BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đinh Hoa Lư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đinh Hoa Lư. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

LÍNH ĐÓN XUÂN TRÊN ĐỈNH CAO – Đinh Hoa Lư


          

Mời anh mời chị, mùa xuân lên đây thăm tôi
Nơi đây xa xôi khuất nẻo thưa người
Núi rừng mịt mù sương...
Mời em một lần rời xa
Nơi đang yên vui
Lên đây thăm lính ở trên rừng
Để cùng ngọt bùi sớt chia...
(Thư Xuân Trên Rừng Cao/ Trịnh Lâm Ngân)

 Tất cả đều thiếu, chúng tôi phải mò đi "ký sổ" tại chốt đại đội rồi đến tháng xem như hết tiền. Họ nói chẳng ngoa "Tiền Lính là Tính Liền"
 
Mười ngày có một chuyến xe GMC tiếp tế từ Diên Sanh lên. Xe phải leo tới đỉnh Ông Do, nơi BCH Tiểu Đoàn 105 đóng. Hàng sẽ bỏ xuống cái bãi trống trước mặt căn cứ Ông Do. Các đại đội sẽ tới nhận hàng do chiếc xe không thể bò tới chốt của từng đại đội được. Trung đội sẽ men theo đường tranh tới chốt đại đội đem hàng tiếp tế về chốt mình.
 

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

NHỚ CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ VÀ PHƯỜNG ĐỆ TỨ NĂM XƯA – Đinh Hoa Lư


Bản đồ của Pháp Thành Quảng Trị năm 1883 tỷ lệ xích 1/4000 có ghi chú từng nơi đánh dấu Alphabet chữ in hoa (nguồn: Võ Hương An. Tự Điển Nhà Nguyễn)
 
Vài lời thưa trước với bạn đọc
 
CỔ THÀNH HAY THÀNH CỔ
 
Trước 1975 danh từ CỔ THÀNH từng được gọi cho tên Thành Quảng Trị một kiến trúc có từ thời Nhà Nguyễn.
 
Theo cuốn Từ Điển Nhà Nguyễn của nhà Biên Khảo Võ Hương An
 
Thành Quảng Trị (Cổ Thành) đầu đời Gia Long thành là lỵ sở dinh Quảng Trị, đặt tại Phường Tiền Kiên Huyện Thuận Xương. Qua năm Gia Long thứ 8 (1809) mới dời về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) chỉ mới đắp bằng đất, qua năm Minh Mạng thứ 18 (1837) mới xây gạch. Thành Quảng Trị có chu vi 481 trượng  6 thước (1926.40 mét), cao 1 trượng (4m), dày 3 trượng (12m), có 4 cửa, chung quanh có hào rộng 4 trượng 6 thước (18.40m), sâu 8 thước (2.40m). Thành này hoàn toàn bị phá trong chiến trận năm 1972. (trích)
 
Ngoài ra chúng ta nên phân biệt Cổ Thành với Làng Cổ Thành (hình dưới).
 
Trước 1972 người thành phố QT gọi tắt Cổ Thành là "THÀNH". Nói "Thành" nhưng ai cũng hiểu đó là Cổ Thành QT
 
Vd:
- Khi hôm có pháo kích trong Thành
- Ba hắn làm lính trong Thành
- Đi vô Cửa Hữu, Cổng Thành Đinh Công Tráng

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2025

SÁNG SỚM MỘT MÌNH – Đinh Hoa Lư


            

Chim hỡi bay về nơi đâu?
Đường xa nắng đã nhạt màu
Còn ai ở cuối trời sầu?
Nghe như ngại ngần đôi cánh mỏi...
                    (Nhạc Lê Tín Hương)
 
Mặt trời chưa lên cao. Thời khắc này tôi hay có cái thú ngồi một mình ở vườn sau chờ ánh dương lên. Hàng xóm còn im lìm trong giấc ngủ. Trong mấy lùm cam vườn bên cạnh, có tiếng vài con chim dậy sớm rời rạc gọi nhau. Ngoài đường thỉnh thoảng có vài chiếc xe đi làm sớm chạy vụt qua.
 

Tôi có thú vui tự chế ly cà phê theo kiểu cũ. Cách chế đơn giản chẳng cầu kỳ gì-nghĩa là tôi bỏ sữa đặc, xong bỏ cà phê phin y xưa không khác chút nào. Muốn giữ nóng tôi chỉ đặt ly cà phê vào giữa một ly nước nóng khác bao ngoài, vậy là xong.
 
