BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

MỘT MẢNH TÌNH CHUNG THỦY - Ngô Viết Trọng




“Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự,
Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương
Quê người đành gởi thân trăm tuổi
Cuộc thế mong gì nợ bốn phương!”
                          (Thượng Tân Thị)
 
Mùa hè năm 1914 vua Duy Tân lại ra nghỉ mát ở Cửa Tùng. Lần này triều đình chỉ định quan thượng thư Bộ Học kiêm Cơ Mật Viện đại thần Hồ Đắc Trung theo hầu ngự. Năm này vua cũng vừa bước lên tuổi mười bốn. Hai hôm trước khi đi, vua nói với ông Trung:
- Năm nào đi nghỉ mát tôi cũng tắm, cũng bơi, cũng nằm phơi nắng trên cát một mình thật buồn tẻ quá. Nghe nói thầy có mấy người con trai cũng đang nghỉ hè, bảo họ đi chơi với tôi cho có bạn được không?
Ông Trung ngập ngừng:
- Đa tạ hoàng thượng đã chiếu cố đến đám trẻ của hạ thần. Chỉ sợ chúng quê mùa dốt nát chưa thông lễ nghĩa lỡ xúc phạm oai trời hạ thần lại mang tội.
- Thầy ngại cho con ra tắm biển có thể gặp chuyện nguy hiểm chứ gì? Chắc thầy chưa rõ Cửa Tùng là một bãi biển đẹp, mát mẻ và yên bình nhất ở Trung Kỳ? Người Pháp vẫn mệnh danh Cửa Tùng là Nữ hoàng của những bãi tắm (La Reine des plages) mà! Tắm và nghỉ ngơi ở đó tốt cho sức khỏe lắm. Thầy yên chí đi!
- Vậy xin phép hoàng thượng cho hai con trai của hạ thần là Hồ Đắc Điềm và Hồ Đắc Di cùng đi cho vui. Nếu chúng vụng về sơ sót điều gì xin hoàng thượng lượng thứ.
- Không sao. Điềm với Di chắc xuýt soát tuổi tôi?
- Tâu vâng, chúng chỉ trội hơn hoàng thượng một hai tuổi!
- Quá tốt! Kế Điềm với Di còn người nào nữa không?
- Tâu, còn hai đứa. Nhưng lại đều là con gái.
- Chắc các em đều còn nhỏ?
- Tâu vâng. Một lên mười, một mười hai.
- Như vậy đâu còn nhỏ lắm? Thầy nên cho hai em đi chơi luôn để hai em vui chứ! Mọi thứ cần thiết tôi sẽ cho người lo giúp, thầy khỏi bận tâm.
- Tạ ơn hoàng thượng!
 

XUÂN KHÊ THÔN, ƠN LÃO ĐƯA ĐÒ – Đinh Hoa Lư



Cuối năm 1975 có mấy trại tù cách Làng Nại Cửu Phường khoảng vài cây số (làng này Ái Tử ngó lên hướng núi). Chúng tôi nhờ đi lấy kẽm gai ngoài phi trường cũ nên tôi có đi vô thăm chùa Ái Tử. Có ai đó thấy tôi và nói với gia đình tôi ở Mỹ Tho rằng tôi còn sống.

TÌNH – Thơ Tịnh Bình


  
             Nhà thơ Tịnh Bình

 
TÌNH
 
Bận chi lời gió gieo neo
Thương nhau chín núi mười đèo cũng qua
Sầu chi vời vợi trăng xa
Còn trong nhung nhớ riêng ta với mình...
 
