BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Triêm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Triêm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

VỊ VÕ QUAN TRIỀU NGUYỄN CỦA LÀNG ĐIẾU NGAO (ĐÔNG HÀ, QUẢNG TRỊ) - Hoàng Triêm sưu tầm


   
                Đền thờ Ngài Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng Văn Quý


VỊ VÕ QUAN TRIỀU NGUYỄN CỦA LÀNG ĐIẾU NGAO (ĐÔNG HÀ, QUẢNG TRỊ)

Ngài Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng Văn Quý thuộc chi Đệ Nhị, họ Hoàng Phái Nhất, làng Điếu Ngao, nay là Phường 2, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị.
Nhân kỷ niệm 178 năm ngày mất của Ngài, để tỏ lòng ngưỡng vọng đối với vị Võ quan triều Nguyễn đã “Vị quốc vong thân”, chúng tôi xin trích dẫn những tư liệu lịch sử có liên quan đến hành trạng của Ngài được sách Đại Nam Thực Lục (Phần chính biên), bộ sử ký viết theo thể biên niên của triều Nguyễn ghi chép:
• Tháng 9 năm 1833 (Minh Mạng thứ 14) “Cho Cai đội vệ Cẩm y Hoàng Văn Quý làm Quản cơ, Thự Phó vệ uý vệ Định Võ, Tả dinh quân Thần Sách phải đi ngay Sơn Tây đốc suất vệ binh và đóng lại đồn thú ở đó”. ( Đại Nam Thực Lục, NXB Giáo Dục, tập 3, trang790).
• Tháng 2-1834 ( Minh Mạng 15 ) “Nhân việc Đề Đốc đạo Trấn Tĩnh, tỉnh Nghệ An đánh nhau với giặc Xiêm bị thua. Thự Phó vệ uý vệ Định Võ Hoàng văn Quý được lựa phái mang 100 quân đến Tấn Sở, Quy Hợp, Nghệ An đóng giữ quân lương làm thanh thế cứu viện từ xa” (Sách đã dẫn, tập 4, trang 80).
• Tháng 3-1840( Minh Mạng 21) “Cho Phó vệ uý vệ Hậu dinh Long Võ Hoàng Văn Quý đổi bổ làm Phó vệ uý vệ Cẩm Y chuyên quản các đội quân Thường Trực và Trường Trực”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 812).
• Tháng 9-1840( Minh Mạng 21).
“Vua sai Phó vệ uý Cẩm y Hoàng Văn Quý đi An Giang, đều theo thượng ty sở tại sung đem lính dõng tới nơi quân thứ đánh dẹp”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 675).
• Tháng 10-1840( Minh Mạng 21).
“Chuẩn cho Tổng Đốc Dương Văn Phong rút về An Giang, đốc suất với Thự Lãnh Binh Nguyễn Duy Tráng và Quản Vệ ở Kinh phái ra Hoàng Văn Quý chia đi các huyện Thượng Phong, Phong Nhương ở Nghi Hoà và Hà Âm, Hà Dương ở Tịnh Biên, tìm bắt bọn giặc đều có chuyên trách”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 820).
• Tháng 11-1840( Minh Mạng 21).
“Vua dụ: Xem lời tâu thì Lê Quang Huyên tựa hồ có ý sợ khó, tránh chỗ nọ tới chỗ kia, không nghĩ đến việc nước. Chuẩn cách bỏ hàm Tham Tri Bộ Binh. Còn Dương Văn Phong thì lập tức cùng với Lãnh Binh Nguyễn Duy Tráng và Quản Vệ Hoàng Văn Quý đi ngay đến Tịnh Biên đánh dẹp, nhận việc ấy làm trách nhiệm của mình”. (Sách đã dẫn, tập5, trang 845).
• Tháng 11-1840 (Minh Mạng 21).
