BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Duy. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Duy. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

"NGÀY XƯA HOÀNG THỊ", MỐI TÌNH HỌC TRÒ TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - Long Phạm


Nhạc sĩ Phạm Duy

Phạm Duy là một nhạc sĩ đại tài của nền tân nhạc Việt Nam, với gia tài sáng tác đồ sộ, đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung, trải dài qua nhiều mảng nhạc khác nhau.

Có thể kể đến nhiều loại nhạc Phạm Duy sáng tác như nhạc thiếu nhi, nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, dân tộc, nhạc tình yêu, đôi lứa, nhạc học trò, đạo ca, trường ca, nhi ca, tâm ca, thiền ca… Tuy nhiên, tình ca vẫn là mảng nhạc được ưa chuộng và nhớ đến nhiều nhất.
Trong sự nghiệp của mình, Phạm Duy để lại một kho tàng khổng lồ với hơn 2000 ca khúc. Trong đó, có một mảng khá xuất sắc là nhạc phổ thơ.
Có thể nói, Phạm Duy là một thầy phù thủy xuất sắc khi phổ nhạc vô cùng hòa quyện, tạo nên những giai điệu đầy biến ảo cho các bài thơ có ngôn từ bay bổng như Ngày xưa một chuyện tình sầu, Trăm năm như một chiều, Chiếc bóng bên đường, Hãy trả về em, Qua vườn ổi, Lá diêu bông…
Đa số các bài thơ Phạm Duy phổ nhạc đều viết về tình yêu đôi lứa, với âm hưởng lãng mạn.

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

PHẠM DUY: NỖI BUỒN U UẨN VÀ ĐÁM CƯỚI CỦA THÁI HẰNG - Hà Đình Nguyên

Phạm Duy là con bướm đa tình, khi đã 'tạm' mỏi cánh, con bướm này chọn nơi dừng chân: lập gia đình với một người con gái tài sắc- CS Thái Hằng. Nhưng nàng lại đang mang một nỗi buồn u uất, chưa hề tỏ bày cùng ai…
 
Phạm Duy và Thái Hằng

Quen biết với gia đình Thăng Long từ dạo còn tản cư ở Chợ Đại-Cống Thần (Hà Đông, 1947), rồi cùng nhau về Liên khu VI ở Chợ Neo (Thanh Hóa, đầu năm 1949), lúc nào Phạm Duy cũng thấy vương vất trong đôi mắt của Thái Hằng một nỗi buồn...
         Thái Thanh cùng Hoài Trung (trái) và Hoài Bắc trong ban Hợp ca Thăng Long
 
Có lẽ chính vì thế mà những “cây si” tầm cỡ như: thi sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích (ở Chợ Đại), thêm Đoàn Phú Tứ, Bửu Tiến, Bửu Kỉnh (ở Thanh Hóa)… cũng không lay động được con tim của nàng. Thái Hằng rất kín tiếng, ít khi tâm sự với ai. Chỉ đến sau này, khi giữa nàng và Phạm Duy đã trở nên thân thiết thì nàng mới thổ lộ nỗi niềm sâu kín ấy:
 
Vào năm 1945, Thái Hằng đính hôn với một sinh viên trường Luật tên là Trần Văn Nhung. Nhung là một thanh niên yêu nước nhưng có khuynh hướng thân Nhật. Vào đầu thập niên 40, cũng như rất nhiều thanh niên khác, anh tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp.
 
Cảm tình của anh đối với Nhật Bản khiến cho anh được tặng một học bổng để đi du học nhưng anh chưa kịp đi thì xẩy ra vụ Nhật đảo chính ngày 9/3/1945. Trước giờ đảo chính, một sĩ quan Nhật hỏi một nhóm sinh viên Hà Nội do họ triệu tập xem có ai muốn xung phong cùng đi với lính Nhật vào hạ thành Hà Nội? Họ sẽ được dành cho vinh dự là tự tay giật lá cờ tam tài của Pháp xuống.
 