Mùi cà phê này đánh thức khứu giác. Tôi không chọn cà phê hiện nay nhập từ Việt Nam do người ta bỏ thêm mùi thơm nhiều quá. Tôi chỉ ưa loại cà phê xay bình thường. Thị hiếu của tôi khiến tôi phải chọn loại cà phê sản xuất từ tiểu bang Louisiana, đó là thứ cà phê xay đóng hộp hiệu Du Monde. Nhớ đến Louisiana, trong tôi thoáng nhớ những người bạn ra đi trong chương trình HO.
 

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

HƯƠNG THƠM TIÊN TỬ - Đinh Hoa Lư


           

Và một mình tôi chép dòng tâm tình tặng người chưa biết một lần.
Vì trong phút ấy, tôi một mình thì thầm, giờ đã gặp được nụ hoa nở về đêm...
                                                          (Hoa Nở Về Đêm - Mạnh Phát)
 
Bạch quỳnh chụp lúc 2 giờ sáng

Sáng sớm vừa ra vườn sau, bất giác tôi cảm thấy một mùi thơm rất lạ. Quả thật, có mùi thơm loài hoa nào đó làm khứu giác tôi chợt 'choàng tỉnh giấc'. Có thể vườn hàng xóm đang có cây hoa quý nào đó? Tôi cố nhìn quanh, ngửi theo hướng gió...
 
Ôi thôi đúng rồi! Có hai đóa quỳnh trắng lần đầu tiên vừa nở trong đêm. Hai đóa bạch quỳnh này đang xen với mấy đóa hồng quỳnh nở hai hôm trước. Mùi thơm lạ này chắc chắn tỏa ra từ hai đóa bạch quỳnh vừa nở, ngay cái chậu gần chỗ tôi đứng, thế mà tôi chẳng hề hay.
 
 
Chuyện là mấy bữa nay tôi cứ xun xoe, mừng rỡ, chụp hình, khoe với bạn hữu mấy đóa hồng quỳnh do nó quá đẹp. Thú thật với quý bạn, hoa quỳnh đỏ đẹp thì đẹp thật nhưng tôi chẳng khám phá ra mùi hương nào cả. Giờ phút này, xin thưa thật đây là lần đầu tiên kẻ viết bài này mới khám phá ra một hương thơm tuyệt diệu từ mấy đóa bạch quỳnh vừa nở trong đêm. Trồng quỳnh ba năm, giờ này tôi mới có dịp thưởng thức được sắc hương bạch quỳnh.
 

Thứ Hai, 13 tháng 1, 2025

HỒI KÝ NGƯỜI TÙ BINH HẾT HẠN CẢI TẠO VỀ NHÀ – Đinh Hoa Lư

          
          

Về đây ngơ ngác chim bay tìm đàn
Về đây hoang vắng lạnh buốt cung đàn
Tôi lắng nghe tâm tình nhân thế
Qua đáy tim chưa đục sông mê
Qua ước mơ duyên tình đơn sơ ...
(Về mái nhà xưa - NS Nguyễn Văn Đông)
           
Chiếc xe chạy khá nhanh, nó kiếm thêm một số khách 'khá bộn' trên đường vào. Hành lang giữa chật cứng. Người ngồi ép vào nhau, cổ nghểnh cao tìm khoảng trống để. Tôi 'an phận', thoải mái hơn chút đỉnh nhờ lên xe trước. 'Lơ' xe lấy 'ngon ơ' của tôi đúng một trăm đồng bỏ vào túi.
 
Chuyện tiền nong của anh ta với tài xế không liên quan gì tôi. Thế tôi lại âm thầm 'cám ơn' cái ghế 'súp' hiếm hoi do anh ta dành cho tôi lúc xe vừa rời bến.
 

Xe chạy nấp theo bờ biển. Hình như ngang bờ biển Ninh Chữ? Hoang sơ với làn nước xanh mấp mé theo quốc lộ. Bao hòn đá chập chùng, những vũng nước biển trong leo lẻo. Xa xa sóng đánh vào đá nước tung lên trắng xoá. Ngoài khơi hoang vu không thấy bóng thuyền

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

THOÁNG HƯƠNG XƯA – Đinh Hoa Lư

       
            

Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao...
                                                    (Hương Xưa – Cung Tiến)
 
***
 
 Có môt loài cây tôi chưa bao giờ thấy được tại xứ người đó là cây sầu đông. Hôm nay chợt thấy lại hình ảnh những lùm hoa này trên mạng Internet làm tôi nhớ về những cây sầu đông năm cũ.
 
Hình ảnh cây sầu đông chẳng lạ gì trong một thời bé bỏng cho đến lúc lớn lên độ tuổi thanh niên và bước đầu xa rời Quảng Trị. Ngày đó, tôi đã có những lúc gần gũi với loài cây này cho đến lúc cùng nhau giã biệt xóm xưa, thành cũ; tất cả đều ra đi cho đến bây giờ.
 

Tôi muốn viết hay giản dị hơn là nhắc lại đến sầu đông tức là lúc bầu trời thành phố Quảng Trị không còn u ám hay nặng chình chịch hơi nước, những ngày cuối đông. Tháng Giêng vội vả 'bỏ đi' rồi những cánh mai vàng thực sự rụng hết. Thời gian này là lúc những khóm lá xanh lục của sầu đông bắt đầu thi nhau che khuất những cành cây khẳng khiu của chúng.
 

Thứ Tư, 8 tháng 1, 2025

LỚP TÔI VỀ THĂM CĂN CỨ HẢI QUÂN CỬA VIỆT – Đinh Hoa Lư


Hình: Căn Cứ Hải quân Cửa Việt VNCH 1972 trong hình lục giác màu đỏ

Tỉnh Quảng Trị cho đến thời điểm 1972 muốn về Căn Cứ Hải Quân Cửa Việt ai cũng theo con đường tỉnh lộ Quảng Trị - Bồ Bản cặp theo sông Thạch Hãn để về. Thời gian này có một phương tiện đó là mấy chiếc xe lambretta 3 bánh chở khách làng quê từ Q.T về Bồ Bản (trong bản đồ trên đề là Bồ Bảng) nhưng người QT chỉ gọi là Bồ Bản. Từ Bồ Bản đi bộ không bao xa thì đến Cửa Việt.

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

THƯƠNG VỀ MIỀN TRUNG – Đinh Hoa Lư



Đã bao lâu rồi không về Miền Trung thăm người em
Nắng mưa đêm ngày cách trở, giờ xa xôi đôi đường
Người ơi Có về miền quê hương thùy dương
Nước chảy còn vương bao niềm thương,
cho nhắn đôi lời...
                                                        (Nhạc Minh Kỳ)
 
Mưa quê hương, đó là lúc ta đưa tay hứng những giọt nước trong ngần, mát lạnh; chợt một niềm thương, nỗi nhớ len lén vào lòng. Kỷ niệm về một thuở tuổi thơ, những chiếc thuyền giấy nổi bập bềnh theo trọt nước trước hiên. Ngày đó xa rồi, dưới mái tranh quê hay miền trung chứa chan hoài niệm.  Nhưng mỗi khi quê hương đang chống chọi trong dòng nước lũ cố tìm sự sống thì bao giọt mưa kia lại hiện thân cho nỗi lo sợ hãi hùng. Mưa quê hương mỗi lúc đông về kèm theo nước lũ đó là lúc trời đất biến thành khổ ải, tang thương phủ chụp lên lớp người dân nghèo lam lũ. Bao dòng nước mắt đau thương miền trung sao vẫn tuôn rơi mãi với số phận định phần.
 

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

PHỐ XƯA QUẢNG TRỊ MỘT THỜI COI "BÁO CỌP" – Đinh Hoa Lư



Chào bạn đọc
 
Thật sự mà nói, nhóm chữ "coi báo cọp" là từ khá xưa, trước 1975 miền nam hay nói. Thời này bên quê nhà chúng ta có thể hiểu đại khái đó là "coi báo ké" chứ không có gì khác. Nói rõ ra, chữ "coi báo cọp" dành cho khách ghiền đọc tin tức mà chẳng hề bỏ tiền ra mua cho tiệm sách một tờ báo nào hầu giúp cho tiệm khá thêm "chút chút". Xin bạn đọc thông cảm cho người khách ngày xưa đó, lý do chính yếu là khách chẳng có tiền. Con mắt thì muốn coi nhưng cái túi không chẳng hề "cho phép"? "Nghèo là cái tội" - nói như nhà văn hay triết gia nào đó.

