BÓNG THIÊN ĐƯỜNG CUỐI TRỜI THÊNH THANG
Tuấn ơi,
Khi chú viết những dòng này cháu đã nằm dưới lòng đất lạnh. Nhưng chú tin linh hồn cháu đang tới cửa thiên đường. Người phàm thì chẳng thể thấy được thiên đường và thiên đường có tồn tại hay không luôn là dấu hỏi to tướng. Chú là người tin vào đời sống tâm linh, tin con người có linh hồn. Vì vậy chú tin rằng sau khi linh hồn lìa khỏi thể xác, vẫn con một cõi nào đó cho linh hồn trú ngụ. Cõi đó có thể là cõi trời, cõi thiên đàng, là niết bàn, hay miền tây phương cực lạc... Chắc chắn là có một nơi chốn trong những cõi đó, mà cũng có khi tất cả những chốn đó chỉ là một.
Trong kinh thánh chúa Ki Tô có nói phúc cho những ai không thấy mà tin. Chúa lại nói phúc cho những ai khốn khó trong linh hồn, vì nước trời là của họ. Chú là người không theo đạo, lâu lâu lại ngang ngang như... em Kiệt của cháu. Vì vậy cho phép chú cải biên lời của Chúa thành: " Phúc cho kẻ hèn mọn là cái thằng tôi đang viết những dòng này vì tin rằng nước trời là của cháu tôi, Phao Lồ Đoàn Minh Tuấn." Câu cải biên này chia ở thì hiện tại y như thì của hai câu thánh kinh bằng tiếng Latinh vừa trích dẫn.
Ở cõi trời cháu thấy chú có đúng không? Cháu được lên trời còn chú thì được hưởng phước. Chú cháu mình đều hưởng lợi. Phật dạy cái gì có lợi cho mình mà cũng lợi cho người thì nên làm. Chú tin lời Phật nói. Vì vậy Phật dạy chú vâng lời.
Đưa di thể của cháu về quê, lòng chú buồn vô hạn và có khi lẩn thẩn tự hỏi phải chăng cõi trần này quá chật hẹp nên cháu buồn, cháu chán, cháu mới bỏ về trời ?
Hai ngày cùng cha mẹ cháu lo lễ tang chú lại suy nghĩ khác, rất khác đi nhiều. Này nhé, để chú kể cho cháu nghe nhé:
23h45' đêm 14 tháng tám cô Hoa gọi điện cho chú báo tin cháu mất. Giọng cô nghẹn ngào và đau đớn, điện thoại rơi và máy tắt. Hay tin, chú hốt hoảng rụng rời. Thím Sửu và em Hà biết tin ngồi khóc. Chú Vững đến nhà tang lễ An Bình và khóc suốt đêm. Cô Lan cũng đau đớn khóc không kém. Khi chú báo tin cho cô Vinh và cho cô biết chú đang chạy xuống nhà cháu. Cô Vinh lấy bụng mình mà đo bụng chú. Cô dặn chú chú chạy xe chậm và chạy cẩn thận. Cô sợ lòng chú bấn loạn nên đi đường dễ bị tai nạn. Đến nhà cháu khoảng 24h đêm, nhà cửa lặng im, mẹ cháu một góc và ba cháu một góc, buồn và im lặng không biết phải làm gì. Buồn như giọt máu lặng lẽ nơi này. Ở bên kia nước Mĩ, em Nhi gọi điện về giọng thảng thốt có phải anh Tuấn mất thiệt không ba. Nhi gọi điện vào lúc cả điện thoai của chú và điện thoại thím Sửu hết pin vì liên lạc qúa nhiều. Anh Khanh, em Kiệt, chị Mây của cháu cứ tự trách phải chi trước đó làm cái này, làm cái kia thì cháu đâu bị tai nạn như vậy. Người thân thích ruột thịt của cháu cứ làm như tai nạn cháu gặp này là lỗi của mình.
Cháu thấy đó cả nhà ai cũng yêu mến cháu. Cha mẹ, anh em ruột, cô, chú ruột, anh em cô cậu, chú bác ruột đều yêu mến cháu hết. Đó là chú chưa kể các bà con khác nữa như chú Bảo ở nguyên đêm tại nhà tang lễ An Bình (quận Tân Phú - TP. HCM) với anh Khanh và chú Vững. Gần sáng Bác Lành cũng đến thăm cháu, rồi nhiều người thân nữa...
Được gia đình yêu thương như vậy làm sao mà cõi trần này chật hẹp và buồn chán cho được?
Nhã Trúc, bạn gái cháu thời xưa đang ở Mĩ đã khóc hết nước mắt khi nghe tin cháu mất. Mây đen vần vũ bầu trời Cali. 18h chiều ngày 16 tháng 8, Quỳnh - một bạn gái nữa của cháu từ Sài gòn lặn lội thuê xe ra để thắp nhang cho cháu. Thắp xong lại lên đường về ngay. Nước mắt và nỗi buồn của Quỳnh có thể làm tím cả trời chiều thành phố. Chú e rằng tím cả những chiều sau đó nữa. Giờ hạ huyệt, Thanh Trang - một bạn gái học cùng lớp thời cấp II của cháu lặng lẽ thổn thức khóc. Huyệt vừa lấp đất, bạn lặng lẽ ra về, một mình. Ừ, chú thấy.ra về chỉ một mình và lặng lẽ.
Làm sao mà trần thế này chật hẹp được khi lòng người rộng mở ??
Hai đêm cháu yên nghỉ tại nhà ba mẹ cháu. Cháu lắng nghe nhân thế bằng hai tai. Một tai ngoài rạp và một tai trong nhà. Ngoài rạp là bạn bè cháu đến tiễn biệt cháu. Mỗi đêm có chừng 30 bạn đến chia tay, bạn ở công ty Đại Dương có 14 người đến lúc 12h đêm và sáng 4h về thành phố HCM để kịp làm ngày thứ năm. Bạn học của cháu thì nhiều, đến lai rai suốt ngày và về đêm thì tụ họp khoảng mươi lăm người, thức sáng đêm. Ai cũng khen cháu hiền và dễ mến cả. Bạn bè thì đông, lại có bia, có mồi, có bài 52 lá, có cả cờ tướng nữa. Thế hệ 8X khi chia tay mang niềm vui nhân thế cho bạn làm hành trang lộ phí lên đường đến cõi trời. Cõi trần vui cháu hỉ. Vậy thì sao cháu vội đi ?
Ở nhà trong cứ 6h đến 10h tối là thay phiên nhau từng tốp, từng tốp khoảng mươi, mười lăm người đến đọc kinh cầu nguyện. Chú ngồi lắng nghe lời nguyện mang máng như thế này: Kiếp người mong manh, thân người từ cất bụi mà thành nên sẽ trở về với cát bụi. Chết không phải là hết, đừng lo sợ. Chết chỉ là chuyển đổi đời sống này sang một đời sống vĩnh hằng hơn nếu có niềm tin và có phẩm hạnh tốt. Nói cháu đừng cười, chú nghe giáo họ La Vang đọc lời chúa Ki Tô mà chú tưởng lời Phật dạy. Này con, đời là vô thường, cõi đời là cõi tạm. Thân này do tứ đại có duyên mà hợp thành. Chết hay chưa chết có khác nhau là mấy. Không tức thị sắc, sắc tức thị không. Nếu con dẹp được tham sân si, không còn sợ hãi, nếu tâm con vô quái ngại thì con... nhập niết bàn.
Chú biết, Chúa là Chúa mà Phật là Phật. Tư tưởng của hai tôn giáo không như nhau. Nhưng ở thời khắc đất trời giao hoà đó chú thấy điểm gặp nhau của hai cội nguồn bầu sữa của nhân loại.
Khi đưa cháu từ nhà thờ ra nghĩa trang. Chú lại nhớ Ỷ thiên Đồ long kí của Kim Dung : "Sống có gì vui, chết có gì khổ, bao hỉ lạc bi sầu, đều trở thành cát bụi, thương thay cho con người, sao lo buồn lắm vậy?" Lời kinh giáo chúng Minh giáo và giáo chúng Bạch Mi giáo đọc trên Quang Minh Đỉnh có khác gì lời Chúa, lời Phật? Chú cháu mình là con trai Đoàn tộc, phái Nhâm, chi Thượng, mê kiếm hiệp là yếu tố truyền tông.
Đi ngang qua nhà chú, bỗng nhiên cháu rắc hoa. Cả đoàn xe dừng chừng ba phút. Chú hiểu, cháu nói lời chia tay. "Những hẹn hò từ nay khép lại, thân nhẹ nhàng bay lên. Có nụ hồng ngày xưa rớt lại, bên cạnh đời tôi đây". Ừ, thì chú cháu mình chia tay. Cháu đến cuộc đời này ba mươi năm. Còn chú sinh ra ở vai trên, chú sinh trước cháu những hai mươi ba năm. Nên chú làm chú, mà cháu làm cháu. Ba mươi năm chú cháu mình bồng bềnh bình thuỷ tương phùng. Giờ thì chia tay.
Và đột nhiên chú hiểu. Cuộc đời đẹp, lòng người rộng mở, cháu đã đến cuộc đời này và đã sống hết mình, sống chan hoà, vui vẻ với nụ cười trên môi. Đến giờ cháu phải đi. Cháu chào cuộc đời bằng nụ cười. Nụ cười mà ba cháu thấy, chú thấy, anh Khanh thấy, em Kiệt cũng thấy. Một nụ cười thật tươi với khuôn mặt an nhiên.
Vậy thì lên đường cháu nhé. Chú mắt phàm không thấy cổng thiên đường, chỉ thấy bóng dáng thiên đường. Chú mượn nhạc Trịnh công Sơn tiễn cháu đi. "Xin cho một người vừa nằm xuống, thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang".
Thị xã La Gi, 22h ngày 17 tháng 8 năm 2012
Chú Lợi