BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRẦN KIÊM ĐOÀN. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn TRẦN KIÊM ĐOÀN. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2022

THU QUÁN VÔ THƯỜNG – Thơ Trần Kiêm Đoàn


   

 
THU QUÁN VÔ THƯỜNG
 
Biết đâu mình sống 100 năm
Thân củi mục hoá hương trầm
Ảo hóa đường đời bất tận
Kéo dài vô thủy vô chung
 
Biết đâu 80 mình chết
Bây giờ xế bóng 75
Năm năm làm chi cho hết
Khéo lo những chuyện xa tầm
 
Biết đâu sang năm mình chết
Hôm nay Thu mới sang mùa
Đông Hạ Xuân xanh trước mắt
Thì vui quên chuyện hơn thua
 
Biết đâu ngày mai mình chết
Chiều vàng thêm một đêm nay
Thời gian mất tăm biền biệt
Chén đưa chén tiễn vơi đầy
 
Biết đâu giờ sau mình chết
Đủ dài một chén hoàng hoa
Yêu thương không màng hơn thiệt
Cười vui ngấn lệ quan hà
 
Biết đâu giờ mình đang chết
Thiên thu nhất khứ sát na
Thì cứ cười vang quên hết
Niềm đau nỗi khổ Ta Bà
 
Thu sang lá rụng quán vô thường
Đông tới mưa về quán tuyết sương
Xuân quán ngàn hoa vô hữu tướng
Hạ về rực rỡ quán mười phương
 
Nhân gian đang sống là đang chết
Đang về xuôi mái nghĩa đang qua
Tử sinh vẫn gối đầu tương biệt
Không lại hoàn không ai là ta
 
        Sacramento, vào Thu 2022
               Trần Kiêm Đoàn
 
** Quán niệm bên trời hiên quán vắng;
Thấy mình thành một sợi  mây bay!
                                                (Trụ Vũ)

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

TỪ VIỆT HÁN ĐẾN NGỮ VĂN, NGHĨ VỀ MỘT DANH XƯNG HỢP LÝ CHO MÔN HỌC TIẾNG VIỆT - Trần Kiêm Đoàn


Tác giả Trần Kiêm Đoàn

Môn học về tiếng mẹ đẻ của một dân tộc là giá trị tiêu biểu về tính nhân văn của con người và đất nước đó. Thử mở chương trình học về ngôn ngữ bản xứ của các nước có gia tài đồ sộ về ngôn ngữ và văn chương sẽ thấy rõ ràng sự nhất quán về danh xưng của môn học tiếng mẹ đẻ từ cấp tiểu học đến đại học của xứ đó: Trung Văn (中文), Anh Văn (English), Pháp Văn (Française)... Việt Văn (Ngữ Văn)! Các danh xưng Trung Văn, Anh Văn, Pháp Văn… đều có lịch sử suốt nhiều trăm năm; chỉ riêng lịch sử Ngữ Văn thì phải tính bằng số chục.

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

NGẬM NGÙI TIỄN BIỆT NHÀ THƠ TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG – Trần Kiêm Đoàn




 Chuẩn bị mở quà Giáng sinh năm 2021 và đón năm mới dương lịch 2022 thì được tin nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương vừa ra đi, tôi nhớ ngay bốn câu thơ đã trở thành “Poetry Logo” gắn liền với tên tuổi của chị mà ai cũng sẽ rất ngạc nhiên nếu có một vị nào đó không thích:
 
 Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
 Chuyện đời như nước chảy hoa trôi
 Lợi danh như bóng mây chìm nổi
 Chỉ có tình thương để lại đời.
                      (Còn gặp nhau)
 
 Sở dĩ bốn câu thơ nhẹ nhàng, đơn giản và đại chúng đó trở thành “biểu tượng thi ca” của chị vì nó vừa nói lên một điệu sống quá hài hòa và tươi mát, vừa là lời minh họa cho chính cuộc đời riêng tư và nghệ thuật của chị.
 

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN ĐẠO LÝ HAY TIÊU CỰC ?- Tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn


        
Mấy hôm nay đọc báo trên các mạng lưới trực tuyến xã hội tiếng Việt, người Việt khắp nơi trong cũng như ngoài nước, được nghe một nguồn dư luận mới xôn xao về việc nên giữ hay bỏ một câu khẩu hiệu đã trở thành quá quen thuộc trong tất cả các hệ thống trường học Việt Nam từ xưa tới nay. Đó là câu châm ngôn “tiên học lễ, hậu học văn” thường được dán ngay trên tường trước mặt học sinh trong lớp học. Vì đã quá quen thuộc và mặc nhiên được coi đây là một đạo lý đương nhiên kết hợp giữa tinh thần tôn sư trọng đạo và rèn luyện nhân cách nên qua nhiều thế hệ, câu khẩu hiệu này đã trở thành một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà nghiêm cẩn chuyên chở giá trị nhân văn đào tạo thế hệ trẻ. Đây không phải là một câu khẩu hiệu thời trang để trang trí lớp học mà là một châm ngôn rèn luyện nhân cách trong đời sống học trò. Bởi vậy, chẳng có thầy giáo hay học sinh nào còn bận tâm đặt câu hỏi là nên hay không nên treo câu khẩu hiệu mang nội dung “nguyên lý giáo dục” hay đạo lý trồng người nầy. (Chữ Lễ trong bài này xin được viết hoa khi nhấn mạnh đó là tiêu đề của toàn bài và viết thường khi hiểu theo nghĩa quy ước.)
Bối cảnh làm nền cho cuộc… đảo chánh khẩu hiệu nầy được giới truyền thông đưa tin như sau:
 

Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

TIỄN BẠN VỀ NGUỒN – Thơ Trần Kiêm Đoàn

Tin buồn:
Bạn TRẦN NGỌC VUI vừa qua đời ngày 11/08/2021 tại BVDC Sài Gòn, chỉ mới sau 4 ngày, vợ là Lê THỊ LAN qua đời vào ngày 07/08/2021. Bạn hiền đã vĩnh viễn ra đi, xin có đôi lời tiễn biệt:




TIỄN BẠN VỀ NGUỒN
 
Vừa nghe tin bạn xoang Cô vít:
Thê tử vào thăm cũng bị vương.
Đuối sức nàng Lan đành bước trước.
Chàng Vui mấy bữa cũng chung đường.
 
Đinh Hợi bạn thua mình một tuổi.
Tuổi ba mươi thuở ấy 75,
Gian nan cùng dọc đường gió bụi,
Bạn đạp xe thồ mình lái xe Lam.
 
Hai thằng mang tiếng con nhà Huế:
Hào sảng sá chi cuộc bể dâu…
Thất thế thương nhau thời vẫn thế,
Xị rượu Thiên Tường mua chịu mời nhau.
 
Gian nan mới biết tình nhân thế,
Núi Ngự sông Hương cũng chạnh lòng,
Yêu Huế nên phải đành xa Huế:
Bởi đổi đời nên lạc chợ trôi sông!
 
Bạn vào Sài Gòn mình vượt biển Đông.
Bình minh xa hoàng hôn lạnh vô cùng.
Nhưng vẫn biết tửng mảnh đời bạn sống,
Rất gần gũi giữa không gian lồng lộng…
 
Ngày hội ngộ làng địa cầu nhỏ lại,
Ba mươi năm gặp bạn ở Cali,
Tình bạn cũ bao chặng đời đổi mới.
Một tâm tinh muôn cảnh ngộ hề chi!
 
Tin bạn mất - cả vợ chồng - xót lắm!
Chuyện ngàn xưa sinh diệt chẳng chừa ai.
Bến hoàng hôn mặt trời chiều đã lặn,
Rồi rất nhanh đêm tối sẽ vươn dài.
 
Bạn đi hỉ! Tàu ra khơi cô độc.
Nhưng dẫu nghìn nghi lễ cũng về không.
Thân tứ đại hoàn nguyên cười hay khóc.
Chuyến tàu đời tiễn bạn tấm lòng trong.
 
  Sacramento 11- 8 - 2021
         Tiễn biệt Vui Lan
                 Đoàn Lê

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

LẦN GIỞ TRƯỚC ĐÈN THƯ KHÁNH TUẾ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ - Trần Kiêm Đoàn



Sau mùa An Cư Kiết Hạ năm nay, Phật lịch 2564 (2020), Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước được đón nhận lời pháp thoại của Thầy Tuệ Sỹ qua Thư Khánh Tuế đầy tâm huyết trước thực trạng “tình đời và lẽ đạo” hiện nay của Đạo Phật Việt Nam với hai hình thức tổ chức giáo hội song hành: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN).

