BÂNG KHUÂNG

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI GIÁP THÌN 2024 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

CẢM TÁC DẠY “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA” - Võ Bích Phượng

Chiếc thuyền ngoài xa là tên một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho đề tài đời tư – thế sự của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975. Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 1 tháng 10 năm 2007) cũng chọn và coi đây là tác phẩm hay nhất của nhà văn. Tác phẩm này đã được đưa vào giảng dạy ở chương trình chính thức Sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 12 bắt đầu từ năm học 2008–2009 qua một đoạn trích phần giữa truyện.


   
                           Cô giáo Võ Bích Phượng


CẢM TÁC DẠY “CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA”
(Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu)

Mỗi khi nghe bão khơi xa
Lại nhớ câu chuyện... đàn bà không tên
Phận người xấu xí, lênh đênh
Mà tấm lòng đẹp vượt lên cõi người !
Bao dung, thấu hiểu lẽ đời
Hi sinh đổi lấy nụ cười đàn con
Ngồi tù... chứ chẳng ly hôn
Thương chồng, chấp nhận roi đòn chồng ban
Đến tòa lạy lục vái van
Ly hôn thì sẽ nát tan gia đình!
Cúi xin chánh án thương tình
Cho đàn con nhỏ yên bình: có cha!
Còn khi biển nổi phong ba
Có người chèo chống vượt qua bến đời
Ăn xương rồng luộc tháng trời
Miễn là đông đủ an vui cả nhà!
Đã mang thân kiếp đàn bà
Sống cho con. Sống chính là vì con!
Thâm tình đạo lý giản đơn
Đẹp thay tình mẹ nghĩa ơn một đời!

Chiếc thuyền lưới vó xa khơi
Vào bờ buổi sớm lẫn hơi sương mù
Ngoài trời lác đác mưa thu
Mũi thuyền gọng vó hình thù cánh dơi
Màn sương sữa đục mù khơi
Quyện hồng tia nắng ấm trời hừng đông
Nhìn qua mắt lưới: lạ lùng
Khiến người nghệ sĩ là Phùng ngẩn ngơ!
Trần gian cảnh đắt trời cho
Bức tranh tuyệt bích nên thơ dâng đời
Liên thanh bấm máy... bồi hồi
Cái Đẹp - Đạo đức đây rồi đâu xa!
Tâm hồn thanh lọc hoan ca
Ngày mai có thể về nhà sướng vui
Rằng nghệ thuật đẹp tuyệt vời
Ngắm chiếc thuyền ở ngoài khơi xa bờ
Cuộc đời vừa đẹp vừa thơ
In trên tờ lịch giấc mơ thật hồng!

Trên thuyền lưới vó mui cong
Bước xuống một lão đàn ông dữ dằn
Chân đi chữ bát hung hăng
Tấm lưng rộng, miệng tục tằn quát lên
“Cứ ngồi nguyên đấy, ngồi yên!
Động đậy tao giết... chẳng tên nào chừa!”
Lời hăm dọa ấy trước giờ
Đàn con chục đứa... trong mơ hãi hùng
Thản nhiên chẳng chút bận lòng
Sải chân lão bước nhanh mong lên bờ
Mái tóc tổ quạ xác xơ
Đôi mắt độc dữ chực chờ đỏ gay...
Xoáy ánh nhìn sắc dao phay
Người đàn bà ấy tóc tai cháy vàng
Thân người cao lớn dềnh dàng
Ngoài bốn mươi tuổi, gọi hàng chài thôi
Tấm lưng bạc phếch, rách tơi
Mặt rỗ chằng chịt rối bời mắt thâm
Thâu đêm kéo lưới tháng, năm
Thân dưới ướt sũng vì ngâm nước bùn
Hai tay buông thõng, chân run.
Dấu trên cát những tận cùng nỗi đau
Như là cuộc hẹn cùng nhau
Vợ đi trước chồng theo sau, bất ngờ
Lão chồng hùng hổ côn đồ
Trút cơn thịnh nộ điên rồ dã man
Nghiến răng ken két nguyền, than:
“Chúng mày chết hết ông van, ông nhờ !”
Rút thắt lưng, quất như mưa
Trút cơn lửa cháy cho vừa hờn căm...
Người đàn bà ấy âm thầm
Đứng yên. Không chạy. Lặng câm. Cúi người!
Cắn răng không hé một lời
Không chống trả. Không van nài. Không la!
Kinh hoàng há hốc mồm ra
Phùng vứt máy ảnh thật mà không hay
Phía sau như mũi tên bay
Thằng Phác lao tới chặn ngay roi đòn
Với bao nhiêu nỗi oán hờn
Đánh cha. Bênh mẹ thỏa cơn bất bình!
Người mẹ sụp xuống vái xin
Luân thường đạo lý con mình bất nhân
Làm sao có thể phân trần:
“Rằng mẹ tự nguyện lấy thân chịu đòn
Cho cha trút nỗi nguồn cơn
Vì không nuôi nổi vợ con của mình!
Cha con vốn rất hiền lành
Không biết uống rượu, chưa đành đánh ai
Còn là cao thượng trước nay
Bao dung che chở giang tay... lỗi lầm...”
Vỗ về mẹ, nỗi đồng tâm
Con lau nước mắt lặng câm chan hòa
Đọng trong nốt rỗ lệ nhòa
Bất ngờ mẹ đẩy con ra, quay về!
Như là chỉ một cơn mê
Chiếc thuyền lưới vó - lời thề với con!
Như chưa hề có trận đòn
Mới vừa trút xuống hãy còn lằn roi
Sá gì vết xước ngoài thôi
Ba ngày một trận lành rồi sẽ vui!

Phía sau nghệ thuật, cuộc đời
Nhiều gai góc, lắm tiếng cười, nỗi đau!
Thương người nhớ Nguyễn Minh Châu
Mênh mang tình mẹ ơn sâu đáp đền !

            Tánh Linh, cuối hạ (8.8.2020)
                      Võ Bích Phượng

Không có nhận xét nào: