BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

TỪ NHÀ CHÚ HỎA ĐẾN BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP. HCM - Ngã Du Tử


       
                  Tác giả Ngã Du Tử trước Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM

TỪ NHÀ CHÚ HỎA ĐẾN BẢO TÀNG MỸ THUẬT TP. HCM

Cho đến bây giờ ít ai còn nhớ đến ngôi nhà 99 cửa của chú Hỏa (1845-1901) nguyên mẫu của kiến trúc sư người Pháp tên là Rivera bắt đầu thi công vào năm 1929 và được hoàn thành vào năm 1934, do con trai trưởng của Chú Hỏa quản lý. Bản vẽ có đến 100 cửa, thế nhưng vì phạm phải một sai lầm ghê gớm cửa chính ngôi biệt thự ấy còn lớn hơn cửa của quan to nhất Đông Dương lúc bấy giờ là Dinh Tòan quyền (nay là Dinh Thống Nhất), vì vậy nhà cầm quyền cấm mở cửa chính, nên chỉ còn 99 cửa như dân gian Sài Gòn thường gọi “Ngôi nhà 99 cửa”
Và đây cũng là ngôi biệt thự có thang máy đầu tiên tại Sài Gòn lúc bấy giờ.

Từ huyền thoại ngôi nhà và phim Con ma nhà họ Hứa

Thời bấy giờ đồn đoán rằng chú Hỏa tên thật là Hứa Bổn Hòa ông gốc người Tàu thời phản Thanh phục Minh chạy lánh nạn sang Việt Nam ghé lại Sài Gòn làm nghề ve chai -Thu nhặt phế liệu, do siêng năng chăm chỉ nên trở nên giàu có. Lại có đồn đoán rằng gia đình ông là người làm kinh tế cho chính quyền phong kiến Trung Hoa, khôn khéo giấu của cải đến khi yên ắng, ổn định ông mới bắt đầu phô trương thanh thế, với người viết bài nầy thì cho rằng dữ liệu sau có vẻ đúng hơn.


Ngôi nhà tọa lạc trong khuôn viên hơn 4000m2, bao quanh là 3 con đường Nguyễn Thái Bình, Phó Đức Chính và Lê Thị Hồng Gấm. Mặt tiền chính là 97 Phó Đức Chính, Q1, TP HCM bây giờ là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Ngôi nhà có kiến trúc khá hài hòa với phong cách Đông Á và Châu Âu, với một tầng trệt và 3 tầng lầu, mái được lợp ngói với phong cách Á đông, tường dày 40- 60 phân, sàn các tầng lát gạch đều khác nhau, các cửa sổ có kính màu đậm nét của thời phục hưng châu Âu. Đây là một kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Sài Gòn- TP. HCM.


Phim CON MA NHÀ HỌ HỨA là phim đen trắng, bắt đầu bấm máy năm 1972 và hoàn tất năm 1973 do xưởng phim Dạ Lý Hương sản xuất, đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, dựa theo câu chuyện kể và thêu dệt về cô tiểu thư Hứa Tiểu Lan con chú Hỏa vì mang bệnh phong cùi, thời ấy là bệnh nan y không thể chữa trị, được trình chiếu tại Sài Gòn như một hiện tượng lạ đến nổi các tờ báo lúc bấy giờ ồn ào về doanh số thu. Cụ thể: Công chiếu ngày đầu tiên doanh thu là 4 triệu rưỡi, hơn cả phim màu “Nhà tôi” cũng đình đám thời ấy nhưng chỉ 3 triệu mà thôi.

Đến Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

Năm 1987, TPHCM giao ngôi nhà 97 Phó Đức Chính, Q1 cho Bảo tàng Mỹ thuật quản lý, hơn 2 năm kiến thiết và chỉnh trang năm 1989 đã đi vào hoạt động đón tất cả những ai muốn tham quan, với cách sắp xếp và bài trí khá hợp lý.
- Tầng 1 được dành để triển lãm, trưng bày, kinh doanh tranh và tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
- Tầng 2 trưng bày các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật đương đại.
- Tầng 3 trên cùng trưng bày các bộ sưu tập mỹ thuật cổ đại, cận đại và mỹ thuật thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, mục đích cho những người yêu thích văn hóa nghệ thuật tha hồ khám phá và tìm nguồn cảm hứng sáng tạo

