BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Tuệ Sỹ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thích Tuệ Sỹ. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

TUỆ SỸ VIẾT VỀ BÙI GIÁNG

Thầy Tuệ Sỹ viết về ông Bùi Giáng trên Giai phẩm Văn - Số đặc biệt về nhà thơ Bùi Giáng, ngày 18.5.1973
 

THI CA VÀ TƯ TƯỞNG
 
Với cái tựa đó, tôi không cốt ý bàn riêng về một tập sách của ông Giáng, viết rải rác về các nhà thơ. Thi ca và Tư tưởng, cái đó muốn được đặt ra trong cách điệu Chung và Riêng, từ một cuộc Hội thoại trong cõi Hằng thể Tịch nhiên, vang dội những âm hưởng Nguyên sơ hiện hình ra giữa dòng Lịch sử, và vang dội với một câu hỏi ngân dài bất tận: “Và để làm gì, thi nhân trong thời buổi điêu linh thống khổ?” (M. Heidegger, Wozu Dichter; Sương Bình Nguyên của Bùi Giáng). Câu hỏi đột ngột đứng lên giữa lòng Tư tưởng, như để đánh dấu chỗ sơn cùng lộ tuyệt trong bước đường phiêu lưu khốc liệt của Lịch sử, và cũng như là nỗi Ưu tư (die Sorge) của Tại thể (Dasein) đang hoài vọng những phương trời Viễn mộng Ban sơ trên bước đường Lữ thứ của Thi ca:
 
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
 
Nơi đó, nơi “Ngõ ban sơ” đó, còn là nơi của một cõi miền Hội thoại trong cách điệu tài hoa, mà Thiên nhiên đã phơi mở tất cả xiêm y lồng lộng của Tuế nguyệt phiêu bồng, đã giũ áo mù sa, đã trút quần phong nhụy, và kỳ cùng, tà huy lãng đãng bay cao cùng với Lời Thơ vọng về Hằng thể:
 
Được lời như cởi tấm lòng
Giở bom đạn với phi thuyền trao tay

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

ĐỌC “BÀI CA CUỐI CÙNG” THƠ TUỆ SỸ - Châu Thạch


      
                       Ảnh Tuệ Sỹ 
               
 
BÀI CA CUỐI CÙNG
 
Chim trời xếp cánh
Hát vu vơ mấy tiếng trong lồng
Nhớ mãi rừng cây thăm thẳm
Ủ tâm tư cho hạt thóc cay nồng
Rát bỏng với nỗi hơn khổ nhục
Nó nhịn ăn
Rồi chết gục
 
Ta đã hát những bài ca phố chợ
Người ăn mày kêu lịch sử đi lui
Chàng tuổi trẻ cụt chân từ chiến địa
Vỗ lề đường đoán mộng tương lai
 
Lộng lẫy chiếc lồng son
Hạt thóc căng nỗi hờn
Giữa tường cao bóng mát
Âm u lời ca khổ nhục
Nó nhịn ăn
Và chết
 
Ta đã hát bài ca của suối
Gã anh hùng bẻ vụn mặt trời
Gọi quỉ sứ từ âm ty kéo dậy
Ngập rừng xanh lấp lánh ma trơi
 
Đêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời
 
Lồng son hạt cơm trắng
Cánh nhỏ run uất hận
Tiếng hát lịm tắt dần
Nó đi về vô tận
 
Nguồn: Tuệ Sỹ, Giấc mơ Trường Sơn, An Tiêm xuất bản, California, 2002
*

Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

CHÙM THƠ VỊNH VỀ SƯ TUỆ SỸ - Châu Thạch


   
               
 
VỊNH ẢNH
ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA GẶP ĐỨC TUỆ SỸ
 
Giờ thần hai vị gặp nhau
Núi cao hai ngọn sáng màu từ bi
Một còn sừng sững uy nghi
Một tan vào cõi vinh quy vĩnh hằng
Đường xưa mây trắng vầng trăng
Dáng ai làm ngọn hải đăng biển đời!
Còn lưu thơm sử, bia lời
Nhân gian truyền tụng ý Trời vạn sao
Người xa cố quốc lao đao
Người sa tù ngục biết bao khổ nàn
Vẫn làm ngôi vị cao sang
Vẫn là đỉnh đạo vầng quang chói ngời
Sáng choang hai Đức hai nơi
Giờ thiên đoàn tụ trao lời bằng linh!
 

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ, MỘT BÁC THẦY UYÊN BÁC KỲ VĨ - Thích Nguyên Siêu



Miệt mài giảng dạy, dịch thuật, làm thơ, đánh đàn, viết chữ thảo và phô diễn những tư tưởng triết học của hai nền văn hóa Đông Tây từ thời thập niên 60, 70 đứng trên bục giảng của Đại Học Vạn Hạnh, cũng như Viện Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa Hải Đức Nha Trang, Thầy cũng có lắm lúc mộng kiêu hùng của Phương Trời Viễn Mộng trỗi dậy, và cứ thế mà dong ruổi bằng đôi chân trần, bằng đôi vai gầy qua những rặng đồi lau, rừng già, cỏ mục, lá úa, ăn sương nằm nắng trên những cánh rừng hoang vu nơi miền cao nguyên dân dã, nơi miếu cô hồn, hay lưng đèo heo hút. “Bất đắc chí độc hành kỳ đạo”. Chỉ đi một mình và một mình để xới lên những luống đất mới trồng những dãy cà non, vòng rau, liếp cải mà vui niềm đạo vị, dưới mái am tranh, độc cư Thiền định. Dù ai xuôi ngược bôn ba cái danh, cái lợi, cái huyễn mộng của cuộc đời, nhưng riêng mình thì sinh ra giữa lòng quê hương, dù có đắng cay chồng chất, dù có nghiệt ngã đủ điều, giữa dòng đời phế dưng dâu bể, Thầy vẫn chẳng hề lay động, mà còn khẳng định với chính mình là sinh ra ở đâu, thì chết ở nơi đó. Sinh ra giữa lòng đất mẹ Việt Nam thì lúc nhắm mắt cũng lấy nắm đất Mẹ Việt Nam mà phủ lấp thân ngũ uẩn này. Sá chi những tù đày, keo cư gian khổ, chỉ là chất liệu nuôi lớn chí hùng, của bậc Đại Trí. Đại Từ, Đại Hỷ, Đại Xả.
 

I. Cảm Niệm Ân Đức Của Bậc Thầy Giáo Thọ
 
Sau khi mãn niên Khóa 69-70 nơi Tu Viện Nguyên Thiều, Quy Nhơn, Bình Định, lớp học tăng được chuyển vào Phật Học Viện Nha Trang, tiếp tục học phổ thông trường Bồ Đề niên Khóa 70-71 đệ tam lúc bấy giờ. Chương trình này, anh em học tăng học được nửa niên Khoá thì không học nữa, vì Phật học viện mở lớp Phật học Trung đẳng Chuyên khoa, do vậy mà cả lớp đệ tam, học trường Bồ Đề lúc bấy giờ đều chuyển qua học Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học, Hải Đức Nha Trang. Đây là một bước ngoặt đáng kể cho sự tô bồi kiến thức Phật học, mà người trực tiếp giảng dạy – thân giáo sư, chính là Hòa Thượng Thiện Siêu, Hòa Thượng Trí Nghiêm, Hòa Thượng Đỗng Minh, Thầy Tuệ Sỹ…
 

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2023

CHÀO VĨNH BIỆT THIỀN SƯ THI SĨ TUỆ SỸ - Trần Thoại Nguyên



THẾ LÀ KHÔNG CÒN ĐƯỢC GẶP LẠI NGƯỜI! 
CHÀO VĨNH BIỆT THIỀN SƯ THI SĨ TUỆ SỸ TẠI CHÙA PHẬT ÂN.
 

“Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Húy thượng NGUYÊN hạ CHỨNG, đời thứ 44 Dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN đã viên tịch đúng 16:00 giờ ngày 24-11-2023 (12-10-Quý Mão)
Trụ thế: 81 năm”
                                                                    (Theo tin Hoằng Pháp)
 
Đón đọc tin, lúc tôi đang hóa trị tại BV Gia Định Sài Gòn do BS Trần Trọng Lễ, Phó Khoa Ngoại Thận & Tiết Niệu, trực tiếp theo dõi điều trị, như đã từng trực tiếp theo dõi điều trị cho Sư Tuệ Sỹ tại nơi đây, nên tôi cảm nhận được những cơn đau và tinh thần "chiến binh" của Sư Tuệ Sỹ trước đây qua chuyện trò cùng BS.

Vài tuần trước, tôi có ghé thăm sư Chơn Nguyên ở Thiền viện Vạn Hạnh, xin cùng Hòa thượng đi thăm sư Tuệ Sỹ, nếu được, tôi nhờ Sư Tuệ Sỹ viết cho mấy dòng TỰA cho TUYỂN THƠ TTN sắp in. Nhưng Sư Chơn Nguyên nói: "Thầy Tuệ Sỹ giờ yếu hơn anh nhiều, đang chăm sóc canh giữ rất đặc biệt, không cho ai thăm viếng đâu!". Tôi lặng lẽ ra về và luôn cầu nguyện Phật tổ hộ trì Sư Tuệ Sỹ chóng khỏe lại để phụng hiến Phật sự.
 
Tôi muốn được Sư Tuệ Sỹ viết lời TỰA vì chính những bài thơ thơm hương Thiền tôi làm trên giấy bao thuốc lá Bastos Xanh thời trai trẻ, qua tay người bạn thân Trần Nhơn thông minh đau điên tài hoa, đã lọt vào mắt xanh Sư Tuệ Sỹ và Sư cầm về cho đánh máy lại để thợ sắp chữ in trên Tạp chí TƯ TƯỞNG của ĐH Vạn Hạnh, SG, 1970 - 1971.

THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH – Thơ Thích Tuệ Sỹ


   


THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH

1.
 
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mắt sao ngàn nửa khuya
 
2.
 
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liên bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao
 
3.
 
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao
 
4.
 
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đá phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
 
5.
 
Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau
 
6.
 
Trên đỉnh đèo cao bát ngát trông
Rừng, mây, xanh, ngắt tạnh, vô cùng,
Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không
 
7.
 
Khi về ngả nón chào nhau
Bên đèo còn hẹn rừng lau đợi chờ
Trầm luân từ buổi ban sơ
Thân sau ta vẫn bơ vơ bụi đường
 
8.
 
Bóng tối sập, mưa rừng tuôn thác đổ
Đường chênh vênh vách đá dọa nghiêng trời
Ta lầm lũi bóng ma tròn thế kỷ
Rủ nhau đi cùng tận cõi luân hồi
 
Khắp phố thị ngày xưa ta ruổi ngựa
Ngang qua đây ma quỷ khóc thành bầy
Lên hay xuống mắt mù theo nước lũ
Dẫm bàn chân lên cát sỏi cùng trôi
 
Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi
 
9.
 
Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Tôi về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy từng
 
10.
 
Một thời thân đá cuội
Nắng chảy dọc theo suối
Cọng lau già trầm ngâm
Hỏi người bao nhiêu tuổi
 
11.
 
Bước đi nghe cỏ động
Đi mãi thành tâm không
Hun hút rừng như mộng
Tồn sinh rụng cánh hồng
 
12.
 
Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
Mù trông dư ảnh lá rừng bay
Dõi theo lối cũ bên triền đá
Sao vẫn còn in dấu lạc loài
 
13.
 
Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người
 
                                        Tuệ Sỹ
                                     (2011-2012)

   


CẢM NGHĨ VỀ “TỐNG BIỆT HÀNH” CỦA CỐ HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ - Nguyễn Hùng Dũng



Hôm nay, nhục thể của thầy Tuệ Sỹ sẽ được hóa thân nơi đài hoàn vũ và sau đó theo di nguyện, hòa vào biển cả, thành mây trời ngao du sơn thủy, ta bà...
 
Bỗng dưng tôi muốn viết vài tâm tình về bài thơ của Tuệ Sỹ có tựa đề “Tống Biệt Hành”; dường như ngẫu nhiên bằng việc viên tịch của Hòa Thượng, trong tang lễ, tôi đọc được câu “Thiên lý độc hành” trước kim quan. Điều đó biểu cảm ước lệ cho “Tống Biệt Hành” mà tôi mặc nhiên chọn, và có thể tôi là người Công giáo đầu tiên mạn đàm về thơ thầy (có thể thôi).
 
TỐNG BIỆT HÀNH
 
Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?
 
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời.
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi.
 
Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà.
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.
 
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh.
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh.
 
                                      Thích Tuệ Sỹ
 
Những ngày qua, diễn đàn online sôi sục nhiều bài viết về vị chân tu siêu việt này, dễ cả trăm năm mới có đuọc thiền sư uyên bác và thâm sâu như thầy Tuệ Sỹ... làm cho kẻ đối đầu phải thán phục trước khí tiết “Uy vũ bất năng khuất” phi phàm và Phật học vô biên của Hòa thượng Tuệ Sỹ. “Cọng lau nằm xuống mà đại ngàn rung chuyển”
Tôi không lạm bàn điều đó thêm, chỉ có thể dám cảm nghĩ về thơ của thầy qua bài “Tống Biệt Hành”

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG - La Thụy

Tiếc thương Hòa thượng Thiền sư Thích Tuệ Sỹ viên tịch chiều 24.11.2023. Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.
 

PHIẾM LUẬN VỀ BÀI BÌNH THƠ “TUỆ SỸ” CỦA BÙI GIÁNG

Trong quyển “ĐI VÀO CÕI THƠ”, Bùi Giáng viết về Tuệ Sỹ:
 
“Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 
Ông bảo làm sao tiếp cho hai câu để nên một bài tứ tuyệt. Tôi đề nghị với ông nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo tôi đừng nên rỡn đùa như thế. Vậy tôi xin lai rai thử viết:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
 
Và xin ông chả nên lấy thế làm bực mình.
 
Nhưng ai có ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia, không hề bao giờ có vướng lụy, lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “KHÔNG ĐỀ” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ”

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

BÙI GIÁNG VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ


Tuệ Sỹ - Tác phẩm của Dominique de Miscault
 
Tuệ Sỹ một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
 
Một bữa ông đọc cho tôi nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
 
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
 

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

“THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH”, THƠ TUỆ SĨ – Tâm Nhiên



‑Vào một ngày nọ, cách đây mấy năm rồi, trên đường Thiên Lý Độc Hành *, Thiền sư Tuệ Sỹ đi bộ từ Đamri lên Đà Lạt rồi băng đèo Khánh Vĩnh xuống Nha Trang...
Khi đến cầu Đại Ninh, bóng chiều tà bảng lảng gần sụp tối, Thiền sư ghé tạt vô chùa Vĩnh Minh, tạm trú qua đêm...
Sớm dậy, trước khi lên đường hành cước, thầy Nguyên Hiền đem giấy mực ra yêu cầu Thiền sư đề thơ và Thiền sư đáp ứng viết liền:
 
"Tam thập niên tiền học khổ không
Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân quang bấy cố xuân quang lão
Thúy trúc tà phi túy mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
Ta đà tố phát bạn tàn phong
Nhất triêu tán thủ huyền nhai hạ
Thủy bả chân không đối tịch hồng"
 
Thầy Nguyên Hiền cũng nhanh tay cầm bút dịch liền tại chỗ:
 
"Ba mươi năm học khổ không
Cửa tây kinh điển chất chồng mờ xa
Xuân quang chẳng biết xuân già
Mộng hồn trúc biếc bóng tà lất lay
Mi dài rũ án thư phai
Dần dà tóc trắng gió bay chập chùng
Sáng nay dốc đứng tay buông
Ngắm vầng dương suốt ngọn nguồn Chân Không"
 
Bài thơ đến bây giờ vẫn còn treo trên vách chùa Vĩnh Minh, dưới mái tây.
 
                                                                                      Tâm Nhiên
 
* Thiên Lý Độc Hành, thơ Tuệ Sỹ

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2022

TRƯỚC ÁN TỬ HÌNH, BÓNG DÁNG TUỆ SỸ VÀ LÊ MẠNH THÁT - Hòa Thượng Thích Nguyên Hạnh

(Bài trích từ Tạp chí Sáng tác, Nhận định Văn nghệ | Số đặc biệt về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, phát hành Tháng 12 năm 1988. Ban Chủ biên gồm các nhà văn Hồ Trường An, Phạm Quốc Bảo, Quyên Di, Võ Đình, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Đức Lập, Định Nguyên, Vô Ngã, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Khởi Phong, Bùi Vĩnh Phúc, Vũ Huy Quang, Đặng Phùng Quán, Nguyễn Văn Sâm, Nhật Tiến, Tưởng Năng Tiến, Nguyễn Bá Trạc, Kiệt Tấn và Võ Thắng Tiết)
 
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát
 
Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị kết án tử hình! Chỉ mấy chữ ngắn ngủi đó cũng đủ sức chấn động xô đẩy tôi đối mặt với cái gì bi tráng một cách kỳ dị của một cái gì đang còn sống một cách uy linh trên mảnh đất như chết của quê hương ngày nay.
 

