BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Lan Chi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Lan Chi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

VỚI PHAN NI TẤN, VẬN NƯỚC NỔI TRÔI VÀ GIÒNG NHẠC ĐẤU TRANH “HƯNG CA”, MỘT THUỞ MANG ĐÀN ĐI MỞ LỐI - Hoàng Lan Chi



Lời Giới Thiệu:

Phan Ni Tấn, một người đa tài với những bài thơ, nhạc phẩm nặng tình quê hương. Bài hát nổi tiếng là “Phải Lòng Con Gái Bến Tre” và bài “Bài Ca Học Trò”, một bài hát xưa từ trước 75 mà rất nhiều người không biết Tấn là tác giả. Đã rất nhiều người viết về Tấn. Mỗi bài nhận xét là một vẻ, một bông hoa về văn, thơ, nhạc của Tấn.
 
Tôi quen Phan Ni Tấn dịp nào thì không nhớ. Chỉ biết có thời Tấn đưa tên tôi vào một web do Tấn lập, mục “các người viết phụ nữ” hay đại loại gì đó. Mở ngoặc, tôi không phải là “người viết” chuyên nghiệp. Tôi yêu khoa học kỹ thuật và tôi cũng từ đó tốt nghiệp. Văn chương với tôi là son phấn và tôi nhẩy lò cò vào vài lãnh vực cho vui: văn, thơ, phỏng vấn, viết nhận xét. Nổi trội nhất là… thời sự cộng đồng và sau này thời sự Mỹ! Tuy vậy, nhiều độc giả ưa thích mục phỏng vấn vì theo họ, những câu tôi hỏi là hay. Họ cũng thích những bài nhận xét của tôi cho văn, thơ, nhạc vì họ cho rằng tôi nhận xét tinh tế và không quá “nịnh”. Đóng ngoặc. Giải thích thế cho vụ Tấn xếp tôi vào mục “người phụ nữ viết”.

Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI CON GÁI ĐẤT BẮC TẠI SÀI GÒN TRƯỚC 1975 - Hoàng Lan Chi


    
                 Tác giả Hoàng Lan Chi


        HỒI KÝ CỦA MỘT NGƯỜI CON GÁI ĐẤT BẮC 
        TẠI SÀI GÒN TRƯỚC 1975 
                                                              Hoàng Lan Chi

Tôi còn nhớ ruộng miền Nam nhiều nơi không chia bờ rõ rệt. Tôi còn nhớ cây trái Lái Thiêu không vạch lối ngăn rào. Tình hàng xóm là tất cả. Khi chia rào, ngăn lối là xúc phạm. Tự người dân quê biết đâu là đất là vườn của mình. Vào vườn Lái Thiêu cứ tha hồ ăn. Chỉ khi mua về mới phải trả tiền. Ôi sao ngày ấy người ta hiếu khách và cuộc sống thanh bình đẹp đẽ quá! Có phải là một phần nhỏ thiên đường nơi hạ giới chăng?…

Năm 1954 – 1960
Ngày ấy tôi còn bé lắm. Lênh đênh trên chuyến tàu cuối vào Nam theo cha mẹ chứ chẳng biết gì. Chuyến đi êm đềm không gì đáng nói. Tôi thấy người Pháp cũng đàng hoàng. Thì đâu chả thế. Cũng có người này người kia. Người hèn nhát, kẻ can đảm. Người quá khích, kẻ trung dung. Người Pháp trên tàu tử tế. Họ cho ăn uống đầy đủ. Tôi không hiểu tại sao họ phải tốn đủ thứ để đưa người di cư vào Nam. Nếu họ cứ mặc kệ thì không biết số dân Bắc có đến được miền Nam dễ dàng không…

Đầu tiên chúng tôi cặp bến Vũng Tàu. Rồi xe đưa vào Sài Gòn. Chúng tôi ở tạm tại Nhà Hát sau này được sửa thành Tòa Quốc Hội, mấy hôm sau thì phân tứ tán. Chính phủ trợ cấp cho mỗi đầu người là bao nhiêu đó, tôi không nhớ vì quá bé.

Nơi tôi ở đầu tiên là Cây Quéo, đường Ngô Tùng Châu. Gia đình tôi là người Bắc đầu tiên đến đây. Sau này đọc truyện và biết con trai Bắc hay bị con trai Nam uýnh và xỏ xiên: “Bắc kỳ ăn cá rô cây”… Không rõ có đúng không, nhưng gia đình tôi hên. Nơi xóm nhỏ, người Nam thật thà đôn hậu. Họ cư xử tử tế với chúng tôi. Đôi khi tôi lẩn thẩn nghĩ, hay vì gia đình tôi là nhà giáo? Tinh thần tôn sư trọng đạo đã ăn sâu trong giòng máu dân Việt? Họ rất tôn trọng và lễ phép đối với cha mẹ tôi. Một điều “thưa ông giáo”, hai điều “thưa bà giáo”...