Hơn 30 năm một chặng đường khá dài các thế hệ lãnh đạo và viên chức Bảo tàng Mỹ Thuật đã rút ra nhiều kinh nghiệm càng ngày càng hoàn thiện hơn.
Bảo tàng Mỹ thuật cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo quản các hiện vật và di sản, rất hợp lý về khoa học bảo quản
Những vấn đề được quan tâm đúng mức hơn về việc bảo quản hiện vật là Bảo tàng Mỹ thuật đã đầu tư lắp đặt hệ thống kệ, giá treo cho các kho tranh, trang bị các máy hút ẩm, đo nhiệt độ, độ ẩm, đặc biệt là trang bị các tủ chuyên dụng, các loại hộp, giấy lót chuyên bảo quản các hiện vật bằng giấy, phim ảnh.

Một trong những khó khăn lớn nhất là công tác bảo quản các tác phẩm mỹ thuật đương đại gồm nhiều chất liệu, chế độ bảo quản đòi hỏi phải nghiêm ngặt hơn tất cả các chất liệu, để hạn chế ảnh hưởng xấu đến hiện vật, Bảo tàng Mỹ thuật đã cố gắng phân thành các kho bảo quản theo từng chất liệu: sơn mài, sơn dầu, lụa, giấy, gốm v.v…

Theo tư liệu của Bảo tàng Mỹ thuật thì:
Năm 2017 Bảo tàng Mỹ thuật tiếp nhận khuôn viên còn lại (phía sau tòa nhà II), đúng dịp kỷ niệm 30 năm thành lập cũng là dịp kết thúc quá trình tiếp nhận và mở rộng cơ sở vật chất với ba tòa nhà trên toàn bộ khuôn viên gần 10.000m2 tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh.

Nếu như, khi thành lập, ngày 5-9-1987, Bảo tàng Mỹ thuật được UBNDTP Hồ Chí Minh chính thức giao khu nhà 97 A (nhà I), đường Phó Đức Chính, Quận 1 làm trụ sở. Công việc bắt đầu từ sự cải tạo nội thất của tòa nhà vốn là công sở và nơi ở, chứ không phải công năng của một bảo tàng thì tháng 6 năm 2009, Bảo tàng được giao thêm tòa nhà 97 Phó Đức Chính (nhà II). Do nhiều lý do khách quan và chủ quan, đầu năm 2011 mới thực hiện xong việc cải tạo tòa nhà và một phần sân vườn. Ngày 23-4-2011 tòa nhà đã được đưa vào sử dụng với tầng II làm khu trưng bày chuyên đề và tầng trệt dùng cho các triển lãm ngắn hạn. Tòa nhà I trở thành khu trưng bày thường xuyên các sưu tập của Bảo tàng. Cuối năm 2014, Bảo tàng được giao thêm tòa nhà 54 Nguyễn Thái Bình (nhà III), khu nhà cuối cùng trong khuôn viên.

Hiện tại Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM có 4 phòng, 3 phòng chuyên môn: Phòng nghiên cứu sưu tầm, phòng trưng bày giáo dục truyền thông, phòng kiểm kê bảo quản và 1 phòng hành chánh trang bị khá tốt để phục vụ.

Như vậy, tính từ năm 2017 hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật đã có diện tích toàn khu bảo tàng là gần 10.000m2. Dự án cải tạo mở rộng Bảo tàng Mỹ thuật sẽ tiếp tục thực hiện với dự kiến xây thêm một tòa nhà thứ tư đáp ứng cho yêu cầu về kho hiện vật, mở rộng khu trưng bày và khu vực hành chính. Tòa nhà này sẽ được thiết kế sao cho phù hợp nhất trong ba tòa nhà đáp ứng yêu cầu về công năng và thẩm mỹ kiến trúc.

Trong bảo tàng Mỹ thuật hiện tại đã có bộ sưu tập trên 21.000 tác phẩm đủ chủng loại từ khắp đất nước. Chúng ta có quyền hy vọng càng ngày Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sẽ là nơi xứng đáng hơn với một vị thế là bảo tàng về mỹ thuật to lớn của cả nước.

                                                                                    Ngã Du Tử 
                                                                              (Phạm Ngọc Dũ)
                                                                             Tel: 0908 059 222
.........

Bài viết này đã đăng trên tạp chí “Môi trường & đô thị VN, nhưng BBT tạp chí nhầm lẫn tên tác giả là Võ Thu Sơn thay vì Ngã Du Tử


         

Không có nhận xét nào: