BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

PHÙ ĐIÊU BẰNG ĐÁ THỜI MINH MẠNG, BẢO VẬT QUỐC GIA



Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng (niên đại 1829) là tác phẩm bằng đá cẩm thạch còn lưu giữ dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng.
Trước khi Musée Khai Dinh (Bảo tàng Khải Định), nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập (trước năm 1923), phù điêu này đã được ghi nhận trong bài viết “Về chiếc đĩa chạm và thơ ngự bút của Minh Mạng” của R. Orband, đăng trên tạp chí Những người bạn Cố đô Huế (B.A.V.H, 1915) (*). Trong bài viết, tác giả gọi hiện vật này là “đĩa chạm”, mô tả nó thuộc bộ sưu tập của triều đình nhà Nguyễn và từng được trưng bày tại Tân Thơ Viện - tiền thân của Musée Khai Dinh.


Phù điêu hình tròn được chế tác từ phiến đá cẩm thạch, viền ngoài bọc khung gỗ. Mặt trước chạm khắc bức tranh nghệ thuật tinh xảo, mô tả cảnh sắc thiên nhiên và con người vô cùng chân thật với bài thơ do hoàng đế Minh Mạng sáng tác. Mặt sau khắc chìm bài “Minh”, cũng do Hoàng đế sáng tác. Đầu và cuối bài có ba dấu kiềm, bên trong khắc chữ Hán theo lối triện.


Phù điêu được đặt trên một chân đế bằng gỗ mun, trang trí chủ đạo với các họa tiết chạm khắc công phu. Mặt trước chân đế chạm nổi đề tài “Long ẩn vân” (rồng ẩn trong mây). Mặt sau chân đế chạm nổi đề tài “Lưỡng long tranh châu” (hai con rồng tranh ngọc). Phần chân đế dưới cùng của 2 mặt phù điêu trang trí họa tiết “Thủy ba” (sóng nước).


Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng là một kiệt tác chạm khắc đá. Từ một phiến đá liền khối, nghệ nhân đã tạo nên một bức tranh nghệ thuật hoàn chỉnh, thể hiện sự tinh xảo trong sắp đặt bố cục, điều phối không gian và chạm khắc từng chi tiết nhỏ như đình tạ, lầu các, cầu cống, cổ thụ, mây trời, mặt nước, con thuyền, chim muông và con người.
Ngoài ra, phần chân đế bằng gỗ mun cũng thể hiện kỹ thuật chạm nổi, khắc chìm và chạm lộng điêu luyện của thợ thủ công thời Nguyễn. Các họa tiết rồng, mây, sóng nước được khắc họa sinh động, mang giá trị mỹ thuật cao.

                       

 Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng gắn liền tên tuổi hoàng đế Minh Mạng, người có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.
Phù điêu này không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn là di sản tư liệu quý giá, phản ánh tư tưởng và dấu ấn của hoàng đế Minh Mạng - một vị vua có nhiều đóng góp quan trọng cho triều Nguyễn.

Hoàng đế Minh Mạng nổi tiếng với sự nghiêm cẩn trong chính trị, quân sự và văn hóa. Ông cũng là một nhà thơ lớn, để lại nhiều tác phẩm văn chương có giá trị. Bài thơ và bài Minh khắc trên phù điêu là minh chứng rõ nét về tư tưởng của ông.
Bài thơ (mặt trước phù điêu) ngoài việc đề cập đến xuất xứ và vẻ đẹp của phiến đá thì nội dung còn đề cập đến triết lý sống: Phàm là con người khi làm việc chớ có nôn nóng, hấp tấp, hãy để mọi thứ một cách tự nhiên, ắt sẽ thành công.


Bài Minh (mặt sau phù điêu) gồm 16 câu thơ, thể hiện triết lý “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, bộc lộ suy tư về vận nước, trách nhiệm của người đứng đầu đồng thời ca ngợi các bậc minh quân đời trước đã tìm ra đạo thánh hiền, khuyến khích hậu thế noi theo để trị nước.



                     

Những nội dung này phản ánh tư tưởng “Thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo” – dùng thơ để bày tỏ chí hướng và truyền tải đạo lý. Đây không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là một tư liệu quan trọng giúp nghiên cứu về tư tưởng và đường lối cai trị của vua Minh Mạng.
Phù điêu bằng đá thời Minh Mạng là một hiện vật độc bản, có giá trị đặc biệt về lịch sử, nghệ thuật và tư tưởng. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc đá hiếm hoi còn lưu giữ dấu ấn của một vị hoàng đế triều Nguyễn, đồng thời phản ánh trình độ chạm khắc đỉnh cao của nghệ nhân xưa.

Với những giá trị nổi bật này, phù điêu bằng đá thời Minh Mạng đã được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 13 vào ngày 31/12/2024. Bảo vật này đang được trưng bày tại điện Long An, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu và phát huy giá trị di sản văn hóa triều Nguyễn.
 
Chú thích:

(*) R. Orband (2018), “Về chiếc đĩa chạm và thơ ngự bút của Minh, Mạng”, Những người bạn Cố đô Huế, B.A.V.H, Tập II (1915), Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 370-373.
 *
Nguồn: Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình Huế

Không có nhận xét nào: