Dấu
tích của những vị chúa Nguyễn buổi đầu mở cõi nay còn ở Trà Bát (nay là làng
Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, Quảng Trị). Cho dẫu còn ít ỏi và
phần nào hoang phế thì ngần ấy dấu tích vẫn đủ sức thức gợi cả một trời quá khứ.
Vùng Trà Bát bây giờ thật quạnh hiu. Ảnh: Lê Đức Dục
Trà
Bát chính là nơi Nguyễn Hoàng trút hơi thở cuối cùng vào năm 1613. Trước lúc
lâm chung, cũng tại Trà Bát, ông đã triệu người con trai thứ sáu là Nguyễn Phúc
Nguyên đang làm trấn thủ Quảng Nam về cầm tay dặn dò: “Đất Thuận - Quảng phía bắc
có núi Hoành Sơn, sông Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía nam có núi Hải
Vân, núi Thạch Bi vững bền, núi sinh vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng
võ của kẻ anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh thì chống chỏi với họ Trịnh đủ
xây dựng sự nghiệp muôn đời, nếu thế lực không địch được thì cố giữ đất đai để
đợi thời cơ chứ đừng bỏ hỏng lời dạy của ta”. Vâng mệnh cha, từ dinh Trà Bát
này Nguyễn Phúc Nguyên đã nối ngôi chúa chăm lo việc phòng thủ, sửa thành lũy,
đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài mến phục gọi ông là Chúa Sãi hay Sãi
Vương.