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

NỖI NIỀM MẤT TÊN - Trần Kiêm Đoàn




                  NỖI NIỀM MẤT TÊN
                                                                         Trần Kiêm Đoàn                 
(Viết tặng Thầy, Trò... Nguyễn Hoàng và những ngôi trường đã mất dạng hay mất tên).

Sau 1975, nhiều ngôi trường từ Cà Mau ra Quảng Trị đã bị mất dạng hay mất tên. Thầy cô, bạn cũ một thời vẫn còn đó. Nhưng trường xưa đâu rồi. Những nhân vật lịch sử đứng tên trường như Nguyễn Hoàng, Đồng Khánh, Hàm Nghi, Gia Long, Petrus Ký... không còn mang giá trị cũ. Buổi giao thời, những nhân vật mới có khi chưa xanh mồ lịch sử đã vội lên thay. Tuy lịch sử sẽ có sự phán xét riêng và cuối cùng rất công bằng của nó, nhưng hiện tại, tên gọi ngôi trường cũ chẳng có mặt mày làm chứng, nên tất cả chỉ còn là tín hiệu của trái tim.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2019

MƯA HUẾ - Trần Kiêm Đoàn

Nguồn:
http://www.trankiemdoan.net/van/taptruyen/chuyenkhao/ckvh_muahue.htm


MƯA HUẾ

 Hơn hai mươi năm tôi mới được nhìn lại một cơn mưa tầm tã đầu mùa của Sài Gòn.

Mưa Sài Gòn đến và đi hối hả với vẻ tất bật, rộn ràng và tình cờ ghé lại. Hiền như mưa trên phố ! Cứ đi với mưa, sẽ nghe được tiếng mưa vui trong lòng, mưa reo rào rạt bên hè phố, mưa xao xác trên mái ngói, mưa lách tách trên mái tôn. Những sợi mưa chiều Sài Gòn chênh chếch, bạc trắng giữa không gian, xanh mờ qua cây lá và vàng nhạt, long lanh quanh ánh đèn đường.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

VIỆT NAM ƠI... KHÓC NHỮNG NIỀM ĐAU - Thơ Trần Kiêm Đoàn


     

VIỆT NAM ƠI... KHÓC NHỮNG NIỀM ĐAU

Sáu mươi năm trước...
Từ cảm xúc của trái tim mới lớn,
Rất hồn nhiên yêu tận đáy lòng:
Yêu quê hương như những sớm mai hồng,
Yêu rất Huế chiều mùa thu chợt tím,
Yêu Quốc Học thương học trò Đồng Khánh,
Yêu... xóm nghèo quê tôi khi nắng lên!

Lòng yêu nước lãng mạn thuở hoa niên...
Như giấc mộng lành không gối đầu thù hận.
Giữa dòng lịch sử phong ba đầy dẫy hận thù...
Tham vọng cỗi cằn yêu nước vẫn ngây thơ,
Sống bằng tận cùng chân thật,
Cho hết nhiệt tình,
Bốn mươi năm qua
Tàn cơn mộng mị:
Thời khẩu hiệu xả đầy sân đạo lý,
Có tâm hồn không chết cũng vong thân!

Cho đến một ngày tôi là Thuyền Nhân:
Vượt đại dương trên chiếc ghe nan đan bằng tre thiếu dầu sơn quết,
Trốn quê Mẹ giữa hai đầu sống chết.
Boat people! Nhân loại thốn tâm...

Bao nhiêu cánh hải âu đã gãy.
Bao thân tàn ma dại vượt biên.
Bao thân xác tiêu diêu trong bụng cá,
Dưới đáy biển sâu,
Sóng ngùi chưa lặn,
Người về đâu,
Xương trắng vẫn còn.

Rồi nửa thế kỷ sau,
Cứ tưởng vạn niềm đau đã khép,
Từ quê người nghe tiếng vọng... lao xao:
“Có bao giờ quê hương ta đẹp như thế này đâu!”
Ai đã nói hãy cúi đầu tự hỏi:
“Nước bốn nghìn năm có thời nào đến nỗi,
Quê Mẹ rốn lìa sinh tử ra đi!”

Có bao giờ quê hương ta nghe lời nhắn Trà My,
(Hăm ba, tháng mười, hai không một chín):
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều,
Con đường đi nước ngoài không thành.
Con đang chết vì không thở được.”

Ba mươi chín mạng người chết trong thùng xe vì không thở được:
Nhân loại rụng rời tiếng nói Việt Nam!
Chết đau thương như số phận mấy cùi hàng,
Không gian rộng thân phận người khép lại,
Việt Nam ơi... hãy khóc những niềm đau:
Quê hương ta có khi nào bi thảm thế này đâu!

Thuyền Nhân trước nay thành “Thùng Nhân” Việt...
Boat People hoá thành “Load People”.
Xin cầu nguyện cho những linh hồn vừa khuất bóng.
Giải oan khiên nầy thức tỉnh tận lương tri,
Chết là hết, hết hận thù sướng khổ,
Nguyện sớm về yên nghỉ cõi an vi.

                                                Sacto,Cali thu 2019
                                                  Trần Kiêm Đoàn

Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

LỐI VỀ CỦA HẠNH PHÚC - Thơ Trần Kiêm Đoàn


   


LỐI VỀ CỦA HẠNH PHÚC

Xưa có một nàng công chúa tuyệt trần,
Đẹp thanh thoát mong manh như ảo ảnh
Giọt sương đêm long lanh khiến nàng mê mẩn
Soi bóng mình đọng bóng hư không

Công chúa tương tư xin vua cha ban xâu chuỗi
Làm bằng những giọt sương đọng trên lá sen xanh
Cả kho báu hoàng cung và cả nước thợ kim hoàn
Tất cả bó tay không ai làm nỗi

Có một thư sinh anh tuấn tới dâng nàng
Tràng hạt sương đêm trên lá sen thanh thoát
Nhưng muốn xâu được một chuỗi sương trong vắt
Phải cần một sợi dây kết bằng ánh nắng mặt trời

Đi hết thanh xuân qua mấy chặng đời
Nàng công chúa chưa tìm ra dây ánh sáng
Xâu chuỗi ngọc sương vẫn long lanh rỗng lặng
Nên hạnh phúc này cần điểm tựa hư không

                                                Trần Kiêm Đoàn

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2019

AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ - Trần Kiêm Đoàn

Kỷ niệm 35 năm Mùa Hè Đỏ Lửa (1972-2007), viết tặng các học sinh Nguyễn Hoàng và thanh niên Hồng Thập Tự Quảng Trị

                                                                                  Trần Kiêm Đoàn


      
                 Tác giả Trần Kiêm Đoàn bên bờ Bắc cầu Bến Hải 
                                          – Mùa Hè 2007


AI VỀ QUẢNG TRỊ ĐÔNG HÀ 

Ai về Quảng Trị Đông Hà,
Hỏi o lòng thả, heo bà… lặt chưa ?!

Hồi còn làm trưởng Thanh Niên Hồng Thập Tự Quảng Trị thời Hồi Cư năm 1973, các em học sinh và đoàn sinh của tôi vẫn thường đặt bày hát “đía” như thế để chọc mấy em nữ sinh bán quán lòng thả ở Hải Lăng, Diên Sanh. Và nghe đâu, giới giàu kinh nghiệm món lòng thả cho rằng, giống heo đực lặt… tiệt sau ba tháng, đem nấu lòng thả mới ngon tuyệt cú mèo (?).

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

TẾT NGUYÊN TIÊU - Trần Kiêm Đoàn


     

        TẾT NGUYÊN TIÊU

Hình ảnh và nội dung tết Nguyên tiêu vẫn còn là một khái niệm tương đối xa lạ với phần đông người Việt Nam thuộc thế hệ trẻ, nhất là người Việt tại hải ngoại.

Vậy sau tết Nguyên Đán thì tết Nguyên Tiêu là gì?

Tết Nguyên Tiêu - Rằm tháng Giêng Âm lịch - là ngày lễ hội cổ truyền tại Trung Quốc và là tết Thượng Nguyên tại Việt Nam. Lễ hội trăng rằm từ giữa đêm 14 trọn ngày 15 và kéo dài cho đến nửa đêm 15 ( có trăng Rằm vằng vặc) vào tháng giêng âm lịch.

Ở Việt Nam, ngày rằm Tháng Giêng là dịp dân chúng lên chùa cúng sao giải hạn, cầu nguyện điều lành; mặc dầu tín lý nhà Phật không nói đến. Các chùa thường tụng kinh Dược Sư với sự quy tụ quần chúng Phật tử cùng tụng niệm và hồi hướng công đức để thế giới được an lành.

Lễ hội đêm trăng rằm hiện được nhiều nơi Việt Nam khôi phục truyền thống văn hóa cổ, tổ chức đêm Nguyên tiêu của Ngày Thơ Việt Nam. Cho đến nay tinh thần “Thơ Nguyên Tiêu Việt Nam” đã thành nếp sinh hoạt văn nghệ rất đẹp ở nhiều địa phương.

Đặc biệt tại Huế, tết Nguyên tiêu vẫn được duy trì và tổ chức dưới hình thức lễ hội như một ngày truyền thống đầu năm. Hầu hết các chùa đều có có mở Đàn Tràng Dược Sư để cầu an và cầu nguyện sự an vui trong năm mới.

Những năm về sau này, tết Nguyên tiêu ở Huế đã trở thành một lễ hội mang tính nghệ thuật đầy thú vị trong đại chúng. Địa điểm được chọn là núi Ngự Bình. Đêm rằm Nguyên tiêu, thường có rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ văn nghệ Huế, hẹn nhau lên núi Ngự Bình để uống rượu thưởng trăng trên núi Ngự Bình mà người ta thường cho rằng đây là hình ảnh mặt trăng treo trên bầu trời trong sáng và đẹp nhất trong năm. Những hình thức và tục lệ khả ái, mỹ thuật như làm thơ, ngâm thơ, vịnh thơ, bình thơ, thả thơ... cũng được nhiệt tình hưởng ứng.

Theo truyền thống Thả Thơ tại Trung Quốc trong dịp Nguyên tiêu thì phổ thông nhất là thể thơ Đường luật được sáng tác, ngâm vịnh, họa thơ, bình thơ và thả thơ. Thơ được làm ra viết trên giấy thả theo dòng nước hay là thả bay tung lên không gian qua nhiều hình thức khác nhau.

Các vị sính thơ tại Việt Nam thì thường dùng ba hình thức thơ phổ biến nhất là: Thất ngôn Bát cú, Song thất Lục bát và Lục bát. Vẫn có hình thức thơ tự do nhưng còn hiếm.

Sau đây, người viết những dòng này xin thả thơ với một bài Thất ngôn Bát cú “Con Cóc” như sau:

CÓC DẠ NGUYÊN TIÊU

Đêm trăng vằng vặc Tết Nguyên Tiêu,
Cóc nhớ Hằng Nga phải đánh liều.
Ra khỏi hang sâu trăng sáng quá,
Trở về chốn cũ bóng cô liêu.
Da cóc quản chi đời ấm lạnh,
Tâm trong chẳng ngại cảnh tiêu điều.
Cóc dạ Nguyên tiêu nhìn bốn hướng,
Thả thơ tặng bạn với thân yêu.

Tại Hoa Kỳ, California, nơi chúng tôi đang định cư trên 35 năm nay, tục lệ tết Nguyên tiêu thường được tổ chức trong các chùa theo môn phái Đại thừa Tịnh Độ mà các tăng ni chủ trì phần lớn xuất thân từ Huế.
Tết Nguyên tiêu năm nay, tôi được tham dự lễ hội tại chùa Kim Quang. Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên của người Việt Nam tại Mỹ được xây dựng sau 1975. Và theo truyền thống “Đông Tây đề huề” thì bất cứ lễ hội nào, dẫu quan trọng đến đâu tại các nước Âu Mỹ cũng phải tổ chức vào dịp Weekend - cuối tuần, nên “Nguyên Tiêu” năm nay là ngày Chủ Nhật, dẫu mới là ngày 13 tháng giêng Âm lịch.

Sau ba ngày hành lễ Đàn tràng Dược sư, Tết Nguyên tiêu kết thúc với một chương trình văn nghệ đặc biệt của Gia đình Phật tử Kim Quang với hơn 200 đoàn sinh tập luyện công phu từ nhiều tháng trước. Các cháu đã trình diễn khá xuất sắc, thu hút và tạo được sự hưởng ứng, cổ võ nồng nhiệt của đông đảo khán giả ngồi chật sân chùa.

Chào hội Nguyên tiêu và xin chúc mọi người tiếp tục hưởng một Năm Mới Kỷ Hợi 2019 sức khỏe và an vui.

                                                     Sacramento, Nguyên tiêu 2019
                                                                Trần Kiêm Đoàn

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

NĂM MỚI 2019 GIỞ LẠI HỒ SƠ CŨ… ĐANG ĐE DỌA TƯƠNG LAI CỦA HÀNG TRIỆU CON EM THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM - Trần Kiêm Đoàn


      
                           Tiến sĩ Trần Kiêm Đoàn


NĂM MỚI 2019 GIỞ LẠI HỒ SƠ CŨ… ĐANG ĐE DỌA TƯƠNG LAI CỦA HÀNG TRIỆU CON EM THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM

Tại sao hai ông Nghè bị ném đá

Nước Việt Nam ta tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 11, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1076) mới có thi cử để chọn nhân tài với khoa thi đầu tiên gọi là Bác Học. Từ đó, khoa cử là con đường vinh hiển nhất để tiến thân. Bậc học cao nhất là Tiến sĩ. Người thi Đình để chính thức xếp hạng tiến sĩ được ngồi dưới mái “nghè” thường là văn phòng tứ bảo của Vua nên được vinh dự gọi là ông Nghè. Ông Nghè được vinh quy bái tổ có quyền chọn năm mẫu đất bất cứ nơi nào mình thích trong Tổng để làm nhà nên dân gian có câu: “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng”!

Việt Nam ta ngày nay có khoảng 120.000 ông bà Nghè (trung bình 800 người dân mới có một người có học vị tiến sĩ; so với Mỹ trung bình 130 người dân có một tiến sĩ). Nhưng chưa nghe ai sợ bị “đe hàng tổng” mà chỉ nghe tin các ông Nghè bị “ném đá”. Hai ông Nghè bị ném đá gần đây nhất là hai nhà giáo đã đưa sáng kiến “cải cách tiếng Việt” đang diễn ra trong nước.

Hai ông Nghè bị ném đá đó là hai vị Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại và Phó giáo sư Phó tiến sĩ Bùi Hiền. Nhị vị nầy có chung niềm… thú vị là cùng tuổi đời 83, cùng tốt nghiệp đại học Liên Xô trong những năm đầu 1970 và cùng bỏ ra hơn 40 năm để nghiên cứu và trình làng công trình cải cách tiếng Việt mà theo sự thâm tín của hai ông là tối tân, khoa học, hợp lý cho sự “chuẩn hóa” tiếng Việt.
Xin lần lượt “vấn an” hai vị:

Thứ Tư, 6 tháng 2, 2019

MỪNG TUỔI - Thơ Trần Kiêm Đoàn


     
                    Tác giả Trần Kiêm Đoàn


MỪNG TUỔI

Tối Ba Mươi tiễn Chó Mậu Tuất: mình tuổi mới...73,
Sáng Mồng Một đón Heo Kỷ Hợi: hoá ra 74!
Cuộc nhân sinh tưởng chừng như ảo mộng,
Trăm năm qua là chớp mắt của thời gian.

Mới xuân xanh,
Giờ tuổi đã chín vàng...
Nghe sương nắng ghi dấu hằn phế phủ.
Ôi bằng hữu thưa dần xa chốn cũ,
Đứa nghèo xơ, thằng đại phú... cũng ra đi.

Những ân tình, hội ngộ - chia ly,
Những yêu dấu - hận thù... đối mặt.
Cũng lần lượt theo nhau về đất.
Lòng mẹ hiền phủ bóng cả đàn con:
Đứa nên, đứa hư, đứa hỏng, đứa ngoan...
Khi nhắm mắt vẫn là con của Mẹ.

Tết đến ngày Xuân đường nhân thế,
Không trổ lộc non trên tấm vé một chiều.
Ta đi về sông núi cũ chân quê,
Lòng thanh thản thuở con về với Mẹ.

Sáng nay Mồng Một đầu Năm Mới,
Nhưng tính trong tuần mới Thứ Ba,
Sở làm, hàng xóm không hay biết,
Sao có Tết Tây với “Tết Ta”!

Thức dậy pha trà mai rót cúng,
Mời thơ, thơ cạn chén trà xanh.
Tâm trong như một trang sách mới,
Mừng tuổi chúc nhau vạn sự lành.

                             Sacramento, Cali,
                        Giao thừa Kỷ Hợi 2019
                     Trần Kiêm Đoàn

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

TAY HƯ KHÔNG NÊN NẮM ĐƯỢC RẤT NHIỀU - Thơ Trần Kiêm Đoàn


   


TAY HƯ KHÔNG NÊN NẮM ĐƯỢC RẤT NHIỀU

Người phàm nói: cho hết lấy gì để dùng
Người trí dạy: dùng hết còn gì để cho
Đem của đi cho
Đừng lo của mất
Đem của đi cất
Đừng tưởng của còn
Mất còn chằng phải không hay có
Trời đất mênh mông có lại không

Mất còn thế sự như sương tuyết
Sương tuyết chung nguồn nước đại dương
Mây tụ che trăng trăng biến mất
Thịnh suy còn mất thế xoay vần

Em đã già mùa xuân đã hết
Xuân về đâu
Xuân trở lại trong hồn
Hoa rất lạnh tiếng dương cầm đã cũ
Hoàng hôn rơi lớp lớp đọng mây chiều
Và cứ ngỡ bóng đêm dài lịm tắt
Soi gương cười hạnh phúc với cô liêu

Em sẽ gặp
những mùa xuân năm cũ
Cho đi em
còn mất có bao nhiêu
Buông xả hết xem đời là phấn thổ
Tay hư không nên nắm được rất nhiều

                                  Trần Kiêm Đoàn
                                       28-1-2019

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

TRONG SƯƠNG MÙ THẤY NẮNG ĐANG LÊN - Thơ Trần Kiêm Đoàn


     


TRONG SƯƠNG MÙ THẤY NẮNG ĐANG LÊN

Có một thuở sương mù che khuất:
Những ngày vui mờ nhạt ánh hồng.
Dưới ánh mặt trời như trong đêm tối,
Chẳng thấy gì trời đất mênh mông.

Là khi không nhìn đời bằng mắt,
Mà thấy bằng Tâm...
Tâm hoang vắng nên tinh cầu
hoang lạnh.
Tâm là ai có phải trái tim...
Trái tim đỏ nằm trong lồng ngực tối?

Tâm không phải là tim.
Bởi có người thay tim hay đeo tim máy,
Vẫn yêu thương hờn giận tuổi ban sơ,
Vẫn u mê và minh triết,
Anh kiệt và dại khờ...
Như những kẻ làm thơ:
Ngu ngơ mà bản lĩnh.

Nên Tâm là Tự Tánh.
Là bản lai diện mục nguyên sơ,
Là tình yêu rỗng không, im lặng như tờ,
Là rất phật thuở hồng hoang Phật chưa thị hiện.

Em là Huế phải không?
Đã giữ Huế trong ngần bằng Tâm Huế.
Cảnh thật mắt trần không đẹp bằng Huế trong Tâm.
Đi trên sông Hương mà nhớ sông Hương.
Vịn Trường tiền mà nhớ Trường Tiền tâm ảnh.
Nên Huế muôn đời là những cơn mưa lòng không tạnh:
Đi mà nhớ không phải ở để mà thương.
Nắng mai lên từ ngõ vắng trong sương.
Anh xa lắm mà tâm mình đang với Huế.

                              Sacramento 30-1-19
                                 Trần Kiêm Đoàn

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2019

NGƯỠNG CỬA TỬ SINH - Trần Kiêm Đoàn


     

        NGƯỠNG CỬA TỬ SINH

Chiều nay mình trở lại thăm một người bạn mà trước đây sáu tháng mình có giới thiệu và nhắc nhở trên trang Facebook này. Đó là anh Quảng Quý Huỳnh Kim Lân.
Cách nay sáu tháng, bác sĩ đã cho biết là anh chỉ còn khoảng 100 ngày nữa để sống vì anh đang ở giai đoạn cuối cùng của bệnh ung thư phổi.

