Kỷ
niệm 11 năm ngày mất của thi sĩ triết gia Phạm Công Thiện (8. 3. 2011 - 8.3 2022) chúng tôi đăng
bài viết của du sĩ Tâm Nhiên.
Chân dung Phạm Công Thiện do hoạ sỹ Trần Thế Vĩnh vẽ
Có những con người đến rồi đi qua mặt đất, trần gian
này như một cơn giông tố bão bùng, sấm sét, gây chấn động kinh hồn, làm bùng vỡ
một điều chi kỳ vĩ, tinh khôi trên bầu trời tâm thức nhân loại, Phạm Công Thiện
là một con người độc đáo như vậy.
Đấy là một giáo sư, tư tưởng gia, nhà văn, nghệ sỹ hay
một thi sỹ kỳ tuyệt thiên tài, như đại văn hào Henry Miller từ Hoa Kỳ đã phát
biểu trong một thư gởi Phạm Công Thiện, đề ngày 8.8.1966:
“Mới
ở tuổi 25 mà là khoa trưởng văn chương ở một đại học nổi tiếng trong xứ sở của
ông, quả nhiên là thiên tài. Điều đó thật phi thường quá, quả thật khó tin, thật
như chuyện huyền thoại.”
Đúng vậy, một
con người đã đến và đi như huyền thoại giữa cuộc sống thiên diễn, đầy biến động
trên quê hương đất nước Việt Nam.
Làm sao nói về con người kỳ diệu này? Vào một chiều
tháng 6, bắt đầu mùa hạ năm 1941, Phạm Công Thiện ra đời bên dòng sông thơ mộng
Cửu Long.
Dòng sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, ngút ngàn
chảy xuống dọc ven bờ phố thị Mỹ Tho, một thị xã nhỏ nhắn, lặng lẽ hiền hòa ở
miền Nam.
Thi sỹ lớn lên từ đó, từ thuở nhỏ vốn bẩm sinh thông
minh xuất chúng, học một biết mười, đến độ thông thạo nhiều ngôn ngữ, đọc hàng
đống sách đủ loại Đông Tây kim cổ…
Suốt ngày đêm cứ mặc sức mơ mộng, rong chơi và tha hồ
tắm sông lội nước, nằm ngắm mây trời bay lãng đãng, xa xôi…
Rồi bất thình lình, đột ngột một hôm vụt đứng dậy, xuất
hiện trên văn đàn Việt Nam như một tài năng kiệt xuất, lỗi lạc, biết nhiều thứ
tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hán, Phạn, Pali, Tây Tạng, Tây Ban Nha…