Mọi người còn đang do dự thì Trần Văn Nhung và một sinh viên đứng lên nhận lời. Hai sinh viên này đi tiên phong trong đám lính Nhật và bị bắn chết ngay trên bờ tường thành Cửa Bắc trong phút đầu tiên của vụ đảo chính. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, một buổi lễ truy điệu những người đã hi sinh cho nền 'thịnh vượng chung của Đại Đông Á' được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Thái Hằng đầu chít khăn trắng tới dự lễ truy điệu này.
 
Cái chết của vị hôn phu đã ảnh hưởng rất lớn đến Thái Hằng. Từ ngày đó trở đi, Thái Hằng đắm đuối trong nỗi niềm riêng. Trong suốt một năm lúc chưa đi tản cư, tuần nào nàng cũng mang hoa tới đặt trên mộ Nhung và ngồi khóc…
 
Đi theo gia đình ra vùng kháng chiến, nàng vẫn mang theo tấm ảnh và tập nhật ký của người đã chết, trong đó Nhung có những câu nói vừa gở vừa thiêng như: “Nếu anh chết thì em phải lấy chồng và cố tìm ra một người nào như anh nhé”.
 
 Khi ra sống ở Chợ Đại và Chợ Neo, trong hai năm liền, Thái Hằng vẫn chưa nguôi được nỗi buồn. Suốt ba năm dài, coi như để tang cho người tình, nàng đóng chặt tâm hồn, sống với một nỗi buồn không che dấu. Một hôm, cha mẹ nàng đã tìm cách đốt tấm ảnh và tập nhật ký của Nhung đi.
 
Biết được tâm sự của Thái Hằng, Phạm Duy tuy thực tâm nể phục thái độ anh hùng của Trần Văn Nhung cũng như sự chung tình của Thái Hằng nhưng vẫn cố làm cho nàng khuây khỏa và dần dần thay thế được hình ảnh của người hùng đã khuất trong trái tim nàng ca sĩ.
 
Sau sáu tháng quen biết, Phạm Duy chính thức hỏi Thái Hằng làm vợ. Ông bà Thăng Long có chút lưỡng lự nhưng lúc đó có hai người rất uy tín là tướng Nguyễn Sơn và nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh nói giúp vào, lại nữa con trai lớn của ông bà là Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) cũng nhiệt tình ủng hộ nên cuối cùng ông bà Thăng Long cũng ưng thuận.
 
Sau khi chọn được ngày tốt, bà Thăng Long ra cái chợ ngay trước quán phở của mình mua một nải chuối, một buồng cau, một gói trà để tiến hành “lễ hỏi”. Phạm Duy kể lại rằng: “Bên nhà trai không có ai ngoài tôi ra, đành phải nhờ người em của điêu khắc gia Lê Thị Kim là Bạch Bích tới bưng hộ khay trầu. Hôm đó, từ trong Quán Thăng Long đi ra tôi còn là một kẻ độc thân rồi tức khắc từ ngoài cửa đi vào, sau khi ra đứng lễ ông bà ông vải xong, từ nay trở đi tôi trở thành người chồng chưa cưới của Phạm Thị Thái Hằng. Một cái lễ hỏi nhẹ tênh, so với sự nặng nhọc và kiên trì của sáu tháng khổ công vận động của tôi…”.
 
Tuy nhiên vì cũng muốn tỏ ra anh hùng trong mắt hiền thê nên Phạm Duy tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên trong 6 tháng, vừa biểu diễn phục vụ vừa sáng tác (những ca khúc nổi tiếng Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ lấy được đồn Tây - sau sửa lại là Quê nghèo, được Phạm Duy sáng tác trong thời gian này)…
 
6 tháng sau, khi Phạm Duy từ chiền trường trở về, lễ cưới của đôi vợ chồng quê này mới được cử hành dưới sự chủ hôn của Tướng Nguyễn Sơn. Lễ hỏi giản dị như thế nào thì lễ cưới cũng đơn sơ như thế. Áo cưới của cô dâu là chiếc áo dài mầu xanh thẫm mang theo từ ngày xa Hà Nội, bây giờ mới có dịp dùng đến. Chỉ có chiếc quần vải trắng vừa mới may xong.
 