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019

DẠ... THƯA: HỒN HUẾ - Trần Kiêm Đoàn


         

           DẠ... THƯA: HỒN HUẾ
                                      Trần Kiêm Đoàn

Tiếng “Dạ…thưa”: một biểu tượng nhân văn của văn hóa Huế
Nhận diện văn hóa của một đất nước hay của một vùng đất nào đó trên mặt địa cầu nầy thường có quá nhiều hình tượng và đề tài để nói: Có thể đó là “biểu tượng nhân văn” do con người dựng lên hay nhờ có bàn tay con người gìn giữ và bảo vệ sản phẩm của thiên nhiên lâu dài mới còn tồn tại. Như tháp Eiffel của Pháp, Kim Tự Tháp ở Ai Cập, lá phong ở Canada hay con chuột túi (Kanguru) ở Úc. Hoặc có khi chỉ là một âm vị của ngôn ngữ như tiếng “Ok” của Mỹ, “Amen” của đạo Chúa và “Nam mô” của đạo Phật… Nhưng rốt lại, chỉ còn một nét nào đó nổi bật nhất mà chỉ cần nhìn hay nói ra là sẽ nhận được ngay câu trả lời tên nước, tên vùng.
Chắc nhiều người còn nhớ ngày Hội Huế đầu tiên trên vùng đất thủ phủ tiểu bang California, thành phố Sacramento năm 1985, khi nhà thơ Thành Đạt đưa giải thưởng “1000 hột sen Tịnh Tâm” rất quý hiếm vào thời điểm nầy cho ai chọn “một cái gì” bình dân và đơn giản nhất mà ai cũng biết cũng quen dùng tượng trưng cho Huế. Người ta đã đưa ra nhiều hình ảnh, tiếng nói làm “biểu tượng” cho Huế như chùa Thiên Mụ, Cầu Trường Tiền, Cửa Ngọ Môn, núi Ngự Bình; hoặc tiếng nói: “Mô, Tê, Răng, Rứa”
Nhưng kết quả thật thú vị vì người trúng giải là chị Tịnh Như đã chọn tiếng “Dạ” làm biểu trưng cho Huế. Nhiều người trong cuộc Hội Huế không đồng ý vì tiếng “dạ” là tiếng Việt mà người dân trong cả ba miền Bắc Trung Nam đều dùng chứ không riêng gì ở Huế. Tuy nhiên chị Tịnh Như đã lý giải một cách đầy thuyết phục rằng: “Tiếng ‘Dạ’ là vũ khí văn hóa, nhân văn đặc thù của Huế vì nó được dùng như một phương tiện diễn đạt cảm xúc và ý nghĩ từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, từ phục tùng đến phản kháng, từ yêu thương đến thách đố, khước từ…”

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

HUẾ GIỮA MÙ SƯƠNG - Thơ Trần Kiêm Đoàn



HUẾ GIỮA MÙ SƯƠNG

Nếu anh không về thăm lại Huế,
Sương một đời che kín Huế ngàn xưa.
Trong góc khuất những tâm hồn xa Huế,
Đi giữa Trường Tiền mà nhớ Huế bâng quơ.

Em là Huế, Huế là em thuở nớ...
Trang giấy hùn cây viết cũ gian nan,
Thư và thơ tình yêu thời mới lớn:
Quốc Học chờ Đồng Khánh chuyến đò ngang.

Huế tuổi trẻ xanh như màu ngọc bích,
Cháo gạo đồng cơm hến sắn ăn trưa,
Nghèo dễ sợ tuổi học trò thương rứa,
Quà tỏ tình thức trắng để làm thơ.

Anh và em đều có người mạ Huế,
Chắt chiu mình mà phỗng xả với
bầy con.
Mạ là nhịp cầu mây núi dòng sông,
Dẫu thua được vẫn là con của mạ.

Ôi thời gian Huế mình mau chi lạ,
Thằng Cu xưa nay tóc bạc cụ già.
Những đứa bạn xóm nghèo thời thơ ấu,
Thoáng trở về gặp lại mụ ôn... tra.

Về Huế lại hạc vàng xưa bay mất,
Huế trầm tư vang bóng cũ không còn.
Anh khờ dại nhớ em thời bím tóc,
Dẫu ăn mày quá khứ cũng trông mong.

Ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông,
Anh biết rứa răng vẫn buồn chi lạ.
Bởi một lần đi là chia ly tất cả,
Nên trở về tay trắng vẫn hoàn không.

Anh yêu Huế chẳng có gì để mất,
Khi tình yêu là sương khói mênh mông.
Dòng sông đó trái núi này vạn cổ,
Ta còn ta là tất cả vẫn đang còn.

                       Trần Kiêm Đoàn
                            9-1-2019

Cảm tác ghi mấy dòng khi nhận được chùm ảnh HUẾ GIỮA MÙ SƯƠNG.