“Dương Văn Phong về đến An Giang, thương lượng và uỷ cho Nguyễn Duy Tráng mang 300 quân đi đến phủ hạt Tịnh Biên đánh dẹp, còn mình và Hoàng Văn Quý quản lĩnh 700 binh dõng thẳng đến phủ hạt Nghi Hoà. Lúc này ở huyện Phong Nhương có bon giặc đang tụ họp, Tổng Đốc Dương Văn Phong và Quản Vệ Hoàng Văn Quý đã đánh tan bọn thổ phỉ, số còn lại đều chạy trốn vào rừng”. ( Sách đã dẫn, tập 5, trang 851).
• Tháng11-1840. “Tin thắng trận tâu lên, Vua khen ngợi, thưởng cho quan quân đi đánh chuyến ấy Cấp, Kỷ, tiền bạc có thứ bậc. Lại dụ rằng, chuẩn cho Dương Văn Phong liệu lượng để lại cho Hoàng Văn Quý cùng 300 đến 400 biền binh chuyên ở Nghi Hoà còn Dương Văn Phong lập tức quay về Tịnh Biên đốc suất cùng Nguyễn Duy Tráng đánh dẹp cho yên mặt ấy”. (Sách đã dẫn, tập 5, trang 852).
•T háng 1-1841 (Thiệu Trị thứ nhất). “Bọn giặc tụ họp ở xứ Liệt Điệt, Hà Tiên. Tổng Đốc Dương Văn Phong cùng Cẩm Y Phó vệ uý Hoàng Văn Quý cùng chia đường tiến đánh, lấy luôn được bốn đồn, thừa thắng chuyển sang ở Cần Sư. Phong cùng Lãnh Binh Nguyễn Duy Tráng và Phó Vệ Uý Cẩm Y Hoàng Văn Quý, Quản Cơ Trần Tri và Trần Văn Hoằng đẵn phá nơi đường tắt hiểm trở, đánh phá được sào huyệt của bọn giặc ở hai núi Chân Chiêm và Tham Đăng. Lại phục binh ba mặt đánh ập lại, chém ngay ở mặt trận được ba tên đầu mục và 20 tên đồng đảng, còn thì bắn chết đâm chết cũng nhiều, lấy được khí giới các hạng. Vua thấy quân ta thắng luôn mấy trận rất khen ngợi, thưởng cho các loại nhẫn vàng, kim tiền Phi Long hạng to, nhẫn vàng mặt thuỷ tinh cùng gia thưởng Quân công kỷ lục có thứ bậc”. ( Sách đã dẫn, tập 6, trang 44).
• Tháng 2-1841(Thiệu Trị thứ nhất).
“Nghe tin bọn giặc có 2000 đứa tụ họp ở cổ thành Lò Gò, Phong lập tức chia quân làm 3 đạo sấn lên trước đánh dẹp rất dữ, các đạo quân chém được mười thủ cấp, đâm và bắn chết vài chục tên giặc, giặc bỏ thành chạy trốn. Dương Văn Phong lại dâng tập Thỉnh An: đến như vùng Nghi Hoà thần xin tự mình cùng Quản Vệ ở Kinh phái ra là Hoàng Văn Quý tự đem binnh dõng đi đến nã bắt bọn thổ phỉ (giặc Chân Lạp, giặc Man). Vua chuẩn y, thưởng cho Phong và Quý tiền, áo quần và nhẫn vàng”. (Sách đã dẫn, tập 6, trang 94 và 95)
•Tháng 3-1841 (Thiệu Trị thứ nhất). “Bọn giặc Thổ và giặc Thanh trốn vào các xứ Mã Tộc và Sóc Trăng, đồ đảng đến hơn 6000 tên. Phong tập hợp binh dõng được hơn 1200 quân, chia làm 3 đạo. Phó vệ uý Thần cơ Trung vệ Phạm văn Đại, Phó cơ Chu văn Tuyên, Nguyễn văn Nội đốc suất quân Trung đạo. Phó quản cơ Nguyễn văn Tuấn, Thí sai (tập sự) Phó cơ Nguyễn văn Niên, Bang biện ( trợ lý ) Phó cơ Nguyễn văn Nhạn, Lê văn Thú đốc suất quân Tiền Đạo. Phó vệ uý Cẩm y Hoàng văn Quý, Thí sai Phó cơ Trần văn Nguyệt, Bang biện Phó cơ Nguyễn văn Long đốc suất quân