Hằng ngày Thái Hằng đi dép Nhật hiệu 'con hổ' thì hôm nay cô dâu xỏ đôi guốc mới toanh. Chú rể mặc bộ đồ quân phục bằng kaki Mỹ, đội mũ ca lô bằng dạ mầu xanh, chân đi giầy cao cổ…chẳng khác chi hình ảnh cô dâu chú rể trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan: “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới. Tôi mặc đồ quân nhân. Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân...”
 
Phạm Duy kể lại: “Tướng Nguyễn Sơn, chính trị ủy viên Nguyễn Kiện, văn sĩ Nguyễn Đức Quỳnh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Giao (ông thân sinh của ca sĩ Thúy Nga, vợ của Hoàng Thi Thơ), kỹ sư Nguyễn Dực con của nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh và là bạn đồng học của tôi trong trường Kỹ Nghệ Thực Hành cùng với dăm ba người nữa... đó là những vị khách quý đã từ nơi xa hay nơi gần, leo lên xe đạp từ sáng sớm để phóng tới Chợ Neo dự lễ cưới của chúng tôi…”
 
Lễ cưới khởi sự lúc nào không biết. Mẹ vợ ra khấn vái trước bàn thờ vừa mới được dựng lên. Rồi tới phiên chú rể lên gối xuống gối, cô dâu ngồi xụp xuống đất, làm lễ gia tiên. Khấn vái ông bà ông vải xong, chúng tôi xin ra lễ sống cha mẹ vợ theo phong tục Việt Nam, nhưng ông bố vợ xua tay: 'Thôi. Đời sống mới mà. Không phải lạy Ba Mợ nữa.'
 
Sau khi đã làm xong bổn phận với người chết là tổ tiên và với người sống là cha mẹ rồi, bây giờ tới thủ tục hành chính. Nhân viên ủy ban hành chính của xã được mời tới để làm giấy giá thú. Trước mặt mọi người, cô dâu chú rể cúi xuống mặt bàn còn thơm mùi phở, ký giấy hợp hôn, tay cô dâu run run. Bây giờ mới lòi ra tên cô dâu là Phạm Thị Quang Thái. Không phải chỉ có Phạm Thị Thái….
 
Hai mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường đã được bầy ra trên hai cái bàn ở trong quán. Gần hai chục người đã ngồi vào bàn ăn. Ông bố vợ đứng lên mời mọi người cầm đũa, sau khi đã cám ơn quý khách. Tướng Nguyễn Sơn đứng lên nói vài câu chúc mừng. Giản dị đến độ không có được một cái nhẫn cưới để tặng cô dâu, nhưng tôi có thể nói ngay ra đây là kể từ hôm nay cho tới 40 năm sau, chưa bao giờ đôi vợ chồng này to tiếng với nhau một lần.
 
Ăn xong bữa 'tiệc' cưới, trước khi quý khách ra về, chúng tôi ra trước cửa Quán Thăng Long đứng xếp hàng cho anh Giao chụp một bức ảnh kỷ niệm. Riêng cô dâu và chú rể còn có thêm một bức ảnh chụp riêng, hai người nắm tay nhau đứng ở trong vườn chuối bên cạnh quán. Bức ảnh chụp mọi người trong đám cưới, khi chúng tôi về thành, ông bố vợ đã cắt bỏ hình tướng Nguyễn Sơn vì sợ lính Tây khám mà thấy ảnh ông tướng Tư Lệnh thì nguy hiểm lắm…
 
Đám cưới vừa cử hành xong thì đã thấy ông bố vợ vào trong làng mua lại một cái ghế dài để ghép vào giường của cô dâu cho hai người nằm, không quên nói câu nói nằm trong phong tục Việt Nam: ‘Ba giải chiếu cho các con, để vợ chồng con sinh năm đẻ mười như Ba Mợ nghe'. Thế là từ đêm nay trở đi, tôi không phải kê hai cái bàn ăn làm nơi ngủ nữa rồi”.
 
Phạm Duy, Thái Hằng và Thái Thảo trên một sân khấu
 
Cưới vợ được 4 tuần thì Phạm Duy được điều về Việt Bắc. Phạm Duy phải đưa vợ mới cưới cùng đi. Khoảng đường từ Thanh Hóa lên Việt Bắc hơn 800 cây số phải…đi bộ, nhưng mới đi được nửa đường thì Phạm Duy phát hiện vợ mình có thai. Lỡ rồi, đi luôn…
 
Đúng một tháng sau, họ đặt chân lên đất Thái Nguyên. Liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ở chung quanh đây không có một gia đình thường dân nào cả. Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh này là An toàn khu (ATK) của tất cả các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung ương. Mỗi gia đình cán bộ đều được cơ quan của mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ giúp để dựng lên một cái nhà bằng nứa.
 
Yên Giã là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ sĩ. Lúc này họ đều trở thành hội viên của các Hội Nhà Văn, Hội Hoạ Sĩ, Hội Nhạc Sĩ, Hội Sân Khấu cả rồi…Vợ chồng Phạm Duy là thượng khách của Nguyễn Xuân Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến. Họ được cất cho một mái nhà tranh vách nứa nằm không xa nhà của vợ chồng Văn Cao là mấy.
 
Phạm Duy viết trong hồi ký: “Tưởng như là căn nhà bên suối đang nằm ở trong bài một hát bỗng nhảy ra đây. Đây cũng là cái tổ ấm đầu tiên trong đời tôi, của một gia đình có đôi vợ chồng son và đứa hài nhi nằm trong bụng mẹ. Nhà có tới ba phòng, phòng ngủ có cái giường nứa, phòng bếp có cái bếp nứa, phòng tắm có tấm phên cũng bằng nứa.
 
Thiếu phòng vệ sinh, nhưng chúng tôi có cả một khu rừng ở đằng sau nhà rồi. Căn nhà nứa này, tuy có phòng tắm đó nhưng có bao giờ chúng tôi chịu tắm ở trong nhà đâu? Ai chịu khó vác nước từ suối lên đây? Bà Phạm Duy đi tắm suối là kéo bà Văn Cao đi cùng. Đi mua thực phẩm hơi xa cho nên cứ cách dăm ba ngày là các bà rủ nhau cùng đi chợ.
 
Gạo ở đây là gạo kháng chiến, khi ăn mà không nhằn miếng cơm cho kỹ là dám sứt răng vì những hòn sạn. Cũng mua được thịt để ăn nhưng kho xong nồi thịt, chỉ cần một đêm là thịt kho trở thành thịt đông ngay. Bởi vì ở trong vùng rừng núi này, mỗi khi đêm xuống thì dù là mùa Hạ, trời cũng trở lạnh như trong mùa Đông…”.
 
Phạm Duy, Thái Hằng và các con
 
Ở Yên Giã, Phạm Duy gặp lại hầu hết các bạn bè văn nghệ cũ như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Thế Lữ, Võ Đức Diên, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu... và cả người bạn thân Hoàng Cầm. Đặc biệt là gặp lại anh bạn cùng học trường Mỹ Thuật khi xưa: Mai Văn Hiến. Hoạ sĩ Mai Văn Hiến rất chiều chuộng Thái Hằng, anh thường tìm hái trong rừng những quả chua như me, sấu, là những thứ mà người đang có thai rất thèm ăn.
 
Những ngày ở ATK đã ghi đậm dấu ấn trong hồi ức Phạm Duy, ông viết: “Đời sống ở Yên Giã quá đẹp. Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi 'an ninh thịnh vượng' là Thanh Hoá để lên đây ở…”
 
                                                                              Hà Đình Nguyên
 
Nguồn:
https://tintuc.vn/pham-duy-noi-buon-u-uan-va-dam-cuoi-cua-thai-hang-post107405

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2022

VÒNG NGUYỆT QUẾ CHO PHỐ NÚI CAO - Trương Đình Tuấn

Tưởng niệm 40 năm ngày từ trần của thi sĩ Vũ Hữu Định (3/4/21981 -3/4/2021)

Nhà thơ Vũ Hữu Định: “May mà có em đời còn dễ thương”
 


Thi sĩ Vũ Hữu Định làm bài thơ “Còn Chút Gì Để Nhớ” vào năm 1970 khi bị đày lên Pleiku để làm Lao công đào binh. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy – “ông vua” phổ nhạc của Việt Nam đã lấy nguyên bài thơ làm ca từ không bỏ hoặc thêm bớt một từ nào cả. Bản nhạc nhanh chóng được công chúng đón nhận:
 
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
 
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
 
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
 
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc bên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
 

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

THÁNG TƯ, PHẠM DUY: VINH QUANG VÀ BẼ BÀNG - Bảo Vũ

Nguồn:
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-61037070?


(Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Melbourne, Úc)
 
Nhạc sĩ Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn là nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam
Hàng chục năm đã trôi qua nhưng nhiều lần cứ đến tháng Tư tôi lại nghĩ về nhạc sĩ Phạm Duy và thân phận nổi trôi của cá nhân ông và qua đó của quê hương mình.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2022

HOÀNG CẦM TRONG TÔI - Phạm Duy

Nguồn:
https://dungparis.pagesperso-orange.fr/Phamduy_motdoinhinlai.htm


... Tôi không có tham vọng đóng vai trò một nhà khảo cứu phê bình có đủ phương tiện, thời gian và không gian để viết về một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Việt Nam hiện đại. Tôi chỉ muốn hoá giải một nỗi buồn thương có trong tôi mỗi khi nhớ tới Hoàng Cầm. Người bạn thi sĩ cùng tuổi với tôi, vừa bước vào đời là được cùng tôi thoả chí tang bồng khi cùng đi vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Rồi vì phận nước long đong, với cảnh đất nước và lòng dân bị phân chia bởi chủ nghĩa, chiến tranh và hận thù, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Từ đó, nhất là sau cuộc nổi dậy và bị tiêu diệt của một phong trào đối kháng, Hoàng Cầm mất tích, trong đời anh cũng như trong đời tôi.
Suốt 30 năm trời, một tấm màn đen phủ lên cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng Cầm, không cứ gì ở Bắc Việt. Cho tới năm 1975, tại Nam Việt Nam, tuy không thiếu những bài viết về các nhà thơ nổi danh của thời đại nhưng không có ai viết đầy đủ về anh. Chỉ có Hoàng Văn Chí với cuốn sách TRĂM HOA ÐUA NỞ cho ta thấy thơ Hoàng Cầm trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm và chỉ có Trần Tuấn Kiệt cho in lại (với nhiều khuyết điểm) một vài bài thơ kháng chiến của thi sĩ trong một tuyển tập thi ca.
Thời gian trôi đi, bỗng có lúc tôi khám phá ra một số bài thơ của Hoàng Cầm rồi thấy mình nên viết ra những gì còn nhớ được nơi người bạn vãn niên này để, thêm một lần nữa (sau Nguyễn Chí Thiện), lôi ra từ bóng tối một nhà thơ sáng láng nhất của chúng ta...
 
Ðó là đoạn MỞ ÐẦU của tập HOÀNG CẦM TRONG TÔI, một tiểu luận được viết ra sau gần mười năm sống đời lưu dân -- nghĩa là vào khoảng 1984 -- nhất là sau khi đã tự coi như mất quê hương rồi bỗng nhiên lại tìm thấy quê hương qua những bài thơ ẩn dụ của Hoàng Cầm mà vô tình tôi được đọc. Sự biên soạn tập tiểu luận vừa kể và sự ra đời của những bản (tôi gọi là) Hoàng Cầm Ca cũng còn do một ngẫu nhiên, hay nói cho đúng hơn, do một hữu duyên. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.
 

