Đền Cờn được dân gian truyền tụng là một ngôi đền linh
thiêng bậc nhất ở đất Nghệ An. Đền tọa lạc tại làng Phương Cần, xã Quỳnh
Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 75km.
Truyền thuyết vùng Phố Hiến (Hưng Yên) kể rằng, sau
khi nhà Tống thất thủ bởi nhà Nguyên thì thái hậu, phi cùng công chúa và thị nữ
đã nhảy xuống sông tự tận. Xác của thái hậu, công chúa và thị nữ trôi dạt vào
vùng Cửa Càn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Người dân xã Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Nghệ
An) vớt xác thái hậu, công chúa và thị nữ lên lập đền thờ, gọi là đền Cờn. Còn
xác của phi trôi ngược ra bắc, dạt về vùng cửa sông Phố Hiến (nay thuộc thành
phố Hưng Yên), được nhân dân chôn cất chu đáo. Người nội thị của triều đình Bắc
quốc là quan thái giám họ Du trong cơn loạn lạc đã lưu lạc tới vùng Xích Đằng -
Phố Hiến, một đêm nằm mộng thấy Thái Hậu hiện về và nói:
“Chị em ta sau khi nhảy
xuống biển, thượng đế khen là trinh tiết, phong cho làm Hải Thần, các cửa biển ở
Châu Hoan, Sơn Nam đều thuộc chị em ta cai quản. Ông là tôi con của bản triều,
nay lưu lạc đất khách quê người, nên đến cửa Càn ở Hoan Châu thăm hỏi 1 lần rồi
đến thượng lưu Đằng Giang, hạ lưu Hoàng Giang huyện Kim Động, phủ Khoái Châu,
trấn Sơn Nam Thượng mà phụng thờ Quý phi”.
Tỉnh mộng, viên thái giám tìm đến
hai nơi thì quả nhiên như lời đã báo mộng. Ông ta trở lại Phố Hiến tập hợp những
người Hoa lánh nạn hưng công xây dựng đền thờ Mẫu và lập nên làng Hoa Dương.
Tương truyền, đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà
Trần và năm 1312, đền được vua Trần Anh Tông cho xây dựng lại và ban sắc chỉ
hàng năm tổ chức quốc tế.
Dưới triều nhà Lê, rồi đến triều nhà Nguyễn, ngôi đền
được nhiều lần trùng tu, sửa chữa và xây dựng mới nên mặc dù đền được xây dựng
từ thời nhà Trần nhưng kiểu dáng kiến trúc, cách bài trí đồ tế khí, chạm hoa
văn rồng, phượng... mang phong cách văn hoá cuối Lê đầu Nguyễn.
Hiện nay đền còn lưu giữ 142 hiện vật quý hiếm, đặc biệt
có 28 pho tượng đá và nhiều tượng gỗ cùng đồ tế khí là những tác phẩm nghệ thuật
có niên đại thừ thời Lê, có giá trị lịch sử văn hoá, tín ngưỡng.
Đền Cờn với những mẩu chuyện huyền thoại linh thiêng
được lưu truyền trong nhân dân và lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam,
đang ngày càng thu hút du khách thập phương về đây tham quan, nghiên cứu và
sinh hoạt tín ngưỡng.
Trước đây, lễ hội mở từ ngày 15 tháng chạp đến 30
tháng giêng âm lịch hàng năm. Nay lễ hội được tổ chức trong ba ngày 19, 20 v à
21 tháng giêng (âm lịch) hàng năm.
Đặng Xuân Xuyến
(Trích
từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến; Nhà xuất bản Văn
hóa Thông tin 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét