BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Long Hải. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Long Hải. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

CHÙA PHẬT LỒI - Hoàng Long Hải

                                Kể chuyện Quảng Trị "tui"
 
Tác giả Hoàng Long Hải

1./ Mới đây, xem trên Youtube, tôi thấy ông Lê Mạnh Thát nói chuyện "Phật Giáo đời Hai Bà Trưng". Câu chuyện làm "tui nhớ Quảng Trị tui", thời tui còn thơ ấu, tức là thời "Tây qua giăng giây thép", tàu bay Mỹ cũng chưa đến thả bom ở Quảng Trị, làm "sập cầu Ga".
 
​Ông Mạnh Thát bảo, đạo Phật truyền vào nước ta hai ngàn năm trăm năm, nhưng người Việt ta thì đã có bốn ngàn năm lịch sử. Đạo Phật, khi vào "nước ta" thì thẳng từ Ấn Độ qua, tới với người Chàm. Trong một số di tích của người Chàm còn lại, có ghi chữ Phạn.
 

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2022

TIẾNG HÁT - Hoàng Long Hải


Tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải

 
“… dĩ vãng là thơ
Đem thơ về ghép nhạc, thành khúc tình ca”
                   (Nhật ký đời tôi – Thanh Sơn)
 
Thân tặng chị Bích Huyền, người phụ trách Chương Trình Thơ Nhạc của đài VOA, như một lời cám ơn sâu nặng!
                                                                               Tác giả
 
Vào những buổi chiều giữa mùa hè, khi trời ít mây, cảnh mặt trời xuống thấp dần trên rặng Trường Sơn, đẹp một cách lạ lùng!
Hồi xế chiều, khi trời còn sáng, mặt trời đã nghiêng về phía Tây, nhưng hình dạng còn nhỏ, chỉ bằng một cái dĩa bàn. Đến khi mặt trời sắp đụng tới đỉnh núi Trường Sơn, mặt trời to hơn, có khi bằng một bánh xe đạp.
 

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

TIẾNG CÒI TÀU! - Tùy bút của Hoàng Long Hải

                           (Gởi mấy cô cậu học trò Quảng Trị)
 
Tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải
 

“Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu,
Ngàn đời không đủ sức đi mau”
                                              Tế Hanh

Hình ảnh nước ta đấy!
                                       hoànglonghải
            
Lần họp mặt “Đồng hương Quảng Trị” ở Houston, tôi có nói chuyện với một số anh em về “Ô Châu ác địa”. Hai năm sau, lại mặt “Đồng hương Quảng Trị” ở Atlanta, tôi lại nói chuyện về “tiếng còi tầu” trên những ga xe lửa ở Quảng Trị, Đông Hà. Tôi khẳng định rằng bởi vì “tiếng còi tàu” đó mà một số “eng, ả” (anh chị) Quảng Trị có “máu văn nghệ”, ưa làm thơ, làm văn. Ít thì vài ba bài, tham gia làm báo làm bung cho lớp, cho trường hay báo chí ở Saigon, có người in vài ba tập thơ.
           
Trong các tác phẩm của họ thấp thoáng hình ảnh những “con tàu đen đi lầm lũi” hay thoảng nghe đâu đó trong những “trang văn nghệ” có tiếng còi xe lửa.
           
Dĩ nhiên, cũng có người không đồng ý với tôi. Nhạc sĩ Trúc Phương quê ở Cầu Ngang, tỉnh Bến Tre, nhạc sĩ Lam Phương quê ở Rạch Giá, mấy nơi nầy có xe lửa đâu mà nhạc của họ cũng có nghe “tiếng còi tàu thét vang” vậy.
 

Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

NGÀY XUÂN ĐỌC CHUYỆN KHÔNG VUI – Hoàng Long Hải


Nhà văn Hoàng Long Hải (Tuệ Chương)


“Mồ côi
tội lắm ai ơi!”
 
Cuối năm 1945 đầu năm 1946, người miền Trung, có thể cả người Bắc nữa, tham gia “Nam Bộ Kháng Chiến” đông lắm. Có lần chị cả tôi cùng “đoàn thể” lên ga xe lửa Quảng Trị để “hoan hô” “tiếp tế quà bánh” cho thanh niên các tỉnh phía ngoài đi “Nam Bộ Kháng Chiến”. Họ đi Nam bằng xe lửa. Xe chỉ nghỉ lại ở ga Quảng Trị một thời gian ngắn, và cũng để đón thêm thanh niên Quảng Trị cùng đi về Nam.
 

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

NÔM NA LÀ CHA MÁCH QUÉ - Tuệ Chương Hoàng Long Hải


            
                  Tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải


           NÔM NA LÀ CHA MÁCH QUÉ

Nhân dịp“Viện Việt Học” vừa cho xuất bản “Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn”
                                                         
Lời nói đầu:

Khi còn ở trong nước, tôi có định kiến với những người trẻ lớn lên ở hải ngoại. Họ học ở nhà trường Âu Mỹ, nơi có bết bao nhiêu cái hay cái đẹp để tìm hiểu. Chỉ nói riêng các nhà văn Pháp trong “Thế Kỷ Ánh Sáng” cũng quá đủ cho những ai muốn tìm hiểu về dân chủ, tự do, nhân quyền, cũng như học thuật, tư tưởng hiện đại. Ở Mỹ, đọc Jack London, ai không say mê. Còn nói tới John Steinbeck hay William Faulkner, Hernest Hemingway, những nhà văn lớn được giải Nobel, với bao nhiêu tác phẩm của họ, chỉ mới đọc thôi, cũng đủ “mệt”, nói chi tới những công trình nghiên cứu về họ, bỏ thì giờ học và nghiên cứu về họ thì coi như mất hết cả một thời mê đọc sách, nói sao cho hết. Vậy mà khi tới trại tỵ nạn, tôi suýt giật mình vì một bản tin nhỏ đăng trên tời “Diễn Đàn Tự Do” xuất bản ở Virginia, về một cô sinh viên đang chuẩn bị luận án tiến sĩ . Cô ta dự tính về Việt Nam để nghiên cứu về Nguyễn Bỉnh Khiêm cho luận án ấy. Dưới con mắt của Công An [], có thể họ cho rằng cô nầy chẳng nghiên cứu gì hết, chỉ là nại cái cớ để về Việt Nam với sứ mạng nào đó do CIA giao phó.
Tôi không nghĩ như vậy. Văn học cổ Việt Nam, tuy chịu ảnh hưởng văn học Tầu khá đậm nhưng không phải là không có những cái đặc sắc của nó. Thậm chí còn hay hơn cái gốc mà nó chịu ảnh hưởng.
Người Việt Nam học cổ văn, ít ra, người ấy cũng có đọc truyện Kiều. Có người mê Kiều là đằng khác. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một tác phẩm chữ Nôm có nguồn gốc bên Tầu viết bằng chữ Hán, nhưng truyện Kiều của tay hay quá, hay hơn truyện Kiều của Tầu nhiều lắm, coi như một biểu tượng đặc sắc của văn học Việt Nam, có thể góp mặt với các tác phẩm nổi tiếng khắp năm châu bốn biển. Trong khi đó truyện Kiều của Dư Hoài bên Tầu thì chẳng ai đánh giá cao. Tỳ Bà Hành cũng vậy. Không thiếu người “mê” Tỳ Bà Hành. Theo nhiều nhà Nho thì Tỳ Bà Hành chữ Nôm của Phan Huy Vịnh hay hơn Tỳ Bà Hành chữ Hán của Bạch Cư Dị khá xa. Thế hệ ngày nay chịu ảnh hưởng văn học Âu Mỹ khá đậm,, nhứt là văn học Pháp, không thiếu người bắt chước, mô phỏng, dịch hay “chạy” theo, cũng “dịch hạch”, cũng “nôn mửa”, cũng “phi lý” nhưng xem ra các “đệ tử” bên ta thua “sư phụ” bên Tây nhiều lắm, không như người xưa, có theo đó mà vượt qua đó. Đủ biết chúng ta cần học tổ tiên ta thêm nhiều hơn nữa, làm sao để như người xưa, vượt qua những khuôn vàng thước ngọc do người đi trước đã bày ra.
Tôi từng có cái may mắn mười năm dạy cho học trò những tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tôn, Đoàn Thị Điểm, Ôn Như Hầu ở các lớp Đệ Ngũ và Đệ Tam, nên vì chén cơm mà cố tìm hiểu các tác giả nầy.
Cái đặc sác bậc nhứt trong thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “vô vi” của Lão. “Vô vi” là không làm cái gì trái với đạo Trời, với thiên nhiên: “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá, Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.” Về ăn thì, mùa nào, trời cho cái gì, ăn cái đó, không bày biện phức tạp, cầu kỳ. Về chơi “Xuân tắm hồ sen hạ tám ao” thì chính là điều tự nhiên theo thiên nhiên vậy. Nguyễn Bỉnh Khiên là bậc “đạt nhân quân tử”, khi gặp thời thì giúp vua trị nước, gặp lúc nịnh thần lông hành thì cáo quan về “ngao du sơn thủy”, không vì cái công danh mà ràng buộc thân mình. Chưa kể khi nói tới Trạng Trình mà không nói tới “Sấm Trạnh Trình” thì sự thú vị mất đi nhiều lắm.
Bản tin trên tờ “Diễn Đàn Tự Do” ám ảnh tôi 15 năm, nhất là bây giờ xuất hiện nhều bài viết bàn về chữ Nôm trên các trang Web. Chữ Nôm là chữ của người Việt Nam, nhưng từ khi có chữ Quốc ngữ, các tác phẩm chữ Nôm được viết lại bằng chữ Quốc ngữ, khiến có người quên mất, tưởng như không có sự xuất hiện của chữ Nôm một thời gian dài trong lịch sử văn học nước ta. Do vậy, tôi thấy việc nghiên cứu chữ Nôm là cần thiết. Văn học chữ Nôm là một nền văn học lớn của người Việt Nam, cần tìm hiểu lại từ đầu. Đọc nó, những bài thơ như “Vua dụ Vương Tường gả cho chúa Thuyền Vu”, “Vua Trần Trùng Quang tiễn Nguyễn Biểu đi sứ” hay bài văn Nôm đầu tiên, bài “Văn Tế Cá Sấu của Nguyễn Thuyên”… sẽ thấy rằng, cách nay cả ngàn năm mà sao văn thơ chữ Nôm hồi ấy hay như thế!!!!
                                              Tác giả Tuệ Chương Hoàng Long Hải

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2019

VĂN MINH CÁI ĐÒN GÁNH - Tuệ Chương Hoàng Long Hải




  VĂN MINH CÁI ĐÒN GÁNH 
                                                                Hoàng Long Hải


Trong thơ thì có: “Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” (Ca dao), trong nhạc thì có “Gánh, gánh, gánh… Gánh lúa về…” (Gánh Lúa – Phạm Duy và Lê Yên). Về địa lý, người ta ví đồng bằng sông Nhị và đồng bằng sông Cửu Long như hai thúng gạo, miền Trung là cái đòn gánh. Phạm Duy viết: “Gạo Nam, gạo Bắc, đòn miền Trung, gánh đừng để rơi.”

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

GIÓ BẤC - Hoàng Long Hải


               
                      Tác giả Hoàng Long Hải


              GIÓ BẤC

               “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam”
                                                          (Tục ngữ)

      Chẳng ai lấy vợ đàn… ông. Cũng có nghĩa rằng chẳng ai làm nhà quay về hướng khác, nhất là hướng bắc, mà nhà thì phải quay về hướng nam.
      Hướng bắc là hướng gió Bấc thổi, lạnh lắm, nên muốn tránh cái lạnh của gió Bấc người ta phải quay mặt nhà về hướng nam.
     Câu tục ngữ nói trên là của đồng bào miền Bắc Việt Nam.
Đó cũng là kinh nghiệm sống, kinh nghiệm dựng nhà của người ngoài đó. Nhà đã quay về hướng nam, cửa chính cũng không làm rộng, cửa sổ đã nhỏ lại nằm trên cao. Dĩ nhiên, đó là những nhà tranh thuộc các gia đình trung lưu hay nghèo khó, là những nét đặc biệt của lối kiến trúc người Bắc, vừa ngăn cái lạnh của gió Bấc, vừa giữ trộm cắp, nhà lại kín đáo. Người ta thường dấu cái nghèo của mình, cháo thay cơm, hay ăn sắn khoai trừ bữa cũng không ai hay.
      Mái nhà xuống thấp, trùm kín phần trên vách để che mưa. Hơn nữa, cửa chính nhỏ và hẹp, cửa sổ nhỏ và cao để việc sinh hoạt trong nhà được kín đáo nên trong nhà thiếu ánh sáng tự nhiên.
Làm nhà hướng về phía nam có thể đón gió nồm thổi mát vào mùa hè. Hai chái phụ ở hai đầu, một hướng đông, một hướng tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều.
Trước nhà trồng cau (để đón gió nam mát) sau nhà trồng chuối (lá chuối ngăn bớt gió bấc lạnh mùa đông).
Người đàn bà vắng chồng, đêm đêm ôm con, nghe tàu lá chuối bị gió đập phía sau hè, lòng buồn lắm. Đó là nguồn hứng khởi của câu ca dao:

      “Gió đưa bụi chuối sau hè
       Anh nghe vợ bé, bỏ bè con thơ.”
     
Người giàu làm nhà ngói, nhà cao cửa rộng, tác giả không bàn ở đây.

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2019

“GIÓ NAM NON…” - Hoàng Long Hải


               
                          Tác giả Hoàng Long Hải


“GIÓ NAM NON…”

“Gió Nam non thổi lòn hang cóc…”

Tôi yêu Quảng Trị của tôi vì tôi sinh ra và lớn lên ở nơi ấy, dù ở đó cảnh sắc có đẹp hay không.
Dù không đẹp, nhưng vì nó là nơi tôi chôn nhau cắt rốn, nơi tôi lớn lên cùng với gia đình, cha mẹ, anh chị, bà con xóm làng, học hành vui chơi cùng bạn bè, thì không đẹp, quê hương tôi cũng cứ đẹp vô ngần. Tôi yêu quê hương tôi là tôi yêu cảnh sắc nơi ấy, tôi yêu người dân ở nơi ấy, không cần biết ai giàu ai nghèo, ai bần cùng, ai sang trọng. “Chốn quê hương đẹp hơn cả”, sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư nói vậy đấy!
Người dân quê tôi càng nghèo, tôi càng thấy yêu họ hơn, mà Quảng Trị tôi thì nghèo nhất trong các tỉnh nghèo của miền Trung. Miền Trung nghèo vì miền Trung chỉ là cái đòn gánh, oằn lên vai chị, vai mẹ, như câu tục ngữ “đòn gánh đằn vai”. Hai đầu Nam Bắc mới giàu, hai đầu là hai thúng gạo: “Gạo Nam, gạo Bắc, ấy đòn miền Trung”. Phạm Duy viết như thế.
Miền Trung nghèo vì “đất cày lên sỏi đá”. “Quê hương anh, nước mặn đồng chua, quê hương tôi đất cày lên sỏi đá”. Đất ấy chỉ có thể trồng khoai sắn. Dọc miền Trung, tỉnh nào cũng nhiều khoai sắn, ăn khoai sắn thay cơm. “Bên nồi khoai mới luộc, ngát thơm vườn ngâu thưa...” Phan Lạc Tuyên viết như thế khi theo Quân Đội Quốc Gia “tiếp thu” Bình Định năm 1954.

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2019

CHẦN CHẦN ƠI HỠI CHẦN CHẦN - Hoàng Long Hải


               
                          Tác giả Hoàng Long Hải


        CHẦN CHẦN ƠI HỠI CHẦN CHẦN
         (Tặng Trần Quốc Phiệt, “người Chợ Cạn” - Tác giả)
                                                                  
“Chần chần ơi hỡi chần chần,
 Ham ăn bỏ việc không mần mạ la”
                                      (Ca dao)

      Ốc chần chần nhỏ bằng hột nút áo, dẹp, xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ. Tất cả đều xoắn theo một chiều đó mà thôi, cả triệu con chưa chắc đã có con ốc nào có đường xoắn ngược lại. Tỷ lệ đường xoắn rất đều, từ trung tâm mà ra, ở tâm thì nhỏ, to ra dần dần. Nếu dùng thước mà đo - có lẽ cũng khó đo lắm - hay như bây giờ, dùng computer mà đo, tỷ lệ trong nhỏ ngoài to không xê xích chút nào. Đó là sự nhiệm mầu của Tạo Hóa.

           

       Ốc chần chần thường màu trắng, có những đường viền theo hình xoán ốc màu đỏ nhạt, kèm theo là những đường xanh nhạt; trông cũng không đẹp lắm, nhưng cũng không xấu. Mùa hè - chỉ mùa hè mà thôi - người miệt biển gánh lên thị xã Quảng Trị bán chần chần nhiều lắm. Ốc chần chần đã nấu chín, đựng trong thúng cạn, đong bằng cái chén nhỏ, hay bằng cái “loon” sắt, không bán chung với nước như hến hay chắt chắt. Thường người bán cho thêm mấy cái gai cây bưởi. Dùng gai đó để lể, tức là móc con chần chần từ trong vỏ ốc ra.

                

       Ăn chần chần không cần thêm nước chấm - nước mắm pha ớt, gừng chẳng hạn, luộc bằng nước biển hay vì con chần chần ở biển, đã mặn sẵn. Cái gai bưởi dùng nhiều lần bị cùn, không móc được nữa, thì dùng “kim găm”, - có nơi gọi là “kim băng”, mấy cô bà thường dùng găm ngang túi áo, để đồ đạc trong túi khỏi rớt ra ngoài; mũi kim băng bằng sắt, nhọn, móc đầu con chần chần ra nhanh và dễ hơn.

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019

BÔNG QUỲ - Tùy bút của Hoàng Long Hải


     


     BÔNG QUỲ
      Tùy bút của Hoàng Long Hải

       Cuối con đường đi về nhà ngoại tôi, gần ngã ba gặp đường Cửa Hậu, có một cây cầu đúc bằng xi-măng. Bên dưới cầu là một con hói khá lớn, nối từ bốn cái hồ chung quanh Thành Cổ Quảng Trị với sông Thạch Hãn. Mỗi năm, khi tới mùa lũ, theo thời tiết ở miền Trung thì “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”, nước nguồn đổ về tràn lên hai bờ sông thì nước sông cũng theo con hói nầy mà vào các hồ chung quanh thành cổ. Nước hồ lên cao.