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

THƯƠNG CÂY ĐÒN GÁNH CỦA MẠ TÔI – Đinh Hoa Lư



Đồng cảm và cám ơn một bài thơ
 
CÂY ĐÒN GÁNH
 
Lưng cây đòn gánh mòn trơn
Lời tre khô nhắc công ơn mẹ già
Chợ chiều chợ sớm bôn ba
Hái gieo tất bật đồng xa đồng gần
Bán than mua muối tảo tần
Bao lần xuống biển bao lần lên non
Da xương bào cật tre mòn
Trăm năm mẹ gánh đời con qua đèo
Gánh yêu thương, gánh khổ nghèo
Gánh mơ ước lẫn gieo neo đi - về...
Gánh bình minh lội bến quê
Gánh hoàng hôn dọc chân đê bước dồn
Gánh trăng khuya giếng đầu thôn
Gánh than lửa chạy qua cồn cát trưa...
Một đời gánh nắng và mưa
Mòn vai mà mẹ vẫn chưa yên lòng
Một đời gióng đứt đòn cong
Vì ai vai lệch lưng còng? Mẹ ơi!
 
           NGUYỄN VÂN THIÊN
                (Lớp 12C 73-74) 
*
Động Đền Hàm Tân 1980
 
Mạ thích cái đòn gánh này lắm vì nó dẻo dai, không tước gãy như những loại gỗ thuờng khác. Nhờ vào những năm "trong trại" con biết chiếc nó được làm từ cây "săng dẻo", loại cây rừng chuyên dùng làm đòn gánh.
 

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

NHỚ TIỆM LƯU KHÁCH Ở QUẢNG TRỊ, NHỚ MÓN CHÁO TIM CẬT – Đinh Hoa Lư


CHÁO TIM CẬT
 
Tôi hay nhắc về chuyện “ăn hàng” nơi thành phố năm xưa Quảng Trị, thế mà lại không nhắc đến tiệm ăn Tiệm ăn Lưu Khách thì quả là đáng trách. Thành phố Quảng Trị có to lớn bao la gì cho lắm đến nổi quên cái tiệm ăn có món cháo tim cật ăn ngon nhớ đời thì quả tôi phải tự trách mình sao lại vô tình
 

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

GIO LINH THOÁNG MỜ TRONG KÝ ỨC TÔI - Đinh Hoa Lư




Nhi đồng tương kiến bất tương thức            
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai?...
                              (Hạ Tri Chương)
 
           
MỜ PHAI KỶ NIỆM GIO LINH
 
Trí nhớ của tôi còn ghi mãi những kỷ niệm đầu đời lúc tôi khoảng bốn, năm tuổi đã theo chân mẹ tôi ra tận Gio Linh. Vào năm đó mẹ và dì tôi mở một cái quán hàng ăn ngoài đó.
 

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

NHỚ CÁI GIẾNG KHÔ NƯỚC, NHỚ XÓM NHÀ ANH NGUYỄN LAM – Đinh Hoa Lư


Anh Nguyễn Lam
(CHS NH 1955-1962)

Cái giếng trước con kiệt vô nhà ôông Đội Lạp tiếng thì có giếng đó nhưng cứ cạn queo, nước chẳng bao giờ có. Chỉ mừng cho dân trong xóm khi không có nước thì đi móc gàu người khác bỏ lại cũng khỏi lỗ công đi vét nước.
 
Tui nhắc cái giếng để nhớ nhà anh Báu con trai mệ Báu chuyên đi gánh nước cho mẹ già. Trong xóm không ai gánh giỏi hơn anh Báu. Nước phải về tận thôn Hạnh Hoa mới có. Lại là nước uống mới quý làm sao. Cứ thấy anh sáng sáng chiều chiều là gánh nước về cho mạ. Hai cái thùng dầu hỏa cũ, vuông, mấy lá chuối thả trên mặt thùng cho nước khỏi chao, anh gánh một mạch từ cái giếng nước uống đầu thôn Hạnh hoa về tận xóm nhà ôông Đội Lạp. Khoảng đường khá xa nhưng hai chân anh chạy nhịp nhàng dẻo queo, thấy mà thèm cái sức và đôi vai chịu khó của anh Báu và nhất là anh quả là NGƯỜI CON CHÍ HIẾU
 
Cái giếng này ngó qua là nhà Anh Nguyễn Lam. Nhà anh Lam sát cạnh Khuôn Hội Đệ Tứ, ngó ra đường Lê văn Duyệt. Thằng Lợi em trai út của anh Lam học với tui lên tận lớp Đệ Tứ.
Tui hay tới nhà anh Lam để mua bánh ướt. Lúc này tui là đứa con nít, mạ cho hai đồng là tới nhà anh để mua. Chị Nghệ em gái anh Lam đổ bánh ướt nhà dưới. Ngồi chổm hổm bên chị Nghệ chờ chị cuốn cho đủ HAI tì bánh ướt gói trong lá chuối, cộng thêm chút nước mắm nấu trong cái chén mang theo. Một thời chưa có kỹ nghệ nylon như sau này. Lá chuối làm chuẩn; mọi thứ đều gói lá chuối.
 
