũ
Bốn mùa vẫn gọi tên
Nỗi niềm lên trang thơ
Heo may chiều ru vội
Ngày đông nào dang dở
Ôi! Mùa đông của tôi
Đêm sân ga ly biệt
Tàu rời bến đêm khuya
Xin làm người thua thiệt
Còn đâu một lối về
Từ đó ta phiêu bồng
Giã biệt miền quê xưa
Đời chỉ như giấc mộng
Đông Hà, một đêm mưa
 
          Phan Thạch Nhân
          (Tháng 11/2021)
 

Thứ Ba, 13 tháng 10, 2020

THƯƠNG LẮM QUÊ MÌNH – Chùm thơ mùa lũ của Nhóm Sông Quê


   


Tháng Mười mưa ướt lời thơ
Sông Quê ngồi khóc bên bờ sông quê

THƯƠNG LẮM QUÊ NHÀ

Quảng Trị miền Trung là quê tôi đó
Cả tuần ni lụt bão cứ tràn về
Nước dâng cao mà trời thì mưa gió
Nhà đổ, người trôi…lắm cảnh não nề
Nơi phương Nam dòng đời đi chậm lại
Theo dõi từng giây, tin sớm, tin chiều
Bao con tim ngóng về quê xa ngái
Bóng ngã, chiều nghiêng, đầu óc liêu xiêu
Làng ngoại tôi ngập chìm trong biển nước
Cây cối oằn mình nhà cửa bấp bênh
Hình ảnh tang thương khiến lòng đau buốt
Đâu vườn quê hoa nở thắm bên thềm
Gọi cho cậu mấy lần không kết nối
Điện cắt rồi (chắc máy đã hết pin)
Gọi cho em, nói dăm câu vội vã
Em bận kê giường nước ngập chị ơi
Gọi cho anh, trong làn gió hú
Anh vội vàng: Anh vẫn bình an
Điện thoại để dành khi cần cứu hộ
Bốn ngày rồi anh ở gác trên
Gọi cho bạn, tiếng thở dài não nuột
"VP ơi, H bị gãy tay nằm một chỗ- nước vô nhà"
Trời ơi thảm cảnh nào hơn
Nước mắt tràn mặn đắng
Lòng nhói đau - lời cầu nguyện nghẹn bờ môi
Đã qua một thời
Chiến tranh khói lửa
Thành xây máu xương
Sao trời không thương
Thiên nhiên khắc nghiệt
Hè rồi hạn hán cằn khô
Gió Lào cháy tóc. Ao hồ cạn queo
Cơn mưa vừa mới lao xao
Mừng chưa kịp, nước đã ào ào tuôn
Lại thêm bão tố luông tuồng
Số 6 vừa tan. Số 7 lại đến
Dập dồn
Đói
Lạnh
Của cải chắt chiu chừ theo dòng nước bạc
Tính mạng người phó mặc trời cao
Thương quê không biết làm sao
Chút lòng thơm thảo góp vào sẻ chia
Câu ca dao cũ còn kia
“Người trong một nước…”
… Huống chi quê mình…

                 Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

THƠ THÁNG 9 CỦA NHÓM SÔNG QUÊ - Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng




THÁNG CHÍN VỀ

Tháng Chín về mang theo nỗi nhớ
Đã xa rồi, xa quá tuổi hoa niên
Thuở mây trời áo trắng, nắng ngoài hiên
Nón lá nghiêng nghiêng che khung trời mộng
Tháng Chín ngày xưa xa rời viễn vọng
Thả tóc sương nghe khói thoảng qua hồn
Tháng Chín về. Mưa vẫn còn tuôn
Nắng thu lạnh đôi bờ xa ngái
Gió thu ướt lưng chiều hoang hoải
Chở ngày xưa vào nỗi nhớ khôn cùng
Nhớ thầy cô kính mến, bao dung
Nhớ trường lớp, bạn bè… Ôi nhớ!
Tháng Chín về,
Thời gian đi. Lòng ở
Tưởng đâu đây hồi trống tựu trường
Ngước mắt tìm đâu đó chút dư hương
Khung trời cũ
Tháng Chín ơi!
Mấy mươi năm…
“Lá ngoài đường rụng nhiều
và trên không có những đám mây bàng bạc…”

                            Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

THƠ THÁNG TÁM CỦA NHÓM SÔNG QUÊ - Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng


   