Hậu Đạo, định ngày tiến quân đi đánh. Đến ngày tiến quân Tráng ra hiệu cho quân các Đạo tiến vào. Lúc ấy bọn giặc đương mở tiệc uống rượu, đều bỏ chạy trốn. Các binh dõng đi đấy đều tranh nhau xông vào, người thì cướp lấy tài vật, kẻ thì ngồi xuống ăn uống, ngã cờ, vất khí giới, không chuẩn bị một chút nào. Bọn giặc thừa cơ đánh úp toán quân Hậu Đạo, giết hại quân lính, cướp lấy súng và khí giới. Hoàng văn Quý kêu gọi quân cứu viện, Tráng nói truyền đi là không có quân nào cứu viện được. Bọn giặc nghe thấy nói thế, càng đánh gấp. Văn Quý và Văn Nguyệt đều bị bọn giặc đâm chết, quân Hậu Đạo bị tan rã, quân hai đạo Trung và Tiền vất cả khí giới mà chạy” .
Ngoài những trích dẫn từ sách Đại Nam Thực Lục ở trên, một số thông tin có liên quan đến ngài Hoàng văn Quý từ những nguồn khác được trích dẫn lại:
“Trấn thủ Nam Định Lê Mậu Cúc, Phó Vệ uý Trang võ Phạm văn Toản, Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng văn Quý, Cai đội Nguyễn văn Hoà, Hồ văn Vạn, Mai văn Biên, Nguyễn văn Phú, Thành Thủ uý Dương Phúc Tứ, Án sát Thái Nguyên Nguyễn Mưu đều người huyện Đăng Xương và lần lượt chết trận được liệt thờ ở đền Trung Nghĩa”. ( Đại Nam Nhất Thống Chí, NXB Thuận Hoá, Tập 1, trang 289).
• Trong văn tế hàng năm ở đình làng Điếu Ngao, “Trước năm 1972, sau tiên tổ 5 Họ, danh sách mời kế tiếp là:
- Đinh Tri phủ quý công.
- Cai tổng nhị vị.
- Chánh phó lãnh binh Hoàng quý công tam vị: đây là ba ngài thuộc họ Hoàng 1, theo ông Hoàng văn Dự, chỉ hai ngài làm chánh phó lãnh binh thật, còn một ngài được triều đình phong tặng vì đã sinh hạ ra quan. Các vị này, vì có công đức với làng, được làng đưa vào thờ ở đình làng, gọi là hâu thần.” ( Hoàng Đằng, Chuyện Làng Tôi, trang 19).
“Ngài được Triều đình Huế tặng Phấn Dũng Tướng Quân. Sau khi hy sinh Ngài được phong tặng Phó Lãnh Binh, có án thờ tại đình Trung Nghĩa từ năm 1847 ở kinh thành Huế. Thân phụ ngài có Sắc tặng Tín Nghĩa Đô Uý, thân mẫu có Sắc tặng Vi Cung Nhơn. Sau khi Ngài hy sinh, con trai trưởng của Ngài được Tập ấm Phó Quản Cơ, cháu nội trưởng của Ngài được Sắc tặng Tùng Tinh Anh- Danh Giáo Dưỡng”. (Gia phả gia đình) .
• Gia phả viết: “Ngài hy sinh tháng 3 năm 1841, thi hài không mang về được quê nhà, gia đình làm mộ gió và nhờ thầy Pháp chiêu hồn liệm cốt”.
Chúng ta cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh ngài Phó Vệ uý Cẩm y Hoàng văn Quý nhân kỷ niệm 178 năm ngày mất của Ngài, Người đã hy sinh thân xác của mình để giữ vững cương thổ và mở rộng bờ cõi ở vùng đất phương Nam của Tổ Quốc.

                                                                    Hoàng Triêm sưu tầm
                                                                         (Tháng 3 / 2019)