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2021

BÀI THƠ “NGẬM NGÙI” CỦA HUY CẬN, NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ANH THƯƠNG NHỚ EM GÁI - Trương Đình Tuấn




NGẬM NGÙI
 
Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...
Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

                                       Cù Huy Cận

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

PHẠM DUY CÒN ĐÓ MUÔN ĐỜI - Trần Mạnh Hảo

Nguồn:
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/2837875883151264
 
Ca sĩ Thái Thanh và nhạc sĩ Phạm Duy.
(Nhân 99 năm ngày sinh Phạm Duy 5-10-1921 -- 5-10-2020)

 
“Thơ hay có thể bị vua bắt
Trăng nhé nghìn đêm bạc tiếng gà”
(Trích bài thơ “LÝ BẠCH” của Trần Mạnh Hảo)

Chúng tôi (TMH) xin mượn tên cuốn sách: “Phạm Duy” còn đó nỗi buồn” của họa sĩ, nhà văn Tạ Tỵ làm tiêu đề cho bài viết về nhạc sĩ Phạm Duy của mình.
Phạm Duy - (từng là ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam, từng là giáo sư dạy trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn, một nhà nghiên cứu âm nhạc xuất sắc, một nhà văn, nhà báo có phong cách riêng khi viết báo, viết hồi ký) - kể từ bài hát đầu tiên phổ thơ Nguyễn Bính, bài “Cô hái mơ” viết năm 1942 đến nay, đã có hàng mấy trăm bài hát (có người còn cho ông đã viết đến con số trên dưới 1000 bài?) làm xúc động lòng người Việt Nam suốt hơn 70 năm nay. Phạm Duy không chỉ là một hiện tượng âm nhạc vắt qua hai thế kỷ; hơn nữa, ông còn là một hiện tượng xã hội, một hiện tượng văn hóa, một hiện tượng lịch sử, cần phải có nhiều nhà Phạm Duy học mai sau nghiên cứu về ông.

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

PHẠM DUY VÀ MƯỜI BÀI TỤC CA - Nguyễn Ngọc Chính

Lưu ý: Với những người “không quen” hoặc “không thích nghe” những câu nói tục hay tiếng chửi thề thường diễn ra trong cuộc sống hằng ngày, lời khuyên chân thành của tôi là không nên đọc bài viết và cũng không nên nghe những bản tục ca này. Lý do: Lời 10 bài tục ca của Phạm Duy rất… “phản cảm” và có thể gây sự khó chịu hoặc bực mình…

             
                              Tác giả Nguyễn Ngọc Chính


            PHẠM DUY VÀ MƯỜI BÀI TỤC CA
                                                    Nguyễn Ngọc Chính


        
                         Phạm Duy thời trai trẻ ở chiến khu Bình Trị Thiên

Khi còn sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy đã có đôi lời tâm sự về 10 bài tục ca của ông đọc trên băng cassette được phổ biến hạn chế và đến nay gần như “thất truyền”:

“Hai vị viết sách, viết báo về tôi là Tạ Tỵ và Georges Gauthier đều cho rằng cái vui, cái tếu không phải là chất liệu Phạm Duy, cho nên tục ca không thành công. Chưa kể có người chê tôi đi tới chỗ nhảm nhí trong nghệ thuật. Tôi cũng hiểu được vì sao có những người chống đối tục ca dù họ không biết cặn kẽ nội dung của nó. Tôi không hề tung tục ca ra quần chúng. Tôi chỉ tặng vài người bạn thân một băng cassette ghi lại buổi hát chơi ở Vũng Tầu và còn dặn dò đừng phổ biến!”

                    Đám cưới năm 1948: Phạm Duy trong bộ quân phục bên Thái Hằng

Có lẽ không nhà phê bình nào có đủ thẩm quyền hơn chính tác giả khi nhận xét về những điểm yếu trong cuộc đời sáng tác của mình. Trong trường hợp Phạm Duy, ông đã thẳng thắn nhìn nhận đã có nhiều người “chê” tục ca vì nó đi tới chỗ “nhảm nhí trong nghệ thuật” nhưng ông cũng vạch ra lý do: “họ không biết cặn kẽ nội dung của nó”. 

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

HOA HỒNG XANH VÀ LÁ DIÊU BÔNG - Nguyên Lạc


   


BÀI THƠ BLUE ROSES - HOA HỒNG XANH

Hoa Hồng Xanh - Blue Roses là bài thơ của Rudyard Kipling, một văn thi sĩ người Anh.

I. Vài Hàng Tiểu Sử Rudyard Kipling

     Joseph Rudyard Kipling (sinh tại Mumbai, Ấn Độ 30 tháng 12, 1865 – qua đời 18 tháng 1, 1936)  là một trong những tác giả nổi tiếng nhất ở Vương quốc Anh, cả về văn xuôi và thơ, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Rudyard Kipling đoạt giải Nobel Văn học năm 1907 - ông được trao giải Nobel khi mới 42 tuổi – là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử giải Nobel Văn học.

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

TƯỞNG NHƯ CÒN NGƯỜI YÊU - Thơ Lê Thị Ý, nhạc Phạm Duy, giọng hát Lê Uyên

Trong bối cảnh chiến tranh lên cao điểm, ca khúc “Tưởng Như Còn Người Yêu” do Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Thương ca 1” của Lê Thị Ý, gợi lên một trời đau thương của người góa phụ khi chồng tử trận, gây xúc động mãnh liệt cho người nghe. Bài hát rất phổ biến ở miền Nam VN vào thập niên 1970.



     Bài thơ

THƯƠNG CA 1

Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu
Phi cơ đáp xuống một chiều
Khung mây bàng bạc mang nhiều xót xa
Dài hơi hát khúc thương ca
Thân côi khép kín trong tà áo đen
Chao ơi thèm nụ hôn quen
Ðêm đêm hẹn sẽ chong đèn chờ nhau
Chiếc quan tài phủ cờ màu
Hằn lên ba vạch đỏ au phũ phàng
Em không thấy được xác chàng
Ai thêm lon giữa hai hàng nến trong?
Mùi hương cứ tưởng hơi chồng
Nghĩa trang mà ngỡ như phòng riêng ai.

                                                Lê Thị Ý

Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

CHIỀU NAY SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI - Hà Đình Nguyên

Huyền Chi là bút danh của Hồ Thị Ngọc Bút, một cô gái sinh năm 1934 tại Từ Sơn (Bắc Ninh), theo gia đình vào Nam từ trước năm1954, khi đang học bậc trung học. Lúc mới vào Nam (1948-1949) cô ở với chị gái tại Đà Lạt, sau đó về Sài Gòn (1950) vừa đi học vừa phụ mẹ trông nom sạp vải ở chợ Bến Thành. Bài thơ "Thuyền viễn xứ" là một trong 22 bài thơ nằm trong tập thơ "Cởi mở" của Huyền Chi xuất bản năm 1952, trong thời gian cô sinh hoạt với một nhóm văn nghệ sĩ trẻ và làm thư ký tòa soạn chuyên trách mục thơ cho tạp chí Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương.

      
                        Tác giả bài viết Hà Đình Nguyên 


         CHIỀU NAY SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI

(Trích trong cuốn "60 Bóng hồng trong thơ nhạc" - NXB Trẻ ấn hành tháng 10/2017). (Tặng Trần Thanh Bình)

Trong những ca khúc mang tâm trạng hoài hương mang nỗi buồn man mác như: Làng tôi (Chung Quân), Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương), Quê mẹ (Thu Hồ), Làng tôi (Văn Cao), Ngày về (Hoàng Giác)… thì Thuyền viễn xứ của Phạm Duy dù có buồn nhưng giai điệu thì khác hẳn: lạ hơn, sang trọng hơn…
Bạn thân của tôi, nhà báo Trần Thanh Bình, có một giọng hát khá tốt cho nên trong những lúc ngà ngà cuộc bia thường được đề nghị hát giúp vui (không đề nghị… cũng hát), và hầu như lúc nào anh cũng cất lên: “Chiều nay sương khói lên khơi. Thùy dương rũ bến tơi bời. Làn mây hồng pha ráng trời. Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người. Thuyền ơi, viễn xứ xa xưa. Một lần qua dạt bến lau thưa. Hò ơi, giọng hát thiên thu. Suối nguồn xa vắng, chiều mưa ngàn về…”  
                                                                               (Thuyền viễn xứ) 

Giọng hát nghiệp dư của Trần Thanh Bình chỉ…cỡ đó, nhưng cũng đủ làm xuyến xao tâm hồn người nghe, nói chi được nghe những danh ca như Thái Thanh, Sĩ Phú hát bài này, cam đoan các bạn sẽ thấy phiêu diêu đến tận…viễn xứ !

      

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

NGÀY XƯA HOÀNG THỊ… - Trương Văn Khoa


           
                          Thi sĩ Phạm Thiên Thư


             NGÀY XƯA HOÀNG THỊ… 
                                                                               Trương Văn Khoa

Sài Gòn có một quán café “Hoa vàng”, trước kia còn gọi là “Động hoa vàng”. Quán nằm ở Ngã Tư Bảy Hiền, trang nhã, tĩnh mịch và rất nên thơ. Khách thường là những người đứng tuổi. Ai vào, nếu dể ý một tí sẽ thấy một “lão nông” ngồi lặng lẽ ở góc nhà. Đó chính là thi sĩ Phạm Thiên Thư, tác giả của những bài thơ nổi tiếng được Phạm Duy phổ thành những tình khúc bất hủ.

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ ?- La Thụy




NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ ?

*
Bài thơ
ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.

                    LINH PHƯƠNG

*
Bài thơ
KỶ VẬT

Em hỏi
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.
Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.
Anh trở về nằm giữa vòng hoa,
Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt.
Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.

Chuẩn úy NGUYỄN ĐỨC NGHỊ
(Chuẩn-Nghị 1969)

*
Bản nhạc
KỶ VẬT CHO EM

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối …em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về

                             Nhạc sĩ Phạm Duy

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019

CHÚA GIÊSU VÀ PHẠM DUY - Đào Hiếu

Nguồn:
https://daohieu.wordpress.com/2013/02/01/tan-uoc-hau-hien-dai/ 
                                 (Tân ước hậu hiện đại)


Nhà văn Đào Hiếu, tên khai sinh: Đào Chí Hiếu.
Các bút danh khác: Biển Hồ, Đào Duy.
Hiện ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Wikipedia
Sinh: 10 tháng 2, 1946 (tuổi 72), Tây Sơn
Học vấn: Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn (1972)

  
 KỶ NIỆM NGÀY MẤT CỦA NHẠC SỸ PHẠM DUY 27/1/2013

         CHÚA GIÊSU VÀ PHẠM DUY
                                                Tác giả Đào Hiếu

Trên đường đi xuống trần gian, Chúa Giêsu nhìn thấy một đám đông những người đứng tuổi, ra dáng quan chức, trí thức, nghệ sĩ, đang vây quanh một ông già tóc bạc trắng. Họ vừa la hét vừa ném đá. Ông già nọ lúc đầu còn đưa tay đỡ nhưng sau khi bị trúng mấy cú vào đầu thì quỵ xuống, nằm trên bãi cỏ.
Giêsu đứng lặng người một lúc rồi chậm chạp bước đến, đi vào giữa đám đông.
Ngài cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ vẫn không ngừng ném đá nên Ngài ngẩng lên và bảo họ:

“Ai trong các ngươi cảm thấy mình có công với dân tộc Việt Nam hơn Phạm Duy thì hãy ném đá ông ấy. Còn nếu ai trong các ngươi cảm thấy công lao của mình thua kém Phạm Duy thì hãy im lặng, suy gẫm.”

“Và kẻ nào đang cướp đất của dân, cướp tiền bạc, mồ hôi nước mắt của dân, cướp tự do của dân thì hãy cúi mặt xuống. Các ngươi không có tư cách để đánh giá Phạm Duy.”

“Ta phong thánh cho người nhạc sĩ tài hoa ấy. Các ngươi sẽ bị nhân dân quên lãng nhưng Phạm Duy thì luôn ở trong hoài niệm của dân tộc Việt Nam. Các ngươi sẽ bị lịch sử ném vào sọt rác nhưng Phạm Duy đã được dựng tượng đài trong mỗi trái tim.”