Anh Lam thời nay đã đi làm; anh là anh trưởng trong nhà. Anh còn có hai đứa em trai là anh Thảnh và em trai út là thằng Lợi, bạn tui. Tội nghiệp thằng Lợi chỉ học xong lớp đệ tứ, hắn đi lính và sau đó mất sớm. Tui biệt tin thằng Lợi trước năm 1972 sau hỏi mới biết...
 

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

VỊ “VUA KHÔNG NGAI” TRONG CHỢ QUẢNG TRỊ NĂM XƯA – Đinh Hoa Lư

(Nhớ chú Quý phu chợ Quảng Trị trước 1972)

 
Chào bạn đọc,
Thời Covid không dám đi đâu xa. Nghe quý bạn nhắc chú Quý, Tôi ngồi kể chuyện tào lao cho quý bạn nghe chơi.
 
Chuyện là vầy:
Chợ Quảng Trị trước MÙA CHẠY GIẶC HÈ 1972 còn sầm uất bán mua vui vẻ lắm. Nhà tôi thuê lại tiệm của Bà Lê thị Trọng để kinh doanh bỏ hàng sỉ lẻ trong chợ. Nhắc lại một tí về căn lầu của bà Lê thị Trọng sát với Ảnh quán Lido cho quý bạn dễ hình dung lại. Khoảng một hai tuần là dì tôi thuê xe chở hàng từ  Đà Nẵng ra. Năm sáu tấn hàng nặng nề nhất là nước mắm thùng sau đó là bia cam đóng bao và nhiều thứ nhu yếu phẩm khác.
 
Hình: Tiệm nhà tôi sát Lido có ngôi sao - mũi tên là lầu thầy Hồ thế Vĩnh.Đường Trưng Trắc chợ tỉnh Quảng Trị, có nhiều cái “dù du” hình vuông cho người bán hàng thuê để che mưa nắng

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

LÒ GẠCH NGÓI TRƯƠNG KẾ Ở QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư



Xe Huế ra, qua trạm kiểm soát Long Hưng sẽ qua lò gạch ngói Trương Kế mới về bến xe Nguyễn Hoàng. Con đường mang tên cố Trung Tá Lê Huấn chỉ có lò gạch ngói này là ngôi biệt thự làm khách trên xe để ý mà thôi. Các lò đúc nằm sau nhường mặt trước cho chủ nhân xây căn lầu với kiến trúc tân thời hơn bên căn nhà ngói xây đã nhiều năm trước.
 

Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

CÀ PHÊ KHO – Hồi ký của Đinh Hoa Lư



Sáng sớm hai bên con đường Nguyễn Trãi, mọi nhà đang yên giấc ngủ nhưng quán Bà Mười đã dậy trước nhất. Con đường Nguyễn Trãi tuy ngắn nhưng ra Chợ Mỹ Tho lại gần nên dân lao động thường tới sớm uống ly cà phê kho tại quán này khá đông. Khách của bà chẳng ai xa lạ, phần nhiều là phu đạp xe ba gác hay xích lô đạp.  Cũng có vài chú tài, lái xe Lambro ba bánh  nhưng mấy người này thường tới trễ hơn.
 

Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

NGÀY ĐÓ ĂN HÀNG Ở QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư




Bạn mến,
Những ngày lưu xứ, có lúc bạn và tôi ăn lại những món ăn nấu nướng và thưởng thức như cố tình để tâm hồn trôi về quá khứ. Có những ngày xưa chúng ta lớn lên dưới bầu trời Phố Quảng. Những hẻm phố, mấy con đường và tiếng rao hàng nghe quá thân quen và chúng ta nhớ như in vào trong tâm trí. Xa quê có khi ăn để mà ăn nhưng đôi lúc ăn những món xưa mà nhớ về một trời kỷ niệm những lúc này ta chưa hẳn đang ăn mà đang nuốt dần quá khứ (ĐHL)
 
Những ngày xa xứ tôi hay ngồi nhớ lại chuyện cũ. Người ta thì hay nhớ về quá khứ huy hoàng, riêng tôi có lẽ vì ‘tâm hồn ăn uống’ nên năng nhớ lại cái chuyện “ăn hàng”  xưa ở Quảng trị?
 Dù sao, thành phố đó nay đã khuất trong vùng ký ức.
 

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

BÁNH MÌ NÓNG VÀ MÌ XÍU QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


Bánh mì đang nướng trên lò trước khi phân phối

Bánh mỳ NÓNG này phân biệt với mỳ xíu trong phần kế. Các lò bánh mỳ còn ra giả chạng vạng để phân phối cho các em bé bán mỳ rao vào ban đêm. Vài chục ổ bánh mỳ nóng dòn, loại 2 đồng (như trong hình) được các em bỏ vào trong hai lớp bao mỳ trắng, mang một bên vai, vừa đi nhanh vừa rao khắp các con đường ngoại ô thành phố. Tôi còn nhớ như in rằng không bao giờ thấy các em bé bán mỳ này mặc quần dài, chỉ những chiếc quần đùi và đi chân đất. Lại một điều nữa, nghề rao mỳ nóng ban đêm chỉ có các em trai thôi.
 

Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

RẠP XI NÊ ĐẠI CHÚNG TỈNH QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


                Rạp xi nê Đại Chúng theo đồ hoạ của Trương Quốc Hòa                                             

Tôi hay viết về QUẢNG TRỊ, nhắc lại thành phố cũ mà quên đi cái rạp xi nê (CINEMA) hay rạp chiếu bóng thì thật là thiếu sót lớn. Tôi cho rằng nhắc về hình ảnh kỷ niệm xưa trong đó có một rạp xi nê không cứ do nội dung cuốn phim mà là hình ảnh một rạp chiếu bóng thôi. Cũng như nhắc đến những gánh hàng rong dân dã một thời do không phải thời này không có, mà là vì một hình ảnh giờ không còn tồn tại, đã trôi hết vào quá khứ xa vời. Hôm nay có bạn đọc thấy người viết kể lại gánh hàng bún xáo Quảng Trị mà xúc động nhớ về gánh bún thịt nướng bên thềm rạp Đại Chúng. Bạn đọc này kể rằng:
 
"Ơn HLĐ đã nhắc đến bún xáo QTrị và từ "kéo ghế" của xứ mình. Làm tôi nhớ lại phở gõ ở Huế trong những năm tháng định cư lai thí.
Cứ mỗi chiều về khi nghe tiếng gõ lốc cốc thì gọi vào nhà trọ, những tô phở nhỏ gọn bốc hơi và mũi thơm quyện lên hưởi nghe là thèm.
Cũng cùng hương quê nhà này tôi còn nhớ tô bún thịt nướng tại thềm sân rạp chiếu phim Đại Chúng Quảng Trị. Với tuổi trẻ, cái hương vị thơm ngon của tô bún thịt nướng Đại Chúng hồi đó làm tôi còn nhớ và lưu luyến đến ngày hôm nay, cái ngon không chỉ của thực phẩm mà còn thêm gia vị của củ hành chua thật là đậm đà béo ngọt cay nồng ấm áp vào những chiều có mưa bay lất phất.
HLĐ có biết nhớ chỗ này không?  Xin cho một vài cảm nhận có thậtt không, hay chỉ là cảm nghĩ của riêng tôi về quê hương thương nhớ Quảng Trị của chúng ta.
Cảm ơn Đinh Hoa Lư và chúc bạn vui khỏe."
 

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

NGÀY TẾT ĐOAN NGỌ NHỚ BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ – Đinh Hoa Lư

Hôm nay đọc bài viết "TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH" của Giáo Sư Nguyễn Châu, người thầy vừa là cố vấn trong Ban Chấp Hành Hội Đồng Hương Quảng Trị tại San Jose, tôi chạnh nhớ đến hình ảnh Bánh Tráng Chè Kê của năm mươi năm về trước.
 

Nếu nói nhớ bốn chữ "BÁNH TRÁNG CHÈ KÊ" quá da diết đi thì thật ra là sáo ngữ do thời này thiếu chi thức ngon vật lạ. Có một điều kẻ viết bài này xin thật thà thưa với bạn đọc là cơ hội ăn lại thứ vừa kể trên ngay tại xứ này thật khó làm sao!