                                          TỊNH BÌNH
                                            (Tây Ninh)

BÀN THÊM VỀ CÂU 'TAM NAM BẤT PHÚ' – Đặng Xuân Xuyến



Năm 2012, khi viết "Mạn Đàm Về Câu ‘Tam Nam Bất Phú’ ", tôi có đưa ra vài ý kiến:
 
"Qua kiểm chứng những gia đình có 3 anh em trai (chỉ 3 anh em trai rất hiếm gặp, mà cơ bản có thêm chị em gái) tôi thấy thường xảy ra (ít nhất là 2/3) các tình huống
 
- Bất hòa trong gia đình, kể cả sau này khi 3 anh em trai đã yên bề gia thất.
- Tai họa xảy ra cho 1 trong 3 người con trai: Nặng thì có người chết sớm (thường là chết trẻ, chưa có con cái), nhẹ thì bị tàn tật như thối tai, què chân hoặc những chứng bệnh nan y khó chữa...
- Đường hôn nhân của 1 trong 3 anh em trai gặp phải trắc trở, thiếu may mắn, không được trọn vẹn.
 
Có lẽ, đây mới là điều mà cổ nhân đúc kết: Nhà có 3 anh em trai thì khó có được sự phú quý, phúc thọ.
 

CHUYỆN BÀ GIÀ QUẢNG NAM MANG DÉP LÀO... - Lê Thí




Khoảng năm 1981-1982, đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau poóc-ba-ga cho khách ngồi… êm đít!

BẮC NINH THI THOẠI (KỲ 4) - Nguyễn Khôi

Bắc Ninh thi thoại của Nguyễn Khôi (Đình Bảng) đã tái bản nhiều lần ở Việt Nam, độc giả trong và ngoài nước đánh giá cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm này. Xin trích một số chương giới thiệu cùng bạn đọc.


Bài Thứ 10:
 
Tiếp theo các chí sỹ - thi nhân tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục, đầu thế kỷ 20 Bắc Ninh còn có nhiều thi nhân nổi tiếng.

Độc giả biết Ngô Tất Tố (1892-1954) qua Tiểu thuyết Lều chõng, Tắt đèn và phóng sự Việc làng, ký sự lịch sử Vua Hàm nghi với việc kinh thành thất thủ; với kiến thức uyên bác, ông còn nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực :
– Khảo cứu có “Phê bình Nho học của Trần Trọng Kim”, khảo cứu về Lão tử, Mặc tử, Văn học Lý, Văn học Trần, Hồ, Mạc, Tây Sơn...
– Dịch thuật có Đường thi, Hoàng Lê nhất thống chí, Kinh dịch;
– Về thi ca, ông có bài thơ rất nổi tiếng viết khoảng năm 1929 (Trên báo Thần Chung Sài Gòn):
 
NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI

Tiếng gà xao xác giục bên đường
Trên gối xui người dạ ngổn ngang
Ngày tháng mài mòi đôi má trắng
Nước non đeo nặng tấm gan vàng
Tánh chim mỏi cánh bay về tổ
Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng
Thôi cái cuộc đời còn thế thế
Làm trai chi giữa gốc tre làng
 
Thơ của một vị túc nho, nhưng không hủ nho. Bình cũ rượu mới. Một nửa là rượu nhà quê làng Cói, còn một nửa là rượu Hà Thành.
 
Đến Phong trào thơ mới (1930-1945), đất Bắc Ninh lại xuất hiện hai nhà thơ lừng tiếng Thế Lữ và Đoàn Phú Tứ.
 
Thế Lữ (1907-1989) quê Phù Đồng (nơi có đền thờ Phù Đồng Thiên Vương – Tháng Gióng).

Theo Hoài Thanh thì: “Độ ấy thơ mới vừa ra đời. Thế Lữ như vầng sao đột hiện ánh sáng chói khắp cả trời thơ Việt Nam”. Đó là “cái công Thế Lữ đã dựng thành nền thơ mới ở xứ này. Thế Lữ không bàn về thơ mới, không bênh vực thơ mới, không bút chiến, không diễn thuyết. Thế Lữ chỉ lặng lẽ, chỉ điềm nhiên bước những bước vững vàng, mà trong khoảnh khắc cả hàng ngũ thơ xưa phải tan vỡ”. Mặc dù bước sau Phan Khôi, nhưng Thế Lữ là nhà thơ đi đầu xuất sắc nhất của phong trào thơ mới. Thế Lữ là “ông Hoàng” của thời đại thơ ca mới.

Cho đến hôm nay, thì quê hương Bắc Ninh thân yêu vẫn hiện lên trong tâm trí ta một cái gì rất Việt Nam (xứ Giao Chỉ ngày xưa và Bắc Ninh đương đại) để ta yêu dấu đến nao lòng xứ sở miền quê quan họ này:
 
Sáng hôm nay sương biếc toả mờ mờ
Như hương khói đượm đầu cau, mái rạ
 
Với Thế Lữ thể thơ 8 chữ đã trở thành thể tiêu biểu của thơ mới. Đó là thể thơ ưu việt bởi tính chất gẫy gọn sinh động và đầy hình tượng hiện đại, đánh dấu một bướcphát triển nhảy vọt của tư duy thơ Việt nam:
 
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi…
 
Thế Lữ chủ trương dùng thơ ca để phụng sự cái đẹp của thế giới, của con người và tình yêu, phải chăng đó cũng là cái đẹp khuynh thành của Bà Chúa Chè, hoà nhịp với văn mạch dân tộc ở chặng đường tuyệt vời hứng khởi?
 
Bắc Ninh còn có Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ (1910-1989). Ông có thi phẩm bất hủ Màu Thời Gian, đồn rằng để tặng một giai nhân là con gái nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh (Nàng là em nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ?).
Bài thơ chỉ có 18 câu với 101 chữ của một tình yêu đơn phương, viết như thể không đâu vào đâu mà đủ cả nhạc, hoạ, thơ:
 
Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình.
 
Từ ngàn năm nồng ấm, ta (như Hoàng Đế) lặng dâng Nàng (phi tần của ta) cả “Trời mây phảng phất nhuốm thời gian”. Lãng mạn và phi thường quá, trên cả tầm hoàng tử yêu công chúa. Bởi thế thời gian mới có Màu và có Hương. Và cho dù như Hạng Vũ - Ngu Cơ, Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi, Trịnh Sâm - Đặng Thị Huệ, Quang Trung - Ngọc Hân… thì tình một thủa còn hương, bởi vì “hương thời gian thanh thanh, màu thời gian tím ngát” kia mà.
 

CHÙM THƠ “ĐOẢN KHÚC...” CỦA LÊ VĂN TRUNG


   


ĐOẢN KHÚC
 
Xin trải hết lòng thơm lên cỏ biếc
Cho em về ngà ngọc gót chân vui
Xin chảy với dòng suối nguồn tinh tuyết
Em về đây xỏa tóc gội mây trời.
 
Tình ươm màu nắng lụa
Thuở trăng vừa mười lăm
Tình thơm lừng mật sữa
Từ độ trăng nguyên rằm.
 
Em từ buổi trăng chưa rằm bóng nguyệt
Tóc trầm hương chải mộng suối trăng hồng
Ta từ buổi hồn thanh niên tuyệt bích
Bỗng sững sờ một đóa dạ quỳnh hương.
 
Tôi đang mơ giấc luân hồi
Mai kia gối mộng tay người trăm năm.
                            

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

KHÓC... – Thơ Trần Mai Ngân


 


KHÓC...
 
Em ngã vào hoàng hôn
Liêu xiêu, liêu xiêu gọi anh
Chỉ có nắng quái chiều nay rọi vào đôi mắt - giọt nước đầy rơi...rơi....
Em tự mình lau khô
Đưa bàn tay vuốt ve lan can chiếc cầu đã tróc hết nước sơn...
Chỗ đứng cũ...
Liêu xiêu, liêu xiêu...
Em ngã vào lòng hoàng hôn - khóc!
 
                                                                                  Trần Mai Ngân

CÔ MÙI CÒN KHÔNG - Nguyễn Đức Tùng



Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết “Xóm Cầu Mới” của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:
Mùi hỏi:
- Quả trứng gì?
- Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng dựng trên đĩa, cô làm thế nào?
- Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.
Siêu cười nói:
- Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế.
 

THƯƠNG VỀ QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


Đường Trần Hưng Đạo ngang qua hai tiệm sách Lương Giang và Sáng Tạo (kế hàng vàng Quảng Ngọc) năm 1967 - Hình Nguyễn Thái Belgium
 
Tôi hay tự hỏi mình: tại sao tôi hay viết về Quảng Trị? Một điều dứt khóat rằng tôi không mơ làm một nhà văn mà tôi viết do tôi thương tôi nhớ về kỷ niệm vĩnh viễn chẳng trở về. Bao lâu nay với những dòng viết vội nhưng tôi mang hoài bão vẽ lại hình ảnh một Quảng Trị ngày xưa nay nhạt nhòa trong trí nhớ bao người.

TÌNH CÀNG SÂU ĐẬM CÀNG NHIỀU ĐAU THƯƠNG – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì


Vào trang Facebook của Vân Anh, một bạn thơ quen thuộc, tôi tình cờ đọc được bài thơ Lòng Thật Bình Yên Mà Sao Buồn Thế. Cái tâm sự buồn não nuột của một cô giáo gặp cảnh tình ngang trái đã chạm vào “chỗ hiểm” nào đó trong trái tim đa cảm nên tôi đã dừng lại khá lâu. Thêm vào đó, phần thi pháp của bài thơ cũng có vài điểm đáng nói, đáng bàn nên tôi đã “xăn tay áo” viết mấy lời bình phẩm.
 
LÒNG THẬT BÌNH YÊN 
                           MÀ SAO BUỒN THẾ
 
Em kê dọn, xếp lại những nhớ nhung
Thuở tóc xanh mình đã cùng ước nguyện
Ngăn bên này, ngổn ngang bao lưu luyến
Kệ bên kia, ẩn hiện nỗi vui buồn
 
Đang giữa đông, trời cứ đổ mưa tuôn
Chẳng trôi hết giùm muôn vàn mỏi mệt
Giá ngày xưa người đi mang theo hết
Thì hôm nay em chẳng có cớ sầu
 
Nắng bây giờ hạnh phúc ở nơi nao
Hay dâu bể cũng nghẹn ngào lên mắt
Ngôi sao cuối trời xa chầm chậm tắt
Chữ nhoà rồi, lạc mất cả âm vần....
 
                                           Vân Anh
 
P/S: Chiều chủ nhật đầu tiên 2021
 

MÙA HÈ TUỔI THƠ – Nhật Quang


  


MÙA HÈ TUỔI THƠ
 
Hè về hí hửng tuổi thơ
Năm… mười, trốn chạy bên bờ ao quê
Lưng chiều túm tít triền đê
Lăng xăng bịt mắt bắt dê trốn tìm
 
Hè về bắt bướm, đuổi chim
Thập thò bờ sậy rình bìm bịp kêu
Lưng trần, tóc úa nắng chiều
Đua nhau chạy níu cánh diều bay cao
 
Hè về rón rén bờ rào
Chuồn chuồn vụt cánh bay vào dậu thưa
Trèo cây bẻ ổi, hái dưa
Hồn nhiên một thuở tắm mưa cởi truồng
 
Hè về nghe khúc ve buồn
Tuổi thơ trong trắng, tâm hồn tươi vui
Khép trang sách vở, trao dồi…
Đón năm học mới ươm ngời tương lai
 
Tuổi thơ thế hệ ngày mai…
 
                                          Nhật Quang

DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI, ĐOẢN KHÚC 26 - 30 (TRONG 100 ĐOẢN KHÚC) – Thơ Khaly Chàm


 
                      Nhà thơ Khaly Chàm

 
trích đoản khúc: dọc đường gió bụi
 
26.
trợn trừng nhẵn ngón yêu ma
cầm tay phiên bản tụng ca ái tình
điên mê gõ nhịp rập rình
mùi thân phận dại ru hình chưa em?
 
27.
úp ly nhốt mặt trời đêm
vòng tay khát lửa nhũn mềm hân hoan
bao năm nhảy múa nhập tràng
câu thề ta… đẫm máu tràn ngực khuya
 
28.
xòe tay nghiệm nắng phân chia
khói hồn vờn bóng xác lìa thức tâm
hé môi hút mộng thú cầm
thổi vồng ngũ sắc lạnh căm mặt người
 
29.
trôi vào nguyệt tận ba mươi
chìm trong mắt gió ma cười nhạo ta
lời em bao giọt thánh ca
màu sa thạch rụng vỡ ra biển tình
 
30.
nghe lau lách gọi tên mình
dư vang hóa bướm bình minh chập chờn
gầm gào chi nữa căm hờn
hai chân mắc bẫy chết đơn độc rồi
 
                                    khaly chàm

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

TRƯA – Thơ Tịnh Bình


  


TRƯA
 
Hình như bặt tiếng ve ran
Bướm vàng trốn nắng bên hàng giậu thưa
Tiếng gà tan loãng vào trưa
Sen ru giấc hạ lưa thưa gió nồng...
 
                                              TỊNH BÌNH
                                                (Tây Ninh)

NGƯỜI SÁT ÂM LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO – Đặng Xuân Xuyến



Theo tín ngưỡng dân gian thì người Sát Âm là người có thể nhìn thấy người âm, thậm chí nghe được người âm nói chuyện nhưng không giao tiếp (trò chuyện) được với người âm. Điểm đặc biệt ở người Sát Âm là dễ bị các âm linh mượn xác để nhập vong. Còn những người hoặc "có cốt tiên" (là những “tiên cô tiên cậu”, những "nguyên thần"... ở cõi Trời vì lý do nào đó mà đầu thai chuyển kiếp xuống cõi Trần), hoặc là "người của Tứ Phủ", có số "Mở Phủ Trình đồng" thì có thể giao tiếp với người âm, thậm chí còn tương tác tình cảm (ái, ố, hỉ, nộ) với người âm như hai người ở cùng một cõi.
 

TRƯỜNG LÀNG TÔI – Thơ Văn Thiên Tùng


 

(Riêng tặng Thầy Hiệu trưởng Bùi Hữu Cơ đồng quý cô Hoàng Thị Bê, Tạ Thị Hai - Nguyễn Thị Mơ và các bạn đồng môn của trường Long Hưng - xã Hải Thượng cùng NK 1960 -1966 và 4 chị em XL, XM, Đ, L)… Hằng năm trường có đến 70% học sinh 2 lớp Nhất A&B (gần 120 -130 hs) đều đậu vào trường Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, còn lại là TH. Bồ Đề đến TH. Thánh Tâm).

 
TRƯỜNG LÀNG TÔI
 
Trên đồi cát nơi đây còn lưu dấu
Dáng trường xưa - thầy cô tự thuở nào
Khuôn viên trường tường bọc "hóp- dứa" bao
Bấy cây phượng - lắm hàng dương rợp mát
 
Bảy phòng lớp cùng lối đi rộng ngát
Tứ hướng quanh sân cờ đẹp nhường bao…
Tuổi thần tiên ươm dệt tự thuở nào
Ngần kỷ niệm hằn in trường - lớp học
 
Những chữ cái - học vần hay tập đọc
Còn thuộc làu từng con chữ hôm nao
Hình dáng cô, uy phong thầy thuở nào
Đã khơi sáng tâm hồn ta ngày đó…
 
Những mùa hè thắm rực hoa phượng đỏ
Làm sao quên những hè luyện học thêm
Tiếng gió Lào - ve hòa khúc nhạc êm
Từng tốp - tốp bày trò chơi nào chán
 
Từng cọng "chứa" * thành lắm trò không ngán
Xếp chóng quay, đồng hồ buộc vào tay,...
Từng lối vào căng khắc nhịp đều tay
Bên hàng "hóp" * hơn thua trò câu cút
 
Bắt "rầy môốc - rầy mè" ** nhọc hơn chút
Đứa trèo cây - thằng đào cát bắt nào
Những trò chơi ù mọi... rộn ràng sao
Còn tung thẻ - nhảy dây,... thuần thục thiệt,…
 
Lắm trò chơi không thể nào kể xiết
Tháng năm học trò... Ôi! tuổi thần tiên
Từ lớp "Năm - đến Nhất" *** một mạch liền
Nơi đây đúng khởi bồi lực - tâm - trí.
 
Chặng tiếp đến theo đà ta vững chí…
Ôi! Ngôi trường thuở ấy của chúng ta
Trường Long Hưng Tiểu học ấy ấy mà...
Cảm ơn Thầy, ơn cô đồng trang lứa
 
Đã ươm mầm tri thức chặng đầu tiên!!!
Nào về thôi ...
Ta cùng ôn ... .
 và lật trang ký hôm nào!!!...
 
                  Mai Vân Văn Thiên Tùng
                              23/5/2021.
 
(1) Trường tiểu học Long Hưng chính thức tên gọi vào sau những năm 1946-1975. Trường được thành lập vào những năm 1930 với tên trường Yếu Lược - đến Bình dân học vụ và sau cùng tọa lạc trên đồi cát La Lã Hạ của Làng Long Hưng - xã Hải Thượng, quận Hải Lăng (sau đó quận Mai Lĩnh) bên cạnh cái bốt của Pháp gọi là Bậc - Đôốc, trường gồm có 5 phòng học chính rộng 8x10m, 1 phòng học phụ rộng 8x8m và 1 văn phòng Thầy cô cùng 1 phòng nhỏ giáo vụ & tài liệu thành hình chữ L hướng ra cổng theo Tây Bắc.
 
Từ khi trường Trung học Nguyễn Hoàng Quảng Trị được thành lập vào những năm 1952, hầu hết học sinh trường Tiểu Học Long Hưng đều lên học trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị cho đến năm 1975. Trường quy tụ học sinh các xã lân cận thuộc phía Tây Nam - Đông tỉnh lỵ Quảng Trị đến học và một phần con em các khu gia binh của căn cứ quân đội Miền Nam (TĐ1BB) xã Hải Trí cũng có khá đông hs về học tại trường....
 
Sau năm 1975, trường thay đổi tên trương cấp 1&2 Hải Thượng, trường Cấp 1 Hải Phú đến trương Trung Tiểu Học Hải Phú ( 2019).
 
* Chứa: Cây dứa có bẹ gai nhọn hai bên ngày xưa thường trồng làm hàng rào che chắn sự xâm nhập của động vật và người lạ vào... Trẻ thơ thường cắt tước bẹ ra làm chong chóng 4 cánh, đồng hồ đeo tay, các con châu chấu, chơi cáo gai ngược xuôi…


Hóp: Hóp là cây tre nhỏ nhưng có lóng dài, thường trồng làm hàng rào; có 2 loại: hóp rặt nhỏ bằng que đũa, các bạn nữ dùng làm thẻ để chơi tung banh, hóp "mỡ" lớn hơn ngón tay cái, thưa đốt, nên trẻ nhỏ dùng làm ông phóc, làm lạt cột bánh đòn, lạt bó lúa, dây buộc các đồ dùng, củi ...

** Rầy mô ốc - Rầy mè: Rầy mô ốc con rầy màu đà to tướng, thường đậu & sinh sống bầy đàn ăn lá cây dương liễu, học trò thường bắt nó cột dây chơi và thi đoán số ở trong cánh mỏng; Rầy mè con nhỏ màu xanh biếc thường ở sâu dưới gốc cây dương liễu (phi lao) trồng ở vùng đất cát trắng. Đào bắt chơi hoặc đem về chiên mỡ ăn rất ngon.
 
*** Lớp Năm đến lớp Nhất: Bậc Tiểu học trước những năm 1970 thì lớp Năm tức là lớp 1, lớp tư là lớp 2, lớp ba là lớp 3, lớp Nhì là lớp 4, lớp Nhất là lớp 5 bây giờ...
 

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THIỀN SƯ TUỆ SỸ – Nguyên Lạc


Thiền sư Thích Tuệ Sỹ
 
Nhân ngày sinh của Đức Phật Thích Ca – Phật đản sinh ngày trăng tròn tháng Vesakha/ Vaisakha theo lịch Ấn Độ (ngày 15/4 theo âm lịch), tôi có vài hàng về thầy Tuệ Sỹ - Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.
 
. Sơ lược về đại lễ Phật đản Vesak:
Lễ Phật đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật: gồm có lễ Vu Lan, lễ Thành đạo và lễ Phật đản.
Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.
 
Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì thường tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch hàng năm. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).
Đại lễ Phật đản Vesak năm nay, Phật lịch 2565, rơi vào ngày Thứ Tư Wednesday, May 26, 2021, tức vào rằm tháng 4 âm lịch.
 

BÂNG KHUÂNG LỐI VỀ - Thơ Tịnh Bình


  


BÂNG KHUÂNG LỐI VỀ
 
Hò ơ... Cây lúa trổ bông
Câu ca ngọt lịm đẹp lòng quê ơi
Mênh mang sông nước đầy vơi
Bờ dâu bãi mía đã vời vợi xanh
 
Bếp chiều sợi khói quẩn quanh
Cánh diều tuổi dại chòng chành giấc mơ
Tìm đâu thuyền giấy ngày thơ
Gọi cơn mưa cũ vô bờ yêu thương
 
Mẹ còn gánh gió đội sương
Dãi dầu năm tháng dọc đường nắng chan
Thị thành bao nỗi ngổn ngang
Quê hương máu thịt đa mang vào lòng
 
Hò ơ... Cây lúa trổ đòng
Vườn sau bụi ớt còn không chim chuyền
Lối về giọt nắng rơi xiên
Bâng khuâng chân bước giữa triền cỏ may...
 
                                             TỊNH BÌNH
                                               (Tây Ninh)

NHỮNG NGƯỜI CẦM TRỊCH NỀN VĂN HỌC CẢ NƯỚC SAU 1975 TỪNG NHÌN NHẬN VĂN HỌC MIỀN NAM RA SAO? – Vương Trí Nhàn


Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn


Nguyên là bài "Hòa giải văn hóa" của Gs Nguyễn Văn Tuấn đưa trên trang mạng Tin tức hàng ngày, 25-5-2021. Khi đưa lại tôi có bỏ bớt câu đầu, một câu không có gì là quan trọng.
 
Nhìn tấm hình Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (chắc ở tuổi 80), tác giả của 'Vòng tay học trò' nổi tiếng một thời, kí tặng sách cho các độc giả trẻ tuổi tôi thấy vui trong lòng. Vui là vì sau gần 50 năm thì những tác phẩm văn học kinh điển trước 1975 cũng đến tay các bạn đọc thuộc thế hệ trẻ. Nhưng sự kiện đó cũng làm tôi nhớ lại thời đen tối - vô cùng đen tối - sau 1975.
 

GỐC TÍCH “CON ĐƯỜNG NGỰ” TRƯỚC CỬA HẬU CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ - Đinh Hoa Lư


 
Trong bài ký ức HAI BÊN CON ĐƯỜNG NGỰ, người viết có giới thiệu sơ qua về lai lịch con ĐƯỜNG NGỰ. Nhưng do bài viết dài quá nên xin trích riêng GỐC TÍCH CON ĐƯỜNG NGỰ làm một bài riêng biệt để tiện bề cho bạn đọc theo dõi.
Trước tiên người viết xin dẫn trước Con Đường Ngự là con đường từ Cổng Thành Cửa Hậu (cổng Lao xá) ngó thẳng về tận con sông Vĩnh Định. Con đường này là con đường đất cao rộng, xe chạy được ngăn đôi cánh đồng Cổ thành ra hai. Nay Cửa Hậu thì còn nhưng ngó ra con đường đó thì bị xây nhà lấn chiếm hết dấu tích, chỉ còn một gờ đất mong manh ngoài đồng xa mà thôi.
                                                                                      Đinh Hoa Lư
 
CON ĐƯỜNG NGỰ là đường nào? Tôi viết đến đây chắc bạn đọc ít ai biết. Đó là con đường gắn liền với tôi lúc sinh ra cho đến lúc khôn lớn. Đó là chặng đường gần hai mươi năm tôi sống trước Cửa Lao Xá, Thành Cổ Quảng Trị.