NGÀY MƯA THU

Tháng Tám rồi – mùa thu đang bước chậm
Ngày xanh xao với chút nắng vàng hanh
Chiều thả bóng cơn mưa dài ướt đẫm
Ngắm hoàng hôn mà nhớ chuyện sông Ngân
Tàng lá xanh cạn mùa bầy phượng vỹ
Chút cánh rời rơi rụng giữa ngày tan
Sương giăng mắc che mờ đường cố lý
Đàn quạ buồn mỏi cánh ngóng Ngưu Lang
Ngày đi thinh không trời buông hơi khói
Thả sợi mơ hồ tan hợp mông lung
Cầu Ô Thước mỗi năm còn hạnh ngộ
Mà trần gian mấy thuở được tương phùng?
Chiều gom hết lá vàng cánh mỏng
(Tưởng chừng gom bao nỗi muộn phiền)
Nhóm lửa lên để khói vào cõi mộng
(Dẫu vô thường nỗi nhớ cũng chao nghiêng)

                               Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2020

CHÙM THƠ THÁNG BẢY CỦA NHÓM SÔNG QUÊ - Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng


   


LỐI CŨ TÌM VỀ

Tôi trở lại quê nhà
Ngày cuối hạ mặt trời nung hơi nóng
Hành lý mang theo là một trái tim hồng
Bạn bè, thầy cô... bao ước vọng chờ mong
Niềm hạnh phúc tỏa lan về mấy ngả

Khóa 71 hôm nay đông vui quá!
Tay cầm tay mà cứ tưởng đang mơ
Gọi tên nhau như cái thuở còn thơ
Nở nụ cười mà môi sao nghe mặn
Mấy mươi năm tưởng chừng như rất ngắn
Lớp 9 ngày xưa…
Ôi ngày xưa (thương nói mấy cho vừa)

Ngày Hội khoá cho chúng mình hạnh ngộ
Niềm hân hoan choáng ngợp cả đất trời
Mặc gió Nam Lào… mình vẫn vui chơi
Lối cũ ta về…
Con đường xưa vẫy gọi
Bóng mát đời nhau âm vang giọng nói
Tháng 7 yêu thương! Tháng 7 tuyệt vời!
Quên hết tháng ngày xa xót, chơi vơi
Bạn hát, tôi ca
Chúng mình vui
Như chưa từng vui thế!
Ngồi bên nhau bỗng quên đời chớp bể
Bỏ lại sau lưng phiền muộn mưa nguồn
Chỉ còn đây tình thân ái trào tuôn
Giữa trời quê hương trong xanh vời vợi
Người đã đến vì người đã đợi
Nên phượng hồng tươi thắm lối đi về
Phố thị Đông Hà sực tỉnh cơn mê
Đêm Cửa Việt lao xao sóng vỗ
Mình bên nhau ôn bao chuyện cũ
Của một thời mơ mộng tuổi mười lăm…
Bất chợt nhìn nhau
Mắt xưa giờ đã phai màu
Tóc xanh điểm bạc
Áo nhàu thời gian
45 năm?
hay đã 48 năm?
Chuyện hàn huyên làm sao nói hết

(Ngày vui ngắn chẳng tày gang)
Chiều mưa đến sớm nắng vàng ngủ quên
Thế rồi
Hoàng hôn lên
Tàu rời sân ga
Hồi còi chia xa cho đất trời nghiêng ngửa
Xin gởi hồn một nửa
Ở lại bên người với áo trắng ngày xưa

Trời khuya đỏ mắt sao thưa
Soi vầng trăng khuyết nghe mưa dặm dài

                         Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

NHỮNG BÀI THƠ THÁNG TƯ CỦA BÚT NHÓM SÔNG QUÊ - Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Nguyễn Thị Liên Hưng


    


TUỲ BÚT

Ngày Tháng Tư nỗi niềm đau vô tận
Thương tháng ngày lệ đá đẫm bờ mi
Đá cũng khóc thương kiếp người lận đận
Bước chân trần vội bỏ xứ ra đi

Phố chết buồn tênh hàng me rũ bóng
Có nỗi đau nào thấm cảnh chia ly
Ai có chờ ai? Chiều buông đứng ngóng
Đêm đen nào tàu lặng lẽ ra đi

Ngày Tháng Tư nghĩ về nơi xa ngái
Có ai chờ nơi đất tổ quê cha
Con chim nhỏ lạc đàn bay, bay mãi
Chập chững vào đời tuổi mới mười ba

Bỏ sách đèn, bỏ ngày xưa thân ái
Xa trường xưa, xa phố nhỏ thân yêu
Thành phố lớn bước chân về ái ngại
Đêm nằm nghe phố thị ấy tiêu điều

Ngày tháng tư độc hành qua cuối phố
Phương Nam buồn lặng gió giữa ban trưa
Ta đếm ngược thời gian từng con số
Nắng đổ muôn chiều, em đã về chưa?

Phố vắng hắt hiu chiều nay thứ bảy
Vỉa hè buồn chẳng muốn bước chân đi
Thôi thì thế! Thôi thì em cứ hãy
Giới nghiêm rồi, thành phố đã cách ly

Ngày Tháng Tư đạp xe qua góc nhỏ
Công viên chiều ve nức nở lời ru
Hạ về chưa? Mà phượng hồng thắm đỏ
Điệp khúc buồn ray rứt kẻ lãng du

Nhìn phượng thắm mắt nhòa đôi kiếng cận
Cố nhân ơi! Tìm lại bóng hình xưa
Nỗi niềm ấy, nên dòng thơ về chậm
Tháng Tư rồi chờ đợi một cơn mưa.

                           Phan Thạch Nhân 

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

THƠ THÁNG 7 CỦA NHÓM SÔNG QUÊ


   


MỘT LẦN NGOÁI LẠI

Tôi đã về trên thành phố nhỏ
Quảng Trị bây chừ lắm lối vào ra
Tìm chốn cũ ngỡ ngàng chùng bước lạ
Để thấy rằng Lưu Nguyễn cũng là ta

Tôi đã về bên dòng sông Vĩnh Định
Rặng tre già vẫn rủ bóng ngày mưa
Qua cầu ngang nghe bước chân bịn rịn
Nhớ bóng con đò, nhớ bến nước ngày xưa

Tôi đã về thắp nén hương tưởng niệm
Mộ người thân còn lặng lẽ ngóng chờ
Màu hoa sim tím một trời tiếc nhớ
Nước mắt tràn thương lắm chuỗi ngày thơ

Tôi đã về trên nền trường cũ
Nguyễn Hoàng ơi! Còn đó nỗi buồn
Bạn bè ơi! Xin thắp giùm ngọn nến
Kẻo mong manh, lạnh lắm những u hồn

Tôi đã về để nghe mình bé lại
Tưởng như ngày còn gõ guốc hành lang
Quên đi bao năm lạc đời mê mải
Một ngày thôi - Xin sống lại tuổi vàng.

Tôi đã về giữa vòng tay thầy, bạn
Với buồn vui như bão nổi, sóng tràn
Mặt nhìn mặt: soi nếp nhăn ngày tháng
Tay cầm tay: hằn lắm vết gian nan

Tôi đã về nghe gió Lào trở giấc
Sáng La Vang mưa trắng xoá bờ lau
Chiều Tích Tường che mặt trong lá nấc
Nghe ngậm ngùi câu sỏi đá ngày sau…

Tôi đã về như cuộc tình đã lỡ
Biết chẳng là chi mà cứ ngoái nhìn
Chân bước đi mà hồn thì vẫn ở
Nên một đời lạnh mãi kiếp phù sinh

Tôi đã về tìm khung trời dang dỡ
Để chừ xa. Chừ nhớ. Chừ thương.
Con sông đời dù bên bồi bên lở
Xin gởi hồn
Ngồi lại bên cầu
Để gõ nhịp
Chiều sương…

Nguyễn Thị Liên Hưng

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

THÁNG SÁU MƯA,TRÚ MƯA, THÁNG SÁU - Thơ Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân,Nguyễn Thị Liên Hưng


   


THÁNG SÁU MƯA

Chiều lạc bước liêu xiêu nhìn lá đổ
Lối xưa mờ vết bụi của tháng năm
Thôi còn đâu dấu chân in góc phố
Gió mây về cho bất chợt mưa giăng

Bi khúc miên man ký ức réo gọi
Tháng sáu mưa – Mưa tí tách vương thềm
Bên quán vắng, ly cafe nhỏ giọt
Chờ mong ai mà nghe đắng môi mềm

Mưa. Mưa theo tiếng nhạc sầu da diết
Mưa thấm lạnh hồn thê thiết một đời đau
Tháng sáu mưa. Gió lùa khóc lá biếc
Dòng thơ xưa đã lỡ một nhịp cầu

Ôi Tháng Sáu! Quờ tay ôm kỷ niệm
Lòng chênh vênh như cánh phượng lưng trời
Tháng Sáu mưa. Chuông thời gian chợt điểm
Bất chợt tạnh mưa rồi,
Hỏi nắng có chơi vơi?

                              Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Thứ Hai, 3 tháng 6, 2019

MAI EM VỀ - Thơ Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng

Thơ của Nguyễn Thị Vĩnh Phước đăng trên tập san Hương Quê Nhà 2019, cùng cảm tác của Phan Thạch Nhân và Nguyễn Thị Liên Hưng.





MAI EM VỀ

Mai em về đồi thông buồn réo gọi
Nắng Pleiku thôi gợn má em hồng
Núi biếc ưu tư cúi đầu mòn mỏi
Ngày sương vây lành lạnh cả hư không

Mai em về Buôn Mê mưa không tạnh
Dã quỳ thương rũ rượi ướt rèm mi
Đường sỏi chông chênh chiều hoang hiu quạnh
Dãy đèn đêm đỏ mắt nhớ người đi

Mai em về trời cao nguyên thê thiết
Phố im hơi, nghiêng bóng giữa đêm về
Ai thức trắng mà nhớ ai da diết
Giọt đắng ngàn đời buộc mệnh Buôn Mê

Mai em về đường xa – xa quá đỗi
Rồi chắc sẽ quên – quên tiếng cồng chiêng
Quên buôn làng, buổi rộn ràng mở hội
Đón chân em, hoa lá rợp mấy miền

Mai em về chớ quay đầu ngoái lại
Cứ nhẹ nhàng nâng bước chân chim
Chớ biết nơi đây có người ngây dại
Đếm thời gian… nhìn khói thuốc. Làm thinh.

Xin trả lại em về thành phố biển
Với nhạc tân thời với áo hoàng hoa
Có khi nào em thấy mình trở nên xa lạ
Để ngậm ngùi tiếc nhớ chuỗi ngày qua.

                     Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

THỜI GIAN - Nguyễn Thị Vĩnh Phước


      


         THỜI GIAN                                                               
                                                        Nguyễn Thị Vĩnh Phước

“Thời gian không đo lường bằng năm tháng mà bằng những gì chúng ta làm được.” (H.Cason)                                                                                                                                                                     
Trời cuối hạ với những cơn mưa chiều bất chợt đôi khi làm tôi xốn xang nhớ về những cơn mưa của tháng ngày xa xưa. Ngày ấy, đối với tôi có khi như vừa mới hôm qua, cũng có khi như đã quá xa xôi trong miền dĩ vãng… Giã từ quê nhà Lam Thủy tôi theo gia đình chồng vào miền Nam tìm kiếm cuộc mưu sinh. Bước thẳng vào cuộc sống mới toanh - ở cái nơi chốn mà chưa hề hình dung ra được trong trí tưởng tượng của tôi. Đó là một vùng đất bỏ hoang lâu ngày nên cỏ tranh và lau sậy ngút ngàn.  
 

Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

NGÀY ẤY NGẬM NGÙI - Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Nguồn:
http://son-trung.blogspot.com/2018/07/nguyen-thi-vinh-phuoc-ngay-ay-ngam-ngui.html


          NGÀY ẤY NGẬM NGÙI
                        Nguyễn Thị Vĩnh Phước

Tháng 5 năm 1976 - mùa gặt chính. Đây cũng là thời điểm đầu tiên tôi bỏ lại sau lưng tất cả những mộng ước một thuở áo trắng học trò để bước chân vào đời trong vai trò mới. Tôi trở thành lao động chính. Nghề nghiệp: Trồng cây lương thực. Nơi làm việc: Hợp I - tên gọi tắt từ mấy chữ Hợp tác xã Nông Nghiệp số I của đội sản xuất quê nhà Lam Thuỷ - nơi mà mẹ con tôi dắt díu nhau trở về sau ngày 30/4/1975. Ngày đầu tiên tôi tham gia lao động đúng vào mùa gặt. Đó là một ngày mùa hạ đầy nắng gió.
Những cơn gió Lào quăng quật rát bỏng vào mặt, vào những bước chân non nớt của tôi đang cùng đoàn người tay cầm đòn xóc, tay cầm vằng (lưỡi hái) hướng về phía ruộng trũng có tên là Bàu, Đội. Ruộng ở đây sâu nhất làng, quanh năm ngập nước. Bao năm rồi chiến tranh, ruộng đồng bỏ hoang. Nghe đâu thời giao tranh ác liệt đã có không ít xác người nằm lại nơi đây mà chẳng được mai táng. Có lẽ đó là lý do để Bàu là nơi tích tụ nhiều thứ ô nhiễm nên bất cứ ai một lần lội xuống đó đều bị ngứa, gãi trầy da tróc vảy đến tận xương mà chưa “đã” ngứa...