Nhà văn Phan Nhật Nam
EM
TÔI
Phan Nhật Nam
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa
con thơ lên đường tập kết.
Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm,
tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt
nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc
nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em
khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi
và dỗ cho em ngủ. Mỗi ngày, trời sập tối mẹ mới gánh hàng về, ba mẹ con ngồi ăn
cơm bên ngọn đèn dầu, tôi và em hỏi han, an ủi mẹ. Mẹ kể cho chúng tôi nghe
chuyện chợ búa như đang nói chuyện với người lớn, tôi ngồi nghe, nhìn đôi vai gầy
của mẹ, nhìn mái tóc và đôi bàn tay khô của mẹ, mà thấy thương mẹ vô cùng.
Tôi phải bỏ học ở nhà hai năm để trông chừng em. Mẹ có
một sạp bán rau cải ở chợ Cồn. Gọi là sạp chứ thực ra chỉ là một ô đất nhỏ,
sáng mẹ ra đi thật sớm, lúc trời còn mờ sương, buổi trưa mẹ về nhà lo cho chúng
tôi ăn, nằm nghỉ ít phút rồi trở dậy sửa soạn cho chuyến chợ chiều. Một tuần bảy
ngày, mẹ đi đi về về trong nỗi cô đơn.