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021

ĐIỂM DANH CHÍN LOÀI CHIM ĐƯỢC KHẮC TRÊN CỬU ĐỈNH CỦA NHÀ NGUYỄN - Quốc Lê

Cửu Đỉnh của Nhà Nguyễn (tiếng Hán: 阮朝九鼎) là chín cái đỉnh bằng đồng, đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào mùa đông năm 1835 và khánh thành vào ngày 1 tháng 3 năm 1837.

Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là nơi lưu giữ muôn đời những hình ảnh tượng trưng vẻ đẹp đất nước Việt Nam xưa. Mỗi chiếc đỉnh trong 9 chiếc đỉnh này lại tạc hình một loài chim khác nhau



1/
Cao đỉnh, chiếc đỉnh đầu tiên trong bộ Cửu Đỉnh nhà Nguyễn khắc hình tượng “Trĩ”, nghĩa là chim trĩ. Đây là các loài chim rừng có họ hàng gần với gà, sở hữu bộ lông mang màu sắc rất đẹp.
 


2/
Nhân đỉnh, chiếc đỉnh thứ hai trong bộ Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Khổng tước”, nghĩa là chim công. Đây là loài chim có bộ lông rực rỡ cùng chiếc đuôi dài có thể xòe ra như chiếc quạt. Vẻ đẹp lộng lẫy khiến công được mệnh danh là nữ hoàng của các loài chim.
 


3/
Chương đỉnh, chiếc đỉnh thứ ba của Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Kê”, nghĩa là con gà. Được thuần hóa từ loài gà rừng từ hàng ngàn năm trước, gà đã trở thành loài gia cầm gắn liền với các làng quê Việt Nam.
 
 

4/
Anh đỉnh, chiếc đỉnh thứ tư trong Cửu Đỉnh khắc hình “Khôi hạc”, nghĩa là chim hạc. Trong quan niệm của người xưa, hạc một loài chim tượng trưng cho tính cách của người quân tử. Đây cũng là hình tượng xuất hiện phổ biến trong nghệ thuật truyền thống Á Đông.
 
 

5/
Nghị đỉnh, chiếc đỉnh thứ 5 trong Cửu Đỉnh khắc hình “Uyên ương” là chim uyên ương. Đây là loài chim nước thuộc họ Vịt nổi tiếng với bộ lông muôn màu. Chim uyên ương cũng được coi là biểu tượng cho sự thủy chung do tập tính kết đôi đến trọn đời của chúng.
 


6/
Thuần đỉnh, chiếc đỉnh thứ 6 trong Cửu Đỉnh khác hình tượng “Hoàng anh”, nghĩa là chim vàng anh. Đây là một loài chim có bộ lông mang sắc vàng tươi, được nhiều người biết đến qua truyện dân gian "Tấm Cám".
 
 

7/
Tuyên đỉnh, chiếc đỉnh thứ 7 trong Cửu đỉnh khắc hình tượng “Tần cát liễu”, nghĩa là chim yểng. Đây là loài chim thuộc họ Sáo sống ở vùng đồi núi, thường được nuôi như một loài chim cảnh. Chúng nổi tiếng với khả năng nhại tiếng người.
 


8/
Dụ đỉnh, chiếc đỉnh thứ 8 trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Anh vũ”, nghĩa là chim vẹt. Vẹt là loài chim có màu sắc đa dạng, tính cách thú vị và cũng rất giỏi nhại tiếng người.
 


9/
Huyền đỉnh, chiếc đỉnh cuối cùng trong Cửu Đỉnh khắc hình tượng “Thốc thu”, nghĩa là chim phù lão hay chim già đẫy. Đây là một loài chim thuộc họ Hạc, có ngoại hình lạ mắt với cái đầu trọc lơ thơ tóc bạc như lão nông. Chúng là loài chim điển hình ở các vùng đất ngập nước Nam Bộ.
 
                                                                                             Quốc Lê
 
Nguồn:
https://kienthuc.net.vn/di-san/diem-danh-9-loai-chim-duoc-khac-tren-cuu-dinh-nha-nguyen-1540986.html