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

ĐỌC “KHUNG TRỜI CŨ” THƠ TUỆ SĨ - Châu Thạch


   
                           Thiền sư Tuệ Sỹ

 
KHUNG TRỜI CŨ
                         
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ 
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang 
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn 
 
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở 
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan 
Cười với nắng một ngày sao chóng thế 
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng! 
 
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ 
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh 
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ 
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn 
                   
                                                       Tuệ Sỹ 
 

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THIỀN SƯ TUỆ SỸ – Nguyên Lạc


Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
 
Nhân ngày sinh của Đức Phật Thích Ca – Phật đản sinh ngày trăng tròn tháng Vesakha/ Vaisakha theo lịch Ấn Độ (ngày 15/4 theo âm lịch), tôi có vài hàng về thầy Tuệ Sỹ - Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.
 
. Sơ lược về đại lễ Phật đản Vesak:
Lễ Phật đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật: gồm có lễ Vu Lan, lễ Thành đạo và lễ Phật đản.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.
 
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì thường tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch hàng năm. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).
Đại lễ Phật đản Vesak năm nay, Phật lịch 2565, rơi vào ngày Thứ Tư Wednesday, May 26, 2021, tức vào rằm tháng 4 âm lịch.
 

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

THIỀN SƯ TUỆ SỸ VIẾT VỀ THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN

 
                                Thiền sư Tuệ Sĩ và thi sĩ Nguyễn Đức Sơn

1.

Sinh ra để làm thơ,
đó là Định mệnh?
Hay lịch sử?
Hay cái gì nữa?
 
Có bao nhiêu câu hỏi tương tợ như vậy, nghĩa và vô nghĩa, để chắp cánh cho ta đi tìm một bóng dáng huyền thoại của một nhà thơ chỉ một mà thôi?
Không; không có câu hỏi nào cả. Neti, neti, Tatt vam asi.
Không có gì cả.
Chỉ có tiếng hú, và huyền thoại của tiếng hú, trong cơn lốc quằn quại của con vượn biết mình đang tan vào lượn sóng, chồm lên hung hãn đòi hỏi phẩm chất làm người. Sóng gào thét với gió ngàn bạt đỉnh, nhận chìm tiếng hú xuống dòng xoáy của hư vô. Từ đó, loài người xuất hiện, lầm lũi bước đi trong bóng đêm u tịch, nghe sau mình tiếng vọng đuổi theo; tiếng vọng của những quá khứ đã chết, những tháng ngày bay vèo theo xác lá khô. Đâu đó, nghe ngân dài: Ôi tình Yêu! Ôi Vĩnh Cửu? Tiếng ngân ấy, rung lên giai điệu nhẹ nhàng, thướt tha, và cũng tha thiết. Tiếng thơ của ai? Hay của con người, chỉ một con người, đứng ôm mặt trời nóng bỏng trên đỉnh Trường Sơn. Thế rồi, thiên địa bất nhân, coi vạn vật như chó rơm, cho sinh thêm một con người nữa, để có thể hỏi: Thơ là gì, là tình yêu hay tội lỗi?
 

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

LẦN GIỞ TRƯỚC ĐÈN THƯ KHÁNH TUẾ CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH TUỆ SỸ - Trần Kiêm Đoàn



Sau mùa An Cư Kiết Hạ năm nay, Phật lịch 2564 (2020), Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước được đón nhận lời pháp thoại của Thầy Tuệ Sỹ qua Thư Khánh Tuế đầy tâm huyết trước thực trạng “tình đời và lẽ đạo” hiện nay của Đạo Phật Việt Nam với hai hình thức tổ chức giáo hội song hành: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN).